Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Nữ sỹ Hà Mai Hạnh - một cuộc đời thơ - Lưu Đức Hạnh
Nữ sỹ Hà Mai Hạnh - một cuộc đời thơ - Lưu Đức Hạnh

1. Bà tên thật là Nguyễn Thị Vĩnh, hiệu Đan Thanh, sinh năm 1926; nguyên quán phố Lò Chum, thành phố Thanh Hóa, sinh quán xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc. Thân sinh là Nguyễn Đan Quế (1890-1949), cử nhân nho học, qua trường Hậu Bổ nhưng không nhận đường quan (quan cai trị) mà chỉ nhận huấn đạo (học quan). Rồi thấy vẫn gắn với quan trường, lại xin về làm đốc giáo (hiệu trường) trường tiểu học Pháp-Việt. Trước ở huyện Hương Thủy (Huế) sau về quê nhà. Nhưng muốn thoát hẳn ràng buộc với chính trường thực dân phong kiến bấy giờ, năm 1929 Nguyễn Đan Quế xin thôi việc. Ông mua và khai phá 46 mẫu đất vùng hoang địa Sóc Sơn (từ núi Giang Đông qua núi Hùng Lĩnh đến núi Báo dọc bờ sông Mã) mở trang trại trồng lúa, nuôi bò, sống đời tự cung tự cấp. Ngay khi đang dạy học, Nguyễn Đan Quế đã là một yếu nhân của Tân Việt Cách mạng đảng Thanh Hóa với các hoạt động sôi nổi như tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh; chuẩn bị đón tiếp Phan Bội Châu ra Bắc, cộng sự với Huỳnh Thúc Kháng trong việc bán tín phiếu lấy tiền lập báo Tiếng Dân. Năm 1937, được sự vận động, ủng hộ của Đảng Cộng sản, Nguyễn Đan Quế ứng cử và trúng cử Viện Dân biểu Trung kỳ. Ông được bầu làm ủy viên thường trực kiêm chủ nhiệm báo Tiếng Dân - cơ quan ngôn luận của Viện. Dưới sự lãnh đạo của ông, báo không những không hưởng trợ cấp của chính quyền đô hộ mà còn có sự chỉ đạo với các bài viết của nhiều cán bộ cộng sản như Phan Đăng Lưu, Ngô Đức Mậu, Lâm Mộng Quang, Nguyễn Cửu Thạnh,... Được 3 tháng, báo bị đóng cửa, Nguyễn Đan Quế chịu 6 tháng án treo. Trở lại quê nhà, ông sống một đời ẩn sĩ với nỗi niềm “Mong con cháu Việt khôn ngoan nữa/ Mong nước non Hồng rực rỡ thêm/ Mong cuộc hòa bình yên tựa núi/ Mong đường kinh tế nhẹ như tên/ Mong chưa thấy được còn mong mãi/ Mong mãi đêm ngày ruột rối điên”. Cách mạng tháng 8 thành công, Nguyễn Đan Quế giữ chức Chủ tịch ủy ban Kháng chiến huyện Vĩnh Lộc. Năm 1948-1949, ông được bầu làm Hội trưởng Hội Liên Việt tỉnh, kiêm Giám sát Liên Việt liên khu IV.
Chồng bà, Lê Hữu Kiều, tức Nam Mộc (1915-1989), năm 1936 sau khi đậu tú tài tham gia làm báo cách mạng thời Mặt trận Dân chủ ở Hà Nội, Huế; được đồng chí Trường Chinh (1907-1988) quý mến, dìu dắt tận tình. Từ 1939-1942, Lê Hữu Kiều về quê hoạt động, thành lập trường tư thục Lam Sơn, là nhân vật tích cực trong Hội Truyền bá quốc ngữ, chủ bút báo Bạn Đường - cơ quan ngôn luận của tổ chức Hướng đạo Thanh Hóa, lập Đoàn Thiếu sinh Lê Lai. Đầu năm 1943, ông được Trung ương Đảng điều động vào công tác ở Nam kỳ. Sau đó được cử làm Bí thư xứ ủy Nam kỳ. Từ sau Cách mạng tháng 8, ông lần lượt là Giám đốc Nxb Sự Thật, ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam, Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957); Chủ nhiệm các báo Cờ Giải Phóng, Độc Lập, Cứu Quốc Liên khu II, III. Ông được phong hàm Phó Giáo sư; trước khi nghỉ hưu là nghiên cứu viên cao cấp - Trưởng ban Lý luận Viện Văn học. Là tác giả và chủ biên nhiều công trình nghiên cứu về đường lối văn nghệ của Đảng. 
Đây chính là 2 người ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời, tư tưởng tình cảm của bà Nguyễn Thị Vĩnh - Hà Mai Hạnh. Một người là sĩ phu yêu nước, ý chí kiên cường, trọng đạo lý, sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn. Một người là chiến sĩ cộng sản mang một ít tư vị quân tử nho gia, phần nào có máu lãng mạn tiểu tư sản. 
2. Thiếu thời, Nguyễn Thị Vĩnh - Hà Mai Hạnh được mệnh danh là “Kì nữ núi Sóc Sơn”. Người ta kinh ngạc vì sự mẫn tuệ của cô bé. Khi cô chưa hề tới trường lớp nhưng vẫn đọc được Hán văn do tự học bằng cách nhận mặt chữ Hán qua thuộc lòng Đường thi, Chinh Phụ ngâm khúc và các văn phẩm khác trong tủ sách gia đình. Bàn luận say mê Luận ngữ của Khổng Tử, kịch Lôi Vũ của Tào Ngu, tác gia văn học hiện đại nổi tiếng của Trung Quốc lúc bấy giờ.
