Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn hóa   /   Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số thanh hóa, giá trị và những giải pháp bảo tồn - CAO SƠN HẢI
Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số thanh hóa, giá trị và những giải pháp bảo tồn - CAO SƠN HẢI

Khái quát chung
Vấn đề bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể  của các dân tộc thiểu số Thanh Hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng và di sản văn hóa cả tỉnh nói chung đã và đang được  đặt ra. Đây không phải là lần cuối và chắc rằng mười năm sau nữa cũng còn đặt ra. Trong khi vấn đề đặt ra trên các bàn hội thảo, trên các bài viết hùng hồn đầy bức xúc thì các di sản đó cứ lặn dần, tụt dần và đi vào dĩ vãng mất hút tăm hơi. Chợt đến lúc chúng ta cần phải làm thật, làm mạnh với những điều kiện tốt giữ nó lại thì không còn tìm thấy nó đâu nữa. Đó là thực trạng và viễn cảnh nói ra hay không nói ra thì nó vẫn là thế. Chúng ta nói điều này với hai tư cách: 
Một là, là con em các dân tộc thiểu số đã từng thụ hưởng và trải nghiệm di sản văn hóa, bây giờ nhìn nó mất đi.
Hai là, là người được học, được đào tạo bài bản về ngành học này và trên thực tế đã cố vớt vát đi sâu sưu tầm, dịch và cho in ấn giữ lại một  phần nhỏ nhoi của di sản với hơn 10 tác phẩm trong đó có tới hơn 2600 trang sách do các nhà xuất bản trung ương ấn hành.
Điểm lại về di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số Thanh Hóa với 6 dân tộc anh em là Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ, Khơ mú, chúng ta thấy di sản văn hóa phi vật thể đó quả có một số lượng khá đồ sộ với nhiều thể loại phong phú. Di sản văn hóa đó có một giá trị rất quan trọng trong đời sống tinh thần, trong cõi lòng của đồng bào các dân tộc thiểu số và di sản văn hóa đó có những giá trị đặc sắc đóng góp vào vườn hoa văn hóa đầy hương sắc của các dân tộc Việt Nam. Nó có giá trị về số lượng và chất lượng như vậy nên nó rất đáng, rất cần được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập. Làm thế nào biến các di sản đó thành hành trang của các dân tộc đi vào cuộc sống công nghiệp, hiện đại và hội nhập. Cái trăn trở của chúng ta là làm thế nào để các dân tộc thiểu số tỉnh ta hòa nhập được trong cuộc sống này mà không tự và không để đánh mất mình.


I. Khối lượng - Thể loại 
1. Khối lượng: Như trên đã nói, về khối lượng di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta khá đồ sộ, hiện nay chúng ta thực ra không có một cuộc tổng điều tra, thống kê thành một Atlat về di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhưng qua điền dã, qua các tác phẩm, các bài báo lẻ tẻ cho thấy di sản đó có khối lượng lớn. Chỉ lấy hai dẫn chứng nhỏ về dân tộc Mường và Thái sau đây ta có thể bước đầu hình dung ra được. ở dân tộc Mường, từ năm 1960 đến nay, chỉ tính công trình của 4 tác giả nghiên cứu về Mường như Minh Hiệu, Hoàng Anh Nhân, Vương Anh và Cao Sơn Hải thì số trang in đã lên đến hơn 8000 trang. Đó mới chỉ là một phần nhỏ của di sản văn hóa Mường. ở dân tộc Thái cho đến nay chỉ tính các phẩm của các tác giả Bùi Tiên, Hà Văn Ban, Hà Nam Ninh, Hoàng Anh Nhân đã công bố có khoảng 1400 trang sách (thực ra mới có khoảng hơn 950 trang còn khoảng hơn 500 trang mới đang ở dạng bản thảo của Đại học Hồng Đức - Hà Nam Ninh dịch). Đây là con số còn quá khiêm tốn. ở dân tộc Dao có nền văn hóa đặc sắc nhưng theo chúng tôi biết được mới chỉ có một với hơn 300 trang được công bố. Và điều đáng tiếc và xót xa là ở các dân tộc Mông, Thổ, Khơ mú mặc dù có một khối lượng văn hóa truyền thống không nhỏ, nhưng chỉ mới thấy công bố một số bài báo lẻ tẻ bất chợt. Như vậy di sản văn hóa của các dân tộc này đang ngày càng lịm dần đi. Và điều cần nói thêm rằng phần lớn các tác phẩm đã được in về di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta cơ bản là về văn hóa dân gian. Đành rằng văn học giữ vai trò cốt lõi trong văn hóa nhưng văn hóa phi vật thể đâu chỉ có văn học mà còn nhiều loại hình khác như âm nhạc, nhảy múa, lễ hội, trò diễn, luật tục…
2. Về thể loại: Một di sản văn hóa phi vật thể nếu tính số lượng thôi thì chưa đủ, sẽ là thiếu sót và phiến diện nếu không đề cập tới thể loại của nó. Thể loại làm nên bộ mặt của văn hóa phi vật thể. Trong di sản văn hóa phi vật thể sự sáng tạo càng nhiều, chất nghệ thuật và trí tuệ càng lớn và giá trị thẩm mỹ càng cao.
Bằng vào những gì có thể biết được, chúng tôi thấy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Thanh Hóa có sự đa dạng về thể loại. Ngoài hệ thống thành ngữ, tục ngữ, hát đồng dao có kết hợp với trò chơi của trẻ em, các truyện cổ dân gian, các truyện vui cười, ở các dân tộc thiểu số còn có cả một hệ thống dân ca hát giao duyên. ở đó tính chất trong lành, mặn mà say đắm lòng người. Dân tộc Thái có đến 4,5 loại Khặp, người Mường có hệ thống Xường mà ít nơi có được một loại hát giao duyên lại có cung bậc như Xường. ở đây chưa có điều kiện để nói đến những lệ tục, những thuần phong mỹ tục, nét văn hóa ứng xử làm đẹp và mát lòng người, con người nhìn nhau, đến với nhau với tấm lòng thương đầy thiện cảm. Phần này chúng tôi muốn nhấn mạnh vào một số thể loại văn hóa  phi vật thể các dân tộc thiểu số Thanh Hóa có phần khá đặc sắc.
+ Sử thi sáng thế: Đó là sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường. ở đây có 2 điều cần nói rõ mà lâu nay có sự mặc nhiên không tự giác. Cái tên Đẻ đất đẻ nước để chỉ bộ sử thi này là do một số người đặt ra để cho hợp với cái gu nào đó, không mang tính khoa học ít ra là không phải cái tên khởi nguyên. Cái tên nó không khái quát. Vì ngoài đẻ đất, nước thì còn đẻ người nữa mà người mới là trung tâm. Đó là chưa nói đến lửa, đến cơm áo, đến hôn nhân… Người Mường gọi bộ sử thi đó là truyện: “Khinh pở rỏ trờng”. Hiểu cụm từ cổ này có nghĩa là truyện nguồn gốc của muôn loài, muôn việc… Có điều bây giờ gọi lại quá khó. Điều thứ hai, không nên lầm lẫn, mặc nhiên rằng vì giá trị của tác phẩm sử thi này nó lớn, có sức hấp dẫn cao, đến nỗi “Trẻ em nghe quên đói, trai gái nghe quên cuộc hẹn hò”, nên các ông mo đã đưa mo vào không gian thiêng, thời gian thiêng để tăng thêm vai trò của mình. Nhưng may thay nó làm cho tác phẩm được tỏa lan nhanh và sâu rộng. Thực ra người Mường có đưa tác phẩm vào Mo nhưng là Mo tlêu vả chăng tác phẩm này còn được dùng trong lễ cưới, lễ cầu mát, lễ cầu vía chứ đâu chỉ có mo tang ma. Thực ra còn phải mất công nhiều hơn mới giải mã được bộ sử thi này. Ngoài dân tộc Mường, dân tộc Thái cũng có một bộ sử thi tương tự: Ămọoc năm đin và gần đây dân tộc Thổ cũng có tác phẩm gần như thế.
+ Trong di sản phi vật thể các dân tộc thiểu số ở những năm gần đây còn bảo tồn nghi lễ nông nghiệp, lễ cầu nước. Đây là nghi lễ rất cổ của cư dân nông nghiệp lúa nước và lúa nương rẫy. Người Thái có lễ Thượng điền, người Khơ mú có lễ cầu mưa, người Mường, Thổ có lễ tết cơm mới, Người Dao có lễ cúng hồn lúa, diệt sâu bọ. Nghi lễ nông nghiệp này ở miền xuôi đã vắng đi nhiều, chỉ còn thấy lại ở miền núi. Trong các bài ca nghi lễ thì bài ca và lễ tiết nông nghiệp là loại hình rất có giá trị trên nhiều phương diện.
+ Lễ hội: Rất đáng chú ý là lễ Sên bản Sên Mường của người Thái. Gần đây các lễ Sên được thể hiện với sự tôn vinh thờ các vị anh hùng, người có công với đất nước, bản Mường như ở Ca da diễn ra nơi thờ Khăm Ban, ở Mường Mìn thờ Tư mã Hai Đào. ở người Mường có lễ hội ở Điền Trung nơi thờ Hà Văn Mao. Người Thổ có đền Thi thờ Lê Phúc Thành. Người Dao có tết nhảy, múa chuông múa rùa, lễ cấp sắc. ở các lễ hội này đã hội tụ được khá nhiều các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian như chơi đu, ném còn, thể thao. Xưa còn có cả hát giao duyên giữa các nhóm trai gái. Đáng chú ý người Mông có tết Gầu Tào. Tết này đã cơ bản thể hiện được các loại hình văn hóa dân tộc như ném pao, múa khèn, đánh cù, sái sang, hát đối đáp giao duyên…
+ Di sản âm nhạc cồng chiêng có chủ yếu ở hai dân tộc Mường và Thái. Người Mường có hát sắc bùa là một thú chơi xuân, giao lưu văn hóa giữa các Mường trong mùa xuân rất lãng mạn, rất đẹp. Với dàn cồng 12 chiếc làm cho sự hòa âm, tiết tấu vui tươi và lời ca đẹp làm phấn khởi lòng người. Đặc biệt là người Mường Thanh Hóa có dàn trống dàm độc đáo rất vui nhộn, rộn ràng, thúc giục lòng người.
+ Các bản tình ca ngọt ngào say đắm lòng người và những mối tình trong trắng chung thủy đấu tranh cho lẽ phải và quyền con người. Đó là các bản tình ca Nàng Nga - Đạo Hai Mối; Nàng út Lót - Đạo Hồi Liêu; Nàng ờm - Chàng Bông Hương (dân tộc Mường); Dặn người yêu, út Thêm, Khăn Panh (dân tộc Thái) và Tiếng hát làm dâu (dân tộc Mông).
+ Trong số các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa, người Thái, Khơ mú và người Mường có trò diễn dân gian khá độc đáo. Đó là các trò diễn Kim chiêng boóc mại, có nơi gọi là Siềng Khàn. Phổ biến nói gọi là Chá chiêng Trò diễn này xuất phát từ lễ tạ ơn các vị thần sư và các thầy bà đồng, thầy thuốc đã có công chữa khỏi bệnh cho con người. Lễ này ở người Thái  Khơ Mú thường diễn ra vào mùa khô, ở người Mường diễn ra vào tháng giêng hoặc tháng ba khi có hoa bông trăng. Cái chung ở trò này là có cây bông bằng gỗ làm từ cây chạng bạng, nên người ta còn gọi là trò Pồn pôông. Trò này có phần lễ khá đơn giản cúng thần nổ, sau đó là các trò chơi, nhảy múa xung quanh cây bông, có trống dàm khua luống đệm theo nên khá vui. Các trò chơi này còn thô sơ. Đó là những trò nhại dân gian theo các động tác công việc làm ruộng rẫy, săn bắn, hái lượm: Loại này thường thấy ở người Mường Ngọc Lặc, người Thái Như Thanh, Thường Xuân. Trò diễn Pồn pôông ở làng Muốt, ở Mường Điền… Sau lễ không có trò chơi mà lại có hát đối đáp giữa bà đồng với “con mày, con nuôi” và “trai mười bảy gái mười ba” quanh cây bông có dắt những chùm hoa bông trăng. Đặc biệt ở vùng Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, người Mường còn có một loại trò diễn Pồn pôông khác. Đó là Pồn pôông nhằm mục đích khác là chiêu oan, chiêu tuyết cho những mối tình oan khuất của những đôi trai gái yêu nhau chân chính, thủy chung nhưng bị cha mẹ, xã hội ngăn trở, họ đã chết vì nhau và bên nhau. Trò diễn này khá quy mô, có từ 7-9 cây bông, dàn ra ở sân nhà gác. Trò diễn này như một vở bi kịch thơ dân gian. Vì chỉ có đôi trai gái đối đáp với nhau. Tích của nó lấy từ các mối tình của các bản tình ca Nàng Nga - Hai Mối; Nàng út Lót - Đạo Hồi Liêu; Nàng ờm - Chàng Bông Hương. Trò diễn rất hấp dẫn vì tự thân các mối tình dang dở, bởi lời đẹp. Hơn thế nữa trò diễn không phải chỉ chiêu tuyết cho những mối tình đã oan khuất mà tự nó cũng chiêu tuyết cho những mối tình đã mất đi nhưng vẫn còn trong ký ức và trái tim của những con người đang sống. Cho nên nó được rất đông người xem mỗi khi có đêm diễn. Hiện nay chúng tôi đã sưu tầm và dịch được kịch bản này sau 60 năm người ta đã vùi lấp nó. 


II. Những giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể
Thực ra qua phần khối lượng và thể loại nói trên kia, chúng ta đã phần nào cảm nhận được giá trị của di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Thanh Hóa. Khái quát lại có thể thấy những giá trị của các di sản ấy nổi lên những nét sau:
1. Di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số Thanh Hóa là tài sản tinh thần vô giá từ ngàn năm, là bệ tựa hồn cốt của các dân tộc.
2. Di sản văn hóa ấy là kho chứa trí tuệ, những triết luận, những quan điểm về vũ trụ, nhân sinh về cái lẽ sống chết của các dân tộc.
3. Các di sản là nơi thể hiện trí tưởng tượng sáng tạo, tâm hồn trong sáng đẹp đẽ của các dân tộc. Hơn thế nó còn thể hiện quan điểm thẩm mỹ tiến bộ, lành mạnh giàu sức sống.
4. Di sản văn hóa phi vật thể ấy thể hiện văn hóa ứng xử rất đẹp rất thiện cảm với con người, với thiên nhiên. Giữa con người với con người nhìn nhau, đến với nhau từ cõi lòng của tình thương yêu, thương người là cốt lõi của văn hóa ứng xử của các dân tộc thiểu số. Vì vậy di sản ấy thấm đẫm chất nhân văn.
5. Di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Thanh Hóa được xây dựng nên từ tiếng nói, một phần từ chữ viết. Qua di sản ta thấy rất rõ khả năng biểu đạt của ngôn ngữ các dân tộc. Tác phẩm sử thi Đẻ đất đẻ nước có tới trên vạn câu của người Mường nó đã biểu đạt được không những về các tình huống của tình cảm tế nhị khó diễn tả mà nó còn có thể biểu đạt được cái trìu tượng những triết luận phức tạp về quan điểm vũ trụ, nhân sinh mà ít phải mượn tới câu cú, chữ nghĩa của Hán Việt. Dĩ nhiên đây là nói để thấy điều đó là một thực tế chứ không hề có ý chối bỏ dùng từ Hán Việt.


III.  Di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số Thanh Hóa cần được bảo tồn và phát huy.
Đúng là di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số tỉnh ta rất cần, rất đáng được bảo tồn và phát huy. Vì các dân tộc thiểu số nếu để mất đi những di sản là mất đi cội gốc của mình là sự hẫng hụt lớn, là sự đứt đoạn văn hóa. Nhưng bảo tồn và phát huy như thế nào khi di sản văn hóa của đồng bào còn là nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, nương rẫy, chưa qua lâu của văn hóa hái lượm và du canh du cư để đi vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập ngày nay? Đây là một việc làm không dễ, rất diệu vợi. Công nghiệp hiện đại là một cuộc cách mạng sâu sắc so với nền văn hóa nông nghiệp, nhất là nông nghiệp còn lạc hậu như tỉnh ta, nước ta. Bản chất của văn hóa công nghiệp hóa - hiện đại hóa là văn minh thành thị. Nền văn hóa đó lại nằm trong trào lưu hội nhập, hội nhập kinh tế và văn hóa. Nền văn hóa của hội nhập chủ yếu là văn hóa Âu - Mỹ. Nền văn hóa này trong đó có lối sống phương Tây đang ào ạt như sóng trào trườn lên các quốc gia, các khu vực với tất cả những phương tiện hiện đại, nhiều cái mới lạ hấp dẫn lớp trẻ. Như vậy văn hóa các dân tộc thiểu số có đủ độ bền và bản lĩnh để tránh khỏi tổn thất rồi đứng vững và phát huy được không? Đó là một thử thách không nhỏ không chỉ với văn hóa các dân tộc thiểu số. Mặt khác như ta đã biết một nền văn hóa nảy sinh phát triển vận hành trong một môi trường tự nhiên và xã hội nhất định. Khi mất đi môi trường sống của nền văn hóa ấy liệu nó có tồn tại và phát triển cũng là một thử thách. Ngày nay môi trường tự nhiên ở miền núi đã thay đổi quá lớn. Rừng núi đâu còn như xưa, nắng mưa cũng thay đổi. Nhiều nơi không còn nhà sàn, cách sinh hoạt cũng không như xưa. 
Thực tế cho thấy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số đã mất đi quá nhiều khó bề tìm lại. Những người già lần lượt mất đi, nếu trước đây có một số am hiểu văn hóa dân tộc thì giờ đây đã già và quá nhiều lú lẫn. Mất đi “các báu vật sống” thì không cản được đã đành, nhưng ngay cái có thể làm được là đào tạo bồi dưỡng đội ngũ trí thức dân tộc am hiểu nền văn hóa bản địa để có thể săm khui rồi thu thập, biên dịch, tìm đường giữ lại nền văn hóa ấy cũng không mấy ai để ý. Người có tâm cứ tự nguyện, tự phát mà làm. Cần thấy cho hết điều đó rồi có muốn gỡ mới gỡ được. Nhưng cũng hãy nhìn ra xa đã có những quốc gia, dân tộc họ đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập rất sâu, rộng, nhưng họ vẫn giữ được nền văn hoá bản địa. Hơn thế họ còn làm sự tỏa lan văn hóa của mình tới nhiều nước trên thế giới trong đó có cả các nước Âu - Mỹ. Đó là trường hợp của Nhật Bản và Hàn Quốc mà cả thế giới đều thấy.
Chúng tôi thấy rằng phương châm của chúng ta đối với di sản văn hóa là vừa bảo tồn vừa phát huy, phát huy là bảo tồn tích cực. Việc bảo tồn và phát huy phải đi những bước vững chắc, cơ bản, phải làm một cách kiên trì, nhưng lại phải nhanh tay.
Trong điều kiện hiện nay, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa có thể tiến hành nhiều công việc, nhưng đáng chú ý những công việc sau:
1. Phải làm cho nhân dân các dân tộc có ý thức sâu sắc về nền văn hóa của mình. Trên cơ sở đó tự ý thức sâu sắc về bảo tồn và phát huy. Các nhà quản lý, các nhà chuyên môn phải tận tình và có phương pháp giúp họ trong việc này. Chừng nào các dân tộc hiểu ra rằng cần phải giữ gìn và phát huy nền văn hóa của mình chừng ấy mới có kết quả.
2. Dù là đã muộn, nhưng muộn còn hơn không là phải tiến hành ngay một cuộc điều tra, kiểm kê, lập bản đồ di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó tiến hành sưu tầm. Từ sưu tầm, các tài liệu cần phân loại đánh giá xếp loại, cái nào nên giữ bảo tồn cái nào cần loại ra khỏi phạm vi bảo tồn và phát huy. Tiến đến biên tập dịch, xuất bản, phổ biến trở lại với người sinh ra nó. Cùng với sách xuất bản cũng cần ghi lại và đưa về cơ sở các phim ảnh, các băng ghi âm. Có chủ trương và chính sách khuyến khích đồng bào các dân tộc coi trọng và sử dụng các di sản, biến các di sản thành vật sống trong cộng đồng.
3. Tổ chức thật tốt các lễ hội Sen bản Sen Mường và tri ân các anh hùng dân tộc những người có công với bản Mường. ở đó tổ chức những trò diễn trò chơi, vui tươi giải trí. Các lễ hội, trò diễn này có thể đưa vào phục vụ du lịch. Cùng với đó có thể bồi dưỡng người có thể kể chuyện Đẻ đất đẻ nước cho làng bản cho du khách thưởng thức cũng là một cách phát huy.
4. Tổ chức các câu lạc bộ dân ca, ca nhạc nhảy múa, kể chuyện cổ tích, sử thi, các bản tình ca ở các thôn xóm, chòm bản. Tiến tới tổ chức liên hoan các câu lạc bộ văn hóa truyền thống theo các thể loại như dân ca, kể chuyện, âm nhạc, cồng chiêng… Có làm tốt hình thức này mới có thể nói đến bảo tồn và phát huy. Việc này không khó và không tốn kém mà kết quả rất lớn.
5. Để thực hiện được những giải pháp trên đây rất cần có sự thống nhất chỉ đạo, quản lý và phải có người làm, có một nguồn kinh phí. Hiện nay ta có rất nhiều tổ chức theo dõi chỉ đạo, quản lý về văn hóa phi vật thể nhưng xem ra không có một ai chuyên trách thật cụ thể. Đã đến lúc không nên nói chung chung mà phải rõ ràng:
Người quản lý và người cộng sự này là những ai?
Trong một thời gian bao lâu cần phải làm được những việc gì trong bảo tồn, phát huy di sản phi vật thể của các dân tộc thiểu số.
Cần phải có một nguồn ngân sách rõ ràng để chi cho người làm và chi cho công việc làm.
Nếu thực hiện được những giải pháp trên  thì hy vọng rằng di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số Thanh Hóa được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống ngày hôm nay.
                                  C.S.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 50
 Hôm nay: 934
 Tổng số truy cập: 13612255
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa