Tết đảo - Một tập truyện ngắn giàu tính nhân văn - Nguyễn Cẩm Hương
Nhà văn Lê Ngọc Minh là một cái tên khá quen thuộc trên nhiều trang báo như báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an và một số tờ báo khác với những truyện ngắn mang hơi thở dồn dập của đời sống hiện đại và cũng chính những truyện ngắn đó đã đem lại cho anh nhiều giải thưởng những năm gần đây. Song với tôi, tôi lại rất thích những truyện anh viết về thời quá khứ, về những kỷ niệm thuở học trò, về những người bạn cũ, những năm tháng trong quân ngũ và những tháng năm học tập trên xứ sở Bạch Dương… Tôi đã từng đọc truyện ngắn của anh cách đây khá lâu rồi, phải nói truyện của anh rất giàu tính nhân văn, giản dị, đời thường, mà vẫn đọng lại trong lòng người đọc những ấn tượng, suy ngẫm khó quên. Văn của anh không màu mè câu chữ, không kỹ xảo đánh đố người đọc, mà bình dị chân thành như đang nghe anh rủ rỉ kể chuyện với ngồn ngộn âm thanh cuộc sống. Đó là chất riêng của truyện ngắn Lê Ngọc Minh. Bởi anh vốn là một nhà biên kịch điện ảnh. Truyện của anh giàu tính điện ảnh cũng là điều hiển nhiên.
Gia tài văn chương của nhà văn Lê Ngọc Minh cũng đã khá dày dặn. Đó là hàng chục tập truyện ngắn và tiểu thuyết, chưa kể hàng loạt những kịch bản phim đoạt giải cao của Điện ảnh Việt Nam.
Song trong bài viết này tôi chỉ muốn đề cập đến tập truyện ngắn mà anh vừa mới cho ra mắt bạn đọc năm vừa qua, đó là tập Tết đảo, với khuôn khổ chỉ là những cảm nhận của một người đọc. Tập truyện ngắn Tết đảo dày 200 trang, khổ 13x20 cm, có thể nói đó là một tập truyện vừa tầm tay với dung lượng 13 truyện ngắn. Ngay cả cái hình thức của tập sách cũng đã nói lên vẻ khiêm nhường, giản dị như giọng văn của anh. Đó là cảm giác đầu tiên của tôi khi cầm tập sách trên tay.
Mở đầu tập truyện ngắn là truyện Nữ tính. Một truyện ngắn về tình yêu thời chiến tranh. Cũng như bao tình yêu thời chiến là tan vỡ, là chia ly bởi chiến tranh, một mô típ quen thuộc, song trong truyện ngắn này sự tan vỡ lại không phải từ chiến tranh mà lại từ sự bất cẩn của một con người hay đúng hơn là một lời nói không đúng lúc. Dân gian đã từng có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là thế. Trong truyện dù người con trai có đánh đổi cả đời mình để đi tìm lại tình yêu xưa nhưng tất cả đã muộn. Lời nói khiến đối phương đau lòng cũng như viên đạn đã bắn ra khỏi nòng thì không thể lấy lại được. Câu chuyện là một kỷ niệm thời quá khứ nhưng có lẽ tác giả muốn nhắn nhủ cho mọi đôi lứa yêu nhau một thông điệp rằng có được tình yêu đã khó nhưng giữ được tình yêu còn khó hơn.
Như đã nói ở trên, tôi thích những truyện anh viết về thời quá khứ, về những kỷ niệm của một thời đã qua. Đó là các truyện ngắn Cá he đã lên, Tết đảo, Người yêu ở Huế, Thầy giáo dạy sử… Ai cũng có một thời để nhớ, nhưng nỗi nhớ trong truyện của anh là để chiêm nghiệm, để làm đẹp lên cho cuộc sống hôm nay chứ không phải để ngậm ngùi hay nuối tiếc dù những kỷ niệm đó không phải lúc nào cũng đẹp. Truyện ngắn Thầy giáo dạy sử là một truyện khá hay của dòng mô típ này. Câu chuyện kể về hai người thầy giáo dạy sử ở một trường cấp ba trường huyện ở cái thời xa vắng, cái thời còn nhiều ấu trĩ trong quan niệm của nhiều người, nhất là những quan niệm liên quan đến chính trị. Thời đó người ta rất dễ quy chụp cho ai đó cái tội phản động, khi chỉ vì một lời nói, một câu chữ vô tình trong văn thơ. Hai người thầy giáo là hai tính cách đại diện cho hai lớp người thời đó. Một lớp người trẻ tiến bộ với vốn kiến thức sâu rộng, sống trung thực, hai là lớp người cổ hủ nghèo nàn về kiến thức nhưng lại chứa đầy những mưu mô đố kỵ. Kết cục chắc chắn người thầy tiến bộ kia phải chịu những thiệt thòi, bởi thời đó nó như thế, như lời thầy đã mượn trong Hịch tướng sĩ để nói với người học sinh cũ của mình rằng: “chúng ta sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan”. Dù chua chát nhưng không phải hận thù, và thời nào cũng có tính lịch sử của nó. Câu chuyện đã có một cái kết rất nhân văn, rằng người thầy giáo bị trù dập xưa kia không hề có ý thù hằn gì về người đồng nghiệp đã hại mình, thậm chí còn đưa vào trang sử của trường những lời tốt đẹp về người đồng nghiệp xấu bụng. Song chính người đang tâm hãm hại người khác lại luôn sống trong dằn vặt, lo âu, chỉ sợ người khác bêu xấu mình, và lo sợ cho cái danh của mình bị hoen ố kể cả khi sắp đi về thế giới bên kia. Câu chuyện với những tình tiết giản dị, chân thật, khiến người đọc có cảm giác như đó chính là hồi ức của tác giả.
Trong tập truyện ngắn này của nhà văn Lê Ngọc Minh, còn một dòng truyện mang hơi thở của cuộc sống hiện đại với những vấn đề nổi cộm đang rất nhức nhối trong đời sống xã hội hiện nay, đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Từ sự tham lam hãnh tiến, con người có thể đi đến vô cảm thậm chí tàn nhẫn. Ta có thể gặp trong những truyện ngắn: Hạ điểm, Ung bướu, Cuối ngày tất niên, Rượu nói với những nhân vật như Hiệu trưởng Lê Sa, bác sĩ trưởng khoa Lưu Hợp Ca, bà tổng giám đốc, viên hiệu trưởng Pho… là những con sâu mọt trong xã hội, chúng đang hàng ngày gặm nhấm làm lụi tàn những cây non yếu ớt trong một vườn cây. Đọc, ta thấy buồn, thấy đau, thấy căm phẫn cho loại người vẫn còn đang hoành hành trong xã hội hiện nay. Song, trong vườn cây nhiều cỏ dại và sâu mọt ấy không phải là không thể mọc lên những bông hoa đẹp đẽ, ngát hương. Kết thúc truyện bao giờ cũng cho người đọc một cảm giác thở phào sảng khoái, bởi vẫn còn một niềm tin yêu vào cuộc sống. Tính nhân văn của truyện ngắn Lê Ngọc Minh là ở đó.
13 truyện ngắn của nhà văn Lê Ngọc Minh trong tập sách này chỉ duy nhất có một truyện ngắn thuộc về dòng truyện lịch sử, nhưng lại là một truyện ngắn hay nhất: Khoảnh khắc thánh minh. Thật ra Lê Ngọc Minh cũng đã có nhiều truyện về lịch sử. Gần đây tôi đã đọc tiểu thuyết Nội tướng của anh cũng là loại truyện lịch sử viết về thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ, người vợ tào khang đầu tiên của Đức Thái Tổ - Lê Lợi. Một tiểu thuyết đọc rất cuốn hút. Phải nói rằng nhà văn Lê Ngọc Minh rất có duyên về loại truyện này. Giọng văn của anh viết về lịch sử nhẹ nhàng ấm áp chứ không sâu cay như của Nguyễn Huy Thiệp hay ma mị như của Sương Nguyệt Minh. Lịch sử vốn nó thế nào thì cứ để nó là thế ấy, không phán quyết hay bóp méo. Đành rằng văn học lịch sử thì nó là dã sử, nhưng người đọc vẫn cảm thấy một sự chân thực như nó đã từng xảy ra như vậy.
Có thể nói không ngoa rằng truyện Khoảnh khắc thánh minh cũng chính là cái khoảnh khắc xuất thần của tác giả đã chớp được cái thần thái đẹp nhất của vị vua nổi tiếng trong lịch sử nước nhà, vua Lê Thánh Tông, cũng giống như người họa sĩ đã bắt được cái hồn của người mẫu để tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ. Trong truyện ngắn này nhà văn đã khắc họa được hình ảnh một vị vua vừa nhân từ, vừa anh minh, vĩ đại nhưng cũng tuyệt vời, lãng mạn. Đó là khoảnh khắc từ bi, giác ngộ giải oan cho Nguyễn Trãi, mặc dù cận thần ra sức can ngăn, mặc dù phải thượng tôn pháp luật, nhưng chỉ có sự anh minh, tấm lòng nhân ái và một trái tim thi nhân của vua Lê Thánh Tông mới nhìn ra được “Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê”. Trong lịch sử văn chương Việt Nam cũng có nhiều người viết về vua Lê Thánh Tông, nhưng trong truyện ngắn này người đọc có một cảm giác thật ấm áp về một vị vua tuyệt vời, thông minh, sáng suốt nhưng cũng thật bình dị, dân dã khi ngài vừa ban xong những chiếu chỉ quan trọng có một không hai trong lịch sử là khôi phục lại di cảo của Nguyễn trãi, theo ông đó là những ngọn vạn niên đăng. Hoàng đế tự thưởng cho mình một mồi thuốc lào và thanh thản lại án thư thảo nhanh một bài tứ tuyệt về hút thuốc lào nhưng tràn đầy khẩu khí của một bậc đế vương:
... tiếng kêu réo sấm lừng vang đất
Hơi thở tuôn mây rẽ ngất trời
Một trận ra uy trong nước lộn.
Ải nam khói tạt bắc chìm hơi
Dù là một vị hoàng thượng đứng đầu cả muôn dân nhưng ngài vẫn như một đứa trẻ luôn biết sợ mẹ. Hình ảnh “Ngài ngó quanh rồi kín đáo lấy ra cái điếu, ngài ngắm nó, ngài tự nạp thuốc và châm lửa làm một khói đã đời” cho ta bất chợt mỉm một nụ cười mến mộ về vị vua này.
Đọc truyện ngắn của nhà văn Lê Ngọc Minh, ta thường bắt gặp những vần thơ anh gửi gắm vào lời của nhân vật, và thường là những câu thơ rất hay, hình như cái chất thi sĩ luôn tràn ứ trong anh nên anh không tải kịp mà phải thả vào các trang văn. Có lẽ vậy mà các truyện của anh dù viết về những bi kịch, hay những ngổn ngang trong cuộc sống đời thường thì nó vẫn mang đầy thi vị của cuộc sống.
Khép lại trang cuối cùng của tập sách Tết đảo của nhà văn Lê Ngọc Minh. Tôi cảm nhận một điều rằng dù cuộc sống này còn trăm điều phải bực dọc, ngán ngẩm nhưng cuối cùng thì niềm vui vẫn đến vì vẫn còn những con người rất đẹp. Nó giống như những cái kết trong các câu truyện của nhà văn.
N.C.H