Lĩnh vực Văn học Nghệ thuật và sự hội nhập cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Nguyễn Huy Văn
Lịch sử loài người đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (Cơ khí hóa) bắt đầu vào năm 1984 với đột phá về cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước. Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (Điện khí hóa) diễn ra trong giai đoạn 1871-1914 thúc đẩy quá trình điện khí hóa với sự xuất hiện của động cơ điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (Tự động hóa) bắt đầu vào năm 1969 dẫn đến sự xuất hiện của kỷ nguyên máy tính và tự động hóa. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Số hóa) là quá trình số hóa nền kinh tế và xã hội. Tôi muốn nói đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới và quan tâm đến lĩnh vực Văn học nghệ thuật với sự tiếp cận của công nghệ trong thời kỳ hội nhập.
1. Lịch sử ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn liền với thuật ngữ “Công nghiệp 4.0”, lần đầu tiên được đưa ra ở Cộng hòa liên bang Đức (tại hội chợ Công nghệ Hannover năm 2011). Năm 2012, Chính phủ liên bang Đức hợp tác với giới nghiên cứu và các hiệp hội công nghiệp hàng đầu của Đức nhằm cải thiện quy trình quản lý và sản xuất trong các ngành chế tạo thông qua “điện toán hóa”. Từ đó đến nay, thuật ngữ “công nghiệp 4.0” được sử dụng rộng rãi trên thế giới để mô tả Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngày 20-1-2016, diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sỹ đã khai mạc với chủ đề “làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” như vậy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ra đời trong bối cảnh:
Một là: Sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 - 2009 thế giới đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh, thay đổi căn bản mô hình phát triển theo hướng cân bằng hơn, hiệu quả và bền vững hơn, tìm ra các giải pháp công nghệ, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Hai là: Trước sự cạnh tranh gay gắt của các nền kinh tế mới nổi, các nước công nghiệp phát triển đứng trước sức ép phải tái cơ cấu kinh tế để tiếp tục duy trì vị thế dẫn dắt nền kinh tế thế giới, nhất là trong các ngành công nghệ cao.
Ba là: Do xu hướng già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động của các nước công nghiệp phát triển và một nền kinh tế mới nổi, đòi hỏi các nước này đầu tư nhiều hơn vào khoa học - công nghệ nhằm bù đắp thiếu hụt lao động.
Bốn là: Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ trên lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, lưu trữ năng lượng... vừa là động lực, vừa tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho việc tiến hành cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư.
2. Những đặc trưng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
- Kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể: Cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra, còn được nhiều chuyên gia gọi là “Cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư” đã bắt đầu từ những năm 2000, đặc trưng bởi sự hợp nhất. Không có ranh giới giữa các lĩnh vực công nghệ, vật lý, kỹ thuật số, sinh học và con người. Đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối internet (IoT) và các hệ thống kết nối internet (IoS).
- Quy mô và tốc độ phát triển là theo cấp số nhân: (không có tiền lệ trong lịch sử) nhờ rút ngắn đáng kể thời gian từ khi các ý tưởng về công nghệ và đổi mới sáng tạo được phôi thai trong các phòng thí nghiệm cho đến khi thương mại hóa ở quy mô lớn các sản phẩm quy trình mới được tạo ra trên phạm vi toàn cầu. (Tốc độ phát triển của những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây diễn ra với cấp độ số cộng hay tuyến tính).
- Tác động mạnh mẽ và toàn diện đến thế giới đương đại: làm thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp - toàn cầu, khu vực , trong từng quốc gia. Các tác động này mang tính rất tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra nhiều thách thức điều chỉnh trong ngắn hạn đến trung hạn.
- Tác động đến cuộc sống: Mọi người dân đều được hưởng lợi nhờ tiếp cận được với nhiều sản phẩm và dịch vụ mới có chất lượng với chi phí thấp hơn... do tiết kiệm các yếu tố đầu vào.
- Tác động đến văn hóa, xã hội thông qua các kênh thông tin và mạng xã hội: điều đáng quan ngại nhất hiện nay là làm khuếch đại các mâu thuẫn và xu hướng làm gia tăng bất bình đẳng trên toàn cầu nói chung và tại các nước phát triển nói riêng.
3. Lĩnh vực Văn học, Nghệ thuật và cuộc cách mạng CN 4.0
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới và đã chủ động tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, thế giới ngày càng phẳng hơn, nhỏ hơn với nhiều thời cơ và cả những thách thức đan xen trong trung hạn và dài hạn, cụ thể là:
Cơ hội:
- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mới bước vào giai đoạn khởi phát: Đây là cơ hội quý báu cho lĩnh vực Văn học, Nghệ thuật để tiếp cận với lĩnh vực khoa học công nghệ mới, tiếp cận với những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đi tắt đón đầu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới khi thay đổi sự hoạt động của các thiết chế văn hóa như :
- Công nghiệp biểu gắn với công nghiệp thông tin, truyền thông với các sản phẩm truyền hình trực tuyến, giao lưu trực tiếp giữa khán giả và nghệ sĩ như mô hình chiếu chèo ngày xưa nhưng ở mọi lúc, mọi nơi ko giới hạn lượng khán giả (chứ không phải là các sân khấu trong nhà hát với lượng khán giả nhất định, biểu diễn theo thời gian cụ thể);
- “Công nghiệp thông tin, báo mạng trên internet trực tuyến mang tính thời sự cao sẽ thu hẹp lĩnh vực báo giấy, tập san, tạp chí và truyền hình sẽ phải thay đổi bởi công nghệ 4G và mạng xã hội, v.v... Truyền hình thực tế và truyền hình trực tiếp sẽ thống lĩnh lĩnh vực thông tin, truyền thông.
- Bảo tàng, thư viện, triển lãm thông qua công nghệ thông tin sẽ giúp cho mọi người ngồi nhà mà vẫn chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật, di sản nhân loại và các thành tựu mới của thế giới v.v...
- Tạo cơ hội cho lĩnh vực văn hóa có điều kiện tác động đến xã hội thông qua các kênh thông tin và mạng xã hội: qua các ảnh hưởng của sản phẩm văn hóa với các hình ảnh động, 3D và trực tiếp giữa khán giả và nghệ sĩ, v.v...
- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo cơ hội cho ngành văn hóa chuyển dịch cơ cấu lao động: từ mặt bằng lao động văn hóa nghệ thuật chủ yếu là người có năng khiếu sang những người lao động có trình độ lao động sáng tạo nghệ thuật trong khoa học, công nghệ để sản xuất các sản phẩm văn hóa, thể dục thể thao và du lịch v.v...
Những thách thức
- Môi trường kết nối cao về Internet và các trang mạng xã hội: sẽ tạo ra nhiều sức ép đối lĩnh vực bản quyền và thách thức về quản trị sản phẩm của ngành. Do vậy, cần có sự thay đổi căn bản trong việc xử lý quan hệ với công chúng và quản trị nhà nước.
- Việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước rất hạn chế: Do vậy, nếu không chuyển hóa những thành tựu công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để giành lợi thế phát triển tạo thành năng lực nội sinh của ngành văn hóa thì chúng ta ngày càng phụ thuộc vào công nghiệp giải trí ở nước ngoài.
- Về lĩnh vực giải quyết việc làm: Do lao động được thay thế bởi công nghệ và thiết bị thông minh do vậy nó sẽ tác động trực tiếp đến các việc làm của các ngành văn hóa, mà Việt Nam đang có thể mạnh về số đông. Trong xu thế phát của thế giới, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi, có năng lực sáng tạo mới là lợi thế, đây cũng là một thách thức không nhỏ để nâng cao năng lực tiếp thu, làm chủ và ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới ở các lĩnh vực ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế trong điều kiện xuất phát điểm phát triển của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước.
4. Một số kiến nghị
Để tận dụng được những cơ hội và đối phó với những thách thức từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư cần có những giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tăng cường nâng cao nhận thức cũng như đẩy mạnh tuyên truyền về những cơ hội và thách thức về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với lãnh đạo cấp cao, các cơ quan hoạch định chính sách cũng như khu vực doanh nghiệp, khu vực văn hóa nhất là công nghiệp giải trí, thông tin truyền thông đặc biệt là giới trẻ để có những chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp để tận dụng tối đa những cơ hội do cuộc cách mạng này đem lại.
Thứ hai, triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, của các sản phẩm văn hóa: văn học nghệ thuật.
Thứ ba, thực hiện đổi mới chính sách văn hóa , nhất là công nghiệp giải trí, thông tin truyền thông của Việt Nam theo nguyên tắc thị trường, nhằm mục đích phát triển ngành theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học công nghệ, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu các sản phẩm văn hóa, thể thao và du lịch nhất là công nghiệp giải trí, thông tin truyền thông.
Thứ tư, tăng cường quảng bá để nâng cao nhận thức lớp trẻ, hướng sinh vào các ngành STEM từ nhỏ, bắt đầu từ cấp mẫu giáo bằng các phương thức giảng dạy phức hợp như câu lạc bộ robots; Học tập nước tiên tiến trong việc đưa lập trình vào chương trình học từ những lớp dưới; khuyến khích tinh thần học tập suốt đời, học tập liên tục trên cơ sở tận dụng những công nghệ học tập mới dựa trên internet.
Thứ năm, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, phong trào đổi mới sáng tạo ở các cấp và các ngành trong lĩnh vực văn hóa , văn học nghệ thuật. Xây dựng và thực hiện chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực hội nhập đón nhận cách mạng công nghiệp thứ tư cho các hoạt động văn hóa, thông tin và sáng tác văn học nghệ thuật.
N.H.V