Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   NSNA Trần Đàm với sách ảnh "Nơi chim Hạc cất cánh" - Trịnh Vĩnh Đức
NSNA Trần Đàm với sách ảnh "Nơi chim Hạc cất cánh" - Trịnh Vĩnh Đức

Tôi thường gọi NSNA Trần Đàm là người đa tài. Vì lĩnh vực nào ông cũng làm hài lòng độc giả của mình bằng các tác phẩm đặc sắc. Vừa là nhà báo, nhà thơ, nhà LLPBVH, nhưng có lẽ nhiếp ảnh là lĩnh vực ông để lại nhiều dấu ấn hơn cả. Tháng năm làm báo là quãng thời gian gắn liền với rất nhiều những chuyến đi bất tận, những lần “xê dịch” ấy cũng là nguồn cơn và điều kiện cho cảm xúc được thăng hoa đúng với bản chất “tự do sáng tạo” ở Trần Đàm. Những chuyến đi không mỏi ấy đã đem đến cho ông rất nhiều ý tưởng, kinh nghiệm và những chiêm nghiệm, suy tư mà từ đó đã có rất nhiều tác phẩm ảnh giá trị ra đời. Nhiều người thường gọi ông là người có con mắt xanh trong tư duy nhiếp ảnh. Vì thế các tác phẩm ảnh của ông luôn có chiều sâu của ý tưởng và nghệ thuật, điều này đã được khẳng định trong làng ảnh của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. 
Sách ảnh với tên gọi “Nơi chim Hạc cất cánh” của ông như một ký sự bằng ảnh ghi lại biết bao khoảnh khắc tươi đẹp về những vùng đất mà tác giả có dịp đặt chân tới, trong đó điểm nhấn là thành phố Thanh Hóa, một thành phố năng động, đang vươn lên mạnh mẽ. Nơi chim Hạc cất cánh được ông chia ra nhiều chủ đề nhỏ: Non nước hữu tình; Diện mạo mới thành tựu mới, Chân dung cuộc sống. Cách bố cục sắp xếp tương đối hợp lý. Người xem có thể hình dung được về núi non, sông hồ, cầu đường, nhà cửa, đất đai đang chuyển mình thay da đổi thịt. Về hình thức, sách ảnh in đẹp. Ảnh bìa trang nhã, có chiều sâu nghệ thuật, ánh sáng tự nhiên và đường nét sắc sảo. Hình ảnh những con chim Hạc cất cánh là biểu tượng khơi nguồn cho cảm xúc, chứa đựng yếu tố nghệ thuật rực rỡ trong cách thiết kế, tạo mầu và ánh sáng. Thực tế chim Hạc là loài chim mang ý nghĩa tượng trưng được người Việt cổ tôn vinh như một biểu tượng linh thiêng, có giá trị văn hóa lâu bền. Cái chính ông đã lấy hình ảnh con chim Hạc trên mặt trống đồng làm biểu tượng hồn Việt để khơi nguồn cảm xúc chảy dài trong tư duy sáng tạo cũng như các tác phẩm của mình.
Ở phần 1 với tên Non nước hữu tình có chiều sâu trong mạch nguồn tâm thức. Đặc biệt vùng đất cổ Hàm Rồng, nơi đây kết tinh nền văn minh hơn 4000 năm lịch sử, có vị trí chiến lược quan trọng của cả nước. Núi Rồng, núi Ngọc với truyền thuyết rồng thiêng nhả ngọc đã đi vào thi cổ. Trần Đàm là nhà thơ lại là người có vốn văn hóa rộng nên mỗi khi thả hồn chớp được cảnh đặc sắc là ông thu ngay vào ống kính. Ông không những khám phá cảnh trí Hàm Rồng bằng những bức ảnh tuyệt mỹ núi non hùng tráng mà còn có sự đan kết trong sáng tạo bằng những gam mầu tương phản của độ sáng tối để rồi làm bừng sáng cảnh sơn thủy hữu tình tráng lệ, mênh mang. Hình ảnh núi Rồng chạy dài nhấp nhô như sóng lượn có thân hình trông xa uốn lượn 99 khúc đậm chất sử thi, là một kì quan của thành phố Thanh Hóa. Núi Đọ nơi phát tích cội nguồn sinh sống của loài người từ thời tiền sử và núi Vồm đã đi vào câu chuyện dân gian đặc sắc nói về cuộc đấu vật giữa ông Bưng và ông Vồm trong một lần đọ tài cao thấp đã được NSNA Trần Đàm kể lại bằng những khung hình đầy mê hoặc chắc chắn sẽ còn đọng lại trong tâm trí nhiều thế hệ. 
Ông là nhà thơ nên mỗi khi cảm nhận tác phẩm ảnh của ông, tôi luôn nhận thấy chất thi trung hữu họa nhuộm mầu trong mỗi bức ảnh. Mỗi tấm ảnh có một câu chuyện khác nhau chứa đầy cảm xúc. Hình ảnh cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã đi vào ảnh của ông luôn được nhiều người hào hứng đón nhận rất trân trọng. Không những thế, ảnh ông chụp còn gợi lên tâm trạng nhớ về một thời xa xăm vết tích thẳm sâu của một nền văn hóa lâu đời. Điều tôi tâm đắc nhất có lẽ là cái cách ông chọn tâm cảnh Hàm Rồng nổi lên giữa rất nhiều cảnh đẹp để giới thiệu một vùng thắng tích có giá trị văn học, lịch sử trong mạch nguồn văn hóa xứ Thanh.
Nếu như hình ảnh cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã trong những năm của thế kỷ XX đi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là bản anh hùng ca bất hủ thì ảnh cầu Hàm Rồng ngày nay qua ống kính nghệ sĩ Trần Đàm vẫn tiếp nối mạch cảm xúc mang âm hưởng anh hùng ca ấy. Về mầu sắc, đường nét, ánh sáng có sức hút lôi cuốn người xem. Mặt khác còn kết tinh sức mạnh của thời đại, biểu hiện khát vọng vươn lên của người dân thành phố. Về với sông Mã, với cầu Hàm Rồng từ cảnh “Trên non dưới nước làm nên tích/ Để lại cho đời những dấu son” đã thực sự gợi nên cảm hứng sáng tạo để nghệ sĩ Trần Đàm viết nên một câu chuyện cổ tích bằng ảnh. 
Với tình yêu nghề, luôn say mê với lịch sử, và công trình lịch sử, vì vậy tôi không mấy ngạc nhiên khi thấy những ngôi làng cổ nơi có những con đường mang trên mình nhiều dấu vết thời gian hiện lên đậm nét trong những bức ảnh đẹp một cách lắng đọng, gần gũi của NSNA Trần Đàm. Hình ảnh làng Hạc Oa, làng cổ Đông Sơn, những địa chỉ lưu dấu cổ vật trống đồng Đông Sơn nổi tiếng của thành phố đi vào ảnh của ông qua nhiều góc độ giản dị, tinh tế do đó vẫn giữ được hồn cốt của nét xưa. Đặc biệt ông không quên dành một số trang ảnh để ghi nhớ các vị anh hùng dân tộc trên đất thành phố như đền thờ vua Lê tại phường Đông Vệ; Đền thờ Dương Đình Nghệ trên đất Thiệu Dương; nhà bia khuyến học Trường Thi...
Trong phần 2: Diện mạo mới thành tựu mới, ngay cái tựa đề đã mang nhiều khơi gợi, giúp người xem cảm nhận đầy đủ nhất về một thành phố năng động, hiện đại từ diện mạo tới thành tựu. Đó là khu trung tâm thành phố, tòa nhà khách sạn Vincom sừng sững vươn cao trong nắng; Quảng trường Lam Sơn; Những dãy nhà hoành tráng hiện đại mang nét kiến trúc mới qua góc máy của NSNA Trần Đàm mọi thứ vẫn hài hòa giữa châu Âu và Á Đông. Không gian nhỏ của phố phường từ những con đường sầm uất như phố Lê Hoàn cho đến góc phố Phan Chu Trinh, đường Nguyễn Chí Thanh, khu chung cư Đông Vệ, khu chung cư cao cấp Đông Hải… tất cả đều lấy gam mầu sáng tương phản làm chủ đạo chính vì thế những bức ảnh ấy giữ được chiều sâu ý tưởng và xúc cảm trong nghệ thuật ảnh. Trong phần này còn có chùm ảnh lột tả được sự phát triển vượt bậc của thành phố về giáo dục, y tế, tiêu biểu như các bức chụp trường Đại học Hồng Đức, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, bảo tàng, thư viện... Nhiều bức tượng thể hiện tinh hoa trong nghệ thuật điêu khắc như tượng đài Lê Lợi, tượng đài thanh niên xung phong, tượng đài nữ dân quân Nam Ngạn anh hùng. Tất cả đều hiện lên lung linh sắc mầu khi ánh sáng tràn ngập về đêm.
Trần Đàm được mệnh danh là nghệ sĩ tài hoa nhưng rất lãng tử. Điều này được thể hiện rõ nét trong phần 3: Chân dung cuộc sống. Người ta thấy được ở NSNA Trần Đàm không chỉ có đam mê mà còn là thái độ và trách nhiệm với mỗi chuyển động của đời sống. Chùm ảnh miền tâm linh như Đền thờ Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Nhà thờ Đức chúa Giê su đều toát lên một miền linh thiêng, tĩnh lặng, an nhiên và sâu lắng. Trong góc ảnh nghệ thuật, ảnh thiếu nữ ngắm hoa, đắm mình trong hương sen, vẻ đẹp thiếu nữ ngồi thiền đều rất có hồn, có sức lan tỏa lay động tư tưởng, lôi cuốn người xem. Tôi muốn tặng ông một câu: Ông là một nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn được in đậm trong mảng mầu của hiện thực đời sống. Trong chùm ảnh chụp chân dung cuộc sống có bốn bức ảnh mà tôi nghĩ ông đã bắt được cái hồn, khắc họa được phong cách của nhân vật, đó là ảnh nhà thơ Văn Đắc, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, nhà sử học Phạm Tấn và họa sĩ Phan Bảo. Không những thế, những bức ảnh dân dã như vườn cau, giàn bầu sai trái đến thảm lúa vàng trong mùa bội thu, thiếu nữ cười tươi trong mùa thu hoạch, người dân tập thể dục trong công viên Hội An, khung hình nào cũng tươi tắn, đủ đầy và tinh khôi.
Cảm nhận ảnh Trần Đàm có nhiều điều thú vị. Nhìn từ cảm quan nghệ thuật, ảnh Trần Đàm có hai thể loại, thể loại thứ nhất là ảnh thông tấn xem qua là hiểu ngay nội dung, nhưng có nhiều tấm đòi hỏi người chơi sành ảnh có kiến thức mới thẩm thấu hết vẻ đẹp và ẩn ý của tác giả mà ta gọi là ảnh nghệ thuật. Nếu như trong văn chương cùng một nội dung có nhiều cách diễn đạt mà người viết phải chọn lựa cho phù hợp thì trong nghệ thuật nhiếp ảnh cùng một đối tượng thể hiện có nhiều góc nhìn phụ thuộc vào tài nghệ của người cầm máy cũng như đối tượng muốn hướng tới. Xem ảnh Trần Đàm nhìn toàn cảnh thành phố đến những con đường tỏa đi khắp ngã ta thấy mỗi một điểm nút giao đều có độ tinh xảo trong kĩ thuật nhiếp ảnh. Hình ảnh những dãy đèn kết mầu hoa đăng trên đại lộ Lê Lợi cứ bung tràn sắc hoa đủ mầu tạo cho người xem có cảm giác đang bước vào một chốn mê cung. Rồi những cây cầu lung linh ánh sáng soi những tia sáng tương phản từ bầu trời xuống dòng sông nối nhau bằng những con đường chạy về những công viên, ngõ phố rực ánh đèn xanh, đỏ, tím, vàng càng làm cho thành phố thơ mộng kiêu hãnh biết nhường nào. Cảm nhận ảnh Trần Đàm, ta thấu hiểu lòng ai sau mỗi chuyến đi về khi được tận mắt chứng kiến sự đổi thay của thành phố hôm nay. Nhìn về nét xưa đã đi qua nhiều thế kỷ từ làng Dương Xá, trấn Thanh Hoa về Thọ Hạc 1804 đến nay có lẽ trong mỗi người đều cảm thấy tự hào về quá khứ. Ảnh của ông có nhiều hình ảnh vọng vào cõi thiêng của vùng đất địa linh nhân kiệt. Mỗi khi bấm máy ông không do dự vì trong đầu ông đã định sẵn ý tưởng mà ông cần khai thác cũng như ý nghĩa lịch sử của nó. Với bản lĩnh của một nhà báo có nhiều kinh nghiệm cộng hưởng với tâm hồn của một nhà thơ, Trần Đàm quả là một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài năng và cũng rất đỗi mơ mộng, không ngừng đổi mới tư duy trong mỗi hành trình trải nghiệm, dù chuyến đi đó ngắn hay dài, điều quan trọng là kết quả lưu lại trong mỗi tác phẩm của chính mình. 
Trong các bức chụp ảnh tư liệu, ảnh nghệ thuật, ảnh chân dung của ông đều đượm mầu thế sự. Có nhiều bức ảnh chụp ngẫu hứng nhưng rất thần thái, đậm chiều sâu chất trí tuệ, luôn tuân thủ theo mạch logic của cảm xúc. Có thể những sự vật, hiện tượng bình thường nhưng qua góc máy của Trần Đàm những hình ảnh ấy lại ngấm sâu vào lòng người bởi những xúc cảm, thẩm mỹ và thông điệp nhân văn gửi gắm bên trong khi người xem tìm đến. Tuy nhiên trong cuốn sách ảnh này vẫn còn một số bức ảnh như Ngã Ba Bông hình ảnh dòng sông quá rộng nhưng ảnh xung quanh hỗ trợ cho tâm cảnh lại quá hẹp. Nếu cảnh xung quanh rộng hơn có độ dài hơn thì sức thuyết phục nhiều hơn. Cảnh làng Hạc Oa vẫn còn đâu đó xa xa, nhạt nhòa… Mặc dù vẫn có một vài hình ảnh còn khiếm khuyết dưới một vài góc độ khác nhau nhưng cái được hơn cả là tầm vóc đồ sộ của sách ảnh mang tính nghệ thuật cao về chuyên môn đã thuyết phục được người xem. Nó đã khái quát được những chặng đường mà thành phố Thanh Hóa đã đi qua, đồng thời đã dựng nên một tượng đài kì vĩ mà ở đó đất và người xứ Thanh nói chung, thành phố Thanh Hóa nói riêng đã xây nên. Và trong giai đoạn hiện nay những kì tích ấy sẽ còn vươn cao, bay xa trên vùng đất Hạc Thành ngàn năm văn hiến.
                                   

 T.V.Đ


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 179
 Hôm nay: 2201
 Tổng số truy cập: 12882103
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa