“Giao mùa” tập thơ thứ 8 của nhà thơ Lê Văn Sự ra mắt bạn đọc, tính từ năm 1992 đến nay. Cuộc sống với muôn vàn những va đập rồi cũng đến lúc phải lắng lại, bao vị đời chua, cay, chát, mặn, ngọt, bùi được Lê Văn Sự đưa cả vào trong các sáng tác của mình chân thực và giàu xúc cảm. Tôi nhận thấy càng ngày ông càng viết khỏe hơn, đa dạng hơn. Với cái nhìn nhạy cảm trong từng sự việc, từng thời điểm lịch sử khác nhau; ấp ủ trong cái “ tôi” trữ tình, bằng ngôn ngữ bình dị, tự nhiên, Lê Văn Sự đã khắc họa nhịp sống một cách chân thực, tinh tế, tạo ra những bài thơ tâm đắc, chia sẻ nỗi niềm cùng bạn đọc, góp vào vườn hoa văn học Việt Nam nói chung, xứ Thanh nói riêng thêm phong phú, đậm đà hương sắc.
Có lẽ tác giả mồ côi cha từ 3 tháng tuổi, lớn lên trong lời ru đơn côi của mẹ, cuộc sống thăng trầm vất vả tác động nhiều đến đời sống nên nhà thơ Lê Văn Sự có những bài thơ hay, câu thơ hay viết về thế sự, nhân tình thế thái...
Hơn một trăm trang sách, “Giao mùa” gồm 68 bài thơ đa dạng thể loại, phong phú về đề tài. Với nhiều rung cảm thẩm mỹ, cung bậc thăng hoa khác nhau, nhiều bài thơ đi vào lòng bạn đọc một cách tự nhiên, miên man, để lại nhiều dư vị đến lạ. Trong tập này, nhà thơ đề cập đến: Các di tích văn hóa lịch sử, biển đảo, công cuộc đổi mới; đời sống mưu sinh và sự phân biệt giàu, nghèo trong cộng đồng; tình yêu đôi lứa và tình yêu thiên nhiên… làm nguồn cảm hứng cho ngôn từ cất cánh.
Qua “Giao mùa” ta cảm nhận rõ hơn thơ Lê Văn Sự luôn giản dị, thâm trầm như chính con người anh vậy. Nhà thơ không nói nhiều về những điều xa xôi hay đao to búa lớn tất thảy đều từ cuộc sống thường nhật mà ra. Từ ý thơ đến câu chữ đều dung dị, dễ chạm đến trái tim và sức liên tưởng của người đọc bởi mỗi bài thơ là một vấn đề của cuộc sống được ngôn ngữ hóa thông qua cách nhìn rất thơ của tác giả. Người đọc sẽ thấy được sự trăn trở của nhà thơ đối với từng hơi thở của cuộc sống sôi động, náo nhiệt, ồn ào ngoài kia. Nhưng cuộc sống ồn ả ấy đến với bạn đọc lại thật nhẹ nhàng, thanh thoát của ngôn từ, cái mượt mà không nặng nề, khô khan, căng thẳng của cảm xúc mà vẫn đầy ẩn ý mà tác giả muốn gửi gắm.
Bằng ánh nhìn tinh tế của người nghệ sĩ, bằng sự nhạy cảm của một nhà thơ, một người yêu sử, ông viết bài thơ “Trước Tượng đài Lê Lợi”: “Ông đứng đây/ Sừng sững giữa đất trời/ Tay nắm đốc gươm/ Tay chỉ xuống đất/ Nhắc cháu con gìn giữ đất này/ Đại Việt bao lần “nếm mật nằm gai”/… Câu chữ giản dị, trung thực, giọng thơ hào sảng đã khắc họa chân dung người anh hùng áo vải đất Lam Sơn thật ấn tượng: “Tay nắm đốc gươm/ Tay chỉ xuống đất”, “đất” ở đây chính là quê hương, chính là tổ quốc! Nếu ta đọc chậm lại, vừa đọc, vừa hình dung sẽ thấy nỗi niềm trắc ẩn chất chứa trong mỗi lời thơ của tác giả như muốn nhắc nhớ con cháu muôn đời sau, phải nêu cao cảnh giác, giữ gìn toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc!
Nếu “Trước Tượng đài Lê Lợi” đại diện tiêu biểu cho dòng thơ hiện thực thì “Uống rượu đêm trăng” là sự pha trộn có chủ ý của tác giả giữa hai dòng cảm xúc hiện thực và lãng mạn:
Ta ngồi uống rượu đêm trăng
Muôn vì sao với chị Hằng chênh chao
Xích gần hơn chút nữa nào
Nghe bao đắng đót chảy vào chén thơ
Nỗi buồn, vui cứ vẩn vơ
Cứ lơ thơ, cứ vật vờ quanh đây
Rót đi em, chén rượu đầy
Bạn thời đánh giậm đêm nay cũng về
Uống cho những đứa xa quê
Những đồng đội cũ đã về thiên thu
Nhân sinh như chiếc đèn cù
Khúc quanh định mệnh rối mù đục, trong
Người tỷ phú, kẻ long đong
Chữ Tâm vẫn phải lòng vòng lối đi
Men say anh biết nói gì
Đời gặp em để cùng đi chung đường
Chén tình, chén nghĩa lương vương…
Uống đi chén nữa - tóc sương trắng trời…
Bài thơ là lời tâm tình, để lộ ra với bao vui, buồn trong cuộc rượu, dưới ánh trăng. Rượu và trăng thường gợi nên những dòng cảm xúc bất tận cho các nhà thơ. Họ nói với trăng như nói với mình, cũng là cái cớ để nhà thơ tâm sự với chị Hằng, với bạn đọc đó thôi. Nhà thơ uống trăng trong ly rượu. Vừa uống vừa nghĩ đến bạn bè một thời cầm súng. Bây giờ, kẻ còn, người mất, kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra. Kẻ chạy xe ôm, người đi đánh giậm… lam lũ đủ nghề trong cuộc mưu sinh. Câu thơ nào cũng nghèn nghẹn, câu thơ nào cũng trầm tư nghĩ ngợi, câu thơ nào cũng chất chứa nhân tình thế thái, có lẽ nhà thơ đã ngà ngà say vì quá nhiều ẩn ức mà vì thế câu chữ cũng thật như đếm, cảm xúc tuôn ra như một lẽ tự nhiên không cần cớ. Có thể nói với Lê Văn Sự cuộc đời từng trải là chất men còn cảm xúc và trách nhiệm là nguyên liệu để tâm hồn thi sĩ chưng cất thành những ly rượu thơ rất nặng tình, nặng nghĩa khiến người đọc cũng dễ say theo, trầm tư theo.
Như là mặc định của tạo hóa rằng nhà thơ hay ngoại tình với trăng, với mây, với gió… lẻ loi, đơn độc nhưng lại ôm ấp mộng cao xa, thanh thoát khỏi bụi hồng trần để phiêu lưu đến tận cùng của cảm xúc thi ca. Lê Văn Sự không nằm ngoài số đó, cũng bởi ông mang cái dạ của kẻ làm thơ lại lấy rượu làm bạn nên hay tức cảnh sinh tình mà thành ra cô đơn. Một cái tôi bé mọn giữa mênh mông trăng sao, gió mây thì không cô đơn, không viễn vông, phiêu lưu cảm xúc sao được.
Tôi và ông cứ nhẩn nha,
Rượu vào gan ruột lời ra thật lòng.
Uống đi cạn mớ bòng bong
Cho trang thơ viết sáng trong giữa đời.
Bôn ba gần hết cuộc đời
Người tri kỉ, cứ vời vợi xa
Đêm thanh ngắm ánh trăng ngà
Câu thơ chén rượu la đà tình say…
Câu thơ nào cũng ướt đẫm trăng, ướt đẫm rượu, ướt đẫm tâm tư của tác giả bởi mỗi câu thơ là một thoáng trải lòng, một khoảng cô đơn vời vợi với cảm xúc bất tận, chất chứa bao vị mặn, chát, đắng, ngọt lắng lại của cả một đời. Dòng thơ lãng mạn có nhiều tượng đài, nhiều nhà thơ vĩ đại, những ngọn núi thực sự, tên tuổi của họ đã được thời gian và người đọc thử thách. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, có thể Lê Văn Sự chưa phải là một nhà thơ lớn trong dòng thơ trữ tình, lãng mạn, nhưng ít nhiều người đọc thực sự ấn tượng với những câu thơ đầy ẩn ức và đặc biệt là thái độ sống, thái độ viết và những trăn trở, va đập với cuộc đời đều hiện lên rất sống động, rất thật và giàu xúc cảm trong thơ ông.
Tiếng rao của người mua phế liệu, cứ vang lên bất chấp nắng nôi, bụi bặm trên đường mưu sinh; Người công nhân gom rác lạc lõng trong ánh nhìn của bao người qua lại, người nghệ nhân tài hoa chạm khắc nên những bức phù điêu trong các chùa chiền, nhất là những những người thân yêu của cuộc đời mình… đều đi vào thơ ông qua ánh nhìn dung dị, chân thật để rồi mượn đôi cánh của ngôn ngữ mà xây dựng nên những hình ảnh thơ giản dị, gần gũi, đáng thương và đáng yêu vô cùng. Thơ là phương tiện để nhà thơ kể lại câu chuyện đời mình, ghép lại những mảnh đời, những góc cạnh của cuộc sống, vẽ lại bức tranh bằng ngôn ngữ với nhiều màu sắc, trong bức tranh ấy người xem thấy được cả mảng màu tươi sáng cả những góc tối, sẫm màu, có khi là những bản nhạc trầm bổng với giai điệu khoan nhặt mà mỗi nốt nhạc trong bản nhạc ấy chất chứa tiếng lòng của tác giả, tiếng thở của nhân vật và tiếng trái tim của độc giả. Nhưng dù là nhạc, là họa hay là thơ thì những tác phẩm ấy vẫn rất mạch lạc, trung thực, và cảm động. Tuy nhiên, trong “Giao mùa” hãy còn những bài thơ, khổ thơ câu chữ chưa thật chắt lọc, thiếu tính khái quát, cảm xúc dâng trào nhưng cách dùng ngôn ngữ lại chưa đủ sức để lột tả hết, cũng có khi độc giả bắt gặp cảnh nhà thơ ngụp lặn quá lâu trong vòng xoáy của ký ức và thực tại dù có cố gắng vùng vẫy nhưng vẫn chưa thể thoát ra.
Cảm ơn Lê Văn Sự đã cho ra đời tập thơ “Giao mùa”. Một tập thơ đậm phong cách nhà giáo lẫn trong lối tư duy của người nghiên cứu sử ưa hoài cổ và thích tìm tòi, cộng hưởng với tâm hồn nhạy cảm của một nhà thơ nặng mang những vui, buồn của cuộc sống làm cho khúc Giao mùa tình tứ hơn. Đó là những đóng góp đáng trân trọng. Với cách nghĩ và bút lực này, chúng ta hy vọng tiếp tục sẽ được đón nhận những tác phẩm hay hơn của Lê Văn Sự.
N.X.T