Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Hoạt động phê bình văn học tại các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương hiện nay - Hỏa Diệu Thúy
Hoạt động phê bình văn học tại các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương hiện nay - Hỏa Diệu Thúy

Các hội Văn học nghệ thuật địa phương được xem là “cánh tay nối dài” của các hội Văn học Nghệ thuật Trung ương. Hiện cả nước có tới 63 hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tương đương với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hoạt động của các hội VHNT địa phương từ trước đến nay luôn diễn ra rất sôi nổi, không ít những tài năng trước khi trở thành những tên tuổi được cả nước biết đến đã được phát hiện, rèn luyện, cống hiến từ các hội VHNT tỉnh nhà. 
Vì đối tượng quản lý trong phạm vi của một tỉnh, thành phố nên các hội VHNT địa phương được tổ chức sinh hoạt chung trong một tổ chức hội gọi là hội VHNT (một vài tỉnh thành hiện đã tách tổ chức này thành hai: Hội Văn học và Hội Văn nghệ, tuy nhiên cả hai hội này đều trực thuộc quản lý của cấp địa phương).
Trong cấu trúc hoạt động của các hội VHNT địa phương thường có một Ban Lý luận phê bình. Ban này cũng có chức năng, nhiệm vụ là hoạt động phê bình văn học - nghệ thuật chủ yếu gắn với hoạt động sáng tác tại tỉnh, thành phố đó. Lực lượng của Ban Lý luận phê bình địa phương căn cứ vào thực lực riêng có, vì vậy, hoạt động của Ban Lý luận phê bình ở mỗi nơi cũng khá đa dạng, vừa phê bình, vừa khảo cứu, thậm chí cả dịch thuật. Tuy nhiên, ở bài viết này sẽ chỉ đề cập tới hoạt động phê bình ở hội VHNT địa phương hiện nay.
Phê bình văn học quả là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn học, đặc biệt là giai đoạn hiện nay. Phê bình văn học của ta được soi sáng bởi hai nguồn lý luận, lý thuyết: Đường lối văn nghệ của Đảng và hệ thống các lý thuyết nước ngoài (chủ yếu từ Âu - Mỹ) được dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Đường lối văn nghệ của Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam, song, qua các giai đoạn cách mạng đã có những điều chỉnh thích hợp, gần đây nhất là đường lối trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa văn nghệ: Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mục tiêu “tiên tiến” và giữ vững bản sắc “văn hóa dân tộc” đã tạo điều kiện cho các nhà văn, nhà nghiên cứu tiếp cận với các lý thuyết mới hiện đại, đồng thời nghiên cứu kỹ những ưu việt của bản sắc văn hóa dân tộc để những sản phẩm văn hóa/ văn học của ta vừa song hành với nhu cầu của độc giả hiện đại, vừa góp phần lưu giữ tinh hoa, hồn cốt văn hóa dân tộc.
Không thể phủ nhận, những sáng tác văn học tại các địa phương mang màu sắc văn hóa địa phương rất đậm nét, từ nội dung, đề tài, đến tâm hồn, cá tính, ngôn ngữ, giọng điệu. Điều này khi cảm nhận, đánh giá rất cần đến sự am hiểu văn hóa bản địa. 
Như vậy, tính “địa phương” chính là một nét, một phương diện làm nên sắc màu đa dạng của văn hóa Việt Nam và điều này nếu được khai thác và vận dụng thành công sẽ làm nên “bản sắc dân tộc đậm đà”. Các nhà phê bình cắm chốt tại các địa phương, là người địa phương sẽ rất có lợi thế trong việc phát hiện, đánh giá thành công hay hạn chế của tác phẩm từ góc độ diễn ngôn văn hóa.
Trở lại với thực trạng hoạt động phê bình ở các địa phương, chúng tôi nhận thấy có những thuận lợi và thách thức sau:
Thuận lợi: Làm nghiên cứu, phê bình tại địa phương là được tiếp cận với không gian văn hóa bản địa từ thực tiễn đến sáng tác. Tác phẩm văn học luôn có cội rễ từ thực tiễn, được/ bị chi phối, ảnh hưởng từ một vùng văn hóa nào đó. Theo tôi, một tác phẩm mà khi tiếp cận người ta không thấy “mã văn hóa” của tác phẩm thì đó là sản phẩm lạc loài, không giống quạ, không giống công, không giống dơi, không giống chuột. Các nhà văn trưởng thành từ địa phương có thể tận dụng và khai thác sự thuận lợi này nhưng không phải ai cũng thành công(1). Vì vậy, phát hiện, góp ý, động viên chia sẻ với các cây bút địa phương chính là thế mạnh của các nhà phê bình “cắm chốt” tại các địa phương. Tuy nhiên, khó khăn cũng chính là từ điều kiện thuận lợi này mà ra.
Khó khăn: Áp lực từ “người quen” (!). Dù hướng đến đối tượng nào thì các cây bút phê bình ở các hội VHNT địa phương cũng phải dành sự quan tâm cho các tác giả, tác phẩm của địa phương mình. Điều này dường như là luật “bất thành văn”, song, cũng hợp lý thôi, khi đã tự nguyện đứng trong một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có tôn chỉ, mục đích hoạt động thì phải vận hành theo tôn chỉ, mục đích chung mà chính anh đã đồng thuận xây dựng. Vì vậy, tuy không tuyên bố, song, việc phê bình, giới thiệu các tác phẩm, tác giả của địa phương dường như là “nhiệm vụ” của lực lượng làm phê bình ở hội VHNT địa phương. Khi viết về tác phẩm của tác giả là người quen biết (thường là sách tặng) và tác giả tặng sách với mong muốn được “thẩm định” (mà chủ yếu là động viên) từ nhà phê bình. Điều này làm cho mức độ các bài phê bình “tại chỗ” thiên về phía động viên, khen ngợi mà “nương nhẹ” với những non kém, khuyết thiếu, vì vậy, độ sâu sắc và tính phản biện ở các bài viết kiểu này thường không cao.
Một khó khăn khác, những cây bút được đào tạo, có kiến thức học thuật về nghiên cứu, phê bình văn chương ở địa phương rất ít, chủ yếu là các cây bút “tự đào tạo”, vì vậy, các bài phê bình cũng thường khen chứ không chê, “bình/ tán” chứ không “phê”, thậm chí “khen lấy được” với những ngôn từ sáo rỗng và quan điểm chủ quan, thiếu cơ sở lý luận, lý thuyết. Thực trạng này là có thật và nếu có ý kiến cho rằng, chất lượng các bài viết của phê bình địa phương có vẻ nhàm nhạt và thiếu sắc sảo là có cơ sở. Tuy nhiên, điều này đang ngày càng được cải thiện. Ở các địa phương có các trung tâm đào tạo đại học liên quan đến khoa học xã hội & nhân văn có lực lượng giảng viên chuyên ngành đang bổ sung cho sự thiếu hụt này(2) và cần phải ghi nhận họ. Nhiều cây bút trong số họ, ngoài việc nghiên cứu giảng dạy, còn tham gia đắc lực vào việc tìm hiểu, giới thiệu, phát hiện các tác giả địa phương, điều này làm cho hoạt động phê bình ở một số hội VHNT địa phương đang tỏ ra rất chững chạc, tự tin trong việc sát cánh với các ban sáng tác trong hội. 
Những đề xuất kiến nghị
Về việc đào tạo, bồi dưỡng: Mặc dù chưa thường niên nhưng Hội đồng Lý luận Trung ương đã tiến hành tổ chức các đợt tập huấn nhằm nâng cao nhận thức lý luận và năng lực chuyên môn về lý luận phê bình cho đối tượng là lực lượng quản lý văn học nghệ thuật (Tuyên giáo) và bộ phận làm phê bình văn học nói chung ở các tổ chức Hội VHNT. Tuy nhiên, việc tổ chức không thường xuyên cùng với việc ưu tiên cho bộ phận quản lý khiến đối tượng trực tiếp làm chuyên môn được tham dự rất ít. Thêm nữa, mỗi đợt học tập như vậy thời gian quá ngắn để có thể tạo nên những biến đổi trong chuyên môn với đối tượng “không chuyên”. Chúng tôi kiến nghị, nên tăng cường các đợt tập huấn cả về đường lối cùng với việc cập nhật các hệ thống lý thuyết hiện đại cho học viên. Ngoài ra, các đợt tập huấn nên dành thời lượng cần thiết cho việc thảo luận các vấn đề thời sự về lý luận phê bình hoặc về các tác phẩm mới có thể gây dư luận.
Về hoạt động hội thảo và tổ chức giải thưởng: Có thể nói, về hoạt động hội thảo khoa học của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật còn rất thưa thớt. Giai đoạn đất nước đổi mới mở cửa hội nhập, văn hóa được coi là “nền tảng tinh thần”, là “sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị Trung ương 9, khóa XI) rất cần những cuộc Hội thảo có tầm bao quát, đánh giá thực trạng về công cuộc hội nhập văn hóa nói chung, văn chương nói riêng như thế nào trong ngót ba mươi năm qua. Trên thực tiễn, các trường đại học, viện nghiên cứu cũng đã tổ chức nhiều cuộc, ở nhiều góc độ về công cuộc đổi mới văn chương, tuy nhiên, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật là một “kênh” quản lý khác, có những yêu cầu, đánh giá riêng về thực tiễn sáng tác và nghiên cứu. Những cuộc Hội thảo chuyên sâu đánh giá về thực trạng sáng tác và nghiên cứu phê bình VHNT của ta nếu được tổ chức thường xuyên sẽ giúp ích nhiều trong định hướng hoạt động. Cũng nên chăng, tổ chức Hội thảo ở tầm Khu vực và Quốc tế để các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi bạn bè quốc tế, đồng thời quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới. Chúng tôi muốn đề nghị thêm, có thể triển khai các cuộc Hội thảo gắn với vùng, miền hoặc dưới sự đăng cai và chủ trì của Ban Tuyên giáo các tỉnh thành địa phương.
Kết luận: Để vai trò của lý luận - phê bình văn học nghệ thuật ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn trong đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà rất cần tới những cuộc hội nghị, hội thảo thường kỳ, thường niên được tổ chức với những nội dung, mục tiêu khác nhau ở cả lý luận đường lối lẫn lý thuyết tiếp cận, vận dụng. 
Không thể phủ nhận rằng, nghiên cứu, phê bình văn học của ta là nghiên cứu phê bình có định hướng, vì vậy, việc đầu tư cho định hướng (yêu cầu, kiểm soát, đánh giá) là tất yếu.
Công cuộc đổi mới văn học theo hướng hội nhập toàn cầu đang kích thích sáng tác theo hướng tiếp cận và ứng dụng lý thuyết hiện đại, vì vậy việc đầu tư giới thiệu hệ thống lý thuyết trên toàn cầu có lẽ là mục tiêu thiết thực và vô cùng hữu ích.
Cuối cùng, điều mà bài viết muốn nhấn mạnh ở đây là, trong tư duy quản lý của Hội đồng lý luận phê bình VHNT Trung ương cần/ nên có sự quan tâm thêm với những thành viên hiện đang hoạt động ở các hội VHNT địa phương với mục đích: những cây bút làm phê bình VHNT ở đây có đủ tự tin và năng lực để làm “bệ đỡ” cho sáng tác, góp phần vào sự phát triển của nền VHNT nước nhà. 
                                                                                     

H.D.T

(1) Các nhà văn thành công có thể kể đến: Nguyễn Ngọc Tư (Nam Bộ), Cao Duy Sơn, Y Phương (Cao Bằng), Hà Thị Cẩm Anh (Thanh Hóa), v.v…
(2) TP Hồ Chí Minh, Huế, Vinh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Phòng, v.v… hiện đang có các nhà phê bình là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 151
 Hôm nay: 2852
 Tổng số truy cập: 12882754
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa