vấn đề người hội trưởng hội truyền bá quốc ngữ trung kỳ 1939-1945 - TS LÊ VĂN PHONG - ThS TẠ VĂN HƯNG - ThS NGUYỄN THỊ VÂN
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ (25-5-1938 - 25-5-1998) báo Nhân dân và tạp chí Xưa và Nay đăng tải một số bài liên quan đến người Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ. Báo Nhân dân ra ngày 25-5-1998, với bài viết “Những ngày sôi động ở Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ”, tạp chí Xưa và Nay số 51 đăng tải bài viết “Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ” của tác giả Nguyên Lân, đều khẳng định ông Nguyễn Khoa Toàn là Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ. Tạp chí Xưa và Nay số 56, đăng bài “Ai là Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ” của tác giả Lê Văn Chung, lại cho rằng ông Hồ Đắc Hàm là Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ. Qua các quan điểm nêu trên, cần phải thống nhất xác định lại vấn đề người Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ.
Trong các bài “Những ngày sôi động ở Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ”, và “Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ”, tác giả Nguyễn Lân khẳng định Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ là ông Nguyễn Khoa Toàn, một người được chính quyền cai trị Pháp rất tin tưởng. “Biết rằng chính quyền thực dân không ưa gì các phong trào mở mang dân trí, chúng tôi quyết định mời ông Nguyễn Khoa Toàn, cựu sinh viên trường cao đẳng, lúc bấy giờ làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ, vì chúng tôi được biết ông Toàn được tên Khâm sứ và bọn công chức Pháp rất tin cậy”(1). Tác giả xác định ông Nguyễn Khoa Toàn là Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ. Trong khi tác giả Nguyễn Văn Chung tìm mọi tư liệu lịch sử để khẳng định Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ không phải là ông Nguyễn Khoa Toàn “Chúng tôi, một số người đã hoạt động Truyền bá Quốc ngữ, Bình dân học vụ và công tác lâu năm trong ngành giáo dục thấy rõ Hội trưởng Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ không phải là ông Nguyễn Khoa Toàn” và tác giả nêu lên “cần phải xác định lại cho đúng sự thật lịch sử”(2). Để khẳng định ý kiến, tác giả Nguyễn Văn Trung đưa ra các tư liệu tin cậy như tác phẩm “Hội Truyền bá Quốc ngữ một tổ chức công khai của Đảng chống nạn mù chữ 1938-1945” của đồng tác giả Vương Kiêm Toàn, Vũ Lân, Nxb Giáo Dục 1980, và tìm hiểu những người đã từng tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ về vấn đều này “Ngày 6-9-1998 kỷ niệm ngày thành lập Bình dân học vụ, tôi hỏi ông Nguyễn Văn Lương, nguyên Vụ trưởng Vụ Bổ túc văn hóa, đã hoạt động Truyền bá Quốc ngữ, ông Lương khẳng định Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ là ông Hồ Đắc Hàm, ông Nguyễn Khoa Toàn tham gia Truyền bá Quốc ngữ ở thành phố Huế”(2). Tác giả Lê Văn Chung đi đến kết luận ông Nguyễn Khoa Toàn không phải là Hội trưởng mà “Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ là ông Hồ Đắc Hàm”(3).
Qua quá trình tìm hiểu về Hội Truyền bá Quốc ngữ, chúng tôi tiếp cận được những tài liệu quan trọng để xác định rõ người Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ. Tài liệu quan trọng nhất chính là cuốn “Điều lệ - Huế 1939” của Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ và các thông tin liên quan đến hoạt động của Hội được đăng trên các báo “Đông Pháp”, báo “Tràng An”, báo “Tin tức” những năm 30, 40 của thể kỷ XX. Cuốn “Điều lệ - Huế”, năm 1939 được Khâm sứ Trung kỳ phê duyệt ngày 5-1-1939, gồm 42 điều khoản, bao quát các vấn đề sau:
1) Mục đích và tôn chỉ của Hội.
2) Hội viên của Hội.
3) Đại hội đồng.
4) Tài sản của Hội.
5) Sửa đổi điều lệ và giải tán Hội.
Trang mở đầu, khoản 1 cuốn điều lệ đã nêu rõ mục đích, tôn chỉ hoạt động của Hội “Một hội lấy tên là Hội Truyền bá Quốc ngữ thành lập ở Trung kỳ dưới quyền bảo trợ của Bộ Quốc dân giáo dục. Mục đích là: Truyền bá chữ Quốc ngữ, dạy người Việt biết đọc, biết viết tiếng mình. Khi nào có thể được, dạy cho người Việt Nam biết ít điều thường thức cần thiết cho đời sống sinh hoạt hiện thời”. Một thông tin đặc biệt quan trọng trong cuốn “Điều lệ - Huế”, trang 12, 13 có 2 bản danh sách, bản thứ nhất là các thành viên trong Hội Đồng Trị sự tạm thời, bao gồm:
1) “Chánh Hội trưởng Hồ Đắc Hàm, phó Hội trưởng Nguyễn Khoa Toàn.
2) Tổng thư ký Đào Đăng Vỹ, phó thư ký Nguyễn Hiền.
3. Chánh thủ quỹ Viễn Đệ, phó thủ quỹ Bưu Du.
4. ủy viên Lê Xuân Phương, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Lân, Nguyễn Lê Thiệu, Trần Đình Đàn, Phạm Văn Ký.
5. Cố vấn Lê Thanh Cảnh, Nguyễn Tiến Lãng, Đoàn Nồng.
Duyệt và chuẩn y vào Nghị định số 41, ngày 5 Janvier 1939.
Quan Khâm sứ
Ký tên
Graffeuil”
Bản danh sách thứ hai là Hội Đồng Trị sự chính thức do Đại hội đồng bầu vào ngày 14-5-1939, bao gồm:
1. “Chánh Hội trưởng: ông Ưng Bình, phó Hội trưởng: ông Đào Đăng Vỹ.
2. Chánh thư ký: ông Đoàn Nồng, phó thư ký: ông Dương Kỵ
3. Chánh thủ quỹ: ông Lê Xuân Phương, phó thủ quỹ: ông Nguyễn Lê Thiệu.
4. Uỷ viên Ban sách vở: ông Đào Duy Anh, Ban dạy học: ông Nguyễn Lân, Ban tài chính: ông Viễn Đệ, Đồng Sĩ Dương, Ban tuyên truyền: Phan Thị An, Nguyễn Hiền.
5. Cố vấn: Nguyễn Khoa Toàn, Bửu Du, Tôn Quang Phiệt”(4).
Như vậy, theo cuốn “Điều lệ - Huế”, 1939 của Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ thì ông Hồ Đắc Hàm là Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ lâm thời, ông Ưng Bình là Hội trưởng chính thức do Đại hội đồng bầu lên. Qua tài liệu “Hội Truyền bá Quốc ngữ một tổ chức công khai của Đảng chống nạn mù chữ 1938-1945” của đồng tác giả Vương Kiêm Toàn và Vũ Luân đã khẳng định “Ông Hồ Đắc Hàm, tham tri bộ học về hưu (người được cử làm chánh Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ sau này), lấy tư cách quen biết đến gặp Xô nhi, lúc bấy giờ làm chánh sở mật thám Trung kỳ, trình bày rõ mục đích của Hội và nhờ y can thiệp với Khâm sứ Trung kỳ chuẩn y việc thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ. Hắn lưỡng lự rồi trả lời ông Hàm: “Được, miễn là các ông đừng làm cho cộng sản”(5). Nhận định trên là hoàn toàn chính xác, vì ông Hồ Đắc Hàm chính là Hội trưởng lâm thời của Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung Kỳ trong hoàn cảnh xúc tiến thành lập Hội. Đến tháng 5-1939, Đại hội Đồng chính thức bầu ông Ưng Bình, thay ông Hồ Đắc Hàm làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ.
Trong bài “Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ đã họp Đại hội đồng”, đăng tải trên báo “Đông Pháp”, ra ngày 18-12-1939 xác định “Hôm sáng ngày 17 Décembre 1939 Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ đã họp Đại hội đồng tại Hội quán Quảng trị ở Huế… Cuối cùng Đại hội bầu ban trị sự trung ương mới, các ông sau đây trúng cử: Hội trưởng ông Ưng Bình (tái cử), phó Hội trưởng ông Đào Đăng Vỹ (tái cử), thư ký ông Đào Duy Anh, phó thư ký ông Nguyễn Hiền, thủ quỹ ông Lê Xuân Phương, phó thủ quỹ ông Lê Ngọc Bồng…” Vậy, theo tài liệu trên báo “Đông Pháp” cùng với cuốn “Điều lệ - Huế”, xác định chính thức, ông Hồ Đắc Hàm làm Hội trưởng lâm thời Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung Kỳ từ tháng 1 đến tháng 5 năm 1939, ông Ưng Bình làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ do Đại hội đồng bầu chính thức vào tháng 5-1939, và trong Đại hội đồng năm 1940, ông vẫn tái đắc cử. Rất tiếc trong bài viết của các tác giả Nguyễn Lân, và Lê Văn Trung không đề cập đến tên ông Ưng Bình, người Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ, sau ông Hồ Đắc Hàm.
Trên báo “Tràng An”, ra ngày 15-4-1944, đăng tải bài “Đại hội đồng thường niên tổng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ”, khẳng định ông Nguyễn Khoa Toàn là Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ “Đại hội bầu ban trị sự tổng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ, năm 1944, quý ông sau này được bầu:
Hội trưởng ông: Nguyễn Khoa Toàn, Thị lang Bộ Quốc dân giáo dục.
Phó Hội trưởng: ông Đào Đăng Vỹ.
Chánh thư ký: ông Nguyễn Tốn Diến.
Phó thư ký: ông Đỗ Hữu Phú.
Chánh thủ quỹ: ông Nguyễn Xuân Cảnh.
Phó thủ quỹ: ông Võ Quang Tự.
Cố vấn: ông Tôn Quang Phiệt, ông Lê Xuân Phương.
Trưởng ban dạy học: ông Nguyễn Lân
Trưởng ban tu thư: ông Đoàn Nồng.
Trưởng ban tài chính: ông Trung Dinh Phúng”(7)
Qua các tài liệu nêu trên cho chúng ta khẳng định, ông Hồ Đắc Hàm làm Hội trưởng lâm thời, trong những buổi bầu xúc tiến thành lập Hội (từ tháng 1 đến tháng 5-1939), sau đó Đại hội đồng bầu ông Ưng Bình là Hội trưởng chính thức vào tháng 5-1939, đến năm 1944, Đại hội đồng thường niên, bầu ông Nguyễn Khoa Toàn làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ cho đến khi cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, khi đó Hội hết vai trò lịch sử và chuyển sang cho Bình dân học vụ tiếp tục công cuộc Truyền bá chữ Quốc ngữ.
Vậy là, ở Bắc kỳ ông Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng từ khi thành lập đến khi Hội Truyền bá Quốc ngữ ngừng hoạt động. ở Trung kỳ Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ đã có sự thay đổi qua Đại hội thường niên. Ông Hồ Đắc Hàm làm Hội trưởng lâm thời từ tháng 1 đến tháng 5-1939. Ông Ưng Bình làm Hội trưởng chính thức từ 1939 đến năm 1944. Ông Nguyễn Khoa Toàn làm Hội trưởng từ năm 1944 đến 1945. Chúng tôi mong có sự xác định lại vấn đề này.
(1). Nguyễn Lân (1998) “Những ngày sôi động ở Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ”. Báo Nhân dân, ra ngày 25-5-1998, trang 4.
(2). Nguyễn Văn Chung (1998), “Ai là Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ. Tạp chí Xưa & Nay, số 56/1998, trang 22.
(3). Nguyễn Văn Chung (1998), “Ai là Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ. Tạp chí Xưa & Nay, số 56/1998, trang 22.
(4). Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ (1939), Điều lệ - Huế. 1939, trang 12, 13.
(5). Vương Kiêm Toàn, Vũ Lân (1980)“Hội Truyền bá Quốc ngữ một tổ chức công khai của Đảng chống nạn mù chữ”. Nxb Giáo Dục, trang 62.
(6)“Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ đã họp Đại hội đồng”. Báo Đông Pháp, ra ngày 18-12-1939, trang 2.
(7)“Đại hội đồng thường niên tổng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ”. Báo Tràng An, ra ngày 15-4-1944, trang 4.