Trại sáng tác nâng cao tác phẩm văn xuôi Thanh Hóa năm 2020
Chiều ngày 15 tháng 9 năm 2020, tại Hội trường khách sạn Ngân hàng chính sách xã hội Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa, Hội Văn học nhệ thuật Thanh Hóa, Ban Văn xuôi tổ chức khai mạc Trại sáng tác nâng cao tác phẩm văn xuôi năm 2020. Đến dự và chỉ đạo có Họa sĩ Phạm Duy Phương – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, các đồng chí trong Thường trực Hội, các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội qua các thời kỳ, phóng viên các cơ quan báo chí của tỉnh đưa tin và 26 hội viên Ban Văn xuôi tham gia trại viết.
Từ nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, đáp lại sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhu cầu hưởng thụ văn học nghệ thuật chính đáng của nhân dân. Thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật mà Thường trực Hội văn học nghệ thuật Thanh Hóa đã xây dựng, đồng thời đẩy mạnh triển khai kế hoạch hoạt động thường niên của Ban chuyên ngành, Ban Văn xuôi mở trại sáng tác nâng cao chất lượng tác phẩm văn xuôi năm 2020 ngoài mục đích tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ hoàn thành các tác phẩm đã định của mỗi hội viên còn là dịp để các ban viên giao lưu, chia sẻ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sáng tác của mình từ đó làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa các thành viên trong ban. Để nâng cao tư duy sáng tạo và có cái nhìn phong phú hơn về công tác sáng tác văn học, Hội văn học nghệ thuật, lãnh đạo Ban văn xuôi đã mời các nhà văn có uy tín và nhiều thành tựu như nhà văn Nguyễn Bảo, nhà văn Lê Văn Vọng, nhà văn Lê Minh Khuê về trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sáng tác văn học, đồng thời chỉ ra các xu hướng, phong cách, quan điểm mới trong hoạt động sáng tác cả trong và ngoài nước với các nhà văn Thanh Hóa.
Họa sĩ Phạm Duy Phương - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Trại viết, Họa sĩ Phạm Duy Phương - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa chia sẻ: “Sáng tác văn học, hoàn thiện các tác phẩm luôn là công việc thường trực của mỗi nhà văn. Đặc trưng của văn chương là ở mỗi nhà văn phải có một con đường riêng, đó là một lối viết riêng, một phong cách thể hiện riêng biệt. Nhưng có một điểm chung được thể hiện trong mỗi tác phẩm dù dài hay ngắn, truyện ngắn hay tiểu thuyết hay bất kỳ thể loại nào là đều phải chống cái xấu, cái ác, chống sự tha hóa, tham nhũng, bất công, sự vô cảm, xuống cấp đạo đức xã hội. Biểu dương cái tốt, làm nên những nhân vật điển hình, cùng mọi người chung sức xây dựng xã hội ngày một trong sạch, đáng sống và hướng đến cuộc sống đẹp.
Toàn cảnh trại sáng tác
Tất cả các tác phẩm của mỗi nhà văn dù viết về đề tài nào, chủ đề gì thì mục đích cuối cùng vẫn phải là một tác phẩm hay. Tôi nghĩ đấy là cái khó nhất của người viết văn. Tỉnh ta đang trở thành một tỉnh năng động, hiện thực cuộc sống đang tạo ra những xúc cảm mạnh mẽ cho các văn nghệ sĩ, đặc biệt chúng ta đang hòa mình vào không khí phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ của tỉnh trong đó phải kể đến Nghị Quyết 58 của Bộ chính trị về xây dựng Thanh hóa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, nhất là không khí chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đang đến gần. Hiện nay trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đang phát động cuộc thi ký về đề tài “Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới”, đây cũng là nhiệm vụ chung của các nhà văn trong dịp này, ngoài những tác phẩm có thể làm nên cốt cách của mình, các nhà văn nên tích cực tham gia vào cuộc thi viết với những tác phẩm đã chiêm nghiệm còn tươi rói chất sống, chất chứa nồng nàn tình yêu, trách nhiệm với quê hương đất nước”.
Trại sáng tác nâng cao tác phẩm văn xuôi Thanh Hóa năm 2020 diễn ra từ ngày 15 tháng 9 đến ngày 18 tháng 9 năm 2020.
P.V