Của tin gọi một chút này (Nhân đọc cuốn Lý luận - Phê bình văn học Thanh Hóa từ năm 2010 đến nay) - Lê Xuân Soan
Ban Lý luận - Phê bình văn học (LL - PBVH) ra đời cùng với sự thành lập Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa năm 1974. Bốn mươi sáu năm với năm đời Trưởng ban (Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Huy Sanh, Lê Xuân Đức, Nguyễn Mạnh Hùng, Hỏa Diệu Thúy), với nhiều thế hệ hội viên trong và ngoài Ban đã có hàng trăm công trình nghiên cứu, lí luận, phê bình được ra mắt với bạn đọc, góp phần làm cho diện mạo của VHNT xứ Thanh thêm phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những ấn phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân.
Cho đến thời điểm này, Ban Lý luận - Phê bình văn học có 12 hội viên (ít hơn nhiều so với các Ban khác), nhưng đã được đầu tư về chất lượng của đội ngũ. Ban LL - PBVH có 1 Phó Giáo sư, 3 Tiến sĩ, 4 Thạc sĩ, 5 cử nhân. Trong đó: 3 người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, 1 người là hội viên Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, 2 người là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, 1 người là Phó Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, 1 người là Thư kí Tòa soạn báo Văn hóa và Đời sống Thanh Hóa, 6 người là giáo viên, giảng viên trường đại học, 1 người công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội,1 người nguyên là Thư kí Tòa soạn báo Thanh Hóa, nguyên giám đốc Nhà in báo Thanh Hóa. Một số hội viên lại đã có thơ in trên báo, thơ in thành tập như Nguyễn Mạnh Hùng, Thy Lan, Trịnh Vĩnh Đức, Trần Đàm… Là hội viên Ban LL - PBVH nhưng một số tác giả đã có những tập thơ, tập sách ảnh của riêng mình: Thy Lan với Trăng đầu hạ, Trần Đàm với Lời yêu, Nơi chim hạc cất cánh, Trịnh Vĩnh Đức với Hương biển.
Với sức bật mới và tinh thần đoàn kết, Ban LL - PBVH đã tập hợp và phát huy được sức mạnh trí tuệ của từng hội viên. Nên trong vòng 7 năm (2012-2019) Ban đã phát hành được 2 tập: Lý luận - Phê bình văn học Thanh Hóa từ 2000-2010 (NXB Hội Nhà văn, 2012) và Lý luận - Phê bình văn học Thanh Hóa từ 2010 đến nay (NXB Văn học, 2019). Đây là những công trình chủ yếu nghiên cứu về văn học, văn hóa, nghệ thuật diễn ra trên đất quê Thanh, về văn nghệ sĩ xứ Thanh.
Cuốn Lý luận - Phê bình văn học Thanh Hóa từ 2010 đến nay là sự tiếp nối với những nghiên cứu mới về xu hướng phát triển của văn xuôi, của thơ Thanh Hóa và thơ trẻ Thanh Hóa; khẳng định phong cách sáng tác của một số cây bút; nghiên cứu những giá trị về văn học dân gian, văn hóa, mĩ thuật, lịch sử, ngôn ngữ,… từ đó mà phát hiện thêm vẻ đẹp tâm hồn và cốt cách người dân quê Thanh.
1. Xứ Thanh - Dòng chảy văn xuôi
“Văn xuôi Thanh Hóa trong dòng chảy văn học đương đại” (trang 9) là tiêu đề bài viết của PGS. TS Hỏa Diệu Thúy, một nhận định mang tính khái quát cao. Có thể thấy, hơn nửa thế kỉ qua, văn xuôi Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ cả về lực lượng, chất lượng sáng tác và phương thức thể hiện. Văn xuôi Thanh Hóa ngay từ những ngày đầu đã khởi sắc với những cái tên: Nguyễn Trinh Cơ, Nguyễn Thế Phương, Trần Hiệp, Hoàng Tuấn Phổ, Nguyễn Ngọc Liễn, Lê Đại Thanh, Mai Ngọc Thanh, Kiều Vượng, Đặng Ái, Lê Hữu Thuấn, Nguyễn Huy Sanh, Hà Thị Cẩm Anh, Lê Sĩ Oanh, Lê Thiện Trác… Đây là những “trụ cột” của văn xuôi xứ Thanh trước và sau khi thành lập Hội. Trong số họ, có nhiều người đã để lại được dấu ấn trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.
Nối tiếp thế hệ trước là tên tuổi các nhà văn chuyên và không chuyên như Phùng Gia Lộc, Từ Nguyên Tĩnh, Lê Xuân Giang, Nguyễn Văn Đệ, Đào Hữu Phương, Nguyễn Cẩm Hương, Hoàng Trọng Cường, Lưu Vũ Súy, Trọng Nghĩa, Nguyễn Bá Doanh, Viên Lan Anh, Ngân Hằng, Nguyễn Thủy Tiên, Hoàng Hùng, Bùi Hữu Thược…
Văn xuôi Thanh Hóa thực sự đã trở thành “một bộ phận quan trọng của văn học nghệ thuật Thanh Hóa, đồng thời cũng đang khẳng định vị trí trong đội ngũ sáng tác văn xuôi của cả nước” (Hỏa Diệu Thúy). Ngoài bài viết của tác giả Hỏa Diệu Thúy còn có 6 bài viết về 5 tác giả văn xuôi Thanh Hóa. Tác giả Lê Xuân Soan với Đọc tiểu thuyết của Kiều Vượng, Hỏa Diệu Thúy có Vùng trời thủng - bản tráng ca về Thanh niên xung phong và tình hữu nghị Việt - Lào. Nhà văn Kiều Vượng nhiều năm là người lính thanh niên xung phong (TNXP) trong những đoàn thuyền nan vận tải hàng hóa và vũ khí vào tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh, tham gia mở những cung đường hữu nghị sang Lào. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều năm là Trưởng đại diện Văn phòng báo Văn nghệ khu vực Bắc miền Trung. Ông viết văn để ghi lại hiện thực đời sống sôi động của thời chiến cũng như thời bình. Hàng trăm truyện ngắn và bút ký, năm tiểu thuyết về đề tài chiến tranh và dựng xây. Năm 2007, Trường Đại học Hồng Đức kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Kiều Vượng - đời lính, đời văn. Có thể nói rằng: Kiều Vượng là nhà văn của những dòng sông, nhà văn của những cung đường, nhà văn của TNXP. Nếu như Phạm Tiến Duật có nhiều bài thơ nổi tiếng về TNXP (Gửi em, Cô gái thanh niên xung phong, Lửa đèn, Trường Sơn đông - Trường Sơn tây…) thì Kiều Vượng có hàng loạt truyện ngắn, bút kí và riêng hẳn hai tiểu thuyết Sóng gió, Vùng trời thủng dành cho những chiến sĩ TNXP tình nguyện… Các bài viết đã đi sâu tìm hiểu nội dung, phong cách văn xuôi nói chung và tiểu thuyết Kiều Vượng nói riêng. Một nhận xét chung là, những trang văn của Kiều Vượng ngồn ngộn chất liệu của hiện thực đời sống, những vấn đề nóng hổi, bức xúc của cuộc sống đặt ra. Đối mặt với cái chết, đối mặt với khó khăn gian khổ và thiếu thốn là thách thức lớn nhất với con người, bởi “nó tác động trực tiếp đến phần bản thể, nó nằm ở lằn ranh giới mong manh giữa lí trí và bản năng”. Để hóa giải những mâu thuẫn ấy, Kiều Vượng đã đặt niềm tin vào tính nhân bản của con người. Hãy nghe nhân vật Kiều, anh thanh niên trong Vùng trời thủng sau khi tưởng như đã gục ngã, đã đứng dậy nói “Con người, dù bất kì hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho được cái phẩm chất chân thực của chính mình”. Riêng tiểu thuyết Vùng trời thủng của ông đã được nhận Giải thưởng Văn học Sông Mê Kông của Hiệp hội Văn học Đông Nam Á.
Ghi nhận những đóng góp của Kiều Vượng đối với VHNT Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung, năm 2017 ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Và trong Bảo tàng Văn học Việt Nam đã có nhà văn Kiều Vượng được ghi danh.
Cũng là một trong những cây bút văn xuôi nổi tiếng của xứ Thanh và cả nước, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Mười năm là lính (1965-1975) đã cho ông vốn sống và cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến. Mười một năm tham gia quản lí văn nghệ (1997-2008). Năm mươi lăm năm ông cầm bút. Tất cả đã tạo nên một Từ Nguyên Tĩnh lừng lững trong làng văn nghệ xứ Thanh, và một vị trí xứng đáng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Với năm tập trong Tuyển tập Từ Nguyên Tĩnh thì có hai tập về truyện ngắn (100 truyện), hai tập về tiểu thuyết (4 tiểu thuyết) và một tập về truyện vừa, thơ và trường ca (2 truyện vừa, 164 bài thơ, 2 trường ca). Chưa kể, ông có hai tập Ký sự Hàm Rồng (in chung với nhà văn Lê Xuân Giang) và nhiều bài báo, nhiều bài nghiên cứu, phê bình văn học đã đăng tải mà ông chưa đưa vào Tuyển tập lần này.
Với những sáng tác của Từ Nguyên Tĩnh, chúng ta dễ nhận ra các mảng đề tài lớn mà ông đặc biệt quan tâm là đề tài chiến tranh và nông thôn. Ở đề tài nào ông cũng thành công cả về nội dung và phương thức biểu đạt, tạo nên được dấu ấn, phong cách riêng cho mình. Với Từ Nguyên Tĩnh, thành công nhất là những truyện ngắn và tiểu thuyết.
Tác giả Thy Lan với bài Ám ảnh trong truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh qua khảo sát 40 truyện trong Truyện ngắn II, NXB Văn học, 2011, đã phát hiện ra những ám ảnh… Đó là những ám ảnh của Từ Nguyên Tĩnh về “một thời chiến tranh hùng tráng và bi thương… Chiến tranh không những để lại vết thương nhức nhối trên cơ thể mà còn nhức nhối bao tâm hồn tham gia cuộc chiến… Chiến tranh khốc liệt, gian khổ hi sinh, thương tật đầy mình… thôi thúc bản năng tồn tại con người phải gần nhau, yêu nhau hơn để chia sẻ, để sống…” (trang 312), (Phản bội, Nấm mồ biết nói, Chuyện không định kể, Một người lính, Bia mộ, Mùa xuân sẽ về…).
Theo nhà văn Thy Lan, kí ức về làng quê trong truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh “nằm ngay trong những tác phẩm viết về chiến tranh hay thế sự… Đó là câu chuyện về những miền quê khác nhau nhưng đều có chung đặc điểm là nghèo, gian khổ nhưng giàu về tình nghĩa… đó là những con người đang góp phần xây dựng quê hương và làm nên lịch sử…” (Sự tích một câu hò, Danh nhân của Làng, Thợ nồi đất…).
Một ám ảnh nữa trong truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh được Thy Lan khai thác và phân tích sâu sắc là mảng đề tài thế sự. Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ thì khu vực nông thôn còn nhiều nhận thức tiềm ẩn về dòng tộc, gia cảnh, thân phận, sang hèn, nghề nghiệp… (Bệnh nghề nghiệp, Trai đò dọc, Cơm mới…). “Cái bi hài len lỏi vào khắp hang cùng ngõ hẻm mọi miền quê”. Ông day dứt, canh cánh với những nhức nhối về các loại tội ác, sự ích kỷ đời thường… nhưng ông vẫn tin vào sức sống nội tại, sự thiên lương, lòng vị tha, nghĩa thủy chung của con người, của tình làng nghĩa xóm” (trang 318).
Phân tích những đặc điểm về xây dựng cốt truyện, tạo tình huống truyện, khai thác tâm lí nhân vật… Thy Lan đã khẳng định một phong cách truyện ngắn rất riêng của Từ Nguyên Tĩnh. Nhà văn Thy Lan cũng nhấn mạnh đến việc sử dụng tiếng địa phương, thứ ngôn ngữ mộc mạc, chân chất, không màu mè trong truyện ngắn của Từ Nguyên Tĩnh, và dù có hơi lạm dụng, thì đó cũng là một cách để tô đậm sắc thái địa phương, đem đến một hiệu quả nghệ thuật không hề nhỏ.
Góp mặt trong làng văn xuôi Thanh Hóa với một vị trí rất đáng nể là nữ nhà văn dân tộc Mường Hà Thị Cẩm Anh. Chị viết văn từ rất sớm, và cho đến nay chị đã xuất bản hàng chục truyện ngắn, truyện kí và kịch bản phim. Nhà nghiên cứu văn học Thy Lan đã chọn tập truyện Một nửa của người đàn bà với 9 truyện ngắn, giúp người đọc nhận ra cái hồn Mường trong những trang viết của Hà Thị Cẩm Anh. Hồn Mường được chị Cẩm Anh chưng cất từ trong bếp lửa, nhà sàn, giải vía, quả còn… Hồn Mường có trong từng câu hát Xường giao duyên… Theo Thy Lan “Truyện của chị dễ đọc, dễ hiểu. Văn tự nhiên, giàu hình ảnh, giàu chất thơ. Truyện của chị như một cuộc trưng bày về văn hóa Mường… Tuy nhiên, tập truyện không tránh khỏi sự quá tham lam chi tiết và lặp lại chi tiết” (trang 335).
Tôi còn nhớ, năm 2007, khi tham gia viết Chương trình Ngữ văn địa phương bậc THCS của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, tôi đã chọn truyện ngắn Quả còn của chị và được chị đồng ý. Thực tế là, 13 năm qua, thầy cô giáo và các em học sinh lớp 9 đã rất hào hứng khi phân tích, khám phá truyện ngắn rất hồn Mường này.
Lê Bá Thự, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, một dịch giả nổi tiếng, quê Thanh Hóa. Năm 2018, NXB Hội Nhà văn đã phát hành tập hồi ức Tôi và làng tôi của ông. Nhà nghiên cứu văn học TS Nguyễn Thanh Tâm, cũng như nhiều người khác, dường như vô cùng tâm đắc, đồng cảm với Lê Bá Thự bởi anh cũng là người đang xa quê. Trong bài viết Kí ức làng của Lê Bá Thự, Nguyễn Thanh Tâm cho rằng những câu chuyện, những đồ ăn thức uống, phong tục tập quán sẽ giúp cho “Những người làm nghiên cứu văn hóa sẽ tìm thấy những dẫn chứng tiêu biểu cho cấu trúc tinh thần của con người và làng xã, nông thôn Việt Nam” (trang 410). Nhưng ấn tượng hơn cả và thú vị nhất với Nguyễn Thanh Tâm là được nghe lại giọng quê trong kí ức. Giọng quê được Lê Bá Thự đem vào những câu chuyện chất giọng quê Thanh không hề pha tạp. Những người phiêu bạt, xa xứ thường được gắn kết nơi đất khách quê người bởi cái chất giọng quê ấy, giọng quê đôi khi làm ta “chạnh lòng!”.
2. Xứ Thanh - Miền đất thi ca
PGS. TS Hỏa Diệu Thúy có một “lộ trình” dẫn dắt đầy thú vị: Mảnh đất xứ Thanh đã sản sinh và nuôi dưỡng hào kiệt như Đinh Củng Viên, Lê Hoàn, Hồ Quý Ly, Nguyễn Mộng Tuân, Lê Văn Hưu, Lê Lợi, Lê Khôi, Lê Quát, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ, Lương Đắc Bằng, Trịnh Sâm, Trịnh Tráng, Nhữ Bá Sĩ, Tống Duy Tân, Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Trần Xuân Soạn… “Những tên tuổi lẫy lừng ấy, dù là đấng quân vương hay bậc sĩ phu, nho sĩ, họ đều có chung những phẩm chất: khí phách và tài hoa!” (trang 21).
Xứ Thanh, mạch đất hội tụ của anh hùng và thi nhân!
Tác giả trình bày lịch sử phát triển của nền thơ ca Thanh Hóa từ những tác phẩm được viết bằng chữ Nôm, chữ Hán và chữ Quốc ngữ sau này; thơ viết trên vách đá, thơ ngâm vịnh, thơ của các chiến sĩ cách mạng bị tù đày. Đặc biệt, các thế hệ nhà thơ thời kì chống Pháp, chống Mĩ, dựng xây đất nước và đổi mới, luôn là sự nối tiếp, có lúc bùng phát thành hiện tượng (Lê Thánh Tông, Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Nguyễn Duy), đóng góp đáng kể vào nền thơ ca dân tộc giàu sắc hương.
Dù phát triển trong thời kì nào, các nhà thơ Thanh Hóa đã làm nên được cái bản sắc trong thơ. Theo tác giả Hỏa Diệu Thúy, có một bản sắc xứ Thanh trong thơ với 3 điểm nổi trội là: 1/ Những ám ảnh về mảnh đất miền Trung. 2/ Nét rắn rỏi, bộc trực. 3/ Thích quảng bá đặc sản xứ Thanh. Và, vì vậy mà cấu tứ, câu từ trong thơ Thanh Hóa phù hợp với những nét bản sắc trên? Theo tôi, những nhận xét này chưa thật đầy đủ, chưa chính xác lắm, cần được bổ sung khi mà chính tác giả cũng “thử đưa ra những phán đoán”?
Có một số bài viết cũng mang tính khái quát: Thơ và thơ trẻ (Thy Lan), Thơ Thanh Hóa đầu thế kỉ XXI, Nhận diện một số cách tân thơ trữ tình trên Tạp chí Xứ Thanh (Nguyễn Thanh Tâm).
Là Tổng Biên tập Tạp chí Xứ Thanh, nơi khởi nguồn và hội tụ những tài năng trẻ qua các cuộc thi thơ, Thy Lan luôn biết phát hiện, tập hợp, nâng niu, trân trọng và động viên họ. Trong bài viết Thơ và suy nghĩ về thơ trẻ, tác giả chỉ ra hai xu hướng phát triển của thơ trẻ: 1/ Phát triển thể thơ cũ nhưng biên độ cảm xúc được mở rộng, đưa thơ đến gần hơn với đời sống. 2/ Thơ đương đại cách tân cả nội dung và hình thức. Tiêu biểu cho các xu hướng này là Phạm Tú Anh, Lữ Thị Mai, Mai Hương, Nguyễn Hải…
Giá như tác giả dành thêm thời gian để phân tích về một thực tế vẫn tồn tại là: các nhà thơ trẻ viết cũng rất “già” ( Phạm Văn Dũng, Phạm Tiến Triều, Lê Đáng, Lê Huyền…) và các nhà thơ đã có thâm niên nhưng viết cũng rất “trẻ” (Văn Đắc, Huy Trụ, Nguyễn Minh Khiêm, Viên Lan Anh, Đinh Ngọc Diệp…).
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm đã dành nhiều thời gian để khảo sát hành trình Thơ Thanh Hóa đầu thế kỉ XXI - Đọc trong không gian huyền thoại qua Tuyển tập Thơ Thanh Hóa đầu thế kỉ XXI (2001-2009) của 44 tác giả với 87 bài thơ. Tác giả lí giải giới hạn nghiên cứu này bằng lí thuyết của ngữ dụng học. Mọi nhận xét, đánh giá thơ Thanh Hóa đều xuất phát từ hệ qui chiếu trong “trường” không gian huyền thoại, nghĩa là trên bình diện văn hóa. Hai nội dung quan trọng: 1/ Viết dưới bóng những huyền thoại. 2/ Khả thể của những huyền thoại mới thông qua các bài thơ của Lê Đăng Sơn, Trương Thị Mầu, Cao Sơn Hải, Nguyễn Minh Khiêm, Huy Trụ, Vương Anh, Lâm Bằng, Phạm Khang, Nguyễn Ngọc Quế… Bài viết gợi ra nhiều hướng mở cho cả người sáng tác và người phê bình.
Một số bài nghiên cứu phê bình về thơ của các nhà thơ Thanh Hóa.
Mười lăm tác giả thơ được đề cập trong tập lí luận phê bình lần này là những gương mặt thơ quen thuộc với nhiều thế hệ đã làm nên hương sắc cho vườn thơ xứ Thanh. Đó là Hồ Dzếnh, Hữu Loan, Văn Đắc, Mã Giang Lân, Vương Anh, Định Hải, Trần Đàm, Nguyễn Duy, Huy Trụ, Nguyễn Minh Khiêm, Nguyễn Thị Hồng Vân, Vũ Duy Hòa, Đinh Ngọc Diệp, Viên Lan Anh. Có một bài viết về nhà thơ - Hoàng đế Lê Thánh Tông thế kỷ XV, chủ súy Hội Tao đàn.
Các tác giả lí luận phê bình phần lớn là những nhà giáo, những nhà quản lý (Lưu Đức Hạnh, Hỏa Diệu Thúy, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Như Bình, Trịnh Vĩnh Đức, Thy Lan, Nguyễn Thanh Tâm, Trần Đàm, Viên Lan Anh, Kiều Thu Huyền… Với vốn kiến thức lí luận sâu sắc, ngoài những phát hiện mới mẻ trong sự sáng tạo của mỗi nhà thơ; và với một phong cách phê bình nghiêm túc, cho nên các bài viết đều giữ được sự chừng mực cần thiết và luôn trân trọng giá trị của lao động nghệ thuật.
3. Xứ Thanh - Mạch nguồn văn học dân gian
Văn học dân gian (VHDG) Thanh Hóa rất dồi dào, phong phú cả về nội dung, thể loại, phương thức biểu diễn... Ở Thanh Hóa tồn tại nhiều bài ca dao, sử thi, truyện cổ, hò vè... mà về nội dung có liên quan đến VHDG của cả nước như Đẻ đất đẻ nước, Mai An Tiêm, Từ Thức, Phương Hoa, Trạng Quỳnh...
Điểm đặc biệt của VHDG Thanh Hóa là: Gần như bất cứ một thể loại văn học nghệ thuật dân gian nào có ở Việt Nam, thì Thanh Hóa đều có, và đều tạo thành một số vùng thể loại khá đậm đặc, gây được ấn tượng: Ca công, chèo, hò sông Mã là những ví dụ. Có những sự kiện Folklore được ghi đậm trong lịch sử văn hóa như: Sử thi Đẻ đất đẻ nước, truyện cười với Trạng Quỳnh, truyện nôm với Phương Hoa, truyện thơ dân tộc với Khăm Panh. Nhiều truyện cổ tích tiêu biểu của Việt Nam đã được ra đời từ Thanh Hóa như truyện Mai An Tiêm, Từ Thức.
Sự phong phú của các thể loại VHDG Thanh Hóa chứng tỏ trình độ, năng lực cảm thụ và sáng tạo nghệ thuật của người dân là rất tiềm tàng. Có những tác phẩm trở thành sản phẩm chung của cả nước (Từ Thức, Phương Hoa, Mai An Tiêm, Trạng Quỳnh, Đẻ đất đẻ nước...) nhưng vẫn mang sắc thái xứ Thanh, mang cái hồn của xứ Thanh từ địa danh, tính cách đến ngôn ngữ...
Nêu lại những nét lớn về VHDG Thanh Hóa, để khẳng định di sản tinh thần mà cha ông để lại và công lao gìn giữ, khai thác của bao thế hệ người dân quê Thanh.
Trong tập sách này, một số tác giả tiếp tục nghiên cứu, phát hiện những vấn đề mới, mang ý nghĩa thời sự từ trong tác phẩm VHDG hàng ngàn năm nay. Tác giả Lê Như Bình qua Sự tích đền Độc Cước nghĩ đến biển đảo là phần không thể tách rời của lãnh thổ quốc gia và trách nhiệm giữ gìn biển đảo quê hương. Cũng theo tác giả, đoạn kết truyện Tấm Cám cần phải được đặt ra nhiều tình huống, nhiều câu hỏi giả định để nhân vật Tấm luôn giữ được vẻ đẹp thánh thiện trong tâm thức mỗi người? (trang 143).
Tác giả Hoàng Tuấn Công sau khi phân tích Về câu tục ngữ “Thanh vô tiền, Nghệ vô hậu” và cho rằng “Thanh vô tiền, Nghệ vô hậu” chỉ là kiến văn của dân gian về đặc điểm kiến trúc và công năng sử dụng của hai tòa thành hàng tỉnh, thuộc hai vùng đất láng giềng để tránh những nhầm lẫn (trang 86). Và trong bài Có nên đi tìm “cành hoa sen” trong ca dao? Hoàng Tuấn Công đã có lí khi cho rằng ca dao sử dụng các thể phú, tỉ, hứng và thường mượn cái “cớ” để nhân vật trữ tình bộc lộ tình cảm. Vì vậy, việc truy xét “cành hoa sen” thuộc loại sen nào, ở địa phương nào là điều không cần thiết!
Trong bài Hình tượng chim Lạc trên trống đồng cổ Đông Sơn, tác giả Hỏa Diệu Thúy đã phân tích thỏa đáng và giải mã hình tượng chim Lạc “chim Lạc thống lĩnh cả Trời, Đất, Nước… Những cánh chim Lạc đó đã trở thành biểu tượng đích đáng cho con người, cuộc sống và khát vọng của cư dân phương Nam, cư dân Lạc điền với sắc thái văn hóa vùng sông nước” (trang 42). Cũng theo tác giả Hỏa Diệu Thúy trong một bài viết khác, thì “Hình tượng người khổng lồ trong huyền thoại xứ Thanh” là những người có sức mạnh siêu phàm với những cái tên như Ông Bưng, Ông Vồm, Ông Đống, Ông Go, Ông Quảy Núi… là những người khổng lồ - lao động. Và cũng có những người khổng lồ trong lịch sử dựng nước và giữ nước được nhân dân tôn kính như Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Nguyễn Hoàng…”.
Việc nghiên cứu văn học dân gian ở Thanh Hóa đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Và sản phẩm là những tập sách về VHDG Thanh Hóa gồm Ca dao Thanh Hóa, Truyện dân gian Thanh Hóa, Truyện Trạng Quỳnh, Truyện dân gian Mường - Thái… Các nhà nghiên cứu VHDG Thanh Hóa tiêu biểu như Vũ Ngọc Khánh, Hoàng Tiến Tựu, Hoàng Anh Nhân, Minh Hiệu, Lê Huy Trâm, Trọng Miễn, Vũ Ngọc Khôi, Trần Thị Liên, Mai Hồng Hải, Phạm Thị Hằng…
Tiến sĩ Kiều Thu Huyền có bài Hoàng Anh Nhân - một đời gom nhặt văn hóa dân gian Mường và PGS.TS Hỏa Diệu Thúy với “Minh Hiệu - tầm vóc nhà văn hóa”. Đây là những đánh giá và sự ngưỡng mộ đối với công lao và cống hiến của hai nhà nghiên cứu của xứ Thanh đã từng được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
4. Xứ Thanh - Lịch sử và văn hóa
Hành trình bốn ngàn năm cùng lịch sử dân tộc, trên nhiều phương diện, Thanh Hóa như một Việt Nam thu nhỏ. Các nhân vật lịch sử cùng các triều đại phong kiến Việt Nam đã được đánh giá và lưu lại bằng nhiều hình thức khác nhau. Liên quan đến Thanh Hóa là những Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Hồ Quý Ly, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng, Tống Duy Tân, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước… Vẫn còn đó những vấn đề mà các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử phải trả lời cho các thế hệ con cháu.
Nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử kì cựu Hoàng Tuấn Phổ đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Trong tập sách này ông có ba bài. Bài Quốc mẫu Trịnh Thị Ngọc Lữ và quốc vương Tư Tề - một nghi án trong lịch sử thời Lê sơ tác giả đã phân tích nguyên nhân bà Trịnh Thị Ngọc Lữ (Thần phi của Lê Thái tổ) và Tư Tề (con trai của Lê Thái tổ) bị phế truất năm 1433. Và theo tác giả, đó là nghi án cần được làm sáng tỏ để minh oan cho hai mẹ con Trịnh Thị Ngọc Lữ vốn có nhiều đóng góp cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi.
Bài Nguồn gốc Gia Miêu Ngoại Trang và những đóng góp của dòng họ Nguyễn trong lịch sử dân tộc với nhiều tư liệu quý và được tác giả Hoàng Tuấn Phổ phân tích rõ ràng và rất thuyết phục. Trải qua nhiều biến động, “triều Nguyễn của Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị phải khắc phục như thế nào để ổn định đất nước, bảo vệ nền độc lập, điều hòa mâu thuẫn giai cấp, củng cố vương quyền, phát triển xã hội toàn diện?”(trang 108). Trước hết là các vấn đề về ruộng đất, thương mại, bang giao, ngoại đạo được triều Nguyễn quan tâm… Tuy nhiên, việc đánh giá về vương triều Nguyễn cả những đóng góp và sai lầm vẫn đang là vấn đề cần được tiếp tục.
Thanh Hóa cũng là nơi còn lưu giữ những di tích, danh thắng độc đáo và kì thú, độc nhất vô nhị. Am Tiên núi Nưa được coi là huyệt đạo quốc gia, rộ lên mấy thập niên qua, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Bài viết Am Tiên núi Nưa được Hoàng Tuấn Phổ giải thích đầy đủ về sức hút của vùng đất này: có giếng tiên Am Tiên, có ngàn Nưa hùng vĩ còn mãi ngân vang tiếng cồng của nghĩa quân Bà Triệu cưỡi voi ra trận...
Tác giả Hoàng Tuấn Công trong bài Đọc sách “Di tích núi và đền Đồng Cổ” đã không đồng tình với một số nhà nghiên cứu cho rằng Đền Đồng Cổ là đền thờ Thần Trống Đồng? Theo tác giả, Đền Đồng Cổ ở làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định - Thanh Hóa và quận Tây Hồ - Hà Nội là hai ngôi đền thờ Thần núi Đồng Cổ, vị thần có công giúp nhà Lý đánh tan quân Chiêm Thành (1020). Truyền thuyết lịch sử bao giờ cũng có cái cốt lõi là lịch sử. Đền Đồng Cổ ở Yên Định là minh chứng cho dấu tích lịch sử và sự đóng góp của đất và người xứ Thanh trong tiến trình dựng nước và giữ nước.
Tập sách Lý luận - Phê bình văn học Thanh Hóa từ 2010 đến nay là một thành công lớn của Hội VHNT Thanh Hóa nói chung và toàn thể hội viên Ban Lý luận phê bình nói riêng, thể hiện năng lực và trí tuệ của những nhà nghiên cứu văn học xứ Thanh. Mười hai nhà nghiên cứu của Ban phải khảo sát một khối lượng tác phẩm đồ sộ với đủ các thể loại. Nhiều bài viết có hàm lượng khoa học rất cao, thể hiện được tinh thần hợp tác với những người sáng tạo. Văn phong chuẩn mực, từ ngữ phù hợp với từng kiểu bài nghiên cứu, lí luận, phê bình. Qua tập sách, bạn đọc hình dung được lực lượng hùng hậu của đội ngũ văn nghệ sĩ xứ Thanh, xứng đáng với niềm tin và sự gửi gắm của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tháng 4 năm 2020
L.X.S