Thiên nhiên là người mẹ vĩ đại, đấng hóa công vĩ đại đã sinh ra con người: Một sinh vật diệu kỳ nhất trong vũ trụ. “Người ta là hoa của đất” - đó là bông hoa đẹp đẽ, tinh khôi nhất. Chúng ta có may mắn nhất, hạnh phúc nhất được sinh ra làm kiếp con người. May mắn nữa là hóa công đã tạo ra nam và nữ - hiển hiện của âm và dương - “nhị khí lương năng” - cả âm và dương đều rất tốt để duy trì sự sống, để con người lại tiếp tục làm người trong cõi âm và cõi dương, trong sự vô tận của đất và trời.
Đất và trời có đôi, mặt trăng và mặt trời có đôi, con người cũng có đôi: nam và nữ, gọi nôm là đực và cái. Nam là biểu hiện tập trung của tính dương: Thường to lớn hơn về hình thể, mạnh mẽ quyết đoán trong tính cách. Trong cơ thể của nam như có sức mạnh của hùng binh, tiếng rắn rỏi của vũ khí, kim khí, nết ăn, ở đi đứng cũng vì thế hùng dũng, oai phong. Nữ thường thấp bé, mềm mại về hình thể, dịu dàng, nhỏ nhẹ trong tính cách. Song điều ấy cũng chỉ là tương đối, đôi khi người ta gặp sự yếu mềm, bạc nhược trong nam nhi và người ta cũng gặp sự táo tợn, đáo để ở phụ nữ. Cho hay sự phong phú, sự giao hòa cũng thường đi đôi với nhau, tương tác, chuyển hóa, kết tụ và lan tỏa vào nhau mà nên.
Nhiều nhà khoa học, nhiều triết gia đã để tâm nghiên cứu và luận giải về con người, song theo kiến văn có hạn của tôi, trộm nghĩ rằng có luận giải có viết mãi cũng không hết, cũng không đủ ví như con người quá bé nhỏ cũng chẳng bao giờ hiểu hết, khám phá hết sự rộng lớn vĩ đại của vũ trụ và ngay cả hiểu hết về chính thực thể con người. Cái triết lý quân tử của Nho giáo xem ra gần gũi hơn khi ta cùng bàn về nam nhi, lại nữa cái triết lý cái sự ngẫm của trí tuệ dân gian xem ra cụ thể, dễ hiểu và sinh động hơn, đáng học hơn, thực sự là những hạt vàng, được cái sàng vĩnh cửu thời gian sàng lọc, chắt lấy, ngưng lại những gì tinh túy nhất, ý nghĩa nhất truyền lại cho đời, tạo nên sức sống bền vững đi qua năm tháng, đời người.
Trong kho tàng giàu có của văn học dân gian xin viện ra 3 câu để luận đề:
1. Chí làm trai dặm nghìn yên ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
2. Làm trai cho đáng nên trai
Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên.
3. Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải Đồng Nai đã từng.
Để làm người thì có 3 điều cần và đủ không thể thiếu một, đó là: Tri thức, Đạo đức, Sức khỏe. Là nam nhi hai cái cần đó là chí và khí. Chí ở đây là ý chí là quyết tâm, Khí ở đây là dương khí, lực khí. Thuận theo trời đất theo luận lý “chí” vẫn là đầu tiên.
Hệ thống lại một loạt bài ca dao nói về chí làm trai, gần như đều được mở đầu bằng việc định danh: “Làm trai” và kèm theo một yêu cầu là “Nên trai”. Làm trai là vinh dự, là trách nhiệm gánh lấy cái chí nam nhi để thi thố với đời, với người - nghĩ thật đã khó. “Nên trai” - cũng như cha ông thường nói “Nên người” ấy là mục đích là chí hướng, phải hướng tới nhưng thật không dễ. Cần phải có chí nam nhi - nói chí nam nhi, chí trai ấy là nói đến chí lớn, chí anh hùng, làm việc lớn như dời non lấp bể, biến cải xấu thành tốt, nhỏ thành to, là cái chí dám đương đầu với gian nan, thử thách, bất chấp bão giông, vượt mọi phong ba, sóng gầm gió dữ để chèo lái con thuyền cuộc đời cập bến vinh quang:
Chí làm trai dặm nghìn yên ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
Câu ca dao nói một cách hình ảnh ngụ ý làm trai chẳng quản ngại, đường xa dặm dài, coi cái việc chinh phục Thái Sơn nhẹ tựa lông hồng. Luôn ở trong tư thế động “Yên ngựa” để vững bước đi trên đường đời phía trước, dẫu biết là xa ngái, dẫu biết khó khăn vất vả treo lơ lửng phía trước.
Làm trai cho đáng nên trai
Xuống Đông, Đông tĩnh lên Đoài, Đoài yên
Vẫn cái mạch ấy ca dao nhấn mạnh:
Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải Đồng Nai đã từng
Vẫn chưa hết mạch yêu cầu về sự lịch lãm, hiểu biết đối với con trai:
- Làm trai bạt núi phá rừng
Nước sông tát cạn vẫy vùng bể khơi.
- Làm trai quyết chí tu thân
Công danh chớ vội nợ nần chớ lo.
Lời yêu cầu thì mạnh mẽ dứt khoát: “Bạt núi phá rừng”, “Quyết chí tu thân” còn lời khuyên thì rất ân cần cụ thể sâu sắc: “Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo” và đều hướng về mục đích thống nhất xuyên suốt là khuyên làm việc to lớn, có ý nghĩa.
Dẫu là thế - điều yêu cầu đầu tiên với con người dù trai hay gái phải là người có đạo đức biết kính yêu cha mẹ, hòa thuận với anh em, biết chia sẻ với người nghèo kẻ khó: Làm trai biết đủ trăm đường/ Trước tiên điều hiếu đạo thường xưa nay/ Công cha đức mẹ cao dầy/ Cưu mang trứng nước những ngày ấu thơ/ Nuôi con khó nhọc đến giờ/ Trưởng thành con phải biết thờ hai thân/ Thức khuya dậy sớm chuyên cần/ Quạt nồng ấm lạnh giữ phần đạo con.
Bài ca dao kết luận thật rõ ràng dứt khoát nhấn mạnh: Đạo con - ấy cũng chính là đạo làm người.
Cổ nhân thường nói ở đời có 3 việc lớn: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”, các bài ca dao cũng khéo léo đề cập đến việc lớn của nam nhi là việc lấy vợ, dựng nghiệp. Các cụ luôn mong mỏi - cái người đầu ấp tay gối, chung gối chung chăn ấy phải là người hiền thục, chăm ngoan:
- Làm trai lấy được vợ hiền
Như cầm đồng tiền mua được miếng ngon.
- Làm trai lấy được vợ khôn
Như chĩnh vàng cốm đem chôn trong nhà.
Xưa nay ở đâu cũng vậy: “phía sau sự thành công của đàn ông là đàn bà”. Người vợ hiền chính là niềm tin là chỗ dựa, nguồn lực tinh thần to lớn để họ phấn đấu, vươn lên. Ông cha xưa cũng thật công bằng khi đề cấp đến việc giao du rộng rãi, hiểu biết lịch lãm của người con trai, chứ không cứng nhắc bó chặt hoặc kiềm tỏa cái phẩm chất galăng, cái sức hấp dẫn của con trai và cái họ bị hấp dẫn với các thú tiêu dao ở đời: Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống chè Chính Thái, xem nôm Thúy Kiều.
Điều lý thú nhất trong hệ thống các bài ca dao về chí làm trai không chỉ ở sự dày dặn về số lượng, sự sâu sắc thâm thúy về chất lượng mà còn ở tính toàn diện của tập hợp con chữ ý nghĩa này. Ca dao đã đề cập đến mặt trái, đến cái xấu đến mặt cần tránh bằng một ngôn ngữ trào lộng và hóm hỉnh. Đây chính là phần đáng yêu và ý nhị sâu xa của chủ đề này.
Chỉ cần đọc lên thôi đã thấy cả câu chuyện, cả cái sự trái tai, gai mắt, cái bất bình thường của nhân vật trong vai nam nhi:
- Làm trai cho đáng nên trai
Một trăm đám cỗ chẳng sai đám nào.
- Làm trai cho đáng nên trai
Vót đũa cho dài ăn vụng cơm con
- Làm trai cho đáng nên trai
Khom lưng uốn gối gánh hai hạt vừng.
- Làm trai rửa bát quét nhà
Vợ gọi thì dạ bẩm bà tôi đây
- Làm trai cho đáng nên trai
Ăn cơm với vợ lại nài vét niêu.
Thái độ lên án, không thừa nhận đối với những ai làm hổ danh nam nhi, được viết với phong cách hóm hỉnh, những hình ảnh đắt, câu chữ chọn lọc nhờ vậy mà nó găm sâu vào trí nhớ, tạo được sự đồng tình của xã hội. Cách thể hiện này càng thống nhất làm một với việc đề cao chí nam nhi trong cuộc sống.
Đi suốt dọc miền ca dao, chúng ta đều thấy cha ông ta gửi gắm, trông cậy, hy vọng và trao nhiệm vụ vinh quang cho nam nhi. Đó chính là sự sâu sắc trong tâm hồn Việt Nam, tâm hồn nhân văn hướng thiện, mong sự hưng thịnh phát triển bền vững. Những bài ca dao ấy thực sự là khuôn vàng thước ngọc để chúng ta học tập ngẫm nghĩ và hành động để cho xứng với vinh hạnh làm nam nhi, vinh hạnh làm con người.
N.H.N