Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Nghĩ về thơ - Đinh Quang Tốn
Nghĩ về thơ - Đinh Quang Tốn

       

1. Thơ thời sự chính trị và thơ nỗi niềm riêng
       Trong nền thơ cũng như trong mỗi nhà thơ thường tồn tại cả hai dạng thơ này. Trước đây thỉnh thoảng tôi lại được những người làm thơ khoe những bài thơ không đăng được, và họ thường hy vọng khi công bố nó sẽ thành thơ của muôn đời! Vâng, rất cầu chúc cho nó được như thế. Nhưng thực tế thì đa phần đó là sự lầm tưởng. Thơ của muôn đời ư? Ai bảo Thơ Thần của Lý Thường Kiệt, thơ Mừng xuân 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài thơ Tự do và tình yêu của Pêtôpi (Hunggari) không phải là thơ của muôn đời? Đó là thơ thời sự chính trị một trăm phần trăm. Nhưng để có được những bài thơ ấy tác giả của nó phải cả một đời sống cho lý tưởng ấy, trải nghiệm và nung nấu. Đó là thơ phát ra từ hồn của họ, cũng là hồn của dân tộc, hồn của đất nước trong thời khắc lịch sử. Ta thử đọc bài thơ của Pêtôpi:
              Tự do và tình yêu
              Vì hai điều tôi sống
              Vì tình yêu lồng lộng
              Tôi xin hiến đời tôi
              Vì tự do muôn đời
              Tôi hy sinh tình ái

       Đó là tiếng nói của lý tưởng hòa quện cùng tiếng nói của trái tim mà phát ra, mà tỏa sáng. Bây giờ nói đến lý tưởng nhiều bạn trẻ không mấy mặn mà. Nhưng thực tế thì ai cũng có một lý tưởng. Có điều cách hiểu về lý tưởng mỗi người một khác, và nó có tính lịch sử cụ thể của nó. Chứ không có lý tưởng thì con người chỉ là tồn tại, đâu phải là sống! 
       Còn thơ nỗi niềm riêng, tôi cũng thấy những bài để đời thấm đẫm lý tưởng. Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thơ nỗi niềm riêng từ hình thức đến nội dung. Người viết để tự nhủ, tự răn mình đấy chứ có phải để công bố đâu! Những tâm hồn lớn niềm riêng thống nhất với nỗi chung. Nỗi đau nỗi buồn của họ cũng là nỗi đau buồn của thời đại. H.Hainơ (Đức) đau buồn mà không yếu đuối, trong bài thơ Tim ta ơi! Đừng nên u uất:
              Tim ta ơi! Đừng nên u uất
              Số phận mình gắng chịu cho quen
              Những cái gì mùa đông cướp mất
              Xuân mới về sẽ trả cho em...

       Thì thật khó phân biệt đây là thơ nỗi niềm riêng hay thơ thời sự chính trị? Phải chăng tất cả những bài thơ bất tử đều như vậy? Khi một bài thơ để mọi người thấy được đó là thơ thời sự chính trị hoặc thơ nỗi niềm riêng thì đều là những bài thơ còn non. Có phải thế chăng mà một danh nhân đã nói: Mọi bài thơ đều có tính thời sự. Và nhà thơ nổi tiếng Eptusencô (Nga) có hai tập thơ độc đáo Trữ tình công dânTrữ tình riêng tư. Trong tập thơ Trữ tình công dân thì gồm phần lớn thơ mà chúng ta thường gọi là thơ nỗi niềm riêng, và ngược lại tập thơ Trữ tình riêng tư lại gồm đa phần thơ có tính thời sự chính trị. Thì nhà thơ cũng thấy không hề có ranh giới hai loại thơ này chăng?
       Nhưng trong thực tế vẫn có hai loại thơ ấy. Nó mang dấu ấn thời đại và phong cách của từng nhà thơ. Tài năng của mỗi nhà thơ là không để có dấu vết của hai loại thơ này. Sao cho mỗi bài thơ phải tự nhiên như hơi thở, như nắng trời. Thơ càng có dấu vết tạo dựng thì tác giả của nó chỉ là thợ thơ. Còn những thi sĩ đích thực những bài thơ bao giờ cũng thấm đẫm nỗi niềm và tỏa ra ánh sáng tư tưởng, được mọi người mặc nhiên đón nhận.
       2.  Thơ phát ra từ hồn và thơ sáng tác
       Thơ đích thực là thơ phát ra từ tâm hồn nhà thơ. Vì thế, qua thơ có thể hiểu được nhà thơ, qua nền thơ có thể hiểu được dân tộc sinh ra nền thơ ấy. Người ta nói: thơ là tiếng lòng của dân tộc, là điệu tâm hồn của dân tộc là vì vậy. Nhưng trong thực tế luôn có hai loại thơ. Đó là thơ phát ra từ hồn và thơ sáng tác. Có thể ví thơ phát ra từ hồn như ngọc tự nhiên, còn thơ sáng tác như sản phẩm của người thợ kim hoàn, có thợ giỏi và thợ vụng. Thơ phát ra từ hồn thì rõ rồi, đó là tiếng lòng tự nhiên của thi sĩ phát ra thành câu chữ. Còn thơ sáng tác là vì một mục đích nào đấy mà tác giả viết ra. Mục đích ấy có thể cao cả, như bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, hay vì mục đích thù tạc bình thường, hoặc cũng có thể vì danh, vì lợi. Thơ sáng tác có mục đích thì thường ít có chất thơ, vì đa số nó không phải rung động từ tâm hồn. Tuy nhiên, thơ sáng tác vì một mục đích cao đẹp thực sự thì dễ hòa với hồn tác giả nếu tác giả cũng mang tâm hồn thi nhân chân chính, nên đôi khi nó cũng hòa nhập với hồn mà phát ra thành thơ đích thực.
       Trong một nền thơ, mỗi nhà thơ có một dạng khác nhau. Có những nhà thơ thì thơ chủ yếu phát ra từ hồn, và có những tác giả chủ yếu là thơ sáng tác. Tất nhiên, lịch sử văn chương vô cùng tinh tường nên chỉ giữ lại những bài thơ phát ra từ hồn, còn những bài thơ sáng tác thường theo gió bay đi hết, dẫu đương thời có bị nhầm lẫn khi đánh giá. Trong cả những nhà thơ lớn, điều này cũng thường xảy ra, đó là những bài thơ phát ra từ hồn xen lẫn với những bài thơ sáng tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài tập Nhật ký trong tù, trong kháng chiến chống Pháp của dân tộc, Người có rất nhiều bài thơ phát ra từ tâm hồn anh hùng và nghệ sĩ như: Cảnh khuya, Đêm thu, Vô đề, Nhớ chiến sĩ, Cảnh rừng Việt Bắc, Đi thuyền trên sông Đáy, Pác bó hùng vĩ, Tức cảnh Pác bó, Đăng Sơn... Đặc biệt là bài Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng): 
              Rằm xuân lồng lộng trăng soi 
              Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân 
              Giữa dòng bàn bạc việc quân
              Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

                              (Bản dịch của Xuân Thủy).
       Nhưng Bác cũng có một số bài thơ sáng tác vì mục đích lớn lao động viên toàn quân, toàn dân ta đoàn kết, anh dũng tiến lên tiêu diệt quân thù như: Ca công nhân, Ca dân cày, Bài ca sợi chỉ, Tặng các cụ lão du kích, Nhóm lửa... Nhà thơ Trần Đăng Khoa, khi còn nhỏ, thơ phát ra chủ yếu từ tâm hồn ngây thơ trong sáng, có hàng loạt bài đã trở thành nổi tiếng: Góc sân và khoảng trời, Trăng sáng sân nhà em, Đánh thức trầu, Nửa đêm tỉnh giấc, Sao không về vàng ơi!, Trăng ơi từ đâu đến, Đêm Côn Sơn, Gửi theo các chú bộ đội, Hạt gạo làng ta, Mẹ ốm... Bài Côn Sơn chỉ có hai mươi chữ mà thấy cả một tâm hồn lộng gió, giầu có, tầm vóc lừng lững mà vẫn hồn nhiên của thi nhân:
              Sáng đứng đỉnh Côn Sơn
              Hương đồng thơm trong túi
              Chiều xay thóc góc nhà
              Tóc lại bay gió núi...

       Tuy nhiên, ngay trong thời điểm này, Trần Đăng Khoa cũng có những bài thơ sáng tác, như: Đất ơi, Từ anh đi chiến trường xa, Em kể chuyện này, Viết trước ngày nhập ngũ, Điều anh quên không kể... 
       Bây giờ thời mà nhà nhà làm thơ, người người làm thơ thì thơ sáng tác là chủ yếu. Có những tác giả toàn bộ là thơ sáng tác, không có bài nào phát ra từ hồn. Nói như Hămlét, nhân vật trong kịch của Sêchxpia: Chữ, chữ, toàn là chữ... Bảo sao thơ bán chả có ai mua! Nhân dân đâu dễ bị lừa để bỏ tiền ra mua những thứ không phải thơ. Thơ tràn lan đã làm cho các tập thơ đích thực của một số nhà thơ cũng chịu chung số phận. Ai bảo các nhà thơ cứ chịu sống chung với lũ. Nói theo Béctôn Brếch thì sau này lịch sử văn chương sẽ hỏi: Sao các nhà thơ thời ấy lại cứ lặng im?.
Nhà thơ Xuân Diệu có lần đã nói đại ý: Không có thơ hay và thơ dở, chỉ có thơ và những thứ không phải thơ. Có phải thi sĩ muốn gọi thơ là những bài thơ phát ra từ hồn, còn những thứ không phải thơ là những bài sáng tác đó chăng? Mặc dù những thứ không phải thơ vẫn có thể có những giá trị khác. Thậm chí trong một thời điểm nào đó có thể có giá trị cao như nhà thơ Tố Hữu đã viết: Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương. Nhưng những người yêu văn chương thì phải phân biệt được.
       3. Thơ hướng nội và thơ hướng ngoại?
       Có một thời trên thi đàn đã bàn nhiều đến thơ hướng nội và thơ hướng ngoại. Làm như thể thơ hướng ngoại thì nông cạn, thơ hướng nội mới là sâu sắc bởi nó đào sâu vào nội tâm con người. Rồi nhiều người có ý gán cho thơ mấy chục năm phục vụ kịp thời mấy cuộc kháng chiến của dân tộc là thơ hướng ngoại; còn bây giờ thơ đi sâu vào thế giới nội tâm, cõi riêng nhỏ bé, tâm sự buồn đau của từng cá nhân cá thể thì là thơ hướng nội, mới cao siêu! Đi theo suy nghĩ này, hàng loạt các tập thơ nói về nỗi niềm riêng nhỏ bé, vụn vặt đã ra đời. Có những người tung hô, nhưng quần chúng yêu thơ thì không chấp nhận.
       Thực ra thì làm gì có thơ hướng nội và thơ hướng ngoại. Từ mấy trăm năm trước đại thi hào Nguyễn Du đã viết: Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương cũng đã từng thốt lên: Ô hay, cảnh cũng ưa người nhỉ!. Tức là hai thi hào cùng có ý nghĩ như nhau: Nhà thơ là người vịnh cảnh để nói tình và lùa tình vào trong cảnh. Thi tiên Lý Bạch (đời Đường - Trung Quốc) có bốn câu thơ nổi tiếng: Đầu giường ánh trăng dọi/ Ngỡ mặt đất pha sương/ Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương. Đấy là thơ tả cảnh mà sao tình yêu quê hương sâu nặng vậy? Ca dao của ta cũng có bài chỉ miêu tả hoa sen mà sao lại thế sự đến thế:
              Trong đầm gì đẹp bằng sen
              Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
              Nhị vàng bông trắng lá xanh
              Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn...

       Không phải cứ miêu tả cảnh vật, sự việc thì là thơ hướng ngoại, nông cạn. Cũng không phải cứ nói dằn vặt, thao thức, trăn trở, đau đớn, buồn tủi thì là thơ hướng nội sâu sắc. Tả cảnh hay đến mức để người đọc rưng rưng xúc động thì là hướng nội hay hướng ngoại? Còn cứ vò đầu dứt tóc, bảo tôi đau lắm, buồn lắm mà người đọc vẫn dửng dưng chẳng thấy xúc động gì thì thậm chí khó có thể gọi là thơ, chứ đừng nghĩ là thơ hướng nội sâu sắc.
       Tuy nhiên, trong thực tế đời sống thi ca vẫn có những bài thơ để người đọc thấy bài thơ ấy có tính chất hướng nội, hoặc có tính chất hướng ngoại. Đấy có thể là chỗ chưa tới của các tác giả thơ. Còn đã là câu thơ hay, bài thơ hay thì sẽ không gây cảm giác ấy cho người đọc. Tôi rất thích những câu thơ tả cảnh mà đầy tâm trạng: Xóm chùa cháy đỏ những thân cau (Núi đôi - Vũ Cao), Hoa xoan rụng tím áo dì, dì ơi (Đường làng - Ngô Hoàng Anh), Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối (Hương thầm - Phan Thị Thanh Nhàn)... Thì đấy chỉ có thể gọi là những câu thơ hay, chứ không thể gọi là thơ hướng nội hay thơ hướng ngoại.
Tôi tin rằng các nhà thơ đích thực cũng không mấy ai băn khoăn về điều này. Thi hứng đến thì viết ra, trộn cảnh vật sự việc vào tâm tư mà thốt nên lời. Không ai nghĩ phải viết thế này, phải viết thế nọ. Thơ từ hồn phát ra thì tự nó đã là sự tổng hợp hài hòa giữa tất cả các yếu tố vô cùng sâu sắc và tinh tế. Thơ  “hay” được đến đâu phụ thuộc vào tầm của tâm hồn, còn thì do trời cho, thế thôi!
                              

Đ.Q.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 268
 Hôm nay: 14354
 Tổng số truy cập: 12961794
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa