Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn nghệ   /   Kỳ vọng văn học nghệ thuật sẽ được ứng xử "văn hoá" nhất, được lựa chọn là lĩnh vực đầu tư thỏa đáng nhất
Kỳ vọng văn học nghệ thuật sẽ được ứng xử "văn hoá" nhất, được lựa chọn là lĩnh vực đầu tư thỏa đáng nhất

Tiến tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc rất nhiều nhà văn hóa, văn nghệ sĩ đã và đang gửi gắm kỳ vọng cũng như nhiều ý kiến đóng góp trách nhiệm, tâm huyết. Để thêm một tiếng nói hướng tới Hội nghị, Báo Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn với hoạ sĩ Phạm Duy Phương - Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hoá, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa.

PV: Thưa ông, năm 2021 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Nghị quyết văn kiện Đại hội XIII của Đảng, và một trong những Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 có nội dung về văn hóa, đó là: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước". Và sắp tới đây Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 sẽ diễn ra, vậy theo ông Hội nghị diễn ra trong bối cảnh này có ý nghĩa như thế nào?

Hoạ sĩ Phạm Duy Phương: Trước hết, tôi khẳng định Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có định hướng nội dung phát triển văn hóa, giai đoạn 2021-2030 là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện nhãn quan chiến lược khoa học, mang tầm vĩ mô, góp phần phát triển đất nước lên một tầm cao mới.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sắp tới diễn ra trong bối cảnh đất nước ta có nhiều đổi mới. Hiện nay, kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới. Sự hòa nhập với nền văn minh nhân loại trong cuộc phát triển cách mạng khoa học công nghệ đang biến đổi từng ngày. Mạng 4G, 5G phủ sóng. Intenet kết nối toàn cầu không ngừng lan tỏa. Nhiều thông tin văn hóa được truy cập với tốc độ nhanh. Môi trường, phương tiện, trực tiếp kích hoạt văn hóa phát triển mạnh mẽ. Việt Nam có nền văn hóa truyền thống, hiện đại trong xu thế hội nhập nhanh ngày càng tăng cao.

Những ứng dụng công nghệ truyền thông cho những cuộc giao lưu văn hóa truyền thống, đem lại thành công về mặt ngoại giao, được nhiều bạn bè quốc tế ấn tượng tôn trọng.

Trong nước, Đảng và Nhà nước đã chú trọng đến phát triển con người toàn diện, xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực phát triển đất nước và bảo về Tổ quốc. Việc khơi dậy truyền thống yêu nước văn hóa trong cộng đồng với mỗi công dân đã trở thành thường niên. Đặc biệt, xây dựng văn hóa tri thức, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở, văn hóa gia đình, trong khu dân cư trở thành phong trào phát triển.

Kỳ vọng văn học nghệ thuật sẽ được ứng xử "văn hoá"  nhất, được lựa chọn là lĩnh vực đầu tư thỏa đáng nhất - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Minh Khánh)

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tốt mà bao đời dân tộc ta giữ được, trong bối cảnh hiện nay còn có những mặt xấu ảnh hưởng đến thuần phong mĩ tục không nhỏ. Sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai tăng nhanh trong xu hướng phá vỡ nét đẹp truyền thống. Nhất là trong giới trẻ đã ngập chìm trong không gian mạng. Nảy sinh những hành vi phi đạo đức, phi văn hoá. Có khi liều lĩnh phát ngôn đưa hình ảnh có nội dung xấu, nhằm mục đích chia rẽ tinh thần đoàn kết dân tộc, nói xấu chế độ.

Việc nhận thức của một số bộ phận quản lý coi văn hóa là của riêng ngành văn hóa nghệ thuật có xu hướng hiểu sai ở một số địa phương. Từ hiểu sai dẫn đến xem nhẹ. Coi hoạt hoạt động kinh tế là trên tất cả, nên lĩnh vực văn hóa không chú ý lãnh đạo dẫn đến thực hiện thiếu hiệu quả.

Ngoài những yếu tố trên, trong bối cảnh, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này, các đại biểu rất nóng lòng muốn nâng cao hơn nữa về nhận thức văn hóa của mọi người. Văn hóa phải được coi trọng, là phương tiện cứu cánh của các hoạt động ngành nghề trong xã hội. Là điểm xuất phát mọi hoạch định, chương trình hiện tại tương lai. Tránh mọi tư tưởng cực đoan duy ý chí nhìn nhận đánh giá văn hóa vật thể và phi vật thể một cách tắc trách, khi chưa có thẩm định chính xác của hội đồng khoa học. Tránh đề cao tuyệt đối hóa văn hóa dân tộc khi có cách nhìn hữu khuynh hoặc né tránh dư luận phản biện đúng đắn. Phương châm hòa nhập chứ không "hòa tan", không làm mất gốc văn hóa bản địa quê hương được ông cha đúc kết tinh hoa từ ngàn năm lịch sử.

Coi trọng các vỉa tầng văn hóa kèm theo đầu tư phát triển. Lấy con người văn hóa làm trung tâm cho các thiết chế văn hóa là chìa khóa đem lại động lực phát triển đất nước. Tôi tin, niềm tin khát vọng theo lộ trình sẽ được đánh giá đầy đủ về Văn hóa, tạo đà cho sự phát triển đất nước phồn vinh trong hiện tại và tương lai sẽ được bàn kỹ và thành công trong hội nghị lần này.

PV: Là Chủ tịch Hội VHTNT Thanh Hóa với những đặc thù riêng của văn học nghệ thuật địa phương, ông mong muốn được đóng góp ý kiến gì tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021?

Hoạ sĩ Phạm Duy Phương: Tôi nghĩ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa cả về chuyên môn, nghiệp vụ lẫn phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức; hoàn thiện chính sách phát hiện, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ làm việc trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là việc làm cần thiết. Nhất là lĩnh vực văn học nghệ thuật, một lĩnh vực hiếm và kén người. Nhân lực tốt ở lĩnh vực nào cũng cần phải đầu tư công phu nhưng ở lĩnh vực văn học nghệ thuật lại còn đòi hỏi năng khiếu. Vậy nên phát hiện, bồi dưỡng nguồn cán bộ lĩnh vực này cần có lộ trình sớm hơn, có kế hoạch, phương pháp và đầu tư ngân sách xứng đáng. Có như vậy các địa phương nói chung và địa phương tôi nói riêng mới luôn đảm bảo được nhân lực hoạt động ngành một cách bài bản và hiệu quả.

Kỳ vọng văn học nghệ thuật sẽ được ứng xử "văn hoá"  nhất, được lựa chọn là lĩnh vực đầu tư thỏa đáng nhất - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

PV: Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm hoặc cách làm hay trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tại địa phương đã đem lại kết quả cao, được các Hội viên hưởng ứng?

Hoạ sĩ Phạm Duy Phương: Tôi vốn công tác bên ngành văn hóa gần như trọn cả cuộc đời công tác cho đến khi Tỉnh điều sang làm quản lý Hội văn học nghệ thuật. Với tôi đó là sự chuyển đổi không hề nhỏ. Thế mới nói văn học nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù. Mặc dù là thành tố của văn hóa nhưng văn học nghệ thuật tôi tạm ví như một " đứa con cá tính" . Bởi vậy làm thế nào để VHNT phát huy được cá tính, hòa nhập mà không hòa tan, chính là điều tôi luôn trăn trở. Khí phách , hào khí của xứ Thanh ăn sâu vào máu thịt, tính cách người dân quê tôi. Đặc biệt là giới Văn nghệ sĩ. Gần 500 Hội viên, tính sơ cũng bằng gần nữa số Hội viên hội nhà văn Việt Nam, con số đó so với các hội địa phương cả nước thì xếp vào các Hội có hội viên đông tốp đầu. Phát huy sức mạnh của Hội đâu chỉ là số lượng, mà quan trọng hơn là chất lượng.

Tôi chỉ chia sẻ một điều là Hội VHNT Thanh Hóa rất đoàn kết. Sợi dây kết nối của Hội và Hội viên thật sự bền chắc. Những năm gần đây, chúng tôi quản lý Hội viên trên cơ chế vừa chặt chẽ vừa mềm dẻo. Chặt chẽ là chúng tôi có chế tài nghiêm ngặt để kìm bớt tính nghệ sĩ trong thủ tục hành chính, khắt khe hơn trong chuyên môn. Ngược lại mềm dẻo cách ứng xử, tập hợp lực lượng vốn được xem là trí thức bậc cao và "kỹ tính" này. Chúng tôi vừa làm tốt vai trò bồi dưỡng, kích thích sáng tạo cho hội viên thông qua các cuộc tập huấn, trại sáng tác, các cuộc đi thực tế, các giải thưởng. .. Đồng thời cũng đề xuất nguyện vọng của hội viên đến lãnh đạo Tỉnh. Chúng tôi may mắn được tỉnh Thanh Hóa quan tâm mạnh mẽ đến giới văn nghệ sĩ nói riêng và lĩnh vực Văn học nghệ thuật nói chung. Chúng tôi ngoài giải thưởng hàng năm, đã được Tỉnh phê duyệt giải thưởng 5 năm 1 lần với mức thưởng cao nhất từ trước đến nay xứng đáng với tiềm lực kinh tế của Tỉnh. Đó cũng đang là mơ ước của nhiều Hội tỉnh bạn.

Đồng thời chúng tôi cũng lắng nghe những góp ý của Hội viên để khắc phục, hoàn thiện những khuyết điểm. Mục đích cuối cùng là phục vụ tốt hơn hội viên. Bởi lẽ mỗi hội viên là cánh tay nối dài của chúng tôi, và chính họ cũng là mục đích cho mọi hoạt động của Hội. Tôi chỉ mong muốn nâng niu, nâng tầm tác phẩm của họ, và họ thấy Hội thực sự là mái nhà chung mà ai cũng muốn đi về.

PV: Ông kỳ vọng gì ở Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021?

Hoạ sĩ Phạm Duy Phương: Tôi kỳ vọng ngành Văn hóa trong đó có mảng Văn học nghệ thuật sẽ được ứng xử "văn hoá" nhất, được lựa chọn là lĩnh vực đầu tư thỏa đáng nhất phát huy tối đa sức mạnh của nó vốn có trong thời hiện đại. Đó cũng chính là cách phát triển kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng bền vững nhất hôm nay và mai sau.

Cảm ơn ông!

 

 

Hiền Nguyễn (Thực hiện) (Theo toquoc.vn)


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 133
 Hôm nay: 660
 Tổng số truy cập: 9330641
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa