Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Cồng chiêng trong đời sống của đồng bào Mường xứ Thanh - HOÀNG MINH TƯỜNG
Cồng chiêng trong đời sống của đồng bào Mường xứ Thanh - HOÀNG MINH TƯỜNG

  TS. HOÀNG MINH TƯỜNG

Người Mường Thanh Hóa được gọi là “Mường trong” để phân biệt với Mường Hoà Bình “Mường ngoài”. Trong số 7 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Thanh, thì người Mường có dân số đứng thứ hai (hơn 30 vạn) sau người Kinh. Phương thức sản xuất truyền thống là làm nương rẫy và trồng lúa nước theo phương pháp thủy nậu: “Đàn trâu lội/ Đoàn người đạp dẫm”. Nếp sống sinh hoạt “mặc hoa vặn/ ăn chọn vùng/ ở nhà sàn có gạc nai, sừng hoãng” và ao ước của họ là “Cơm nếp, đùi gà, nhà ta có ngọc”. Theo J. Cuisinier cho biết: “…Tỉnh Thanh Hóa người Mường sống ở các huyện: Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thạch Thành… Đó là tập đoàn những Mường lớn, hầu hết người Mường đến sát thung lũng sông Mã, sông Bưởi và sông Chu. Phải nói rằng cư dân Mường thích ứng với loại địa hình gần như trung du. Sống ở cao nguyên nhưng gần nguồn nước, họ sống gần các con sông như sông Mã, sông Bưởi, sông Đà…”. Từ bao đời nay người Mường sống đoàn kết, thân ái với các dân tộc khác, giao lưu về kinh tế - xã hội với các tộc người trong và ngoài khu vực nhưng không vì thế mà những giá trị văn hóa của người Mường mai một, trái lại sắc thái văn hóa của tộc người này không ngừng được bảo lưu, trao truyền và ngày càng phát huy phục vụ cuộc sống và nhạc cụ cồng chiêng là một minh chứng.

Thanh Hoá là nơi có nền văn hóa Đông Sơn với kỹ thuật chế tác đồ đồng nổi tiếng. Trên đôi bờ của sông Mã và các chi lưu sông Chu, sông Bưởi của dòng sông lắm thác nhiều ghềnh này có tới gần 100 di chỉ văn hóa Đông Sơn mà chủ nhân là người Mường cư trú. Ngày nay ở những vùng đồi thấp, ven sông vẫn thường phát hiện được những chiếc trống Mường và hiện vật đồ đồng như rìu xéo, dao găm, chuông đồng…

Sử thi Đẻ đất, đẻ nước từ rất xưa đã nói tới cây Chu đá, lá Chu đồng, bông thau quả thiếc mọc trên đồi Lai Ly, Lai Láng huyền thoại ở huyện Bá Thước. Về cây Chu kỳ lạ này vào năm 1962 một nhà nghiên cứu người Pháp cho biết: “Cây Chu ở phía Tây, quả bằng đồng lá bằng bạc, hoa sinh cá, lá sinh cơm… Gió thổi vào hoa lá kêu vang như sấm”. Mo Đẻ đất, đẻ nước cũng cho thấy bóng dáng trống đồng và kỹ thuật làm trống do Lang Cun Cần đúc ra. Sau nhiều lần đúc thử không thành, người xưa phải dùng gừng đỏ nhai nát phun vào đồng mới đúc nên hình của trống:

                ... Trông giống cái bồ nhưng không phải cái bồ

                Ngoài hông có hai mắt võng

                Có hình là bái, lá de

                Có hình con khe hóng gió

                Có hình quả trám bày ngang

                Đánh thử nghe thấy vui vui…

Trống đồng được sử dụng trong đời sống, đặc biệt nó được biểu hiện như là quyền uy của người đứng đầu bộ tộc, bộ lạc và sau này trở thành vật thiêng, biểu tượng của thời đại các Vua Hùng dựng nước và giữ nước. Trống đồng và âm hưởng của nó còn là tiếng nói thông linh giữa trời và đất, tiếng đồng vọng giữa cõi sống và cõi chết:

                Ai chết về cùng tổ tiên

                Nghe tiếng trống đồng

                Ban ngày biết đường ăn, đường uống

                Ban đêm biết đường xuống, đường lên.

Theo các nhà nghiên cứu về âm nhạc cho biết, trước khi có trống đồng cư dân Việt - Mường cổ đã biết sử dụng chiêng cồng. Cũng mo Đẻ đất, đẻ nước tả cảnh đoàn người vừa đi vừa đánh trống, chiêng:

                Con trai đi trước khiêng trống

                Con gái đi sau xách chiêng

Và cách diễn tấu chiêng phát ra những âm thanh ngân nga, trầm bổng:

                Chiêng bảy, chiêng mười lên tiếng cho giòn

                Chiêng cái, chiêng con kêu lên cho rộn.

Chiêng cồng được diễn tả trong lời giáo chiêng:

                Trình làng màng phe

                Nghe tôi giáo chiêng

                Một hồi chiêng đánh

                Một hồi chiêng ngân

Cồng chiêng được hòa tấu cùng với các nhạc cụ khác trong đám rước Nàng Nga mở chợ kén chồng:

                Rập rình trồng bồng

                Lòng tòng trống bạt

                Trống hát nhà trò

                Cò ke kèn bè, nhị sáo…

Cồng chiêng có hai chức năng vừa là hiệu lệnh, vừa là âm nhạc. Bà Triệu nổi dậy chống quân Ngô xâm lược gắn với với hình ảnh và tiếng cồng hiệu triệu: "Muốn coi lên núi mà coi, có bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng". Cái trống đồng để triệu tập bộ lạc, giờ được thay thế bằng cồng, chiêng. Về chức năng âm nhạc, trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày của người Mường cổ đã chứng tỏ nhạc cụ gõ bằng đồng có âm lượng mạnh mẽ, ngân dài, vang vọng, tác động sâu xa trong tâm thức của người xưa, nhằm khẳng định sự hiện diện của con người với vai trò là trung tâm trước thiên nhiên bao la, hùng vĩ và rất nhiều huyền bí, trắc ẩn.

Xứ Thanh có nhiều nơi chế tác đồ đồng nói chung và nhạc cụ gõ bằng đồng nói riêng như cồng chiêng, chung, khánh, thanh la... cho nhiều nơi, trong đó cồng chiêng cung cấp chủ yếu cho đồng bào miền núi.

Về tên gọi "cồng chiêng", thực ra đây là hai loại nhạc cụ có những chức năng tương đối khác nhau. Cấu tạo cồng so với chiêng thì nhỏ hơn nhưng lại dầy hơn, đường kính trung bình 30 cm, chủ yếu là xách tay để đánh. Gọi cồng là theo cách tượng thanh. Tiếng cồng so với chiêng thường không vang ngân, trường độ ngắn, dễ tan trong không gian. Còn chiêng được cấu tạo đường kính to hơn cồng, chiêng vốn từ tiếng Hán là “Chinh” rồi sau này được Việt hóa thành chiêng. Chiêng có nhiều loại to nhỏ khác nhau, theo thứ tự cái nhỏ bỏ lọt vào cái to để cất giữ thành bộ. Một bộ chiêng thường có 9 đến 12 cái. 

Một bộ cồng chiêng đầy đủ có từ 10 đến 12 chiếc, có kích cỡ to nhỏ và thang âm khác nhau. Cồng chiêng được chia thành ba nhóm chính đó là: Cồng lệnh, có kích thước nhỏ nhất, tiếng thanh, với chức năng làm hiệu lệnh cho cả giàn cồng; Nhón chiêng cồng với đường kính 45-50 cm, âm thanh trầm ấm dùng để giữ nhịp cùng với cồng lệnh; Nhón chiêng cồng với đường kính lớn hơn cả được gọi là cồng giàm, có chức năng phụ họa trong tổng thể giàn cồng.

Ngoài cách phân chia trên, người Mường còn phân biệt cồng chiêng với hai loại chính là chiêng cái và chiêng con. Cồng chiêng được diễn tấu theo giàn trong các hội phường và diễn tấu đơn lẻ.

Người Mường có đời sống cộng đồng bền chặt, không có sự phân biệt trong làng, ngoài Mường, chính điều đó cũng mang dấu ấn sâu đậm trong sinh hoạt của phường cồng. Cồng chiêng được diễn tấu theo giàn ở các phường xéc bùa, phường săn, phường đám ma… Phường xéc bùa hay còn gọi là phường roòng được tổ chức vào đầu năm hoặc hát mừng nhà mới. Phường tập hợp những người vừa diễn tấu cồng chiêng vừa múa hát, đoàn người đi đến các nhà và Mường này sang Mường kia để chúc tết. Trong khi diễn tấu, trùm phường sử dụng cồng lệnh còn các thành viên sử dụng cồng giàm. Trùm phường hát xong một câu hát chúc, điểm vào cồng lệnh phát ra một tiếng “bính”, một số cồng điểm nhịp phát ra tiếng “bong”, tiếp đó cả phường Xéc bùa cùng hòa nhịp thành âm thanh “khùm”. Bính… bong… bính… bong… khùm… cứ thế tiếp nối ngân nga vang đồi, vang núi thức gọi làng gần, Mường xa dắt díu nhau vào hội. Trong phường săn số cồng chiêng được sử dụng ít hơn, chủ yếu là dùng cồng lệnh để báo cho mọi người biết hướng thú chạy, xua đàn chó săn chạy lùng con thú và sử dụng các âm thanh hiện có của mỗi người tạo nên tiếng vang để vây bắt con thú. ở đám ma số cồng chiêng có đủ bộ và diễn tấu cùng với trống và kèn phụ họa cho các bài hát khóc và diễn trò trong đám tang.

Không chỉ sử dụng trong các hội phường với dàn cồng chiêng đầy đủ, cồng còn sử dụng 1-2 hoặc 3 chiếc trong các công việc như báo có người chết, hội họp, đám cưới…

Khi nghe một hồi cồng và bắn súng là cồng báo có người chết. Cồng sử dụng với các nhạc cụ khác trong đám tang của người Mường. Trong đám cưới, cồng chỉ dùng 2 chiếc có âm trầm và âm cao như là quy định cho nam và nữ, đực và cái. Đánh cồng và hiệu lệnh cồng cũng được quy định khá nghiêm ngặt như: đánh 3 hồi là báo có giặc, hỏa hoạn hay có loạn, đánh một hồi dài là thông báo tụ họp dân làng, ai ở đâu, đang làm việc gì thì cũng phải dừng tay nhanh chóng tụ họp khi nghe tiếng cồng hiệu triệu.

Cùng với cách sử dụng trên, cồng chiêng còn được diễn tấu trong các ngày hội khai hạ, lễ xuống đồng, hội pồn pông, mừng đứa trẻ chào đời, mừng nhà mới… cồng chiêng luôn có mặt trong cuộc sống của người Mường và cả cộng đồng từ lúc mới sinh ra cho tới khi khuất núi, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng họ.

Thời gian đi qua, những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng được khẳng định và phát huy giá trị trong cuộc sống. Cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã được Tổ chức văn hóa, khoa học, giáo dục quốc tế  (Unesco) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại, điều đó làm cho chúng ta liên tưởng và kỳ vọng vào một ngày không xa, nhạc cụ cồng chiêng của người Mường nói chung, trong đó có nhạc cụ gõ bằng đồng của người Mường Thanh Hóa nói riêng cũng sẽ được xem xét, công nhận và giới thiệu ra thế giới, để bạn bè hiểu và cảm nhận được điệu hồn dân tộc Mường lắng đọng trong âm thanh trầm bổng của cồng chiêng.

                                                                                                                   H.M.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 195
 Hôm nay: 1443
 Tổng số truy cập: 13612764
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa