Giá trị nhân văn của triết lý tự do tinh thần của Dostoievski - Mai Thị Hạnh Lê
F.M. Dostoievski (1821-1881) tên đầy đủ là Fiodor Mikhailovich Dostoievski. Ông là một nhà văn hiện thực của Nga, đồng thời là nhà triết học. Dostoievski được hưởng một nền giáo dục có hệ thống; mê văn chương từ nhỏ, Dostoievski mong muốn được trở thành nhà văn, am tường lịch sử Nga và yêu triết học. Tư tưởng triết học được thể hiện qua nhiều tiểu thuyết của ông, như: “Con bạc”, “Tội ác và trừng phạt”, “Lũ người quỷ ám”, “Anh em nhà Caramazov”, “Nhật ký nhà văn”, “Bút ký dưới hầm”... Dostoievsky giãi bày mục đích trong sự nghiệp của mình: “Nghiên cứu cuộc sống của con người đó là mục đích cao cả nhất và là niềm vui của tôi”(*).
Dostoievski trình bày thế giới quan của mình về con người ở góc độ tâm lý, nhân học. Trong đó, ông góp phần vào việc minh chứng rằng, con người là động vật cao cấp - động vật có ý thức biết tư duy, con người là một thực thể đầy phức tạp, cả ở cấu trúc vật chất, vỏ não bộ và trong tinh thần. Với cảm nhận về khó khăn của cuộc đời mình, của những con người trong xã hội Nga lúc ấy, Dostoievski đau xót, day dứt bàn đến tự do.
Theo Dostoievski, sự sinh tồn của con người hiện sinh trong xã hội đương đại không phải ở sự tồn tại thể xác, mà là tồn tại tinh thần. Chính sự phức tạp tinh thần ấy mới làm nên nhân cách con người. Trong khi những quy luật hình thành xã hội nhờ một tư lợi “trí tuệ” thì con người có một tư lợi đặc biệt khác là “tự do”; điều đó xung đột với những mâu thuẫn chuẩn tắc đó. Con người sở dĩ là người và phân biệt với động vật là nhờ có ý thức, nhưng càng ý thức sáng suốt, càng muốn mình bị “bóp méo” phù hợp với những lý tưởng của xã hội thì con người lại càng đau khổ, điên loạn và không thể làm được. Ông viết:“Tôi chẳng những không ác nghiệt, mà còn chẳng biết trở thành cái quái gì hết: không ác - chẳng hiền, không đểu cáng - chẳng tử tế, không là anh hùng cũng chẳng thể là một con bọ... Giờ đây tôi đang sống cho hết chuỗi ngày của tôi trong cái lỗ này, tự huyễn hoặc mình bằng niềm an ủi độc ác, vô ích rằng một kẻ thông minh thì chẳng tài nào trở thành gì ráo trọi, chỉ có đứa ngu si mới trở thành gì đó mà thôi. Vâng, một con người thông minh của thế kỉ XIX cần và phải có bổn phận đạo đức, phải là một sinh vật không cá tính nào hết. Còn con người có cá tính, con người hành động, nhất thiết phải là một kẻ thấp hèn”(**).
Tính chất của tự do tinh thần là mâu thuẫn với cơ cấu giá trị của văn hóa hiện tồn. Dostoievski lên án cái văn hóa tuyệt đối đè bẹp tự do, đồng thời khẳng định tư duy đạo đức tự thân, việc tìm những hệ thống đạo đức mới đầy khó khăn vì chính đạo đức là của con người, nhưng bản thân con người đã làm một chỉnh thể phức tạp rồi. Cũng chính vì thế, theo Dostoievski ý định xây dựng một xã hội tốt đẹp với hệ thống những giá trị tốt nhất mà Tserysevsky trình bày trong tiểu thuyết “Làm gì” là đi ngược cái nhân tính người vốn có, là phi hiện thực. Mô hình xã hội “lâu đài pha lê” đã ngăn chặn, khống chế gắt gao cá nhân, bắt nó chịu sự chi phối một chiều và vô điều kiện tập thể, đồng hoá cá nhân với xã hội; thực chất đó là “một tổ kiến” được cải tiến mà không có tự do.
Con người có thể có lúc hạ mình xuống cấp độ thú vật với những bản năng dục vọng và có lúc lại đưa mình lên làm người cao cả với những yếu tố xã hội trách nhiệm. Cái tự do tinh thần của con người xảy ra ngay cả khi không có khát vọng tự do. Con người mắc nạn trong tự do tinh thần và tinh thần của họ đang ngày càng vươn đến tự do, nhưng lại hoảng sợ trước tự do. Vì sao? Vì tự do tinh thần gây ra những căn bệnh tinh thần. Những trí thức cao ngạo trước xã hội nhưng trở nên thấp hèn trước tự vấn của cái tôi. Con người hành động trái với con người tinh thần, con người hành động được Dostoievsky cho là chất phác. Còn con người tinh thần thì trải qua các cuộc đấu tranh dai dẳng mà chưa có hồi kết. Trong ý nghĩ, chúng ta vẫn có tự do (tự do cảm xúc, tự do xung đột giữa dục vọng, lý trí, trách nhiệm, bản năng). Để tránh những tệ nạn, cái ác, cái xấu thì con người cần có trách nhiệm song hành với tự do.
Những điều mà Dostoievki nhắc đến cũng là điều mà nhân loại chúng ta đang đối mặt. Ngày nay, mỗi cá thể chúng ta hối hả với biết bao khát vọng, hạnh phúc, niềm tin, buồn bực, đau khổ, lo âu. Con người mong muốn gì, nhiều khoa học đó giải thích nhưng cũng nhiều vấn đề chưa giải đáp được. Có bao nhiêu loại chiến tranh, nhưng chiến tranh tinh thần mới thật dữ dội đối với chúng ta. Có rất nhiều tội phạm nhưng tội phạm tinh thần quả là dai dẳng, khủng khiếp biết nhường nào. Tiến hay lùi, tại sao phải thế này…? Con người mắc nạn trong tự do tinh thần và tinh thần của họ đang ngày càng vươn đến tự do, nhưng lại hoảng sợ trước tự do. Dostoievki đã cảnh báo, đã nhức nhối và thể hiện cái nhìn triết học nhân học - niềm tin và tình yêu con người - đấy lại là điều mà hơn mọi thứ triết lý suông.
Thế giới tinh thần của con người khiến những rung động của con người trở nên phức tạp hơn, sống động hơn. Thông qua việc trình bày triết lý về tự do tinh thần, Dostoeivski cống hiến cho nhân loại những phân tích một cách tài tình những diễn biến tâm lý con người, những phân tích ấy gần gũi với tâm lý học và phân tâm học. Đồng thời, với tư cách một nhà văn, ông đó cống hiến cho nhân loại những tác phẩm để xây dựng tư tưởng nhân văn vì con người, vì xã hội nhân tính. Cho đến nay, sau gần hai thế kỷ trôi qua, những tư tưởng của Dostoievski còn có ý nghĩa lớn đối với nhân loại. Đúng như nhà nghiên cứu Bakhtin nhận định, tư tưởng của Dostoievski cảnh báo cho thế kỷ XIX - thế kỷ mà con người vươn mạnh hơn tới tự do, tạo nhiều điều kiện tự do tinh thần cho con người.
M.T.H.L
(*) L. Gorxman (2007), Dostoievsky - Cụôc đời và sự nghiệp, Nxb Văn Hóa, Hà Nội, tr. 65.
(**) Dostoievski (2016), Bút ký dưới hầm, Nxb Thế giới.