Tạp chí Xứ Thanh góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong sáng tác VHNT thời kỳ hội nhập - Hữu Huy
Chưa bao giờ vấn đề xây dựng văn hóa và con người mới lại đặt ra cấp bách cho toàn Đảng toàn dân ta như hiện nay. Đất nước hội nhập mang đến cho chúng ta nhiều vận hội mới nhưng đồng hành với nó cũng không ít “gió độc” nhân cơ hội tràn vào. Cũng chưa bao giờ cuộc chiến đấu giữa cái mới, tiến bộ với cái cũ, cái lạc hậu lại gay gắt như lúc này. Đó cũng là trăn trở của những nghệ sĩ chân chính cũng như những người làm công tác quản lý Văn hóa. Văn học, nghệ thuật có thật sự là “văn dĩ tải đạo”, là “món ăn và liều thuốc tinh thần” cho dân chúng hay không? Một câu hỏi chung đặt ra là: Làm thế nào để văn học nghệ thuật bắt kịp với tiến bộ, hội nhập mà không mất đi “hồn cốt” cha ông ta bao đời tạo dựng?
Chúng ta từ các Hội VHNT của 5 vùng kinh đô xưa và nay: Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế đến tham dự cuộc Hội thảo với chủ đề: “Xây dựng và phát triển văn hóa con người mỗi vùng Kinh đô Việt Nam xưa và nay trong sáng tác VHNT thời kỳ hội nhập và phát triển” (do Hội VHNT Ninh Bình đăng cai tổ chức) là vô cùng ý nghĩa. Mỗi vùng đất kinh đô ngoài những nét văn hóa chung mang tính đại diện còn chứa đựng nhiều nét văn hóa riêng mang yếu tố vùng miền đặc thù cho sự phát triển của mỗi triều đại. Vì vậy Văn học Nghệ thuật luôn cần có sự giao thoa, học hỏi để bồi đắp tâm hồn tình cảm, phẩm chất, nhân cách các thế hệ con người Việt Nam nói chung, các vùng kinh đô nói riêng nhất là trong thời kỳ đất nước hội nhập tiến bộ và phát triển.
Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng và tinh tế của văn hóa. Đặc trưng của văn học là “văn dĩ tải đạo”. Để làm được việc này, đòi hỏi các tác phẩm văn học không những chỉ biết chuyên chở những chuẩn mực đạo đức nhân cách làm người có sẵn mà còn phải biết sáng tạo nên những hình tượng văn học có sức rung động cảm hóa mạnh mẽ, cổ vũ con người vươn tới sự hoàn thiện những điều tốt đẹp hơn, thanh lọc những cái xấu, cái hèn hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ.
Đi đến tận cùng của bản sắc ta gặp cái mới, đi đến tận cùng của văn hóa vùng miền, ta sẽ gặp dân tộc, đi tận cùng văn hóa dân tộc ta sẽ gặp văn hóa nhân loại. Cuộc hành trình ấy mà lịch sử mấy ngàn năm văn học nghệ thuật vẫn đi kiếm tìm và để lại dấu ấn là không dễ dàng. Nhưng Văn học, nghệ thuật các vùng kinh đô xưa và nay qua các thời kỳ cũng đã để lại những tên tuổi, những tác phẩm còn mãi với thời gian.
Sau hơn 30 năm đất nước đổi mới, đặc biệt những năm gần đây, các sáng tác văn học nghệ thuật Thanh Hóa đã ngày một mang hơi thở của cuộc sống. Mảnh đất sinh vua, sinh chúa, sinh trạng; một xứ sở mà ở đó con người bao đời nay đã trở thành huyền thoại trong chiến đấu và trong lao động đổi mới đất nước kết tạo thành những trầm tích văn hóa không thể phủ nhận qua các sáng tác nghệ thuật. Trong bài viết này tôi xin được đề cập đến vấn đề “Tạp chí Xứ Thanh góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong sáng tác Văn học nghệ thuật thời kỳ hội nhập”.
Tạp chí Xứ Thanh góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong tác phẩm VHNT là yêu cầu tất yếu khách quan với 3 nội dung chính như sau:
1. Tạp chí Xứ Thanh thực hiện nhiệm vụ chính trị
Từ khi được thành lập (1994) đến nay, tiền thân là Tập san “Người bạn văn hóa”, Tạp chí Xứ Thanh đã không ngừng cố gắng nâng cao chất lượng hầu mong đáp ứng nhu cầu ngày một nâng cao về hưởng thụ văn hóa văn nghệ của công chúng, từ đó góp phần xây dựng nền văn hóa, con người tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mang sắc thái xứ Thanh. Tạp chí làm tốt vai trò là một trong 5 cơ quan báo chí của tỉnh Thanh Hóa. Với tinh thần thấm nhuần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Nghị quyết số 33-NQ/TW của Trung ương “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Mặc dù còn khó khăn về nhiều mặt nhưng tạp chí vẫn cố gắng khẳng định vai trò của văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội.
Tạp chí đã bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật đề cập đến mọi mặt của đời sống xã hội, những thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Phản ánh sinh động các sinh hoạt chính trị lớn của đất nước và của tỉnh về chủ đề Học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các chuyên đề chuyên sâu về Năm du lịch quốc gia - Thanh Hóa 2015 kết nối các di sản; kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên; Diễn đàn xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017, v.v...
Các chuyên trang chuyên mục: văn, thơ, nghiên cứu, lý luận, phê bình, văn hóa, âm nhạc, tranh, ảnh nghệ thuật... thực sự là nơi tin cậy để mỗi tác giả gửi gắm đứa con tinh thần của mình; Những tác phẩm giới thiệu trên tạp chí đã phần nào làm nên diện mạo văn học, nghệ thuật xứ Thanh thời kỳ hội nhập và phát triển.
Văn hóa miền núi các dân tộc thiểu số, văn hóa làng xã, công sở đến văn hóa cộng đồng, văn hóa vật thể, phi vật thể, văn hóa tín ngưỡng, tâm linh... đã được đề cập dưới nhiều góc nhìn hiện đại. Các tác phẩm đã cố gắng tìm tòi đổi mới để thích ứng với nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân.
2. Tạp chí xứ Thanh là nơi công bố rộng rãi tác phẩm VHNT
Tạp chí Xứ Thanh, hơn 20 năm qua luôn đồng hành cùng các tác phẩm của nhiều tác giả khắp cả nước trong sáng tác VHNT; đặc biệt có ưu tiên giới thiệu tác phẩm của hội viên. Do vậy tìm đến Tạp chí Xứ Thanh, chúng ta bắt gặp những vỉa quặng văn hóa lấp lánh đa dạng, cuốn hút sự khám phá.
VHNT Thanh Hóa được thừa hưởng truyền thống của một nền văn hóa lâu đời trên quê hương xứ Thanh, một nền văn hóa phát triển rực rỡ qua nhiều thời kỳ và có bản sắc riêng: Từ hoa văn trên mặt trống đồng đến sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, từ “Nàng Nga - Hai Mối”, hò sông Mã, hát múa Đông Anh, Trạng Quỳnh, Xiển Bột... đến địa danh Quần Tín - Cái nôi của Văn hóa kháng chiến quy tụ của nhiều nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhạc sỹ, họa sỹ lớn của đất nước; dấu tích thành nhà Hồ, Lam Kinh là những vỉa quặng thả sức trí tưởng tượng cho mọi loại hình nghệ thuật.
Các sáng tác được công bố trên Tạp chí Xứ Thanh dù ở bất kỳ loại hình văn học nghệ thuật nào thơ, văn, nhạc, họa, kiến trúc, sân khấu, múa, điện ảnh... đều bám sát đời sống, đấu tranh cho cái tiến bộ, loại trừ cái xấu, cổ hủ những tư tưởng phản động, lai căng, độc hại.
3. Tạp chí Xứ Thanh góp phần tuyên truyền quảng bá tác phẩm VHNT về xây dựng và phát triển văn hóa con người xứ Thanh thời kỳ hội nhập
Thông qua các tác phẩm có chất lượng hình ảnh văn hóa con người xứ Thanh đến với độc giả cả nước và thế giới một cách tự nhiên và bền vững: Một cây rau má bé nhỏ trong một áng thơ cũng gợi mở một tâm hồn, một nhân cách lớn; một cử chỉ văn hóa, một khoảng lặng trong tiết mục sân khấu... cũng tạo nên hiệu ứng có sức lay động hơn nhiều so với chuyên đề tuyên huấn giáo điều...
Coi trọng chất lượng tạp chí là thước đo hàng đầu, Tạp chí đã nhiều lần tổ chức các cuộc thi Sáng tác như Cuộc thi thơ cuối thế kỷ (1998-1999), cuộc thi sáng tác văn học trẻ (2011), cuộc thi truyện ngắn (2012-2013), cuộc thi viết ký về đề tài biên phòng (2014), cuộc thi truyện ngắn (2 năm 2015-2016). Và hiện đang phối hợp với Bộ đội biên phòng Thanh Hóa tổ chức cuộc thi thơ về chủ đề Biên giới và Biển, đảo, được đông đảo bạn viết trong và ngoài tỉnh nhiệt liệt hưởng ứng, hứa hẹn thành công tốt đẹp.
“Mất văn hóa là mất tất cả”. ý thức rõ điều này, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và biên tập Tạp chí xứ Thanh luôn ý thức xây dựng và phát huy thế mạnh của mình trong hành trình đi tìm vỉa, tạo trầm. VHNT có bắt kịp với thời đại hay không? Có thật sự là cơn gió cuốn phăng mọi “ung bướu rác rưởi”, bảo tồn những gốc rễ, văn hóa thuần phong hay không? Có len lỏi được vào tâm hồn con người mà cảm hóa tâm hồn, mà thổn thức cùng hơi thở, nhịp sống thời đại? Đó là những câu hỏi bức thiết được đặt ra cho mọi loại hình nghệ thuật. Đòi hỏi tạp chí thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn đạo đức làm người. Tạp chí cần có nhiều đột phá trong đầu tư, trong hình thức trình bày, chất lượng in ấn, chế độ nhuận bút, chế độ đặt bài.
Phấn đấu vì sự phát triển VHNT là vấn đề lý luận cần được hiện thực hóa sâu sắc. Đồ thị phản ánh sự phong phú, đa dạng của tác phẩm VHNT cứ tăng dần, nhưng đồ thị đi tìm các tác phẩm hay trong VHNT thì còn nhiều khiêm tốn. Trách nhiệm đó thuộc về văn nghệ sĩ và về cán bộ lãnh đạo VHNT. Những sáng tác VHNT rất cần được “tiếp sức”, “tiếp lửa” của Đảng và Nhà nước trong hành trình sáng tạo, xây dựng phát triển văn hóa, con người thời kỳ hội nhập, phát triển.
Trở lại với chủ đề Hội thảo, vậy VHNT 5 vùng kinh đô, nhất là các tạp chí các vùng kinh đô cần phải làm gì? Nên chăng cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các hội, các tạp chí nhằm trao đổi kinh nghiệm, trao đổi cộng tác viên, bài vở và giao lưu văn hóa giữa các vùng. Tổ chức thường xuyên các cuộc hội thảo, luân phiên ở các tỉnh. Mở chuyên mục “giao lưu văn hóa các vùng kinh đô xưa và nay” trên cả 5 tạp chí. Từ đó nâng cao chất lượng các tác phẩm VHNT, nâng cao chất lượng tạp chí địa phương, góp phần xây dựng phát triển văn hóa, con người mỗi vùng kinh đô trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
H.H