Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Những bài thơ về đêm không ngủ của Bác Hồ - Lê Xuân Đức
Những bài thơ về đêm không ngủ của Bác Hồ - Lê Xuân Đức

 

       Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Bác Hồ muôn vàn kính yêu từ biệt thế giới này bước vào cõi trường sinh, yên giấc ngàn thu. Trong đau thương vô hạn, tưởng nhớ công ơn trời biển của Người, nhà thơ Hải Như xúc động viết bài thơ Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi:
       Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu
       Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ.

       Bài thơ như nói thay, nói dùm tấm lòng của mỗi chúng ta đối với Bác kính yêu.
       Trong không khí của những ngày tháng 9, chúng ta bồi hồi nhớ Bác khôn nguôi, nhớ về những đêm Bác không ngủ, nghĩ về những bài thơ Đêm không ngủ mà Bác để lại cho đời.
       Những đêm không ngủ được Bác ghi lại bằng thơ (Nhật ký trong tù) là thời kỳ Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch vô lý cầm tù, là thời kỳ Bác ở chiến khu lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân xâm lược.
       Trong kho tàng thơ ca Việt Nam và thơ ca thế giới có khá nhiều bài thơ viết về những đêm không ngủ. Song, một người mà viết đến 11 bài thơ về đêm không ngủ như Bác Hồ thì thật là ít có, nếu không muốn nói là chưa có. 
       Đọc những bài thơ Đêm không ngủ của Bác, chúng ta hiểu rõ vì sao Bác không ngủ và vì sao những bài thơ Đêm không ngủ của Bác cứ xoáy trong ta, để lại ấn tượng sâu đậm không bao giờ quên khiến ta phải suy ngẫm.
       Bác không ngủ được, trước hết là vì bị đầy đọa cùng cực. Những bài thơ Cước nạp (Cái cùm), Dạ túc Long Tuyền (Đêm ngủ ở Long Tuyền), Sơ đáo Thiên Bảo ngục (Mới đến nhà lao Thiên Bảo), Nạn hữu chỉ bị (Chiếc chăn giấy của người bạn tù), Dạ lãnh (Đêm lạnh), Lữ quán (Quán trọ), Tứ cá nguyệt liễu (Bốn tháng rồi) nói rất rõ điều này. Ở tù, những thứ tối thiểu của con người đều bị tước đoạt. Bị chà đạp, bị mất hết, đến như cái ngủ thông thường cũng không được. Oái oăm thay, người tù muốn được ngủ phải tranh nhau cho chân vào cùm. Một sự thật xót xa:
       Nghĩ việc trên đời kỳ lạ thật,
       Cùm chân sau trước cũng tranh nhau;
       Được cùm chân mới yên bề ngủ,
       Không được cùm chân biết ngủ đâu.

                           (Cái cùm)
       Trớ trêu thay:
       Lệ thường tù mới đến,
       Phải nằm cạnh cầu tiêu;
       Muốn ngủ cho ngon giấc,
       Anh phải trả tiền nhiều.

                          (Quán trọ)
       Và cơ cực thay, cảnh ban ngày bị giải Năm mươi ba dặm... áo mũ ướt đầm, dép tả tơi. Tối đến thì, trời ơi:
       Lại khổ thâu đêm không chốn ngủ
       Ngồi trên hố xí đợi ban mai.

                               (Mới đến nhà lao Thiên Bảo)
       Ngủ trong tù là nằm trên sàn đá, chứ làm gì có giường, có chiếu, có chăn, lại bị rét, bị rệp, bị muỗi tấn công Thừa cơ rét, rệp xông vào đánh (Đêm ngủ ở Long Tuyền) thì làm sao mà ngủ được. Bài thơ Dạ lãnh (Đêm lạnh) cho ta biết một lý do nữa vì sao Bác không ngủ được. Đó là vì lạnh: lạnh của thời tiết và lạnh của nhà tù.
       Đêm thu không đệm cũng không chăn, 
       Gối quắp, lưng còng ngủ chẳng an;
       Khóm chuối trăng soi càng thấy lạnh,
       Nhòm song Bắc đẩu đã nằm ngang.

       Cả bài thơ là lạnh. Cái lạnh của thiên nhiên cộng với cái lạnh lẽo của chốn ngục tù trở thành một thứ lạnh Thu - Tù. Lạnh không thể nào ngủ được.
       Trong tù Bác không ngủ vì còn hứng thơ đến, Bác thao thức làm thơ Vắn tắt ghi lại sinh hoạt của người tù. Chính việc “vắn tắt ghi lại” này đã để lại cho gia tài thi ca của nhân loại một tập thơ bất hủ: Ngục trung nhật ký. Bị cầm tù, Bác bị giải tới giải lui nhiều lần qua 30 nhà lao. Có lần bị giải suốt đêm từ lúc Gà gáy một lần đêm chửa tan đến lúc Phương đông màu trắng chuyển sang hồng. Nhưng Bác không để hoàn cảnh và tình thế chi phối, trói buộc; Bác hoàn toàn chủ động trên đường đi, vượt lên mọi gian khổ, thư thái, ung dung hòa vào thiên nhiên như một lữ khách tự do, như một thi nhân Người đi thi hứng bỗng thêm nồng. Bài thơ Tảo giải (Giải đi sớm) ra đời như vậy đấy. Thơ Bác là từ thực tế đời thường, từ những sinh hoạt hàng ngày. Bác kể sự thực trong bài thơ Bất miên dạ (Đêm không ngủ): đêm dài thăm thẳm, thao thức không ngủ được, Bác làm thơ, ghi nhật ký bằng thơ. Hơn 100 ngày tù, hơn 100 bài thơ ra đời:
       Năm canh thao thức không nằm, 
       Thơ tù ta viết hơn trăm bài rồi;
       Xong bài gác bút nghỉ ngơi,
       Nhòm qua cửa ngục ngắm trời tự do.

                            (Đêm không ngủ)
       Thơ viết tự nhiên, năm canh không ngủ, làm thơ. Cứ xong mỗi bài thơ lại “gác bút” thả tâm hồn “ngắm trời tự do” một cách tự do. Bài thơ viết trong trạng thái thao thức nhưng lại thanh thản lạ lùng. Bất miên dạ - Đêm không ngủ, con người trong một tình thế mất tự do, nhưng tâm hồn, tư tưởng rất tự do. Tự do đến thành thơ. Tự do làm thơ trong khung trời tự do của mình.
       Những đêm không ngủ trong tù, trạng thái tinh thần của Bác thường diễn ra hai chiều hướng. Một là, hướng ra bên ngoài nhà tù, hướng về phía ánh sáng Nhòm song, Bắc đẩu đã nằm ngang, hướng về phía tự do Nhòm qua cửa ngục ngắm trời tự do. Hai là, hướng vào nội tâm theo đuổi chí hướng của mình Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.
       Trên tất cả, lý do chính yếu mà nhiều đêm Bác không ngủ, hoặc không ngủ được là vì Bác lo nỗi nước nhà. Hai bài thơ Thụy bất trước (Không ngủ được) và Cảnh khuya là hai dấu mốc trên con đường hoạt động cách mạng mà Bác phải tập trung tâm trí nghĩ suy việc lớn của đất nước, dân tộc nên nhiều đêm không ngủ. Ta thử đọc bài thơ Không ngủ được:
       Một canh, ... hai canh, ... lại ba canh,
       Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành;
       Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt,
       Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.

      Thời gian bước đi chậm chạp, nặng trịch, Bác trằn trọc băn khoăn (Triển chuyển, bồi hồi) thâu đêm suốt sáng không ngủ được dù nằm ở tư thế nào, trở bên này trở bên kia. Đêm cứ vào sâu tịch mịch, như kéo dài vô tận đè trĩu nặng nề, Bác kiên nhẫn đếm đợi từng canh: Một canh, ... hai canh, ... và như dằn mạnh “hựu” (lại) ... lại ba canh. Một sự day dứt, bứt rứt khôn nguôi nhưng tự kiềm chế được không phải là sự thường. Canh bốn, canh năm thời gian tiếp nối khép trọn một đêm Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt thì:
       Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh
      Nguyên văn câu thơ Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tiêm tinh (Hồn mộng đã quẩn quanh nơi ngôi sao vàng năm cánh). Hồn mộng này đã nói trọn vẹn nỗi trằn trọc, băn khoăn vì sao Bác không ngủ được. Bác không ngủ được, trằn trọc, băn khoăn là vì việc nước, đến khi “vừa chợp mắt” lại tiếp tục mơ về việc nước.
       Ngủ sao được khi tấm lòng trải ra cùng đất nước, khi lý tưởng giải phóng Tổ quốc chưa thực hiện được. Bài thơ Không ngủ được là một trong những bài thơ mang tư tưởng lớn của Bác trong tập thơ Ngục trung nhật ký. Sau này Bác là vị Chủ tịch nước, người đứng đầu nhà nước, lo việc nước, việc dân, nhiều đêm Bác không ngủ. Năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã bước vào năm thứ hai, tình thế cách mạng đang ở giai đoạn cam go. Thực dân Pháp mở chiến dịch nhảy dù xuống Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Vận mệnh đất nước đứng trước thử thách. Bác đã cùng Trung ương bình tĩnh, sáng suốt chèo lái con thuyền cách mạng, lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Trong khi dồn tâm trí cho việc nước, hứng thơ vẫn đến và Bác vẫn làm thơ.
       Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
       Trăng lồng cỗ thụ bóng lồng hoa.
       Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
       Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

                             (Cảnh khuya)
       Vẫn là những đêm không ngủ. Bài thơ như tiện thể viết ra giữa thiên nhiên có tiếng suối, có trăng, có cây cổ thụ, có hoa lồng vào nhau, đẹp như một bức tranh “cảnh khuya như vẽ”. Tâm trạng của người làm thơ cũng khoáng đạt, bay bổng và có tiếng reo vui. Bây giờ đây đã là Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió (Chúc mừng năm mới, 1947) chứ không phải là trong mộng. Bây giờ là giữ nước, kháng chiến giữ nước, chứ không phải là chiến đấu giành lại đất nước đã mất. Trong bài thơ Cảnh khuya Bác viết chưa ngủ chứ không phải là không ngủ. Chưa ngủ phản ánh một thực tế, Bác chủ động và làm chủ hoàn toàn, làm chủ mình và làm chủ đất nước, đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nghĩa thực và ý nghĩa. Khi đọc bài thơ, ít nhất đã có ba cách hiểu vì sao Bác chưa ngủ. Một là, chưa ngủ trước hết vì cảnh đẹp thiên nhiên làm say lòng Bác mà Bác vốn là người yêu tha thiết thiên nhiên, Bác đã có nhiều bài thơ hay viết về thiên nhiên; hai là, chưa ngủ vì Bác đang lo nỗi nước nhà, Người đang dồn hết tâm trí, sức lực cho cuộc kháng chiến sống còn của dân tộc; ba là, chưa ngủ vì cả hai lý do say thiên nhiên và lo việc nước. Muốn hiểu đúng, chân xác việc chưa ngủ phải xác định đúng cái thần, cái ý chủ đạo của bài thơ. Câu kết bài thơ nói rõ vì sao chưa ngủ:
       Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
       Lý do chính mà cũng chính là tính chủ động của Bác, chưa ngủ là vì đang lo toan, lo liệu, trù tính việc nước. Cũng vì chưa ngủ đang lo nỗi nước nhà mà Người bắt gặp cảnh đẹp rừng khuya, lắng nghe tiếng suối trong, trong lắm, trong như tiếng hát xa và quan sát cảnh trăng, cây và hoa lồng bóng trong nhau. Một vẻ đẹp huyền diệu, mộng mơ. Bác hòa vào thiên nhiên, say đắm thiên nhiên nhưng lại không bị cuốn theo, vẫn thừơng trực trong Bác nỗi nước nhà. Đã có ý kiến đúng: "Dù bề bộn đến đâu, trong lúc lo trăm công nghìn việc cho kháng chiến, cho dân, cho nước, Người vẫn giành một khoảng tâm hồn mình cho thiên nhiên thơ mộng, cho trăng, cho hoa. Tâm hồn thi nhân của Người lúc nào cũng rộng mở mà vẫn không hề quên nghĩ việc nước việc dân. Những cái mâu thuẫn tưởng như đối ngược lại thống nhất trong con người Bác"(*). Con người chiến sĩ và con người thi sĩ trong Bác là một.
       Lịch sử dân tộc đã từng ghi nhận những đêm thao thức, trằn trọc của những anh hùng, của những vị tướng, của những vĩ nhân đang đứng trước những thử thách. Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo đã từng nhiều đêm không ngủ vì nước, vì dân. Và Bác Hồ:    
       - Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
       - Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh
       - Năm canh thao thức không nằm
       - Nhòm sao, Bắc đẩu đã nằm ngang. 

       Bác kính yêu, cả cuộc đời hoạt động cách mạng không ngừng, không nghỉ, vì nước, vì dân, vì nhân loại cần lao, Bác đã nhiều đêm không ngủ, canh cánh bên lòng Nỗi lo dân nước nỗi năm châu (Tố Hữu). Nay Bác ngủ, xin Bác yên giấc, Bác mãi mãi trong sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
       Xin Bác ngủ giữa lòng đời lưu luyến
       Với Mác - Lênin, giấc ngủ ngàn đời
       Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi.

                       (Hải Như)
                                                                                                                L.X.Đ

(*) Lê Tuấn Anh, Cuộc đời và trang viết, Nxb Quân đội nhân dân - 2002, tr2802.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 256
 Hôm nay: 1698
 Tổng số truy cập: 12963931
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa