Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa với 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - HUY HÀO
Song hành với 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa cũng ra đời, phát triển 45 năm có lẻ. Trong 45 năm ấy, các thế hệ anh, chị, em văn nghệ sĩ và hội viên của Hội đã phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, cách mạng, tích cực kế thừa, vun đắp bản sắc quê hương Thanh Hóa và giành được những thành tựu hết sức phấn khởi, tự hào trên các lĩnh vực văn học nghệ thuật. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh ghi nhận những cống hiến của các thế hệ văn nghệ sĩ, với phẩm chất và tài năng quý báu, đã không ngừng lao động, sáng tạo vì nghệ thuật, phục vụ sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước trong suốt hai cuộc trường chinh ái quốc vĩ đại và bảo vệ biên giới phía Bắc, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cũng như công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển ngày nay.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, với đội ngũ văn nghệ sĩ, những người hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật đã kiên trì thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, thách thức, tâm huyết sáng tạo được nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật giàu giá trị tư tưởng, giá trị giáo dục, nhân văn và khẳng định chất lượng nghệ thuật mang bản sắc văn hóa của quê hương, góp phần làm phong phú thêm dòng chảy của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Từ ngày thành lập đến nay các thế hệ văn nghệ sĩ tỉnh Thanh không ngừng học tập rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, hăng say lao động sáng tạo. Từ đó, họ đã có rất nhiều công trình tác phẩm VHNT phản ánh kịp thời, sinh động đời sống xã hội và thành tựu đổi mới của quê hương qua mọi thời kỳ. Nhiều công trình, tác phẩm có quy mô lớn, có giá trị cao về nghệ thuật và thực tiễn góp phần tạo nên sắc thái, diện mạo văn nghệ xứ Thanh. Nhất là thể hiện được tinh thần nghệ thuật - vũ khí, nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Văn nghệ sĩ đã làm được những việc đi sâu vào đời sống: cùng đi, cùng ở, cùng làm với nhân dân. Nhất là họ hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động sáng tác ‘‘Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’’. Đồng thời họ tham gia cuộc sáng tác về đề tài nông thôn mới một cách tích cực. Chủ đề yêu nước, quê hương, chủ quyền biển đảo được chú trọng. Cùng với đó là các tác phẩm thể hiện hơi thở mới thời đại hòa quyện cùng bản sắc xứ Thanh. Tinh thần biết ơn các thế hệ người có công, người hi sinh cũng được đề cao mạnh mẽ. Còn nữa là tinh thần giải phóng phụ nữ, bảo vệ trẻ em, tôn vinh đạo đức các ngành nghề, lấy cái đẹp dẹp cái xấu là giá trị nhân văn mà văn học nghệ thuật hướng đến. Phải kể đến tên các nhà văn tiêu biểu như cố nhà văn Nguyễn Thế Phương, cố nhà văn Kiều Vượng, Từ Nguyên Tĩnh, Nguyễn Văn Đệ, Cẩm Anh, Cẩm Hương, Viên Lan Anh, Lê Ngọc Minh, Ngân Hằng...; các nhà thơ như: Vương Anh, Văn Đắc, Huy Trụ, Vũ Thị Khương, cố nhà thơ Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Minh Hiệu, Mạnh Lê; Các nhà lý luận phê bình như Hồ Nguyên Cát, Xuân Sách, Nam Mộc, Trọng Miễn, Hỏa Diệu Thúy, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thanh Tâm, Thy Lan...; Các nhà đạo diễn sân khấu như Hoàng Hải, Hải Thọ, Nguyễn Ngọc Quyền; Biên kịch múa như Hoàng Dùng, Hoàng Lan; Các nghệ sĩ múa, ca sĩ, nghệ sĩ hát chèo, cải lương, tuồng như: Quang Lan, Mai Lan, Thanh Hải, Vũ Trọng Huỳnh, Thu Hài, Minh Ý; Các nhạc sĩ như Mai Kiên, Văn Cốc, Nguyễn Hoài Nam, Thế Việt, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Đồng Tâm…
Về lĩnh vực sách in, các văn nghệ sĩ trong 45 năm qua đã có hơn nghìn đầu sách của hội viên được xuất bản, quảng bá gồm: Tiểu thuyết, Trường ca, Tập truyện, Tập thơ, Tập sách ảnh, Tập Ca khúc, Kịch bản Sân khấu, Kịch bản Điện ảnh, v.v... Hội đã xuất bản 29 số Người Bạn văn hóa, 287 số Văn nghệ Thanh Hóa và Tạp chí Xứ Thanh. 60 tuyển tập gồm: Lý luận phê bình, Sưu tầm nghiên cứu Văn nghệ dân gian, Tuyển tập Ca khúc chọn lọc, Tuyển tập Thơ Lục bát xứ Thanh, Giao mùa, Tập sách ảnh, Tập Mỹ thuật, Tuyển tập truyện ngắn Người Thanh Hóa. Chuyên ngành Sân khấu đã dàn dựng và biểu diễn hàng trăm tác phẩm về các đề tài lịch sử, cách mạng, đấu tranh giành độc lập, đấu tranh chống tham nhũng, phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng và đổi mới mới trên quê hương, đất nước, v.v... Nhiều tác phẩm lấy chủ đề từ truyền thống hào hùng của quê hương và nhiều vở diễn do chính hội viên của Hội là tác giả kịch bản và đạo diễn. Hàng trăm chương trình ca múa nhạc đã được sáng tác dàn dựng, phục vụ nhân dân khắp mọi miền trong tỉnh và cả nước. Tổ chức trưng bày, triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Kiến trúc của các tác giả, nhóm tác giả và của các Ban chuyên ngành. Các hoạt động này đã góp phần công bố, quảng bá nhiều công trình tác phẩm VHNT tới công chúng. Kịp thời ghi nhận và phản ánh những thành tựu của quê hương qua mọi thời kỳ ở mọi giai đoạn lịch sử. Hội đã phối hợp với các Hội VHNT Chuyên ngành Trung ương, các Hội VHNT trong khu vực, trong khối đăng cai. Và tham gia tổ chức các hoạt động như 27 cuộc Liên hoan ảnh nghệ thuật; 25 lần triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung gồm các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa; 06 lần Liên hoan âm nhạc tại các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Tĩnh, Hà Nội, Nam Định. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa tổ chức Cuộc thi ảnh Khoảnh khắc xứ Thanh trong 2 năm 2017, 2018. Hơn 2000 tác phẩm được lựa chọn đăng tải trên sóng truyền hình. Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa. 200 tác phẩm được treo kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ. Phối hợp với các Hội VHNT các vùng Kinh đô Việt Nam xưa và nay gồm: Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác VHNT, nâng cao chất lượng tạp chí VHNT các vùng Kinh đô xưa và nay. Triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh về các vùng Kinh đô. Liên hoan âm nhạc, trình diễn thơ của các tác giả các vùng Kinh đô Việt Nam thu hút được quan tâm của đông đảo các văn nghệ sĩ và công chúng yêu mến VHNT trong khối. Quán triệt và xác định tài năng VHNT là tài sản quốc gia, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, phát huy tài năng VHNT là trách nhiệm của toàn xã hội. Những năm gần đây, Hội VHNT Thanh Hóa đã phối hợp với Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, và UBND 11 huyện miền núi trong tỉnh mở 07 lớp bồi dưỡng sáng tác cho 124 tác giả trẻ là người dân tộc thiểu số trong tỉnh. Qua các lớp bồi dưỡng một số em đã cho thấy triển vọng của những cây bút trẻ, một số người đã là cộng tác viên và là hội viên của Hội.
Hội thường xuyên phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa, v.v... Và các huyện Hà Trung, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Thọ Xuân, Nông Cống, Thạch Thành, v.v... tổ chức các cuộc thi, các đợt sáng tác theo từng chuyên đề cho từng thời điểm cho các loại hình VHNT.
Phối hợp với Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, và các Hội Chuyên ngành Trung ương tổ chức các trại sáng tác tại nhà sáng tác Tam Đảo, nhà sáng tác Đại Lải tỉnh Vĩnh Phúc, nhà sáng tác Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, nhà sáng tác Nha Trang tỉnh Khánh Hòa và nhà sáng tác Vũng Tàu. Cử hội viên đi dự các trại sáng tác tại Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Hà Nội, Lai Châu, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Phú Quốc. Hàng trăm lượt văn nghệ sĩ được tham gia các Trại sáng tác.
Lao động sáng tạo là việc làm thường xuyên và là khả năng thiên bẩm riêng có của cá nhân mỗi văn nghệ sĩ. Tuy vậy sự quan tâm tạo điều kiện, tổ chức hoạt động của Hội đối với văn nghệ sĩ là rất cần thiết. Thời gian qua nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc" và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới", Hội đã thường xuyên tổ chức, cải tiến công tác tổ chức thâm nhập thực tế cho anh chị em văn nghệ sĩ để văn nghệ sĩ có điều kiện bám sát thực tiễn sôi động của cuộc sống, đến với các vùng trọng điểm trong tỉnh và một số tỉnh bạn. Từ các chuyến thâm nhập thực tế đó nhiều văn nghệ sĩ đã thai nghén, ấp ủ rồi khởi thảo, hoàn thiện để công bố nhiều tác phẩm đến công chúng. Nhiều tác phẩm tham dự các cuộc thi như sáng tác ảnh nghệ thuật, sáng tác mỹ thuật, sáng tác ca khúc, sáng tác kịch bản sân khấu, sáng tác mô hình nhà văn hóa nông thôn mới hay các cuộc thi sáng tác thơ, truyện ngắn, ký trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, trên Báo Thanh Hóa được đánh giá cao.
Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh - cơ quan ngôn luận của Hội VHNT Thanh Hóa, nơi gửi gắm và đăng tải những tác phẩm tâm huyết của văn nghệ sĩ Thanh Hóa trong lao động, sáng tạo VHNT đến với công chúng. Từ Người bạn Văn hóa, Văn nghệ Thanh Hóa đến Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, hôm nay cũng vừa tròn 25 tuổi. 25 năm trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo đã năng động, trăn trở để Tạp chí không ngừng đổi mới, chiếm được cảm tình của người đọc và bạn nghề cả nước, giữ vững đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng. Ngày nay cán bộ và phóng viên của Tạp chí đang phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo để Tạp chí mỗi kỳ ra mắt bạn đọc đẹp hơn về hình thức, hay hơn, cẩn trọng hơn trong tuyển chọn và đăng tải tác phẩm.
Từ các hoạt động trên Hội VHNT Thanh Hóa đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Nhì, được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tặng các Bức trướng cho các thời kỳ, tặng Bằng khen cho tập thể và nhiều cá nhân do có thành tích trong lao động sáng tạo. Năm 2013 tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", Hội VHNT Thanh Hóa là một trong 36 đơn vị và 5 cá nhân trên tổng số 8 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Cũng trong quá trình hoạt động 07 hội viên đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT; Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu 04 hội viên là Nghệ sĩ nhân dân và 46 hội viên là Nghệ sĩ ưu tú; một số hội viên của Hội đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. 108 hội viên được nhận Giải thưởng các Hội Chuyên ngành Trung ương. 159 lượt hội viên được nhận Giải thưởng VHNT 5 năm của UBND tỉnh. 601 lượt hội viên được nhận Giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông hàng năm. 207 hội viên được tặng Huy chương, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam và hàng trăm Huy chương Vàng, Bạc mà hội viên đạt được qua các kỳ liên hoan, các đợt hội diễn. Những thành tích đạt được của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa và văn nghệ sĩ trong 45 năm qua là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; là động lực tinh thần to lớn cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào thành tựu quan trọng và toàn diện trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của quê hương Thanh Hóa anh hùng.
Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa trong năm 2020 này và những năm tiếp theo phải tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới; nâng cao chất lượng hiệu quả tập hợp, đoàn kết, phát hiện, chăm lo, bồi dưỡng, tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo và tạo môi trường thuận lợi để phát huy tính độc lập, khơi dậy nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, dẫn dắt tư tưởng, xây dựng nền tảng tinh thần tốt đẹp của xã hội. Các văn nghệ sĩ của tỉnh, người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bám sát chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hơi thở cuộc sống, gắn bó mật thiết với nhân dân, với phong trào thi đua yêu nước của địa phương, không ngừng sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao, có tác dụng trong định hướng giáo dục, xây dựng con người Chân - Thiện - Mỹ và đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của xã hội; góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.
Một số giải pháp và bài học để phát huy vai trò của Văn nghệ sĩ góp phần xây dựng Thanh Hóa thành một tỉnh kiểu mẫu. Thứ nhất, Văn học nghệ thuật Tỉnh nhà luôn luôn đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Thứ hai, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ. Nâng cao tính tư tưởng và tầm khái quát của tác phẩm, nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả nghệ thuật. Thứ ba, tôn trọng tự do sáng tác gắn liền với trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ. Thứ tư, mối quan hệ giữa bản sắc và hiện đại. Thứ năm, coi vấn đề phát hiện, tài năng trẻ là một vấn đề trọng yếu để phát triển đội ngũ.
Cùng với sự quan tâm không ngừng và mạnh mẽ của tỉnh Thanh Hóa với phát triển Văn học nghệ thuật là quá trình học hỏi phát triển, đấu tranh phê bình, tự phê bình, nêu cao tinh thần gương mẫu trong lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ xứ Thanh, nhằm góp phần xây dựng “Thanh Hóa thành một tỉnh kiểu mẫu”, cùng với nhân dân cả tỉnh thực hiện 50 năm Di chúc của Người thiết thực và hiệu quả nhất.
H.H