Ước mơ nhỏ nhoi trong niềm khát vọng lớn (Đôi điều cảm nhận khi đọc bài thơ Đổi mùa của Thy Lan) - PHẠM VĂN DŨNG
Em chỉ ước mình là sợi tóc
Bay ngang chiều không sợ vướng mắt ai
Em chỉ ước cát cứ mềm mịn thế
Để giấc mơ không gai góc bơ phờ.
Thu đã tận chưa một lần thương tích
Bão giông còn hao hắt một nhành sương!
Sao bỗng nhớ tuổi thơ da diết thế
Mùi ổi non lăn lóc xa dần.
Lời bình:
Thy Lan trước hết là một nhà Lý luận Phê bình Văn học, sau cùng vẫn là một nhà Lý luận Phê bình Văn học thứ thiệt. Dường như với Thy Lan sáng tác là tư liệu sản xuất cho LLPB, ngược lại LLPB là công cụ cho sáng tác được đâm chồi nảy lộc, được cất cánh vươn xa. Hai lĩnh vực này luôn song hành, luôn tương tác và hỗ trợ đắc lực cho nhau trong con người của chị. Mấy năm trở lại đây người ta thấy cái tên Thy Lan xuất hiện nhiều hơn trên các trang báo của Trung ương cũng như văn nghệ các địa phương với đầy đủ cung bậc cảm xúc ở cả thơ, cả lí luận phê bình. Qua chùm thơ 3 bài của chị vừa được đăng trên báo Văn nghệ số 46 ra ngày 16 tháng 11 năm 2019 thì tôi khá ấn tượng với bài “Đổi mùa” của chị. Dĩ nhiên cả ba bài đều có chất lượng. Nhưng “Đổi mùa” đưa lại cho tôi cảm giác nhẹ nhàng và giản dị, gần gũi, thân thương và thật nhiều trìu mến như chính con người của chị vậy.
Không ồn ả, không khoa trương, không lên gân cốt, không đao to búa lớn, mà chỉ là: Em chỉ ước mình là sợi tóc/ Bay ngang chiều không sợ vướng mắt ai/ Em chỉ ước cát cứ mềm mịn thế/ Để giấc mơ không gai góc bơ phờ.
“Em chỉ ước” khi là sợi tóc, khi là cát mịn. Lý giải về điều ước này là một cơn cớ hết sức tường minh. Là sợi tóc để được bay, nhưng cái thần thái ở đây chính là chữ “ngang chiều”. Lấy cái định lượng là ngang bằng để so với cái cao, thấp. Nhưng cái ngang của buổi chiều để không vướng vào mắt ai quả là một sự liên tưởng tài hoa. Vâng, cuộc đời em cứ vô tư, nhẹ bẫng như vậy, không muốn níu kéo, vướng bận một ai; không để một ai đó phải ràng buộc gượng ép với mình. Tưởng là yếu đuối, mỏng manh đấy nhưng cũng đầy sức sống mạnh mẽ ở sự chín chắn của người thiếu phụ này. Về điều ước thứ hai: ước cát mịn là để cho giấc mơ khỏi “gai góc bơ phờ”. Cái gì mịn mà chả tránh được sự gai góc. Cái hay ở đây cũng chính là, tác giả đã lấy cái thực thể là cát để liên tưởng với cái trừu tượng là giấc mơ. Nghĩa là cuộc đời nếu mọi điều trơn láng thì giấc mơ cũng sẽ êm đềm, tránh đi những cái giật mình của những cơn ác mộng. Từ đó ta mới ngẫm ngợi ra một điều rằng, nếu cứ sống vô tư, sống thoải mái, ngay thẳng, không tạo ra những gập ghềnh, khúc khuỷu; tránh bon chen, đố kỵ thì hẳn trong mỗi chúng ta đều đón nhận sự thanh bình. Và điều ước ấy thật có giá trị lắm thay.
Khổ hai, kéo ta đến với sự chiêm nghiệm thật nao lòng:
Thu đã tận chưa một lần thương tích
Bão giông còn hao hắt một nhành sương!
Sao bỗng nhớ tuổi thơ da diết thế
Mùi ổi non lăn lóc xa dần
Với nghệ thuật ẩn dụ khi biểu đạt về một mùa thu đã kết thúc để ám chỉ về tuổi người cũng được cộng vào thêm. Tác giả ví tuổi trẻ hôm nay được sống trong sự êm đềm, không phải nếm trải bởi cuộc chiến tranh vừa đi qua của dân tộc, nên người trẻ ấy không biết đến thương tích là gì. Tác giả lại sử dụng nghệ thuật nhân hóa khi gọi tên sự vật là “một nhành sương”. Trộn lẫn hai ý thơ lại là sự đối lập trong một quy luật của thiên nhiên: thu đã tận rồi mà vẫn còn bão giông. Tưởng chưa một lần thương tích nhưng bão giông vẫn hãy còn hao hắt với sự đời. Phải chăng tác giả muốn phản ánh một thực tế rằng: thời đại hôm nay tuổi trẻ không phải đối mặt với chiến tranh, nhưng lại đang đối mặt với biến đổi khí hậu, làm ta khó thích nghi với sự khắc nghiệt này. Cũng bởi vậy mà tác giả lại nhớ diết da về tuổi thơ của những ngày tháng êm đềm, khí hậu đúng quy luật khi chuyển mùa - nhắc đến thu là ta lại được thấm đẫm trong nồng nàn hương ổi. Giờ thì có còn đâu cái quãng đời yên vui ấy.
Một điều ước tưởng chừng nhỏ nhoi, tưởng chừng trong tầm tay với là ta có thể đạt được mục đích của mình, nhưng thật khó thực hiện biết nhường nào. Những mong mỏi tưởng chỉ là của một cá nhân, nhưng nó lại là niềm khát khao của tất cả mọi người. Chỉ cần một áng thơ ngắn vậy thôi mà chứa đựng tính nhân văn sâu đậm, qua đó cũng đủ giúp ta có thêm nhận thức để cải biến cuộc đời này. Hãy là giàn giao hưởng kết nối những ước mơ bé nhỏ để thổi bùng lên niềm khát vọng thanh bình. Có như vậy ta mới thấy trái đất này thật đáng sống biết bao.
P.V.D