Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Tin trong tỉnh   /   Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị Văn nghệ dân gian Thanh Hóa trong thời kỳ hội nhập, phát triển nhanh và bền vững”
Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị Văn nghệ dân gian Thanh Hóa trong thời kỳ hội nhập, phát triển nhanh và bền vững”

Sáng ngày 12 tháng 11 năm 2021, tại Trung tâm Hội nghị 25B tỉnh Thanh Hóa, Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo tồn, phát huy giá trị Văn nghệ dân gian Thanh Hóa trong thời kỳ hội nhập, phát triển nhanh và bền vững”. 
Đồng chủ trì hội thảo có: Tiến sỹ Hoàng Bá Tường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Họa sỹ Phạm Duy Phương, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh; Nhà nghiên cứu Phạm Minh Trị, Uỷ viên BCH, Trưởng Ban Văn nghệ dân gian Hội VHNT Thanh Hóa. Dự hội thảo còn có đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Thanh Hóa.

Đồng chí Hoàng Bá Tường - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu chỉ đạo Hội thảo


Hội thảo đã nhận được 30 tham luận của các tác giả là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn nghệ, văn hóa dân gian. Nội dung các tham luận tập trung vào hai nhóm vấn đề: Bảo tồn, phát huy giá trị văn nghệ dân gian - văn hóa dân gian trong thời kỳ hội nhập, phát triển nhanh và bền vững. Các tham luận đã phản ánh sự phong phú, đa dạng, đặc sắc của văn nghệ, văn hóa dân gian Thanh Hóa của 7 tộc người Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ mú cư trú trên địa bàn. Tuy nhiên, còn rất nhiều những nội dung vấn đề của văn nghệ, văn hóa dân gian cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích, lý giải một cách tường tận, thấu đáo bằng những luận cứ, luận điểm khoa học, từ đó giúp thế hệ hôm nay biết trân trọng, giữ gìn, phát huy vốn quý của tổ tiên, ông cha trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian đã có những ý kiến đóng góp, đề xuất như việc xây dựng tổng tập văn nghệ, văn hóa dân gian của tỉnh là cần thiết trong thời kỳ hội nhập, phát triển nhanh và bền vững; quan tâm phục dựng các lễ hội dân gian, trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ của 7 tộc người đáp ứng nhu cầu tìm hiểu giá trị văn nghệ dân gian Thanh Hóa của du khách, góp phần phát triển du lịch; quan tâm xét công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân cho những người có công bảo tồn, truyền bá văn hóa, văn nghệ dân gian trong cộng đồng,…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Bá Tường - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ghi nhận những đóng góp to lớn của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu về văn nghệ, văn hóa dân gian Thanh Hóa. Đặc biệt đã có nhiều tác phẩm, công trình của các tác giả thực sự là những tư liệu quý, phản ánh sự đa dạng về văn hóa - văn nghệ dân gian, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương, dân tộc. Đồng chí nhấn mạnh, hội thảo lần này, một lần nữa làm rõ, nhận diện sâu sắc hơn về vị trí, vai trò và những đóng góp của văn nghệ dân gian Thanh Hóa trong kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam cũng như sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Bá Tường mong muốn trong thời gian tới cùng với sự đồng hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, hoạt động văn học nghệ thuật Thanh Hóa nói chung và văn nghệ dân gian Thanh Hóa nói riêng sẽ có nhiều chuyển biến tiến bộ, nhất là công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn nghệ dân gian trong thời kỳ hội nhập, phát triển nhanh và bền vững, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành giàu đẹp, văn minh. 

Toàn cảnh Hội thảo


Hội thảo khoa học lần này nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế tồn tại, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; đồng thời đề xuất, kiến nghị một số cơ chế, chính sách khả thi nhằm phát triển văn nghệ dân gian của tỉnh Thanh Hóa xứng tầm với truyền thống lịch sử, văn hóa, tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Qua hội thảo sẽ là nguồn cổ vũ, khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian “thắp lửa” nhiệt tình đam mê, biên soạn, xuất bản, quảng bá nhiều tác phẩm văn nghệ dân gian có chất lượng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa ngày càng cao của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng môi trường văn hóa của tỉnh Thanh Hóa đa dạng, phong phú, lành mạnh, tiến bộ. 

                                                                                                                                   Q.T



 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 135
 Hôm nay: 5023
 Tổng số truy cập: 7660447
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa