Tập huấn Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Thanh Hóa năm 2020
Sáng ngày 11 tháng 9 năm 2020, Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, Ban Lý luận, phê bình văn học tổ chức khai mạc lớp Tập huấn Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Thanh Hóa năm 2020. Đến dự có Họa sĩ Phạm Duy Phương - Chủ tịch Hội, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Thanh Hóa, các đồng chí trong Ban Thường trực Hội, đặc biệt là sự có mặt của 24 học viên là ban viên của 11 ban chuyên ngành thuộc Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa.
Nhằm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Kết luận số 23 của Ban Bí thư về “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật”, Chỉ thị số 46 của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội”. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện kế hoạch hoạt động của Ban Lý luận phê bình văn học năm 2020, với nhận thức sâu sắc về công tác LLPB văn học nghệ thuật có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động văn học nghệ thuật từ sáng tác tới thưởng thức, từ định hướng đến chỉ đạo. Không những vậy công tác LLPB văn học nghệ thuật còn làm nhiệm vụ gọt rủa, khích lệ cho hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật. Do đó việc mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các hội viên là vô cùng thiết thực và cần thiết đáp ứng được nhu cầu của các văn nghệ sĩ nói riêng và đòi hỏi từ thực tế sáng tạo văn học nghệ thuật trong tình hình mới nói chung.
Giáo sư Đỗ Lai Thúy cùng các học viên lớp tập huấn
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Họa sĩ Phạm Duy Phương - Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa khẳng định “Lý luận, phê bình cũng là hoạt động sáng tạo nhưng là siêu sáng tạo, bởi nó sáng tạo từ những sáng tạo. Đã có nhiều kinh nghiệm chỉ ra rằng phê bình có thể cứu một sinh mạng nghệ thuật và cũng có thể hủy diệt một sản phẩm sáng tạo. Một nền văn học nghệ thuật sẽ thật buồn tẻ và rời rạc nếu thiếu đi lực lượng này. Tuy nhiên, để tạo nên khả năng ấy phải là những cây bút phê bình chuyên nghiệp hoặc phê bình phải mang tính chuyên nghiệp, nghĩa là vừa phải có lý thuyết khoa học vừa phải có năng lực sáng tạo cá nhân.
Trên cơ sở của Ban Lý luận, phê bình đã và đang hoạt động khá hiệu quả nhiều năm nay, chúng tôi muốn mở rộng thêm những cú huých sáng tạo cho nhiều ban khác. Đặc biệt, chúng tôi muốn chính những người đang sống và sáng tạo tại địa phương thẩm bình về những sáng tạo của địa phương. Còn ai hiểu về địa phương hơn chính những người đang sinh sống và gắn bó với quê hương mình. Nhưng phải chuyên nghiệp và càng sâu sắc càng tốt, để những khen chê được tâm phục khẩu phục, để tìm kiếm và khẳng định được những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực, để góp phần quảng bá văn hóa quê nhà, nâng đỡ và khuyến khích những cây bút trẻ tự tin tỏa sáng. Tất cả những mong muốn đó là Lý do cho sự ra đời ý tưởng mở lớp tập huấn lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trên mảnh đất Thanh Hóa giàu tryền thống lịch sử và hiếu học này…”.
Toàn cảnh lớp tập huấn
Lớp tập huấn lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Thanh Hóa năm 2020 diễn ra từ ngày 10 tháng 9 đến ngày 13 tháng 9, dưới sự hướng dẫn, giảng dạy của Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà Nghiên cứu và Lý luận phê bình văn học Đỗ Lai Thúy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu văn hóa, văn học Ngô Văn Giá, Phó giáo sư, tiến sĩ, Nhà lý luận phê bình Hỏa Diệu Thúy và Tiến sĩ, Nhà Lý luận phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm.
P.V