Thơ của bác sĩ, thi sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân - HỎA DIỆU THÚY
(Nhân đọc Biển ru xanh rừng vàng
của Nguyễn Thị Hồng Vân)
Đã xuất bản trên một chục tập thơ, bác sĩ Hồng Vân làm thơ từ những năm 90 của thế kỷ trước, những bài thơ đầu tay của chị chủ yếu viết về nghề của mình. Tôi nhớ những câu thơ chẳng có trang trí, kỹ thuật gì về câu chữ, chỉ có suy nghĩ và xúc cảm chân thành:
Anh thề: Tất cả cho sự sống
Em thề: Tất cả vì bệnh nhân
Đêm ấy trăng sao chứng giám lời mình
Bệnh viện đa khoa chìm trong giấc ngủ…
Từ ngày ấy cả hai cùng lận đận
Bước thấp, cao ngày tháng chuyên cần
Quên ngày cưới, quên bao lần sinh nhật
Cấp cứu liên hồi…
Người mất, lệ vòng quanh…
(Lời thề và nỗi đau)
Có không ít bác sỹ làm thơ, yêu thơ nhưng những tứ thơ đến từ công việc nghề nghiệp thì không mấy, trường hợp của Hồng Vân thì ngược lại, tôi rất phục, thơ của chị phần lớn viết về nghề, cái nghề gắn với chiếc “áo trắng” huyền thoại, cái nghề mà đối tượng tiếp xúc - không đớn đau nhăn nhó, cũng căng thẳng bi quan, làm thơ về họ ư, thật lố bịch, làm thơ ca ngợi mình ư, tránh sao khỏi hoài nghi, dè bỉu, vậy thơ của Hồng Vân viết gì? Thì đây, như ta vừa nghe, chị viết về lời thề tình yêu và cũng là lời thề Y đức. Tình yêu lứa đôi, tình yêu con người và tình yêu nghề nghệp với Hồng Vân nhập làm một. Liệu có bao nhiêu người chọn nghề y ý thức được điều này, có được sự hòa nhập, đồng cảm giữa lương tâm, trách nhiệm với niềm mê say này?
Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng nhắn nhủ: “Nghề thuốc là một nghề thanh cao, là một nghề có lòng nhân…”. Ông gọi “đạo” của người làm nghề thuốc là “nhân thuật”: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng người ta, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người, làm phận sự của mình mà không cầu lợi kể công”. Đạt được Đạo ấy, hành được Đạo ấy, nghề Thuốc xứng với vinh danh “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, người làm nghề thầy thuốc xứng với niềm tôn quý: Lương y như từ mẫu/ Thầy thuốc như mẹ hiền. Tôi không nghĩ đây là khẩu hiệu mà đích thực là niềm trao gửi, là sứ mệnh thiêng liêng của cái nghề mang trọng trách thiên sứ này. Đó là cái nghề chọn người, ai đó chọn nghề này mà không có “lòng nhân” là chọn nhầm nghề.
Đến đây, câu chuyện nghề y và câu chuyện bác sỹ làm thơ dường như đã tìm được điểm gặp gỡ. Thơ là gì? Không phải ngẫu nhiên người ta hay đồng nghĩa thơ với cảm xúc và cho rằng người làm thơ là người giàu cảm xúc, Thơ còn có tên gọi là Trữ tình. Người có “lòng nhân” có giàu cảm xúc không? Thưa, không phải nghi ngờ gì, xúc cảm chính là biểu hiện rõ nhất và tiêu biểu biểu nhất của “lòng nhân”. Theo tôi, xúc cảm buồn - vui của “em” - người thầy thuốc trong đoạn thơ này là minh chứng của “lòng nhân”:
Ôi anh, người có vợ nghề y.
Góp phần cứu chữa bệnh nhân
Trong cấp cứu chẳng chút ngại ngần
Cho bệnh nhân trong cơn nguy cấn
Nghe nhịp tim lúc em như thất trận
Cứ căng đầu căng mắt chồn chân
Nhưng mỗi lần cứu sống bệnh nhân
Lòng em lại lâng lâng vô tận
Và khi ấy... hướng về anh lệ ngấn!
(Em cứ hẹn)
Thơ của Hồng Vân ra đời từ xúc cảm vui buồn với người bệnh: Mỗi lần cứu sống bệnh nhân/ Lòng em lại lâng lâng vô tận. Cao quý làm sao cảm xúc ấy, kiêu hãnh làm sao niềm tự hào ấy. Đó là thơ! Người xưa xếp thơ vào thể loại thượng đẳng bởi thơ nói về những xúc cảm tôn quý. Xúc cảm của người nữ thầy thuốc trong bài thơ trên là xúc cảm tôn quý: buồn - vui vì người bệnh. Niềm “lâng lâng” cao quý ấy, tự nó đã là thơ, chia sẻ nó đến mọi người, thầy thuốc thành thi sỹ lúc nào không biết.
Gọi thầy thuốc là “mẹ hiền” bởi chỉ có lòng mẹ mới làm được những việc như thế này:
Giữa đêm khuya lo người từng hơi thở
Dõi nhịp tim đo nhiệt độ từng giờ.
Hiểu tiến triển từng cơn bệnh...
Cấp cứu kịp thời theo lệnh trái tim
(Một điều ước)
Đức Phật nói “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, làm nghề cứu người, sứ mệnh của người thầy thuốc mang thiên chức của đức Phật. Thầy thuốc là người phải có “phật tính”, phẩm chất chịu đựng - hi sinh ấy là từ bi - hỉ xả, thương yêu - trách nhiệm ấy là chánh nghiệp - chánh pháp là dấn thân và xả thân. Thơ ở đâu ra, ở trong chính lòng mình, ở trong trái tim biết yêu thương con người, trân quý mạng sống con người, thơ ấy lấy lời răn của tổ nghề làm “tứ”, lấy “nhân thuật” làm cấu trúc thơ: Nhân, Minh, Đức, Trí/ Lương, Thành, Khiêm, Cần/ ... Những nàng tiên dưới đèn/ Xoa dịu những cơn rên/ Dành dật từ thần chết/ Nuôi dưỡng nhịp con tim/ Làm giảm những tiếng rên (Từ những tiếng rên); Suốt ngày làm, lại trực đêm/ Có em đưa cánh tay mềm đỡ nâng/ Tình em đẹp giữa lặng thầm/ Trong tà áo trắng muôn lần tôi yêu... (Lặng thầm)
Hỏi làm sao mà yên được
Từ buổi khám sức khỏe ban đầu
Gặp những công nhân bụi phổi...
(Tâm sự người thầy thuốc)
Những câu thơ về nghề của Hồng Vân là những câu thơ về y đức. Theo tôi, đó là những câu thơ thức tỉnh, thức tỉnh tình yêu nghề, thức tỉnh lương tâm, trách nhiệm, thức tỉnh “nhân thuật” trong hành xử và lựa chọn nghề này.
Đó là thơ về nghề. Làm thơ về nghề dù xúc cảm thực cũng dễ sa vào cảm xúc chung, dễ trở thành thông tin xã hội, và người đọc thơ khi ấy dễ nghĩ rằng đó là thơ tuyên truyền về nghề. Vì vậy, tôi muốn nói tới chủ đề thứ hai của thơ Hồng Vân, viết về những nỗi niềm riêng tư sâu thẳm. ở đấy, gác lại công việc, chỉ còn với chính mình, người đọc thực sự được chứng kiến nỗi niềm thi nhân:
Xa anh đêm chùng lại
Ngày dài đêm lê thê
Em ngồi nhìn con ngủ
Thấp thỏm mong anh về
Đường quê mùa chật chội
Hương thơm ngày xưa đâu
Hôn con trong giấc ngủ
Bóng anh nhòa mưa ngâu.
(Nụ hôn con)
Thời gian và không gian vật lý bị xóa nhòa bởi nỗi nhớ, và đây là nỗi nhớ của vợ nhớ chồng, khác nhiều với nỗi nhớ người yêu. Cũng thật lạ, những người vợ nhớ chồng thường lấy con ra “nói hộ” tình yêu, nói hộ niềm mong nhớ của mình: Em ngồi nhìn con ngủ/ Thấp thỏm mong anh về. Bỗng liên tưởng tới những câu thơ của Giang Nam: Con nhớ anh thường đêm biếng ngủ/ Nó khóc làm em cũng khóc theo/ Anh gởi về em manh áo cũ/ Đắp cho con đỡ nhớ anh nhiều (Thư từ thành phố). Liệu đây có phải là cách nói kín đáo về nhu cầu tình cảm không dễ nói thành lời? Khổ thơ sau dường như còn ẩn ý khác, không chỉ nói tình yêu và nỗi nhớ mà còn có thêm kí ức, kỷ niệm, có thêm cả hình ảnh “lạ”: Đường quê mùa chật chội/ Hương thơm ngày xưa đâu/ Hôn con trong giấc ngủ/ Bóng anh nhòa mưa ngâu. Hình như, nỗi khát khao mong nhớ này chỉ còn là ảo ảnh, ảo giác? Nỗi thấp thỏm trộn lẫn ảo - thực, xưa - nay, nhòa trong mưa, trong ký ức! Nhưng em vẫn chờ, vẫn đợi anh, vẫn “thấp thỏm mong anh về”, tình yêu không bị thời gian mài mòn này khiến hình tượng người vợ trong bài thơ trở thành nàng “vọng phu” của đời thực. Hồng Vân không chỉ có riêng một bài đề tặng nàng vọng phu hóa đá mà còn bài thơ khác về những nàng vọng phu trong đời thực. Các nàng vọng phu này mỗi người một cảnh, nàng ở thị thành, nàng ở mãi non cao nhưng đều giống nhau ở tình yêu thủy chung bền chặt, đó là những người phụ nữ “chỉ biết yêu một người”(*):
Xóm núi ngày xưa mây bạc
Anh đi rớm rớm rừng chiều
Sim tím triền đồi ước hẹn
“Quả còn” ủ kỹ lời yêu!
(...) Ngọn đèn thức lửa đêm đông...
Thoảng nghe tiếng người sẽ động
Chao nghiêng then cửa... nguyên vòng!
Anh chỉ còn về trong mộng
Lặng nhìn xóm núi rưng rưng...
(Xóm núi)
Có lúc nào đấy được thả hồn vào thiên nhiên, ánh mắt và trái tim thi nhân gọi ra những hình ảnh tình tứ đến ngỡ ngàng: Mây chiều ôm núi lửng lơ/ Nửa soi đáy nước nửa mơ cuối trời/ (Chiều Hạ Long); Biển tình! Tôi thả hồn tôi/ Người bên sông với một đời chả xong/ Tơ vương tím biếc muôn vòng/ Chiều quê gió lạnh.../ Xé lòng mà thương (Thương mà thương);
Năm xưa tết đến anh về
Sóng đôi, gió thoảng triền đê quanh làng
Nay buồn, mây cứ lang thang
Một mình em, với một nàng thơ xuân.
(Xuân xưa và nay)
Cái nhớ này, cái nhớ ơi!
Nhớ của người
Nhớ của tôi hòa cùng
Gặp nhau...
Quay gót bừng bừng
Lặng thinh!
Đón đợi giọt mừng của xuân!
(Cái nhớ này cái nhớ ơi)
Khó mà diễn đạt được hết nghĩa trong hai chữ “bừng bừng” của ý thơ: Gặp nhau.../ Quay gót bừng bừng/ Lặng thinh! Nhớ như thế, mong nhiều đến thế, nỗi nhớ cộng hưởng mà gặp nhau lại “quay gót” và “lặng thinh”, nhưng đó là vẻ ngoài, chỉ có người trong cuộc mới biết bên trong họ đang là núi lửa thức dậy “bừng bừng”, càng kìm nén càng bừng bừng. Và cũng thật bản lĩnh cho một khả năng tự giải thoát: Lặng thinh!/ Đón đợi giọt mừng của xuân! Đến đây chìa khóa của vấn đề được hé mở: Người làm nghề thầy thuốc, họ có trái tim nóng nhưng cái đầu thật lạnh, rèn được điều này coi như đạt đạo, đạo nhân tâm, nhân tình, nhân thuật!
Thêm một lần được hạnh ngộ với thơ Hồng Vân, cũng thêm trân quý tình yêu người và yêu nghề của chị. Thi sỹ - bác sỹ đã sang tuổi thất thập nhưng nhịp đập trái tim thì dường như vẫn hồn nhiên khỏe khoắn. Đó là trời cho và cũng là tình đời cho, được nhận và được cho có lẽ là niềm hạnh phúc có ý nghĩa nhất của đời người.
Tháng 3 năm Đinh Dậu
H.D.T
Biển ru xanh rừng vàng, tập thơ của Nguyễn Thị Hồng Vân, Nxb Hội Nhà văn, 2017
(*) ý của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn Cỏ lau.