Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Đau đáu nỗi niềm về thân phận người phụ nữ Mường trong truyện ngắn Hà Thị Cẩm Anh - Trần Thị Việt Trung
Đau đáu nỗi niềm về thân phận người phụ nữ Mường trong truyện ngắn Hà Thị Cẩm Anh - Trần Thị Việt Trung

       Trái tim tôi như bị bóp nghẹt, thổn thức và buốt nhói khi đọc những tác phẩm viết về thân phận của những người phụ nữ Mường ở thung lũng Si Dồ của nhà văn Hà Thị Cẩm Anh. 
       Hiếm có một nữ nhà văn nào lại trung thành đến thế, thủy chung đến thế, yêu thương, thiết tha và trăn trở, xót xa đến thế với mảnh đất xứ Mường, với những thân phận của phụ nữ xứ Mường. Hầu như trong tất cả những sáng tác của chị, ngòi bút chỉ tập trung vào một không gian, hay nói khác đi - chỉ một "vùng thẩm mĩ" hết sức quen thuộc, đầy dấu yêu - đó là cái không gian Ba Mường (Mường Vang, Mường Chiềng, Mường Dồ) ở trong thung lũng Si Dồ này. Chị viết về những người phụ nữ với những mảnh đời khác nhau, những hoàn cảnh và những thân phận khác nhau - và luôn khiến cho người đọc phải trăn trở, suy nghĩ, xa xót, cảm thương và nể phục... khi tiếp cận, tìm hiểu về số phận nhân vật đó trong những sáng tác của chị.
       Để có những câu chuyện đặc sắc và cảm động về những người phụ nữ Mường này, chị đã gắn bó máu thịt, đã sống và trải nghiệm qua bao nỗi buồn, vui, được, mất của chính cuộc đời mình; và đã lặn sâu vào cái hiện thực cuộc sống ở nơi xứ Mường tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa, tình người nhưng cũng đầy những hủ tục nặng nề, đầy gian khó, hiểm nguy và thử thách... đối với con người nơi đây, đặc biệt là những người phụ nữ. Dưới ngòi bút của chị hình ảnh người phụ nữ Mường được hiện lên với tất cả những vẻ đẹp đặc trưng của những người phụ nữ miền núi, được sinh ra, lớn lên... trong tiếng Xường ru ngọt ngào, tha thiết của mẹ, của bà; trong những ngôi nhà sàn lúc nào cũng ấm nồng bếp lửa; trong thiên nhiên trong trẻo, rực rỡ, tươi đẹp, lãng mạn, hoang dã và dữ dội... của núi rừng, sông, suối, cỏ cây với muôn loài vật hiền lành và hung dữ ở trong thung lũng Si Dồ - xứ xở của người Mường đã có từ xa xưa với những huyền thoại, những câu chuyện cổ, những bài hát ru, những tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng chày khua luống... rộn rã trong những ngày hội, ngày lễ trong năm. Đó là vẻ đẹp tự nhiên, tươi tốt, rực rỡ, đầy tính phồn thực, đầy khả năng làm vợ, làm mẹ, làm chủ các "bếp" trong Mường... của những cô gái Mường xinh đẹp, duyên dáng, khỏe mạnh. Người đọc không thể quên được vẻ đẹp của cô Niên (trong Mưa bụi): với dáng vẻ "thon thả, nhỏ nhắn. Khuôn mặt trái xoan trắng hồng. Nhất là đôi mắt! Đôi mắt của cô như hút hồn chàng trai trẻ... Đôi mắt đen ngời ngợi... hai cặp má đỏ lựng"; hay vẻ đẹp của nàng Sam (trong Mẹ tôi) ở Mường Đủ sang làm dâu ở Mường Ca Da: "Nàng đẹp như bông hoa Xảnh Canh trên núi cao. Nàng đẹp như Nàng Nga trong truyện thơ cổ của người Mường". Nàng đẹp đến nỗi: "Xuống hón tắm thì cá cờ quên lội, nàng đi ra bãi thì chim Chẻo Pheo thôi hát. Nàng vào rừng lên núi thì vượn thôi kêu. Con trai Mường Ca Da nhìn thấy nàng thì tiếc ngẩn, tiếc ngơ. Con gái Mường Ca Da nhìn thấy nàng thì buồn day, buồn dứt"...
       Nhưng điều đáng nói ở đây là: Họ không những chỉ có vẻ đẹp ở hình thức bên ngoài, mà chủ yếu tác giả luôn nhấn mạnh ở họ là vẻ đẹp bên trong: Cái duyên thầm, sự đảm đang, khéo léo, đặc biệt là đức vị tha, đức hy sinh hết mình của họ đối với những người thân yêu trong gia đình, đối với làng bản, với quê hương, với rừng núi thân thương. Một cô Niên (trong Mưa bụi) xinh đẹp, duyên dáng, rực rỡ khiến cho chàng trai trẻ đất Hà Thành choáng váng, ngây ngất ngay lần gặp đầu tiên trên bãi hoa cải vàng rực bên triền sông ở Mường Dồ cũng là một cô gái khéo tay, có tài muối dưa cải trong ống nứa, ngon tới mức "dù sau này có tiệc tùng, canh gà, cá rán thì cũng khó quên được vị ngon của nó"; cũng đồng thời là một cô gái dũng cảm, trực tiếp tham gia chiến đấu và trở thành Trung đội trưởng Trung đội dân quân gái của xứ Mường Dồ (chứ cô không lựa chọn đi học ở trường đại học Sư phạm khi cô đã cầm giấy báo nhập học trong tay). Không những thế, cô còn thủy chung chờ đợi người yêu hơn hai chục năm sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng; đón người đồng đội của người yêu bị thương nặng về nuôi dưỡng; thầm lặng nuôi đứa con - kết quả của mối tình sâu đậm của cô với người yêu trên bãi cải vàng rực ven sông thành một bác sĩ giỏi sau này. Vẻ đẹp của lòng thủy chung, đức hy sinh của Niên chính là một thứ nhan sắc vững bền, rất "điển hình" cho vẻ đẹp của các cô gái Mường thời chống Mỹ cứu nước.
       Đây có lẽ cũng là một đóng góp đáng kể của Hà Thị Cẩm Anh trong việc xây dựng hình tượng người phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam với những vẻ đẹp vừa mang những nét chung, vừa có những nét riêng, mang đậm bản sắc Mường, vừa có tính truyền thống, vừa có tính hiện đại trong các sáng tác của mình.
       Nhưng nếu chỉ có như thế: ngợi ca và khẳng định, tự hào và trân trọng khi viết về người phụ nữ Mường thì những sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh cũng chưa thể để lại một dấu ấn sâu sắc, một xúc cảm mạnh mẽ và phức tạp đến thế trong tâm hồn người đọc: vừa xót xa thương cảm, vừa đau đớn uất nghẹn, vừa yêu thương, kính trọng, vừa sẻ chia, vừa kìm nén... đối với những nhân vật phụ nữ Mường cùng những hoàn cảnh, thân phận đầy đớn đau và bất hạnh của họ trong cuộc sống nơi xứ Mường - tưởng là xa xôi, thăm thẳm nhưng lại rất gần gũi. 
Trong 10 tập truyện ngắn và truyện vừa của Hà Thị Cẩm Anh, ngoài 3 tập truyện viết cho thiếu nhi, 7 tập truyện còn lại hầu như chị đều viết về người phụ nữ. Trong các tập truyện đó có tới 90% số truyện nhân vật chính là những người phụ nữ Mường với những hoàn cảnh, số phận khác nhau trong cuộc sống thời kỳ hiện đại. Riêng chỉ điều này, cũng đã đủ khẳng định: Hà Thị Cẩm Anh đã dành trọn tình cảm, tâm huyết, sức lực và tài năng vào việc xây dựng hình tượng người phụ nữ Mường trong quá trình sáng tác của mình. Và cũng chính hình tượng nhân vật này đã đem lại cho chị những thành tựu đáng ghi nhận, đã tạo cho chị một "thương hiệu" riêng: nhà văn đích thực của những người phụ nữ Mường.
       Đặc điểm nổi bật trong tất cả các nhân vật phụ nữ Mường trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh là: họ là những người luôn chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Chính tác giả đã từng cay đắng, xót xa thốt lên những lời này (qua lời người mẹ trong truyện ngắn Mẹ tôi): "Đàn bà thì lúc nào chả phải chịu thiệt thòi. Mường này, đất nước này thiếu gì những kẻ bị mắc tiếng oan như tôi. “Phúc đức tại mẫu mà!”, cái gì tốt đẹp thì người đàn bà được hưởng không đáng là bao. Những cái gì không tốt đẹp thì họ cứ oằn lưng ra mà gánh”. ở đây - hình như tác giả đã “động chạm” đến một vấn đề lớn hơn, đó là vấn đề Giới, chứ không phải chỉ là vấn đề số phận cá nhân của những người phụ nữ nữa. Hay nói một cách khác nhà văn đã nhìn nhận và phản ánh số phận của người phụ nữ dân tộc thiểu số dưới góc độ nữ quyền trong các tác phẩm của mình một cách chân thực, sinh động. Đó trước hết là sự bất bình đẳng nghiêm trọng giữa người phụ nữ với người đàn ông trong gia đình cũng như trong xã hội (được thu nhỏ ở đơn vị bản, làng, Mường... này). Sau đó là những đòi hỏi, những khát vọng chính đáng về quyền được sống, được yêu, được làm vợ, làm mẹ, làm chủ cuộc đời và tương lai của chính mình; quyền được cống hiến, được hưởng thụ, được ghi nhận, được tôn trọng, tôn vinh... - từ trong gia đình đến xã hội đối với những người phụ nữ - dù đó là phụ nữ dân tộc thiểu số sống ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, còn nhiều hủ tục tồn tại ngay trong cuộc sống hiện đại hôm nay.
       Người đọc không thể quên được nhân vật cô gái trẻ (trong truyện Quả còn) ở Mường Bi mới 10 tuổi đã bị đón về Mường Vang “lạy ma nhà chồng” để làm “dâu ma” - hay nói khác đi là để “làm trâu, làm ngựa” nhà người ta để trả món nợ kếch xù do bố mế cô đã mang nợ người ta suốt 10 năm qua, kể từ khi hai ông bố - hai người thợ săn trẻ hẹn ước gả con cho nhau khi cô vừa cất tiếng khóc chào đời. Cô phải làm “dâu ma” bởi “chú rể” tí hon của cô đã bị họ hàng nhà gái ở Mường Bi lợi dụng tục “ném rể” trong ngày lễ Pao chầu (ăn hỏi) ném cho tơi tả, máu chảy đầm đìa, sợ hãi, đau đớn và bị ốm chết ba năm sau đó - vì để trả thù họ nhà trai “thất thố”, coi thường nhà gái trong ngày lễ “ti poi” (lễ dạm ngõ). Ngôi nhà sàn to, “cửa man” rộng rãi, nhưng không một ai bước chân vào nhà cô, “bếp khách của cô nguội lạnh”. Cô sống cô đơn như một chiếc bóng trong chính ngôi nhà sàn của mình. Hủ tục, lòng tham, sự hận thù mông muội của hai họ đã đẩy người con gái vô tội, xinh đẹp, rực rỡ, thảo hiền, tài hoa (cô rất khéo tay may vá, hát Xướng rất hay, làm nương rẫy giỏi...) vào cuộc đời bất hạnh - như một ngục tù tăm tối, không lối thoát. Cô đã bị tước đoạt tất cả: quyền yêu, quyền làm vợ, làm mẹ... một cách tàn bạo từ chính những người thân của mình.
       Còn có bao thân phận thiệt thòi, đau khổ, bao bi kịch cuộc đời như thế nữa trong các tác phẩm của Hà Thị Cẩm Anh - khiến cho người đọc không thể không cảm thương, xa xót, bùi ngùi. Hoàn cảnh cùng số phận của cô gái Mường xinh đẹp, trong sáng, lãng mạn, cả tin để đến nỗi bị mất chồng, mất con, bị hành hạ, gả bán cho một thằng nghiện ngập, phải làm con ở, là con “ma xó” chính trong ngôi nhà của người đàn bà nanh ác, tàn độc cướp chồng cướp con của mình (Của hồi môn). Cô héo hon, mòn mỏi, khổ đau, uất hận, “cằn cỗi như con Voọc già” và chết trong cô độc. Sự ân hận muộn màng cùng với “của hồi môn” là “một bài thơ chân thực và tử tế” của người đàn ông lãng mạn nhưng hèn nhát, vô trách nhiệm gửi cho con gái của cô - thật là một sự mai mỉa, thật là một cái giá quá đắt đối với cuộc sống, tình yêu với sự trong sáng, cả tin, với sự dâng hiến, hy sinh hết mình của cô đối với một kẻ bạc tình, hèn nhát...
       Nhưng vốn là những người phụ nữ có tâm hồn trong sáng, giấu lòng trắc ẩn, cả tin và vị tha, nên nhiều khi người phụ nữ đã "tự đẩy" mình vào hoàn cảnh nghiệt ngã, vào vực thẳm tăm tối của cuộc đời vốn đầy sự phức tạp, sự giả dối và tàn khốc. Những người phụ nữ Mường sinh ra từ mảnh đất Mường cổ ấy, sống trong không gian văn hoá đậm bản sắc Mường cùng những bài Xường ru, những câu chuyện cổ, những lễ hội vang vọng tiếng chuông, tiếng cồng, tiếng chày "khua luống", tiếng reo hò trong hội Ném Còn...; và sống trong môi trường trong veo, thân thiện đầy hương thơm và màu sắc của những bãi cải vàng rực bên sông, những cánh rừng xanh thẳm, những con suối róc rách cùng bao loài vật gần gũi, xinh đẹp, thân thiết với con người (như: con voọc bạc má, khỉ lông vàng, chim Chẻo pheo...) ... nên hầu như họ không được "làm quen", không được "tôi luyện", không được "trang bị" những kiến thức, những cách ứng xử, những kinh nghiệm sống trong một môi trường sống phức tạp, đầy rẫy mưu mô phản trắc, trắng đen lẫn lộn, thiện - ác song hành. Chính vì vậy, lòng trắc ẩn, sự cả tin, đức vị tha và sự hi sinh hết mình của họ - nhiều khi bị lợi dụng một cách tàn nhẫn, nhiều khi đã trả giá bằng cả cuộc đời: bị mất tên tuổi, mất danh dự, không nơi nương tựa, bị hàm oan suốt cả cuộc đời.
       Câu chuyện về cô thanh niên xung phong dũng cảm (đồng thời là một y tá ở chiến trường) trong truyện Cuộc đời bị đánh cắp là câu chuyện khiến người đọc quặn thắt một nỗi niềm thương xót xen lẫn cảm phục vì sự nhẫn nhục, sự hy sinh, sự chịu đựng... như một sự không tưởng của một người phụ nữ Mường trong cuộc sống thời kỳ hiện đại với mặt khuất lấp của nó - đã được nhà văn Hà Thị Cẩm Anh phản ánh một cách chân thực, nhưng cũng đầy sự xót xa, thương cảm đến nghẹn ngào.
       Còn bao thân phận thiệt thòi, bất hạnh như nhân vật Bùi Thị Cúc nữa của những người phụ nữ Mường khác cũng đã được nhà văn Hà Thị Cẩm Anh đề cập đến trong các tác phẩm của mình. Đó chuyện về 2 chị em ở xứ Mường: người chị hiền lành, xinh xắn giàu tình cảm; người em kém sắc nhưng đáo để, sắc sảo. Mỗi người một phận: kẻ bị bạc tình, người lừa được tình, nhưng kết cục họ đều là những người bất hạnh bởi không thể ngờ: cái nửa kia của người đàn bà ở 2 chị em chỉ là một người. Đứa con gái duy nhất của người chị chính là con của chồng người em! Sự thật bất ngờ và phũ phàng đó đã khiến cho hai chị em vốn rất yêu thương nhau, bảo vệ nhau rơi vào cảnh bẽ bàng, không thể cất lên nổi một lời (Một nửa của người đàn bà).
       Trong thời kỳ "cơ chế thị trường", với sự phát triển "nóng" tới mức có thể làm thay đổi, đảo lộn bao điều tưởng chừng như đã trở thành những giá trị bền vững trong đời sống văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng Mường. Bao ngôi nhà sàn cổ hàng trăm năm tuổi bị phá, dỡ... mang bán cho những kẻ lắm tiền ở miền xuôi, ở thành phố mua về để dựng chơi như một cái thú của kẻ sưu tầm "đồ cổ"; bao cánh rừng bị chặt phá tan hoang, thú quý bị tận diệt... Cuộc sống vốn bình yên, êm đềm, thơ mộng giàu tình người ở xứ Mường nay bị đảo lộn, bị phá vỡ bởi sự "đô thị hóa" nhanh tới chóng mặt. Và đặc biệt: con người xứ Mường vốn chân chất, thật thà, giàu nghĩa tình... vụt trở thành tham lam, thiển cẩn, gian giảo, lọc lừa lẫn nhau... chỉ vì tiền. Những người phụ nữ Mường - thành trì cuối cùng để bảo vệ, gìn giữ bản sắc văn hóa quê hương - cũng mau chóng "hòa nhập" với cuộc sống hiện đại, đối mặt với thách thức, hiểm nguy, sự khốc liệt của cơ chế thị trường. Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh đã phát hiện ra điều đó, đã đau đớn, dằn vặt, trăn trở... vì điều đó. Chị xót xa chỉ ra sự tha hóa, sự biến chất... của bao cô gái, bao phụ nữ Mường - khi họ không đủ sức đề kháng do không có kinh nghiệm sống, nên đã bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống "chỉ vì tiền" ở xứ sở Mường Dồ này một cách thảm hại. Câu chuyện về một gia đình có hai mẹ con ở Chiềng Va (trong truyện ngắn Ngược chiều cửa mở). Người mẹ vẫn còn trẻ, đầy sức sống và có sức cuốn hút lạ lùng đối với đàn ông ở xứ Mường này. Cô con gái mới lớn, đỏ đắn, phổng phao, tươi thắm. Công cuộc đô thị hóa với tốc độ mau chóng ở thời mở cửa - đã lôi cuốn hai mẹ con vào cơn lốc thị trường. Mẹ bán căn nhà sàn cổ, bán cả 5 héc ta rừng đã khép tán... để dựng quán bán hàng tạp hóa và bán cả cơm khi có người đặt ăn nữa. Người mẹ trở nên khéo léo, lẳng lơ mời chào, chèo kéo khách... Rồi "để tiện" và có cơ hội cho chuyện làm ăn, người mẹ đã quan hệ "bồ bịch" với Cả Sún - Văn Sướng (đáng tuổi em, tuổi cháu mình). 
       Tha hóa, đồi trụy, loạn luân... đó là những điều kinh khủng nhất mà những người phụ nữ Mường đã phải đối mặt và bị cuốn vào theo "Ngược chiều cửa mở" của cái gọi là "cơ chế thị trường" - ở nơi xứ Mường đã trở nên không còn yên ả này.
       Nhưng có một điều đáng quý, đáng trân trọng ở cây bút nữ dân tộc Mường này là: cho dù chị viết về những mảnh đời, những thân phận bất hạnh, của những người phụ nữ dân tộc thiểu số - nhưng những câu chuyện của chị không nhuốm màu đen tối; thái độ của chị, cái nhìn của chị về những người phụ nữ Mường không cực đoan, một chiều hay bế tắc như một số cây bút nữ đương đại khác (thường xoáy sâu vào cái Tôi cá nhân bị đẩy tới mức cực đoan của người phụ nữ thời hiện đại với những khao khát, những đòi hỏi, những niềm u ẩn, những nỗi chán chường, tuyệt vọng cùng sự bế tắc tới cùng cực, dẫn đến thái độ chán đời, tiến tới phủ nhận hết thảy những điều tốt đẹp của cuộc sống...). Đặc biệt nhân vật nữ trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh luôn có một sức sống mãnh liệt như loài hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời - cho dù có bị đè nén, bị vùi dập, bị oan ức, đày ải tới mức nào đi chăng nữa. Chẳng hạn như nhân vật cô Sam (Truyện ngắn Mẹ tôi) trải qua bao năm tháng khó khăn, cay cực (sinh con quái thai, bị đuổi vào rừng sâu, không được sống trong làng bản; chồng hy sinh ở chiến trường, mẹ chồng bị mất...), nhưng cô vẫn kiên cường sống và làm nên bao "kỳ tích", khiến cho những người trong làng, trong xã, trong huyện phải kính trọng, nể phục và ân hận vì thái độ ứng xử tàn nhẫn trước đó của mình. 
       Đặc biệt không thể không nhắc tới nhân vật cô gái (trong truyện Gốc gội xù xì) có gương mặt xấu xí, dị dạng, "xấu như đồ ma xó", bởi bị di chứng chất độc da cam từ người cha từ chiến trường trở về. Đã thế, cô lại không được mẹ yêu thương, bù đắp, chỉ có người bà là thương và ru cho cô ngủ bằng những bài Xường ru, bằng những câu chuyện Mường cổ, nhưng bà đã đi về với tổ tiên mất rồi. Cô sống tự nhiên như cây cỏ trong rừng; cô đã chọn "gốc gội già nua, xù xì, tàn tật và xấu xí đến khủng khiếp" để làm nơi trú ngụ và tâm sự. Nhưng cô cũng đã nhận ra vẻ đẹp kỳ lạ của cây Gội xù xì đó: "lá gội xanh mướt, cành gội to mập mạp cứ vươn rộng mãi che lấp hẳn ánh nắng chói chang của mặt trời", cây gội đã trở thành "một ngôi nhà chung" cho cô và lũ chim chóc trong rừng cùng gia đình vợ chồng nhà Voọc quần đùi trắng. Cô trở thành chủ nhân của khu rừng, bảo vệ các "cư dân" của khu rừng, đuổi bọn người xấu không cho chúng chặt cây và săn bắn thú rừng. Hình như đúng như người xưa vẫn nói: "Trời chẳng lấy hết của ai bao giờ". Cô gái có gương mặt xấu xí đó lại có một tấm lòng vàng, một tâm hồn trong trẻo, và có một cơ thể tuyệt mĩ cùng khả năng bắn cung "bách phát, bách trúng", khả năng bơi lội như rái cá và chạy nhanh như con hươu ở trên rừng. Có một chàng trai trẻ đã phát hiện ra vẻ đẹp đó của cô, đã yêu thương, dạy cô học chữ và đã lấy cô làm vợ. Cô đã sinh ra một đứa trẻ "hồng hào, khỏe mạnh và xinh đẹp như một ả Nàng trong truyện thơ cổ của người Mường". Cô được cử đi tham gia Đại hội thể thao của Tỉnh và cô đã hiểu: "thế nào là hạnh phúc", là tình yêu của con người bình thường.
       Có thể thấy rằng, với tư cách là một người "trong cuộc" cùng với những trải nghiệm từ chính cuộc đời mình với bao nỗi niềm, bao thử thách, bao bất trắc... đã từng gặp phải và vượt qua - nhà văn Hà Thị Cẩm Anh đã cất lên tiếng bênh vực thân phận phụ nữ Mường thời kỳ hiện đại. Qua đó, người đọc nhận thấy khá rõ cái nhìn và quan điểm phản ánh hiện thực của tác giả. Hiện thực cuộc sống được phản ánh một cách đa chiều (cả phần tươi sáng, tốt đẹp và phần khuất lấp, xấu xa...). Cái nhìn đa chiều và khách quan ấy về hiện thực cuộc sống, con người trong tác phẩm của chị lại không lạnh lùng, vô cảm, mà nó đã được thẩm thấu và phản ánh qua sự rung động của tâm hồn, lòng trắc ẩn của một người phụ nữ Mường. Chính vì thế chăng mà người đọc luôn cảm nhận được rất rõ những nỗi niềm đau đáu, những xót xa, trăn trở, những sẻ chia chân thành... của tác giả trong các tác phẩm văn chương Hà Thị Cẩm Anh.
                                                                                                          Tháng 11-2016
                                                                                                               T.T.V.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 207
 Hôm nay: 10318
 Tổng số truy cập: 12957758
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa