Chuyện chưa kể về nhà thơ “Rau má” - LÊ VIỆT DŨNG
Khi tôi lớn lên, ở vùng xứ Lèn quê tôi có truyền tụng một câu:
Trời mưa, trời gió đùng đùng
Bố con chú Sùng đi bán lạc rang
Tôi hỏi người lớn: Chú Sùng là ai và được kể rằng ở Đò Lèn những năm chiến tranh có ông Sùng (dân lúc đó gọi là chú Sùng) nhà ở chỗ ga Đò Lèn làm nghề bán lạc rang húng lìu. Sau đó do bom đạn giặc Mỹ bắn phá ác liệt, gia đình đi tản cư nơi nào không ai còn nhớ.
Tôi có mấy người anh em họ hàng ở làng Phượng Lĩnh, bên bờ nam sông Lèn, nói rằng có người con trai của ông Sùng tên là Trịnh Hữu Đạt học cùng hồi cấp 3 ở trường cấp 3 Hà Trung, rồi chiến tranh ly tán, mỗi người mỗi nơi bây giờ cũng bặt tin. Hồi còn đi học, anh ấy thường sang nhà học nhóm và ở lại như người trong nhà, anh thường cùng bạn bè leo lên núi Phượng Hoàng chơi, hái sim, hái mua trên núi, đứng trên đỉnh núi Phượng Hoàng nhìn xuống dòng sông Lèn hiền hòa, thấy rõ nhà anh ở bên ga Lèn. Các anh nói anh ấy học giỏi, vẽ đẹp và làm thơ rất hay, báo tường của lớp giao cho anh ấy.
Năm 2010, tôi có làm cho làng một trang web, lấy tên làng Phượng Lĩnh, trên đó có đăng bài thơ “Rau má” của nhà thơ Trịnh Anh Đạt.
Một hôm tôi nhận được email của một người từ Mỹ gửi về, trong thư có viết:
“Một trang web bé nhỏ của một làng quê không to, mà vào đọc cứ rưng rưng xúc động bởi tình người quê ta!... Đó là một cảm giác hết sức đặc biệt khi tôi vào đọc trang web của làng Phượng Lĩnh trên đất nước Mỹ, bỗng trong tôi nảy ra ý tưởng và khát khao có dịp nào đấy sẽ về thăm làng Phượng Lĩnh quê ta, thăm những con người đã bỏ bao công sức để mở toang cánh cổng làng mình cho cả thế giới chiêm ngưỡng, ngắm nhìn và thán phục!... và cũng để người làng Phượng Lĩnh phóng tầm mắt ra khỏi cánh cổng làng mình, với mong muốn "Nối vòng tay lớn"...
Tôi không phải người làng Phượng Lĩnh, nhưng tôi coi Phượng Lĩnh như là làng tôi vì có quá nhiều kỷ niệm ở đó, tôi là bạn học của nhiều người học trò làng Phượng Lĩnh ở trường cấp III Hà Trung... Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Ga Đò Lèn, học hết phổ thông tôi lên đường nhập ngũ vào năm 1966, và xa quê từ bấy đến giờ...”. Vâng tôi chính là Trịnh Anh Đạt, tác giả bài thơ "Rau má".
Tôi đã từng biết bài thơ “Rau má” được Giải thưởng cuộc thi thơ cuối thế kỷ - Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh (1999-2000) nhưng được gặp chính tác giả là điều mình chưa nghĩ tới vì nghe nói ông ở tận bên Mỹ.
Tôi hỏi: Vậy chú có biết ông Trịnh Hữu Đạt, cũng ở bên Lèn và học cùng thời với anh Mai Ngọc Chính không? Ông bảo: “Hai tên đó là của một người thôi, cái tên đệm của chú cũng đã thay đổi đến 3 lần”, lúc khai sinh là Trịnh Hiển Đạt, học cấp 1 thầy giáo ghi là Trịnh Hữu Đạt và cuối năm 1968, khi vừa làm xong luận án tốt nghiệp khoa chế tạo máy trong quân đội, chú được ông thủ trưởng nhà máy đại tu ô tô quân đội, ra quyết định điều về phòng tổ chức cán bộ làm trợ lý quân lực, chẳng hiểu thế nào ông ấy lại bỏ tên đệm là Hữu, thay vào đó chữ Anh; thế là chú đem theo cái tên Anh Đạt đến ngày nay, bây giờ ngẫm lại, chú vẫn thích nhất tên lót là Hiển - Trịnh Hiển Đạt. Hình như cái tên này nó còn gửi gắm niềm khát khao của bậc sinh thành?
Đó là cơ duyên đưa Trịnh Anh Đạt trở về ngôi làng của tôi sau gần nửa thế kỷ và đã đi gần nửa vòng trái đất và đã ở tuổi thất thập rồi.
Tôi sinh sau hơn hai thập kỷ, nhưng cũng được tắm bến sông Lèn, cũng ăn rau má như thi sỹ Trịnh Anh Đạt.
Trong bài thơ “Lại về bến tắm sông Lèn” của Trịnh Anh Đạt, cho ta tâm tư man mác buồn, tự thuở nào dòng sông êm ả, hiền hòa đã tạo nên biết bao kỷ niệm của tuổi thơ trong trẻo, dạt dào bao tâm hồn của những người được sinh ra và lớn lên ở miền quê:
Dù đi khắp bốn phương trời
Về quê nhớ nhất là nơi tắm truồng
Và cô hàng xóm thân thương
Ôm dùm quần áo tơ vương mắt nhìn…
Và câu kết ngày trở lại:
Bến sông gió hú lẻ đôi
Bồng bềnh tóc trắng về nơi tắm truồng
Chất chứa bao nỗi niềm, tất cả sự cô đơn, hoang vắng, lẫn nhớ thương, mộng mị. Như giọt lệ chảy ngược vào lòng.
Năm 2018, ông về quê hương nhưng do công việc kín lịch, liên tục đi để thực hiện ký sự "Chuyện về rau má xứ Thanh" của TTV, hôm quay cảnh sông Lèn thì trời đã hoàng hôn, bóng chiều chạng vạng, ông đứng ngắm dòng sông, ngắm những chiếc diều đang bay trên nền ráng đỏ, tôi nhìn thấy trên ánh mắt, khuôn mặt của ông một niềm hoài vọng rất xa xưa, đôi mắt nhìn xa buồn lắm. Trước khi về nước, ông mới qua một cuộc phẫu thuật ở Mỹ, trời chiều thì cũng đã muộn, vì vậy không thể tắm sông lúc này.
Vậy mà ông đã ra đi nơi viễn xứ, có ai ngờ lần đó cũng là lần cuối ông còn được ngắm nhìn dòng sông quê, được trở về kỷ niệm của tuổi thơ, cũng là nơi mà người bạn thơ của ông - thi sỹ Nguyễn Duy đã từng “ăn trộm nhãn chùa Trần”, nơi đã từng “tắm truồng”, ăn rau má để lớn lên, để “cứ xanh rười rượi với đời, cứ chia sẻ tất cho người cháo rau”.
Bến sông quê thì còn đó, mà người quê thì đã chẳng thể trở về!
Viết trong ngày mất nhà thơ Trịnh Anh Đạt
20-4-2020
L.V.D