Tôi muốn dùng từ “quyền lực” để nhấn mạnh vào chức năng, vai trò và tác động của phê bình tới hoạt động sáng tác. Ai đó sẽ phản biện: Chả cần tới lý luận, phê bình! Không có các anh chúng tôi vẫn cứ viết, không có lý luận, phê bình, dòng văn học vẫn hồn nhiên chảy! Không sai, vậy, lý luận phê bình có từ bao giờ và có thật cần thiết trong đời sống văn học? Đặt ra câu hỏi này giờ đây có vẻ như hơi cũ bởi văn học nghệ thuật hiện đại giờ đây ngày càng bị/ được chi phối bởi những lý thuyết sáng tác thay đổi hàng ngày, hàng giờ.
Công cuộc hội nhập thế giới sâu rộng, toàn diện khiến văn học nghệ thuật Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc, vì vậy, câu chuyện về vai trò của lý luận phê bình được đặt ra không chỉ mang mục tiêu chức năng nghệ thuật mà còn thực hiện sứ mạng của một nhiệm vụ chính trị.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) xác định phương hướng chung của sự nghiệp văn hóa nước ta gắn với công cuộc đổi mới là: “Phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Như vậy, văn học - bộ phận cốt lõi của văn hóa cũng phải gắn với mục tiêu ấy. Nền văn nghệ “tiên tiến” không thể là nền văn nghệ mình sáng tác cho mình thưởng thức mà còn phải hướng đến nhân loại, tham gia vào hành trình phát triển văn chương nhân loại. Song, hội nhập mà không “hòa tan” và nền văn nghệ tiên tiến ấy cần “đậm đà bản sắc dân tộc”. Một vấn đề đặt ra, “bản sắc dân tộc” là thế nào, tiêu chí của đặc trưng ấy? Đó là chuyện của nội dung hay hình thức? Đây chính là nhiệm vụ của lý luận và phê bình. Lý luận phải mã hóa được những yêu cầu ấy, xây dựng thành hệ thống tiêu chí thẩm mỹ, làm cơ sở, thước đo định giá các sản phẩm văn hóa, văn chương.
Tuy nhiên, câu chuyện “quyền lực” không nằm ở đây, mà nằm ở vị thế “người đọc” của lý luận phê bình. Bằng kiến thức chuyên môn học thuật, nhà lý luận, phê bình dễ nhận ra cấu trúc tác phẩm, ý đồ tổ chức nghệ thuật của tác giả và sẽ “nhìn” ra điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm nghệ thuật cũng như “trình độ” của nhà tổ chức sản phẩm nghệ thuật là tác giả. Nếu nhà lý luận, phê bình có thêm năng lực/ năng khiếu của người sáng tác thì nhận xét, đánh giá sẽ thật hấp dẫn. Theo tôi, phê bình tài hoa nhất là kết hợp được cả hai yếu tố: học thuật và trực giác nghệ thuật. Thực ra, suy đến cùng thì trực giác nghệ thuật cũng có căn cốt từ tri thức, chính những kiến thức thâu nhận được bằng nhiều con đường sẽ giúp cho năng lực trực giác được kích hoạt và trở nên mẫn cảm, nhanh nhạy hơn. Độc giả nếu là nhà lý luận, phê bình (đúng nghĩa) sẽ giúp tác phẩm thăng hoa nếu đó là sản phẩm nghệ thuật đích thực và chắc chắn sẽ trở thành người đồng hành hữu ích với người sáng tác. Quan niệm, lý luận phê bình là “bà đỡ”, là “ngọn roi” điều khiển con ngựa sáng tác, có lẽ là hàm nghĩa ấy.
Như vậy, để phê bình có “quyền lực” đúng nghĩa, nhà phê bình cần rèn luyện những tố chất cần thiết: học thuật và năng lực thẩm bình. Theo tôi, cả hai yếu tố ấy đều có thể rèn, thật may, biển tri thức nhân loại không có ai canh giữ và độc chiếm. Có điều, hành trình để lấy những thứ quý giá đó thật xa và thật gian khổ, vấn đề là không biết mình có chiến thắng nổi mình để dấn bước lên hành trình đó hay không.
Hình như, câu chuyện văn chương cũng như vậy, nếu chỉ dựa vào chút năng khiếu mà không bổ sung thêm, làm giàu thêm tri thức cho năng lượng sáng tạo thì rồi sẽ đến lúc như ngọn đèn cạn dầu, ánh sáng của nó chỉ đủ le lói dưới chân nó mà thôi.
Câu chuyện của những người đồng hành trên con đường sáng tạo sẽ bao hàm cả năng lực ý trí và sức mạnh cảm xúc. Tất thảy những điều tốt đẹp đó sẽ hòa chung trong một không gian cởi mở giữa những người có cùng đam mê, chung mục đích. Và trên hành trình ấy mỗi người sẽ nhận ra được giá trị đích thực của mình để từ đó góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn học nghệ thuật của Thanh Hóa nói riêng và của cả nước nói chung ngày một “tiên tiến” mà vẫn “đậm đà bản sắc dân tộc”, xứng đáng với niềm tin yêu của độc giả ở một đất nước giàu trầm tích văn hóa và yêu mến văn chương như Việt Nam chúng ta.
H.D.T