Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Người tôn vinh những sắc màu văn hóa xứ Thanh - Nguyễn Minh Khiêm
Người tôn vinh những sắc màu văn hóa xứ Thanh - Nguyễn Minh Khiêm

       Có một người gần bốn mươi năm nay chỉ làm mỗi một công việc tôn vinh văn hóa Xứ Thanh, đó là Trần Thị Liên. Bà là hội viên hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Bà viết say sưa, miệt mài, liên tục. Khi thì bút danh này, khi bút danh khác, các bài viết của Trần Thị Liên xuất hiện thường xuyên trên các trang báo Thanh Hóa hằng tháng, báo Văn hóa - Thông tin (nay là Văn hóa - Đời sống) và các tạp chí, các báo ở Trung ương. Ngoài năng lực chữ nghĩa sâu rộng, hiểu biết nhiều mặt về lịch sử, văn hóa, tâm hồn, sức sống, truyền thống lâu đời của các vùng miền, các dân tộc xứ Thanh... phải yêu mảnh đất này đến chừng nào, nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Trần Thị Liên mới tạo được một dòng chảy xuyên suốt, mạnh mẽ trong ngòi bút của mình gần bốn mươi năm qua.
       “Văn hóa truyền thống Mường Đủ” (1986); “Khảo sát văn hóa truyền thống Đông Sơn” (1988); “Văn hóa truyền thống Thường Xuân” (1989); “Đào Duy Từ - Con người và tác phẩm” (1992); “Lê Lợi - Anh hùng dân tộc” (1995); “Trò diễn dân gian vùng Đông Sơn” (1997); “Khảo sát văn hóa truyền thống làng Cổ Bôn” (2005); “Xứ Thanh, những sắc màu văn hóa” (2010), “Đời sống văn hóa các dân tộc ở Thanh Hóa” (2013), “Sắc màu văn hóa xứ Thanh” (2016)... là những đầu sách Trần Thị Liên đã trình làng từ 1986 đến 2016. Mấy mươi năm cầm bút chỉ thưởng thức độc “một món” - văn hóa dân gian, đầy nhiệt thành, toàn tâm, toàn ý. Không đơn giản chỉ là nhu cầu khám phá, được đi sâu vào bản sắc dân tộc, nhìn sâu vào văn hóa làng, văn hóa thời đại, dấu ấn lịch sử trong văn hóa. Có thể nói, nghiên cứu văn hóa dân gian trở thành đam mê, khát vọng trong công việc và cuộc sống như Trần Thị Liên là một trường hợp hiếm.
       Trần Thị Liên tôn vinh vẻ đẹp của Văn hóa xứ Thanh, vẽ bản đồ văn hóa Xứ Thanh bằng các công trình nghiên cứu của mình. Xét về địa lý, miền xuôi có, miền núi có, trung du có, đồng bằng có, miền biển có. Xét về sắc thái dân tộc, Mường có, Thái có, Kinh có; Mông, Dao, Khơ mú cũng không thiếu... Xét về tính khu biệt phong tục tập quán, Trần Thị Liên kỹ càng đến từng làng, từng trò chơi, từng lễ hội, từng trò diễn, từng phong tục, tập tục. Nhìn vào tấm bản đồ văn hóa dân gian được Trần Thị Liên vẽ lên ta thấy văn hóa xứ Thanh có từ thời các vua Hùng. Nó tồn tại và phát triển không ngừng suốt chiều dài lịch sử từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, Dương Đình Nghệ trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê... Đó là một nền văn hóa vừa vật thể, vừa phi vật thể. Đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc sống trên mảnh đất xứ Thanh là vô cùng đa dạng, phong phú, đẹp đẽ. Dù trải qua nhiều biến thiên lịch sử, đặc biệt trải qua các cuộc xâm lược có tính chất hủy diệt sự sống và văn hóa của các đế quốc phương Bắc, phương Tây; tinh hoa văn hóa xứ Thanh nói riêng, người việt nói chung không những không mất mà còn biểu hiện một sức sống dẻo dai, bền bỉ, quật cường trong dựng nước và giữ nước; trong tình yêu, lao động sản xuất, vui chơi giải trí... ngày càng làm rạng rỡ quê hương, bồi đắp dáng hình xứ sở. Nhà nghiên cứu Trần Thị Liên vừa có cái nhìn khái quát, tầm vĩ mô vừa có cái nhìn sâu, định hình cái riêng biệt, cái độc đáo. Cách nhìn ấy là cách nhìn biện chứng. Xứ Thanh thống nhất trong phong phú, đa diện sắc màu văn hóa nhưng tồn tại trong cái riêng biệt, cái độc đáo. Sự bền vững văn hóa của một xứ, một vùng miền, một dân tộc nó thể hiện trong sự tổng thể hài hòa ấy. Cái chung của một quốc gia không lấn át, không tiêu biến cái riêng, cái độc đáo của vùng miền, khu vực, địa phương. Cái lớn của một tỉnh không làm thui chột, chèn ép cái sắc màu riêng từng chòm bản, địa phương mà nó được kích thích, tạo hưng phấn, tôn trọng hòa nhập tạo mọi điều kiện phát triển đến mức tối đa cái sức sống, sức lan tỏa của nó.
       Về văn hóa vùng miền, ở tầm vĩ mô, Trần Thị Liên viết hàng loạt bài: “Văn hóa Đông Sơn và trống đồng Đông Sơn ở Thanh Hóa”; “Tri thức dân gian Mường qua tài liệu sưu tầm ở Thạch Thành”; “Núi Đọ - Từ góc nhìn Lịch sử - Văn hóa”; “Trò diễn dân gian cổ truyền vùng sông Mã và sự giao lưu văn hóa khu vực”; “Tư duy nông nghiệp qua Lễ hội truyền thống xứ Thanh”... Về văn hóa làng bản, Trần Thị Liên có: “Làng Trung Lập”; “Làng cổ Dương Xá”; “Làng truyền thống Cổ Ninh”; “Làng cổ Đôi - Đất học xứ Thanh”; “Làng Cổ Bôn”... Về Văn hóa phong tục tập quán, trò chơi dân gian, Trần Thị Liên nghiên cứu: “Tục kết chạ, nét truyền thống trong sinh hoạt văn hóa xứ Thanh”; “Tung cù - Trò chơi dân gian đặc sắc ngày xuân”; “Tục hát séc bùa mừng năm mới của người Mường Đủ”; “ Rượu cần trong văn hóa ẩm thực miền núi”; “Lễ hội đền Bà Triệu”; “Lễ hội đền Độc Cước ở Sầm Sơn”; “Tục khảo rể trong đám cưới xưa ở xứ Thanh”... Về các danh nhân có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tinh thần người xứ Thanh, Trần Thị Liên tìm hiểu, giới thiệu “Lưỡng quốc tiến sĩ Khương Công Phụ”; “Bình Định Vương Lê Lợi”; “Trung Túc Vương Lê Lai”; “Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao”...
       Dù viết về Văn hóa xứ Thanh ở tầm vĩ mô như văn hóa trống đồng Đông Sơn, văn minh núi Đọ, văn hóa Mường Đủ hay khi viết về các biến tấu văn hóa như trò diễn, phong tục, tập quán, rồi một con người văn hóa cụ thể, Trần Thị Liên không chỉ cung cấp tư liệu, không gian, thời gian diễn ra sự kiện, nội dung sự kiện... mà còn cho người đọc hiểu được hoàn cảnh lịch sử, cơ sở hình thành nền văn minh, văn hóa, phạm vi ảnh hưởng và sức sống của nó. Trong bài “Làng cổ Dương Xá” có đoạn: “Thời kỳ các vua Hùng dựng nước Văn Lang, vùng đất Dương Xá là địa bàn phát tích có vai trò quan trọng của văn hóa Đông Sơn. Các di tích khảo cổ được phát hiện ở khu vực này như: Đông Sơn, Thiệu Dương, Đồng Ngầm, Đồng Vưng... châu tuần quanh vùng đất ngã ba sông Mã, sông Chu đã tạo nên một trung tâm văn hóa Đông Sơn ở khu vực sông Mã - một trong hai trung tâm của văn minh Việt cổ. Làng cổ thời văn hóa Đông Sơn trên đất Thiệu Dương đã khẳng định lịch sử ngàn năm của làng Dương Xá”. Như vậy, làng Dương Xá được hiện lên với một “lưu vực” văn hóa rất rộng. ở bài “Châu Thường và văn hóa truyền thống huyện Thường Xuân”, người đọc trân trọng sự chi tiết, kỹ càng, công phu khi viết về điệu khặp Thái: “Có những trò diễn đơn lẻ, có những trò diễn phức tạp, có những hình thức diễn xướng cuốn hút cả một “hệ thống” nhiều trò khác nhau được xâu chuỗi lại. Chẳng hạn Kín chá là một hình thức diễn xướng tổng hợp gồm 26 trò diễn. Đó là: Đánh thức chương, soi hoa và hái hoa, phi ngựa mời Tạo Then phay đến, đọc chữ, thổi khèn, người Xá đến, người Lào đến, người Kinh đến, người Lùn đến, Mế ước hạng đến, người bướu cổ đến, người mù đến, người hầu ăn đến, săn nai, xúc cá, hái nấm, chăn vịt, lấy ong, cọp bắt lợn, gấu ăn ngô, cang cói ăn cá, ru con, dặn trâu, thuồng luồng, người bắt chước”... Càng đọc kỹ, càng thấy công phu người viết. Chính sự dày công, tâm huyết của tác giả đã giới thiệu đến công chúng đầy đủ nhất tinh hoa văn hóa truyền thống. Nghiên cứu về nhạc luống (có nơi gọi là nhạc loóng) của đồng bào Thái miền Tây Thanh Hóa (Như Xuân, Thường Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát), Trần Thị Liên nhận xét: “Chỉ riêng hình thức khua luống kết hợp với cồng chiêng đã là một cách biểu diễn khá độc đáo, biểu hiện một tri thức âm nhạc cao trong nhân dân. Khua luống ở xã Luận Khê cho thấy khả năng âm nhạc và trình độ về âm nhạc của nhân dân Thường Xuân rất đặc sắc”. Trong tiềm thức của Trần Thị Liên, nghiên cứu văn hóa không đơn thuần là ghi chép lại những cái đã có, cái đang được lưu truyền hoặc hệ thống nó lại và công bố. Quan trọng hơn, nhà nghiên cứu phải thấy được giá trị đích thực của nó, cái vẻ đẹp tạo nên sức sống trường tồn của nó, thấy được môi trường phát triển của nó trong cuộc sống hiện tại và tương lại, từ đó tìm cách bảo tồn, thúc đẩy nó trong sự lớn mạnh tự nhiên nhất trong dân gian và trong đời sống xã hội với tính thời đại của nó. 
       Cái tầm của người nghiên cứu văn hóa dân gian không phải thể hiện ở khả năng trình diễn tư liệu, cứ liệu, sử liệu hay khả năng đưa ra những trích dẫn mang tính lý thuyết mà nó thể hiện ở khả năng nhìn xuyên thấu qua thời gian, lọc được những khúc xạ hư ảo, phủ trên những tư liệu, cứ liệu, sử liệu, từ đó khẳng định được chân giá trị của văn hóa. Trần Thị Liên bước đầu đã thể hiện được cái tầm ấy. Hầu như bài viết nào ta cũng gặp những dạng nhận định như “Chính chủ nhân nhóm di tích Cồn chân Tiên (hay “văn hóa Cồn chân Tiên”) là người đầu tiên chinh phục, khai phá, làm chủ vùng đồng bằng hạ lưu sông Mã, sông chu; biến vùng đất màu mỡ, phì nhiêu mới được kiến tạo này thành một vùng phát triển có ý nghĩa trung tâm, làm tiền đề cho văn minh Đông Sơn tạo dựng và phát triển để bước vào ngưỡng cửa của văn minh lúa nước, góp phần vào bản anh hùng ca mở đầu thời kỳ dựng nước và giữ nước  đầu tiên của dân tộc”(Núi Đọ, từ góc nhìn lịch sử, văn hóa); hoặc “Theo dòng chảy của thời gian, những ngôi nhà cổ đã được thực tế kiểm chứng là công trình đã đáp ứng được nhu cầu đa dạng của cuộc sống, thích ứng, hài hòa với môi trường và là những công trình văn hóa, sáng tạo... là nét văn hóa truyền thống việt Nam” (Nhà cổ xứ Thanh).
Với “Sắc màu văn hóa xứ Thanh” (2016), ngoài khái quát cho bạn đọc những nét chung nhất của văn học dân gian người Thái, truyền thuyết dân gian vùng Tây Đô... Trần Thị Liên đã phác thảo những nét cơ bản về các nghề thủ công truyền thống của người dân xứ Thanh như: Nghề gốm, nghề đá, nghề mộc, nghề rèn, nghề dệt, nghề đúc đồng... để độc giả cảm nhận được vùng địa linh không chỉ sinh nhân kiệt mà còn bảo lưu và phát triển nhiều nghề thủ công truyền thống, trầm tích nhiều giá trị lịch sử - văn hóa - nghệ thuật.                                                                                   
Không còn nghi ngờ gì nữa, những công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian gần bốn mươi năm nay khẳng định Trần Thị Liên là người toàn tâm cho việc làm sống dậy những giá trị văn hóa dân gian. Cả sự nghiệp cầm bút nghiên cứu của mình, Trần Thị Liên đã góp phần tôn vinh những sắc màu văn hóa Xứ Thanh, làm rạng rỡ các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của quê hương, đất nước. 
                            21-4-2017
                              M.M.K


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 250
 Hôm nay: 13821
 Tổng số truy cập: 12961261
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa