Đông bắc Nga Sơn, một vùng đất lịch sử và huyền thoại
Ts. phạm văn tuấn
Đó là vùng đất duyên hải gồm 5 xã: Nga Thiện, Nga Giáp, Nga An, Nga Điền, Nga Phú nằm ở điểm địa đầu của miền Đông Bắc huyện Nga Sơn và của xứ Thanh. Dải đất này từ lâu đã để lại trong ấn tượng của nhiều người hình ảnh xa xưa về một cửa Thần Phù lịch sử, về một vùng đất phù sa mới phì nhiêu và đẹp đẽ với những cánh đồng có chân trời rộng rãi, những làng mạc dưới chân các ngọn sóng, những con thuyền buồm thong dong từ biển cả trở về. Tất cả những quang cảnh xinh xắn đó gợi cho ta cảm giác về một cái gì thân thuộc khi nói đến những vùng đất của miền duyên hải. Những người ham thích nghiên cứu và vãn cảnh thì đây thực sự là một vùng đất của những sôi động lịch sử và một bức tranh thiên nhiên với nhiều phong cảnh hết sức kỳ thú mà ở đó mỗi tên đất, tên núi, tên sông không chỉ nổi tiếng vì những chiến công đã đi vào lịch sử mà còn được ca tụng trong những bài ca dao, những huyền thoại, cổ tích và thi ca... Có thể là chưa hết nhưng chúng cũng nói lên một cách hình tượng hơn, hương vị hơn về cuộc đấu tranh hàng thế kỷ giữa những con người ở đây với các lực lượng hung bạo của tự nhiên và các lực lượng kẻ thù xâm lược. Và cuối cùng, nếu chúng ta thả cho trí tưởng tượng vượt lên trên sức chứa của tài liệu, chắc rằng ấn tượng về một vùng đất nên thơ, nên nhạc này sẽ còn đọng lại mãi mãi trong tâm thức của bất kể một ai, khi có dịp đến nơi này.
Theo vết chân người xưa, chúng ta hãy hành hương về miền đất mến yêu này.
Theo Quốc lộ 1A từ thành phố Thanh Hóa về phía bắc cầu Lèn 1,5 ki lô mét, chúng ta bắt gặp con đường liên huyện (đường 13) thì rẽ phải theo hướng đông bắc qua các xã Hà Lâm, Hà Phú, Hà Toại, Hà Thái của huyện Hà Trung khoảng 10 ki lô mét thì đến cầu Báo Văn - cây cầu bắc qua kênh Nga Châu - con kênh đào thời Lê Hoàn (thế kỷ 10) vẫn ngày đêm mải miết chảy về Bến Sung trên Vịnh Bắc Bộ mà bồi hồi, xúc động về công sức của cha ông ngày xưa. Bên kia cây cầu là làng Vân Hoàn (xã Nga Lĩnh), nơi có một di tích thời Trần nổi tiếng đó là chùa Vân Lỗi - tên chữ là Đại Bi. Đây cũng là quê hương của nhà thơ Hữu Loan với “Đèo Cả” và “Màu tím hoa sim” trong kháng chiến trường kỳ. Tiếp tục hành trình đến ngã tư Hạnh, bắt gặp đường 10B, theo hướng bắc, qua thị trấn Nga Sơn đến Nga Yên và cuối cùng là hình ảnh của những ngôi làng êm ả, ẩn mình dưới chân núi Tam Điệp chạy suốt từ Nga Thiện sang Nga Phú, Nga Điền, dải đất cuối cùng của miền Đông - Bắc nhìn thẳng ra biển khơi.
Bắt đầu từ đây, theo những con đường đất nhỏ, chúng ta đi vào một thế giới của những huyền thoại đầy quyến rũ và âm hưởng của hào khí lịch sử được dấy lên từ lòng đất.
Vào những năm đầu Công nguyên, năm xã nói trên nằm trong cửa biển Thần Phù xưa đã trở thành khu vực giao thông thủy - bộ, bắc - nam quan trọng, nối liền giữa đồng bằng sông Mã và sông Hồng ở xứ Bắc. Sử cũ cho biết: “Giáp bến Chính Đại về phía Nam có đền thờ Liễu Hạnh Tiên chúa, ở giữa có một con đường phẳng rộng, là đường mà các huyện hạ du thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình phải qua. Từ đời nhà Lê về trước, hành quân, phần nhiều đi đường này, chính là chỗ xung yếu lớn, ở chỗ đường núi đường biển tiếp nhau”. “Vân Đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn cho rằng đường núi này cùng đường núi Tam Điệp đều do Mã Viện nhà Hán mở (sách Đại Nam nhất thống chí).
Cũng theo sử cũ thì sau khi đàn áp được cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40 SCN), Mã Viện cho đào một đường sông qua dãy núi Vạn Sơn để nối Thần Phù với sông Hoạt và xếp đá làm đê ngăn sóng biển để thông đường đánh dẹp từ Giao Chỉ vào Cửu Chân. Chỗ núi đào đó gọi là Tạc Sơn, chỗ cửa biển ngăn sóng gọi là Tạc Khẩu. Đấy chính là con đường giao thông cổ đại đầu tiên nối liền lưu vực sông Hồng với đồng bằng sông Mã. Trên con đường giao thông cổ đại đó đã xuất hiện những cụm cư dân đông đúc như Hợp Long dấu vết Chi Long, Giáp Nội dấu vết của Trị Nội xưa...
Dưới thời Hồ, vùng cửa biển Thần Phù có cảng Hải Lẫm thông với sông Hồ (sông này đã bị lấp cạn), khi quân Minh sang xâm lược nước ta, Hồ Quý Ly đã sai chở đá lấp Lẫm cảng để bịt đường thủy nhưng không kết quả. Hiện nay những địa danh như đường Hồ vương, núi Hồ, sông Hồ, chợ Hồ, tương truyền xưa là nơi đóng quân và qua lại của Hồ Quý Ly!
Như vậy, sự tồn tại của những địa danh trên cùng với con đường giao thông cổ đại đầu Công nguyên, chúng ta thấy khu vực vùng đất Thần Phù chứng tỏ đã từng là một cửa biển tấp nập và sôi động.
Truyền thuyết về Mai An Tiêm đã tồn tại trên đất nước ta khá lâu, trước cả “Việt điện U Linh” của Lý Tế Xuyên thời Trần. Nhiều người đã nhắc đến Mai An Tiêm và nghề trồng dưa hấu đỏ ở buổi đầu thời đại các Vua Hùng dựng nước. Điều đó chứng tỏ ngoài nghề nông làm vườn cũng cho chúng ta thấy hình ảnh con người chinh phục biển cả từ rất sớm trong lịch sử.
Thần Phù và vùng cửa biển Thần Phù cũng là một địa danh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc.
Năm 40, Lê Thị Hoa, nữ tướng của Hai Bà Trưng đã từng tổ chức quân đội, phất cao ngọn cờ độc lập chống lại sự tấn công của Mã Viện.
Vào năm thứ 10 thời “Thái Bình” (979) triều vua Đinh Tiên Hoàng, một đạo thuyền của vua Chàm muốn vào đánh úp lấy thành Hoa Lư (thuộc làng Trường Yên, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) đã bị một trận bão lớn đánh tan giữa cửa biển Thần Phù.
Theo truyền thuyết và sử cũ thì năm 1044, vua Lý Thánh Tông mang quân đi đánh Chiêm Thành, khi đến cửa biển Thần Phù gặp mưa to, gió lớn đã được một đạo sĩ họ La giúp đỡ mới qua được. Khi thắng trận trở về, vị đạo sĩ họ La đã mất, nhà vua biết ơn đã cho lập đền thờ ở chân núi Đường Trèo (xã Nga An).
Dưới thời Trần, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 (1285), thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã lập một phòng tuyến ở đây để chặn đánh 10 vạn quân Toa Đô từ phía nam (Chăm Pa) đánh ra, đập tan kế hoạch trong đánh ra, ngoài đánh vào của viên tướng tổng chỉ huy Thoát Hoan.
Năm thứ 7 đời Xương Phù (1383), triều vua Trần Đế Hiệu (1377-1388), tướng Nguyễn Đa Phương và Hồ Quý Ly đã đánh cho quân Chàm một trận thất bại nặng nề, buộc chúng phải tháo chạy về nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm trường kỳ của dân tộc, khi các binh đoàn của thực dân Pháp mở những cuộc càn quét vào vùng đất Thần Phù, ở đây trên những vùng núi cao cho đến những xóm thôn đã xuất hiện những con đường giao thông kháng chiến để bộ đội, du kích bao vây và tấn công kẻ thù.
Cuộc cách mạng đã dấy lên từ trong lòng của Thần Phù, người dân của miền đất này đã đoàn kết dưới ngọn cờ của Đảng phấn khởi xây dựng cuộc sống mới của mình và đã đạt được những bước tiến quan trọng. Có lẽ khi ông cha ta, trên bước tiến ngàn dặm của mình, lần đầu tiên đến miền đất Thần Phù cũng phải cảm thấy lãnh thổ này đã có được sức quyến rũ lạ lùng của một vùng đất mới.
Giờ đây từ ruộng lúa, bãi ngô trong vùng châu thổ đến những cánh đồng cói và sú vẹt bạt ngàn, thênh thang nơi thủy triều lên xuống ở ven biển vẫn tỏa ra mùi vị nồng ấm, cường tráng, ngọt ngào của những tạo thành sinh nở... đấy là điều khẳng định. Miền đất Thần Phù đã đóng góp xứng đáng của mình vào công cuộc xây dựng đất nước và sẽ cùng với đất nước trở nên giàu có hơn nữa.
Cũng như con người và lịch sử, vùng đất này còn được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho những món quà quý giá của tạo hóa. ít có nơi nào có một bức tranh thiên nhiên kỳ thú tươi tắn và sống động như thế. Nếu như được đứng ở trên đỉnh núi Vạn Sơn - ngọn núi cao nhất của dãy núi Tam Điệp, trong nắng sớm và trong gió lộng, toàn vùng đông bắc Nga Sơn được hiện ra với một sắc thái riêng biệt mang dấu hiệu vừa của đồng bằng, vừa của núi cao, vừa của sông sâu và có biển xanh tít tắp đến chân trời. Ba dạng địa hình ấy đã được định hình, nhưng kỷ niệm về một vùng cửa biển Thần Phù lịch sử với các huyền thoại về Mai An Tiêm - dưa hấu đỏ hay Từ Thức gặp Tiên đến những chiến công chống xâm lược cùng với vẻ đẹp của núi sông nơi này đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ thú đủ mọi sắc màu.
Bắt đầu từ hang Bạch ác trên sườn núi Tam Điệp phía Tây đến núi Mai An Tiêm, điểm dừng chân cuối cùng ở phía đông của miền đông bắc độ chừng 8 cây số dọc dài, chúng ta đi vào thế giới vô cùng kỳ ảo của sông núi, hang động, huyền thoại, cổ tích và thi ca.
Từ trung tâm xã Nga Thiện, qua một cánh đồng trồng lúa, màu hai vụ, theo con đường đê sông Hoạt về phía bắc, mời du khách hãy đến thăm hang Bạch ác, điểm dừng chân đầu tiên trên đường vãng cảnh. Đây là một hang động nằm trên sườn núi rộng rãi và bằng phẳng. Cửa động mở về hướng tây vì thế mà lòng động sáng khi mặt trời xế xuống đầu non. Trong động không biết tự bao giờ người dân ở đây đã cho xây dựng một ngôi chùa. Chùa có ba cửa ra vào, phía dưới là hồ sen. Nằm song song ở bậc tam cấp lên chùa có 6 con rồng chầu, được tạc bằng đá xanh. Trên cửa động có tấm bia thời Hồng Đức. Sử cũ ghi lại chùa Bạch ác xưa lấy vách hang đá làm mái, khoảng đầu đời Thiệu Trị (1841-1847) án sát Nguyễn Khắc Trạch mới cho xây và lợp mái ngói. Về tên gọi Bạch ác, người dân nơi đây ngày nay cũng không giải thích một cách đầy đủ là tại sao lại lấy tên của loài quạ trắng để đặt tên cho động cũng như cho chùa.
Rời hang Bạch ác theo con đường dưới chân núi về phía đông khoảng chừng 1.500 mét, ta gặp con đường núi Eo ún - con đường mà người xưa thường đi xuyên núi để ra vùng xứ Bắc. Từ đây, ta leo lên đỉnh Yên Ban, nhìn thấy núi Lã Vọng - một ngọn núi được thiên nhiên gọt đẽo như hình ông Lã Vọng đang cần mẫn ngày đêm ngắm nhìn dòng sông chảy, tựa như người ngồi câu cá mà ta thường thấy trong các tích cổ của văn hóa Trung Hoa. Rồi cũng từ đỉnh Yên Ban, vượt qua một thung lũng khá bằng phẳng, vài ba chòi canh của những người chăn bò, tới đỉnh Eo Hai, ta thấy một mái đá dựng đứng trên đó có một chữ “Thần” rất lớn cách mặt đất chừng 30m, tương truyền rằng: Đó là bút tích của Nguyễn Nghiễm thân sinh thi hào Nguyễn Du khắc từ thế kỷ XVIII. Núi Thần, bia Thần tồn tại từ mấy thế kỷ nay chẳng những là một chứng tích tiêu biểu của văn hóa một thời mà chữ “Thần” được khắc thành bia ấy phải chăng người xưa muốn nhắn gửi một thông điệp cho đời sau về chủ quyền lãnh thổ trên vùng đất “Thần” và cửa biển Thần Phù này!
Từ giã một chốn “đất Thần”, “đất Phật” chúng ta về với cõi tiên trong động Bích Đào. Đây là một hang động được xem là “Nam Thiên đệ nhất động” (động đẹp nhất trời Nam). Tương truyền rằng đây là nơi Từ Thức gặp Giáng Hương và cũng là nơi thờ Bích Động Linh Tiên.
Động nằm trên sườn của một quả núi có dáng hình như một bông hoa súng. Men theo sườn núi bằng những bậc đá nhân tạo, khoảng 100 mét, ta tới cửa động. Ngay cửa động là một miếu nhỏ có bàn thờ không rõ từ bao giờ? Đơn giản một bát hương, một thẻ nhang, vài nhánh hoa tươi, không tượng, không chữ đề. Dĩ nhiên nơi đây có thể là miếu thờ thần núi hay thần sông mà người xưa đã dựng! Phía trên miếu thờ ở một phiến đá rộng trước cửa hang có khắc một bài thơ chữ Hán của học giả Lê Quý Đôn thế kỷ XVIII.
Động được cấu tạo gồm 2 buồng, nối liền nhau mà ta vẫn quen gọi là động trong và động ngoài. Động ngoài là một “gian buồng” không rộng lắm, nhưng không khí mát mẻ, ánh sáng vừa đủ. Chỉ có thế. Trong buồng “động trong” được chia thành “nhiều gian” lớn nhỏ khác nhau, đá vôi phủ đầy thạch nhũ long lanh đủ sắc màu dưới ánh sáng đuốc gồm kho vàng, kho bạc, kho muối... Lại có những gian hàng gợi lên hàng loạt hình trái cây, như quả na, quả bưởi, có những hình đầu rồng, cánh phượng mà ta bắt gặp đâu đây trong các ngôi chùa cổ kính; gần gũi hơn đó là “Nàng Tiên và phòng tắm” và những dụng cụ mũ mão, mắc áo, tương truyền đây là chỗ nghỉ chân của chàng Từ Thức. Cõi Tiên và lòng động này tạo cho chúng ta một cảm giác bâng khuâng mà huyền bí. Song sự huyền bí ấy chỉ là những cảm quan của du khách trong lòng hang động. Điều thực sự kỳ diệu là ở chỗ tất cả các hình dạng đó còn giữ được tính nguyên thủy của nó. Người đi viếng động có cảm giác sâu sắc như đang tham gia vào một cuộc thám hiểm thực sự và tưởng rằng như mình đang ở sâu trong lòng đất.
Từ động Bích Đào, bắt đầu là một dải núi trùng điệp chạy dài đến gần sát tận biển, người đi đường cảm thấy đồng bằng ở dưới chân núi như bị thu hẹp lại. Đường đi là một con đê trên một “giồng” đất, chúng ta tới các làng Nhân Sơn (Nga An), Chính Đại (Nga Điền) và các làng ven biển của Nga Phú. Càng về đoạn cuối Nga Giáp đi về Nga An hình ảnh núi non, làng mạc đầy quyến rũ như xích lại gần. Và đến Nga An, chúng ta như lạc vào cõi tiên của thế giới huyền ảo để rồi được thỏa sức tận hưởng cái đẹp của Đường Trèo - Chùa Tiên - hồ Động Vụa - động Phủ Thông - núi Mai An Tiêm của huyền thoại và lịch sử mến yêu.
Núi Đường Trèo là một quần sơn của dãy Điều Sơn nổi tiếng, một vùng non nước xinh đẹp, có sông núi linh thiêng chung đúc “Tam thiên trần thế nhận tiên châu” (đây là một cảnh Tiên của ba nghìn thế giới). Các mạch núi của dãy núi này chạy từ huyện Tống Sơn kéo đến thành một dãy liên tiếp, vách đá đứng dốc chân núi, ở giữa có một con đường cổ vắt qua lòng núi với hàng nghìn bậc đá nhẵn nối bến Chính Đại ở phía bắc và đền thờ Liễu Hạnh ở phía Nam, được ghi trong sử cũ. Đi trên núi Đường Trèo này ta thấy hình ảnh thiên nhiên như thuở nguyên sơ. Dòng sông Chính Đại ngày cũng như đêm mải miết xuôi về biển cả, còn núi Chú, núi Mã Yên và các ngọn núi khác như muốn giấu đi sự cổ kính nghìn đời của mình, nhưng sườn núi đều phủ kín rừng. Sự nguyên vẹn cổ kính nghìn đời của nó như hình ảnh trung thành của thiên nhiên trước khi có bàn tay của con người đụng đến. Nguyễn Trãi cũng đã từng “Cố quốc lòng về theo Nhạn đỗ, lá thu cửa biển chiếc thuyền xiêu”, để rồi “Bóng tà dựa mái mênh mông đứng, sông lạnh ngun ngun nổi khói chiều”.
Không gì thích thú bằng được đi dạo trên những con đường ngoắt nghéo của vùng này, quang cảnh ở vùng đông bắc càng trở nên sầm uất. Những đợt núi uốn nếp hay dạng khối như đổ dồn về phía bắc làng Nhân Sơn (Nga An), nơi được xem là điểm chấm dứt cuối cùng trên toàn bộ chiều dài của nó. Vài ngọn núi đơn độc khác như núi Song Ngưu, núi Chiếc Đũa, núi Con Cóc, núi Con Lợn, núi Mai An Tiêm đã cùng với sông - hồ - đồng ruộng - làng xóm... Tất cả tạo nên một bức tranh toàn bích sống động đến muôn đời.
Có lẽ khó có vùng nào lại có nhiều am miếu, nhiều đền thờ, chùa chiền là đề tài của nhiều truyền thuyết, thơ ca hơn vùng này, trong đó nổi tiếng nhất là khu vực Chùa Tiên và truyền thuyết Mai An Tiêm.
Rất tiếc do thời gian và những biến cố lịch sử, ngôi chùa cổ mà Lê Thánh Tông đến và vịnh thơ đã không còn thấy nữa. May mắn thay, cảnh trí tự nhiên thì vẫn còn những sắc hình thơ mộng và vị dịu ngọt của những vần thơ vịnh cảnh của ông cứ rung ngân ở nơi đất chùa xưa:
“Nghìn non xanh biếc tầng không,
Vách cao chùa cũ trập trùng mây qua.
Cảnh xuân trời dịu chan hòa,
Gió êm cây cối đến là biếc xanh.
Đất trời dựng thuở hồng mông,
Quỷ thần đẽo gọt vô cùng nên thơ”
(Thơ văn Lê Thánh tông)
Cảnh tiên, cõi phật nơi này cũng là nơi chứng kiến sự ra đời thiên tình sử Từ Thức - Giáng Hương truyền thuyết đầy mơ mộng với bạt ngàn những hoa đào, hoa mẫu đơn, hồ, núi, bàn cờ, hang động liên quan đến cuộc gặp gỡ trần - tiên ấy. Không ở đâu bằng, chúng ta lại có một cảm giác cụ thể hơn về một thuở nguyên sơ của một thiên nhiên tĩnh lặng đến nao lòng, dù cho nền xưa, chùa cũ và cảnh vật có thay đổi ít nhiều.
Nếu như Chùa Tiên là cảnh Tiên cõi Phật thì liền kề với nó về phía tây là hồ Đồng Vụa - một hình ảnh thiên nhiên như được tô điểm thêm cho nó. Hồ được cấu tạo trong đá phiến và đá vôi rộng hàng chục héc ta. Ôm bọc lấy ba mặt của hồ (đông - bắc - tây) là núi Vạn Sơn thuộc hệ thống núi Tam Điệp. Nước trong hồ được dồn về từ các thung lũng núi xung quanh. Nước trong xanh đến lạ lùng. ở giữa hồ nhô lên một ngọn núi nhỏ mà những người giàu tưởng tượng cho rằng đây giống như một hòn non bộ trong thú chơi “non bộ” tao nhã của các bậc hiền triết thời xưa. Đã ngàn thế kỷ đi qua, với biết bao mùa xuân - hạ - thu - đông hồ vẫn trong xanh như thế và không bao giờ cạn. Sắc núi quanh hồ vẫn còn trinh nguyên, lúc thì xanh, lúc thì tím, lúc thì trắng tùy theo sự thay đổi của thời tiết. Đến hồ Đồng Vụa vào lúc ban mai, lúc chiều tà và màn đêm buông xuống hoặc những buổi sương mù bao phủ hay những ngày nắng vàng rực rỡ có những đám mây lảng bảng trên trời và quanh đâu đấy những đàn dê gặm cỏ... Con mắt và trái tim của chúng ta sẽ không dừng lại ở đường biên của lòng hồ mà tất cả những hình ảnh đó đều gợi cảm như về một thế giới của huyền thoại - mờ ảo - lung linh - rung động hồn thơ.
Từ hồ Đồng Vụa về phía tây - nam, nơi cuối hồ có lèn đá núi thấp như một cái đĩa khổng lồ. Chỉ cần vượt qua lèn đá này độ chừng 200 mét đường núi là chúng ta đến động Phủ Thông. Đây là một động thiên tạo nằm trên vách núi Thông, sát con đường liên tỉnh (đường 10B) ở trong khu vực Vườn đào tiên ngày xưa. Động này có vòm cửa rộng khoảng 5-6 mét và cao khoảng 4-5 mét. Trong lòng động rộng bằng mấy gian nhà, có các ngách cửa đi vào phía trong. Đỉnh động có một cửa thông lên trời, làm cho lòng động sáng và thoáng mát. Nhũ đá trong động đã tạo ra nhiều hình thù kỳ thú. Người dân vùng này đã biến lòng động thành nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn từ xưa cho đến bây giờ.
Rời động Phủ Thông, tiếp tục đi trên con đường 10B (đường đi Phát Diệm - Kim Sơn) khoảng 500 mét nữa là đến khu vực của những hòn núi sót tụ tập thành một quần sơn quanh năm dầm chân dưới vùng đất trũng, kiên trì và lặng lẽ... Tất cả tạo nên một vòng đai bao bọc cho dải đất của miền đông - bắc. Những người dân địa phương đã đặt cho các hòn núi này vô số những tên gọi đặc sắc như: Núi Song Ngưu, núi Con Lợn, núi Con Cóc, núi Chích Trợ, núi Mai An Tiêm... Nghe cũng lý thú như trí tưởng tượng của bản thân họ. Đây cũng là quê hương của truyền thuyết dưa hấu đỏ thời đất nước của các Vua Hùng và bóng dáng của con đê lấn biển gian nan thời Hồng Đức.
Ngày nay, bộ mặt của khu vực này đã đổi khác nhiều, những dải phù sa của đồng đất Nga An, Nga Điền, Nga Phú vươn rộng và trải dài; những làng xóm rộng rãi sau lũy tre trù phú và đông dân cư đến mức có thể so sánh với những vùng phì nhiêu nhất của châu thổ Bắc bộ. Những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể ngờ được rằng quanh các ngọn núi của vùng này lại là quê hương của nhiều loài chim làm tổ. Chim sẻ, chim xanh tụ tập ở các khóm tre quanh làng hay trên các “giồng” cao của những ngọn núi. Cũng có những loài chim di cư từ phương xa đến như cò trắng, ngỗng trời, vịt trời... Chúng đỗ thành từng đàn trắng xóa trên các cánh đồng trồng lúa hay các cồn đất ven biển, làm cho cảnh trí vùng này càng thêm tươi tắn và sống động đến không cùng.
Những ai đã được theo chân những người dân chân sào ngược sông Chính Đại, bắt đầu từ làng Điền Hộ ở phía đông, qua làng Chính Đại đến làng Hoàng Cương ở phía tây là một thú vui không tả xiết của những người yêu thiên nhiên. Vào những ngày đẹp trời, nước sông chảy lững lờ và trong suốt một cách kỳ lạ, người ngồi trên thuyền có thể ngắm nhìn hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ ở hai bên bờ sông nhấp nhô trên nền trời mang những hình thù đặc sắc làm bối rối ngay cả những trí tượng táo bạo và phong phú nhất. Có hòn giống như một quả cân, có hòn giống như một cỗ xôi, có hòn trông nhọn hoắt như một mũi giáo dựng thẳng lên cao, nhưng có hòn lại khiêm tốn trông giống như một mái nhà rông... Tất cả hình ảnh của những ngọn núi đó đã được đi vào nền văn học của đất nước và nó được Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông ca tụng như là một “thiên đường” hùng vĩ của núi sông.
Đi ngược dòng sông khoảng 3 ki lô mét từ Điền Hộ chúng ta đến thăm làng Chính Đại - một làng mới được thành lập dưới thời vua Tự Đức. Nơi có nghề nấu rượu bằng gạo nếp, rượu ngon nổi tiếng vào bậc nhất xứ Thanh.
Tiếp tục cuộc hành trình khoảng 2 ki lô mét nữa chúng ta tới làng Hoàng Cương - xứ sở của hoa đào và “những cánh đồng ngàn dặm”, đến thăm di tích chùa Lục Vân trong động Lục Vân. Trong chùa có tảng đá khắc to bốn chữ “Thần Xích sơn bi”; còn tượng một vị thần bằng đá được đặt trên lưng rồng do Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ tạc. Các vách đá xung quanh chùa được khắc thơ đề vịnh của nhiều người ngợi ca cảnh đẹp của chùa.
Thế là chúng ta đã đi qua một vùng cổ tích và những sôi động lịch sử, được ngắm nhìn, tận hưởng những bức tranh kỳ thú của thiên nhiên, được chứng kiến bước chuyển mình vĩ đại của dải đất vùng đông - bắc Nga Sơn - xứ Thanh - đất nước. Có niềm vui nào hơn được!
Giờ đây cuộc sống vẫn cứ vần vũ trôi đi trên vùng đất cửa biển này. Còn sống là còn phải tìm niềm vui. Thiên nhiên và lịch sử đã đem lại cho vùng đất này có sông núi hữu tình, có biển cả giàu đẹp, có đồng bằng phù sa mầu mỡ, có một vùng quê đầy ắp những huyền thoại và cổ tích, có những ngày hội mùa, hội làng náo nức, người dân quê được say nồng trong tiệc rượu râm ran ngập tràn... Còn tôi, có được niềm vui mỗi khi về quê, leo lên đỉnh núi Vạn Sơn, ngắm biển bao la và thu vào tầm mắt những xóm làng thân thuộc. Tiếng sóng gầm gào mùa biển động, rì rầm lúc trăng lên tựa như “Tiếng ngày xưa và tiếng cả mai sau” đang cùng đánh thức một vùng đất dậy. Dự án đường 10B đã mở nối liền vùng đất ven biển này với những vùng khác của đất nước, một ngày không xa lắm, nếu được con người chắp cánh, tiềm năng về du lịch và kinh tế trên vùng Đông Bắc Nga Sơn sẽ được mở ra.
P.V.T
Văn học nước ngoài
Slawomir Mrozek
(Ba Lan)
Nỗi khổ của kẻ nhạy cảm
Truyện ngắn
Năm phút trước khi tầu chạy tôi tìm được khoang của mình trên toa nằm. May cho tôi, chỉ một giường có người, không kể giường của tôi, cho nên tôi mới bụng bảo dạ, đêm nay rồi mình sẽ được ngủ ngon đây. Một gã hành khách đang nằm trên chiếc giường thứ hai, gã đắp chăn tới sát cằm, cái mũi nhọn hoắt và nhợt nhạt của gã trồi hẳn lên.
Một lát sau tôi chẳng thèm để mắt tới gã nữa, bởi khi tôi nói: “Xin chào” thì chả thấy gã trả lời chi cả - Càng hay, thế có nghĩa là gã đã ngủ rồi, tôi khỏi phải làm nghĩa vụ của một bạn đồng hành - Tôi ngồi xuống chiếc giường dưới, đoạn thay quần áo.
- Anh có hút thuốc không đấy? - Tôi nghe giọng nói từ giường trên.
- Cám ơn, không.
- Tôi không chịu được khói thuốc đâu.
- Ông có thể yên tâm, tôi không hút thuốc.
- Anh mà hút thì tôi không tài nào chịu nổi đâu. Phổi tôi nhậy cảm lắm.
- Tôi thông cảm, nhưng ông khỏi lo.
- Hay là anh vẫn hút, anh chỉ cai lúc này thôi. Nửa đêm phát thèm thì anh không nhịn được nữa.
- Không thể có chuyện đó, vì chưa bao giờ tôi hút thuốc.
Gã im bặt. Tôi cởi tất.
- Hay là anh bắt đầu.
- Cái gì cơ?
- Hút thuốc. Có ối người mãi tận về già mới bắt đầu hút thuốc cơ đấy.
- Tôi không có ý định như vậy.
- Nói một đường, nhưng sau đó có khi lại làm một nẻo cũng nên. Tôi là tôi không có chịu được như thế đâu nhá.
- Vả lại tôi làm gì có thuốc lá trong người hả ông.
- Thì anh đi xin của nhân viên kiểm tra vé tầu.
- Tôi làm sao mà biết được, ông ta có hút thuốc hay không.
- Thế ông ấy mà hút thì sao nào?
- Thì lúc đó tôi sẽ ra ngoài hành lang, không được hút thuốc trong khoang tầu cơ mà.
- Lúc đó cửa ra hành lang mà bị kẹt thì sao?
- Chẳng sao cả, vì tôi đang không hút thuốc, chưa bao giờ hút thuốc và không có ý định bắt đầu hút thuốc. Chúc ông ngủ ngon.
Tôi nói “chúc ông ngủ ngon” khí sớm, vì còn chiếc áo sơ mi và quần đông xuân tôi chưa thay. Có điều tôi muốn cắt phăng câu chuyện.
Tôi đạt được ý đồ của mình, phải cái chẳng được bao lâu. Tôi vừa mới kịp cởi xong chiếc áo sơ mi thì gã kia lại lên tiếng.
- Anh không tắt đèn hả?
- Tôi khắc tắt, nhưng phải thay xong quần áo cái đã.
- Có một số người thích đọc sách trước lúc đi ngủ, còn tôi thì lúc đó không ngủ được. Tôi nhạy cảm với ánh sáng ghê lắm.
- Tôi mù chữ, thưa ông.
- Thì anh có thể xem tranh.
- Làm gì có họa báo mà xem.
- Vậy còn ảnh thì sao? Làm gì anh chẳng có ảnh vợ trong người, anh không ngắm ảnh vợ mình trước khi đi ngủ đấy chắc?
- Tôi ly hôn rồi.
- Thì còn các con.
- Tôi không có con.
- Ai mà chả có bà con ruột rà.
- Không, tôi không hề có một tấm ảnh nào cả. Ông có muốn kiểm tra người tôi không nào?
- Một khi không có ảnh thì nhất định anh sẽ đi soi gương để xem mụn mọc trên mặt mình, hoặc là... Còn tôi không chịu nổi...
Gã không kịp nói hết câu, vì tôi tắt đèn. Gã thở dài, khoang tầu im lặng, nhưng tôi vừa vào giấc chiêm bao thì một câu hỏi đập vào tai tôi:
- Anh không ngáy hay sao?
- Không.
- Vì sao?
- Vốn dĩ là vậy.
- Lạ thật, nhìn chung con người ta ai mà chẳng ngáy, mà ngáy là làm phiền tôi. Tai tôi cực kỳ nhạy cảm.
- Rất tiếc, tôi chẳng thể chiều tai ông.
- Anh có dám chắc là anh không ngáy hay không nào?
- Chắc hơn cả đinh đóng cột là đằng khác. Có điều bây giờ thì xin ông hãy cho phép tôi chợp mắt, tôi mệt rũ người rồi.
Gã thuận ý. Thình lình ánh đèn chói mắt và tay người giật giật vai tôi làm tôi tỉnh giấc.
- Anh bạn ơi, anh bạn ơi!
Tôi nhìn thấy cái mũi nhọn hoắt của gã dí sát mặt tôi. Từ giường trên gã nhoài người xuống phía dưới, gã kéo cánh tay áo ngủ của tôi.
- Anh bạn ơi, anh mà không hút thuốc, không ngáy và không để đèn sáng thì đích thực anh làm cái gì nào?
- ông muốn biết hả?
- Vâng! Đường nào thì anh cũng phải làm cái gì đó chứ, chỉ tội tôi chưa biết đó là cái gì thôi. Điều này khiến tôi trằn trọc, không ngủ được.
- Tôi bóp cổ!
- Cái gì cơ?
- Tôi bóp cổ. Bằng tay không, hoặc dùng dây. Ông không nghe người ta nói về “tên bóp cổ người trên tầu tốc hành đêm” khét tiếng hay sao? Hắn thường hoạt động trên tuyến đường này. Hắn mua vé toa nằm như mọi hành khách vô tội, đến nửa đêm thì hắn đi bóp cổ người.
Đương nhiên hắn thích bóp cổ vào lúc trong khoang tầu ngoài hắn và nạn nhân ra không có một ai. Đó là tên hung đồ, và tên hung đồ này chính là tôi.
Tôi được yên thân cho tới sáng. Lúc rạng đông, tôi ra ngoài đi vệ sinh, tôi bắt gặp gã ngoài hành lang, mặc áo khoác, mang theo va li.
Suốt đêm qua gã ngồi lì trên chiếc va li của mình. Nom thấy tôi gã đứng dậy, lôi chiếc va li theo sau, lảng sang đầu bên kia hành lang toa tầu.
Tôi thấy mủi lòng. Cuộc sống của những kẻ nhạy cảm thật chẳng dễ dàng chi.
Lê Bá Thự dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan