Bừng thức và bung nở thơ Đinh Thị Hường - PHẠM ĐÌNH ÂN
Lẽ ra, là tác giả nữ, đời riêng không suôn sẻ lắm thì thơ có thể dữ dằn - ít ra là ở một mức độ, sắc thái nào đấy - về tình yêu, hạnh phúc theo hướng trắc trở, đa đoan...
Nhưng, không phải thế!
Lẽ ra, là tác giả nữ mới bước vào làng thơ thì khó tránh giọng điệu quen quen như là mang tính nữ (sáng tác thời thượng?) khiến một số nhà phê bình khẳng định ngay là thơ có tính nữ (phê bình thời thượng?) cho nó sang, hữu thưởng vô phạt...
Nhưng, không phải thế!
Lẽ ra, tuổi không còn trẻ, học vấn trường lớp không cao, nghề nghiệp kiếm sống trước nay không liên quan gì đến văn chương sách vở, thì tác giả cần nương cậy ít nhiều vào sự bắt chước, để rồi vô tình để lộ ra nhược điểm non nớt về thơ (sơ sài, nhạt nhẽo, ngô nghê... chẳng hạn).
Nhưng, không phải thế!
Đọc thơ Đinh Thị Hường (Người thứ ba, Cầu vồng đón đợi - Nxb Hội Nhà văn 2014, 2019) chỉ thấy sáng tươi, rắn rỏi, chứa chan ước mơ, hy vọng. Tuy rằng trên mặt chữ có hiển lộ cái buồn, cái đau nhưng thật ra không lặp lại nhiều, chúng không làm nên giọng điệu. Đọc thơ Đinh Thị Hường, chỉ thấy thơ, ít thấy cái gọi là “nữ tính” như nêu ở trên. Đọc thơ Đinh Thị Hường, thấy tác giả biết nhiều, hiểu rộng. Tuy nghề thơ chưa thật vững ở mọi bài, nhưng cảm xúc mạnh, hồn thơ say, mau chóng hiện ra sáng rõ hình ảnh một tác giả.
Hướng đến ngoại cảnh
Như đã nói, thơ Đinh Thị Hường có đề cập điều riêng tư: tình yêu, hạnh phúc gia đình; nhưng chẳng thấm tháp là bao so với hiện thực khác, nỗi buồn không thể áp đảo niềm vui, cái nhỏ hẹp không thể lấn át điều cao rộng; dẫu rằng Người thứ ba là một trong những bài thơ hay về tình yêu, đã được dùng làm tên tập thơ. Từ nội tâm, như tự giác nhận lấy trách nhiệm đối với khách thể, chị hướng trực tiếp đến ngoại cảnh, đó là cảnh quan thiên nhiên - xã hội của con người và con người - xã hội trong cảnh quan thiên nhiên. Ngoại trừ mấy trường hợp tả cảnh hoặc nêu sự việc đơn thuần (Giao mùa, Ngâu, Vỡ), hoặc một số ít bài thơ nói đến nỗi niềm rất cá nhân thì hầu hết số bài thơ còn lại có thể xem là thơ thế sự - thời sự. Chị xót xa khi nhìn Rừng lửa vươn trời ôm gió/ thiêu rụi đời bão giông (Rừng ơi, thương lắm); bồi hồi nhớ lại đồi A1 (Ký ức), buồn về những dòng sông xoay chiều chảy ngược (Ngày lâm sàng); phản đối chiến tranh (Màu hận thù, Thời gian vang vọng, Không nhòa, Chân trời xa, Ngôi mộ buồn xứ Thanh). Tác giả tâm sự về lao động nghệ thuật của mình:
Ta không đọc những trang sách phẳng phiu
(…)
Đọc trong ồn ào cuộc sống
Dòng chảy bất tận ngây trôi
Trong nếp nhăn khóe mắt nụ cười
Trong dáng cha già còng từng phút - giây cặm cụi
Trong những giọt mồ hôi nóng hổi
(…)
Đọc trong không gian màu tinh khiết
Đọc trong mắt nắng vàng cô liêu
Đám mây xa nghiêng xuống bạn bầu.
(Đọc)
Đấy là tuyên ngôn sáng tạo nghệ thuật của Đinh Thị Hường. Tác giả đã làm đúng như vậy.
Tạm nêu mấy bài thơ đáng chú ý của Đinh Thị Hường. Trước tiên là bài Không biết. Đời sống hiện nay có những hiện tượng, sự việc, vấn đề hoặc suy nghĩ, ứng xử của con người vừa dễ lại vừa rất khó giải thích về nguồn cơn, đầu cua tai nheo ra sao. Chẳng hạn thiên nhiên nhiều lúc nổi khùng, điên đảo; con người hãm hại nhau chỉ vì những lý do chẳng đâu vào đâu; người ta triệt hạ nòi giống đồng loại bằng độc tố trong chăn nuôi trồng trọt, v.v... là vài ba ví dụ sơ sơ. Ngoài nhan đề, biện pháp nghệ thuật trùng điệp ở những câu: Không biết bắt đầu từ đâu, bắt đầu từ đâu, không biết từ đâu, không rõ từ đâu? khiến độc giả như chứng kiến những trái ngang của đời sống để rồi đặt câu hỏi cùng tác giả. Những hình ảnh cụ thể thuộc không gian: cơn gió, mây đen, chớp - giông, mưa lạnh mùa đông tràn ngập buốt, cùng với hình ảnh trừu tượng về thời gian: ngày dài nhạt nhòa thăm thẳm, đã trở nên như một sức mạnh u ám đẩy người người ngược - xuôi lọt thỏm vào ngõ cụt. Đó là những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo thăm thẳm vực sâu. Những cái ngõ nhỏ hẹp cụt đường như những đời người... Bài thơ lôi cuốn độc giả đồng cảm và thôi thúc ý thức đồng sáng tạo để trả lời những câu hỏi dồn dập: Những cảnh tượng ấy, những điều ấy từ đâu đến? Và tại sao chúng lại dữ dằn đến thế?
Cả hai tập đều ít thơ lục bát, ấy vậy mà có hai bài khá nhuần nhị, có thể sánh ngang với thơ của những tác giả bậc anh chị tên tuổi. Bài Thu đi: Em đi rớt lại mùa xa/ Tiếng mưa lộp độp nắng nhòa nhớ nhung/ Trời neo mây ở lưng chừng/ Xanh rêu lối ngõ cầu vồng bắc qua/ Bây giờ ngơ ngẩn mình ta/ Kiễng chân níu gió trượt qua bên trời/ Hết cơn mưa, hết sụt sùi/ Cơn ta trở lạnh, bùi ngùi nắng hao… Và Màu ta (tiếc là trật vần một lần): Quê ta mấy độ xuân rồi/ Người xưa không cũ trong tôi bóng hình/ Cây đa bóng đổ trời xanh/ Con đường vắng, bước chân thành cô đơn/ Mưu sinh nặng nhọc cõi trần/ Màu ta bạc thếch in hằn thời gian/ Mất còn ghềnh thác đa đoan/ Phận danh gửi gió mây tàn bến mơ/ Chiều buông nghiêng bóng sương mờ/ Mưa như thoáng bụi vương bờ mi suông/ Mấy mươi năm mấy đoạn trường/ Màu ta ơi, rũ bụi đường sáng lên. Xin góp ý, nếu đổi cô đơn thành đơn thân cho khớp vần thì bài thơ sẽ hoàn mĩ.
Tứ, bài và câu chữ làm nên cá tính sáng tạo
Bài thơ rất cần có tứ, tứ khiến thơ dễ hay, gây ấn tượng rõ, nhưng không phải thơ có tứ ở mọi trường hợp đều hay và thơ hay có thể không cần đến tứ, khi mà xúc cảm, ý thơ, hình ảnh và tư tưởng nghệ thuật đã thật nổi trội, có sức cảm hóa, lôi cuốn người đọc. Thơ Đinh Thị Hường không nghiêng về tứ, ấy thế mà chỉ ba bài thôi, vẫn là thơ hay, đó là: Rơi ngược, Người thứ ba và Nhìn.
Bài Rơi ngược nói đến hình ảnh: Lá rụng về cội/ Quả già để hạt cho cây (…) Quả già trên cao run rẩy/ Xin đừng rụng xuống đất này. Bài Người thứ ba nói đến quan hệ tình yêu lí thú và trớ trêu. Bài Nhìn đưa ra một liên tưởng tinh tế: người đứng trên tầng nhà thứ 17 (rất xa cách mặt đất đời thường) thấy bên dưới dãy dài ô tô bé xíu, ước những chiếc xe ấy hóa thành đồ chơi cho trẻ nhỏ, nhưng thật ra Lớn ngang trời không biết có đồ chơi.
Không đề là một bài thơ lạ. Hai người (nam và nữ) với hai ánh nhìn dò dẫm, bước chầm chậm trong căn phòng hẹp giữa “đêm mơ màng loãng tan”. Tiếp đó, hai tâm hồn cộng hưởng, thăng hoa vượt ra khỏi ranh giới ngôi nhà. Tác giả diễn tả sự đồng điệu giữa hai tâm hồn, hai trái tim mà đêm và cả thế giới như chỉ dành riêng cho họ. Đêm sáng lên từ đôi má ửng màu nắng mà người nọ đã dùng tâm hồn mình, tình yêu của mình thay ánh trời thắp sáng gương mặt người kia. Chính ánh nắng nhân tạo ảo diệu ấy đã góp phần nhen nhóm “Bình minh non nớt”, sau khi cả hai người đã “tan lặng” vào nhau; mặc cho đất trời loang chảy trong nhau, khi họ biến cả thân thể và tinh thần thành đêm tối của thiên nhiên thăm thẳm. Đây là một thí dụ tiêu biểu về thơ Hường: hướng đến ngoại cảnh, vừa nói về đối tượng, vừa mượn đối tượng để nói cho mình.
Nhịp thơ và giọng điệu thơ cho thấy tác giả có cảm hứng dâng trào và xúc động nồng nhiệt khi viết và chị đã viết một mạch. Táo bạo mà kiềm chế, mạnh mẽ nhưng hồn nhiên, thật ảo đan xen.
Những câu hay đi cùng với những hình ảnh sáng tạo khiến độc giả khó bỏ qua: Sao trời lọt khe ngói/ Ánh sao đầy ắp mâm (Thăm nhà bạn); Nắng bật tung mùa lạnh (Cảm xuân); Chiều lướt qua khung cửa/ Nắng nhẹ bong hững hờ (Lạc); Thời gian phầm phập tương lai/ Ta mỗi tuổi lại ngược về quá khứ (Tự vấn); Gió xuân hây hẩy trước hiên/ Sóng mây gờn gợn trăng lên tần ngần (Đêm xuân); Dằng dặc ta sống lâm sàng từ lâu lắm (Ngày lâm sàng); Chiều buông thõng ngày kiệt (Giáng sinh nay); Từ phía đông nhô lên mắt ngày (Phù sa gầy lép).
Một loạt động từ đan xen tính từ và trạng từ được chọn lọc và sáng tạo mang đậm chất tượng hình được chọn lọc và sáng tạo khiến bài thơ nổi rõ xúc cảm thẩm mỹ theo hướng đẩy tới đỉnh cao bừng thức và bung nở. Xin dẫn ra: ken dày, ngoằn ngoèo thăm thẳm, ngập buốt, bung lời tan chảy, say nồng, bật gốc, nhói tim, mưa quất, đẫm ướt, Mạn thuyền xô bạc sóng/ Bọt tung tan trắng đêm, quắt quay, bật mầm thơ, bật tung, dằng dặc, ngùn ngụt, rừng rực bùng lên, vỡ òa, thiêu rụi, dốc lòng bứt gió, bật rễ, bừng thức, cởi bung, ướt sũng, cao chót vót, v.v...
Tuy nhiên ở đôi ba bài, suy nghĩ lấn át xúc cảm.
Trong phạm vi hẹp về sáng tác của một cá nhân, có thể đánh giá đây là một hiện tượng. Đinh Thị Hường mau chóng hiện ra sáng rõ một tác giả trong làng thơ với những bài thơ, câu thơ bừng thức và bung nở đáng được chú ý.
P.Đ.Â