Bài thơ đầu tiên bà Hà Mai Hạnh làm là vào năm 1943, gửi người yêu - ông Nam Mộc Lê Hữu Kiều đang hoạt động bí mật ở phương Nam.
Không ràng giữ bước anh đi 
Lòng em vẫn khóc chia ly lặng thầm.
Bà làm thơ cũng vì mối tình duy nhất này, “Dù mai dâu bể, bể dâu/ Duyên thơ cho mối tình đầu là đây”. Sau này làm thơ là vì “Tằm rút ruột dành đường tơ/ Xin neo níu chút duyên thơ tặng đời” và bởi suy nghĩ “Đường đời ai cũng hoàng hôn/ Đường thơ thanh khí mãi còn bình minh”. Nhưng mãi đến năm 1995 khi bước vào tuổi 70 bà mới cho in tập thơ đầu  Cội nguồn (Nxb Văn học). Năm 1999, in tập thơ Điểm tựa (Nxb Văn học). Năm 2015, tập Từ chiếc lá xanh (Nxb Thanh niên) ra đời. Năm 2017, dù ở tuổi 92, bà vẫn nhanh nhẹn, tỉnh táo, say mê đọc thơ, say sưa kể lại những kỉ niệm về gia đình, về những con người nổi tiếng của quê hương mà bà thân quen: Đặng Văn Hỷ, Thôi Hữu, Hồng Nguyên... Bà đọc cho tôi bài thơ vừa sáng tác hồi đầu năm, tưởng niệm những con người có cuộc đời nhiều thăng trầm, với niềm đồng cảm vô hạn “Vẫn cảm nhận những gì khuất lấp/ Trong âm u/ Không bóng mặt trời”. 
Thơ bà, con người bà biểu hiện trông thấy là “con người mới”, nhưng cốt cách, phong cách lại thấm đượm dáng dấp khuê nữ, khuê phụ, hiền thê lương mẫu của người phụ nữ phương Đông có học vấn một thời đã xa. Thích làm thơ, ưa ngâm vịnh, xướng họa với thi hữu. Bà tuyệt nhiên không phải là người làm thơ chuyên nghiệp, cho nên tôi không gọi bà là nhà thơ hay thi sĩ mà gọi bà là nữ sĩ.
3. Hai miền tâm tưởng - cảm xúc sâu lắng, nổi bật trong thơ Hà Mai Hạnh là Quê hương và Gia đình. Rời nhà đi kháng chiến chống Pháp trên chiến khu Việt Bắc; làm báo Cứu Quốc rồi về công tác ở Viện Văn học, Nxb Văn học, Nxb Khoa học xã hội, từ hòa bình lập lại (1955) đến nay sinh sống tại Hà Nội, bà không thể tính thuộc những người “tha phương cầu thực”, sống thân “đất khách quê người”. Nhưng dẫn dắt thơ bà lại thường là tâm thức ly hương, tha hương. Có lẽ đó là “bệnh cảm” của những con người “Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” (Huy Cận). Hình bóng quê nhà qua dằng dặc thời gian đều xưa cũ, xa vắng. Hà Mai Hạnh nghĩ đến quê là dâng trào nỗi nhớ bồi hồi, tha thiết “Nhớ da diết tận cõi lòng/ Quê hương là cả ráng hồng tuổi thơ/ Mang màu xanh của ước mơ/ Cho trăn trở lúc bạc phơ mái đầu/ Càng xa lâu, càng nhớ sâu/ Nhớ ngôi nhà nhỏ bên cầu Bốn Voi/ Nhớ núi Mật, nhớ núi Nhồi/ Nhớ sông Nam Ngạn, nhớ đồi thông cao/ Nhớ bến Ngự, nhớ sông Đào/ Nhớ lên Thọ Hạc, nhớ vào Cầu Sâng/ áo cơm, duyên nghiệp, nợ nần/ Đường danh lợi vẫn chân trần... tha hương/ Có khi ấm lạnh vầng dương/ Vẫn ưu ấp nỗi nhớ thương quê mình/ Xa miền đất mẹ cha sinh/ Còn trong ký ức bóng hình khôn khuây/ Dòng sông bè gỗ ken dày/ Bên kia Lò Tiểu, bên này Lò Chum/ Máu xương thấm đượm mạch nguồn/ Cho bèo - mây vẫn trọn đường thủy chung” (Mạch nguồn). Đấy là nguyên quán, còn đây là sinh quán “Nhớ về Chùa Báo, đình Bồng/ Nhớ sang Toán Nghệ qua vòng Eo Lon/ Sương nhòa đỉnh núi Sóc Sơn/ Nắng còn luyến sóng rập rờn trên sông/ Bến Hoành neo chiếc thuyền không/ Chờ người tan buổi chợ Bồng sang ngang.../ Nhớ da diết điệu hò khoan/ Trong mênh mông gió trăng ngàn/ Quê ơi!” (Quê ơi). Đối với bà, quê hương thật nhạy cảm. Nhiều khi ngồi một mình, nữ sĩ chìm đắm trong câu hỏi mà người ngoài thấy như “lẩn thẩn” - “Lau già còn rợp bến Giang Đông/ Mây có trôi qua đỉnh núi Hùng/ Bồng, báo những ai về chợ muộn/ Đò Hoành còn đợi khách sang sông?”. Hoặc như “Cho đến hôm nay sương đã điểm màu mái tóc/ Nhưng mỗi khi nghe điệu hò mặn nồng tình nghĩa xứ Nghệ, man mác thân thương xứ Huế/ Tôi lại nao nuốt bồi hồi nhớ điệu hò sông Mã thiết tha vời vợi... quê tôi/ Ôi! Dòng nước đục trong từng mùa, bên bồi, bên lở/ Bên bồi đắp cho đầy nỗi nhớ/ Lòng người xa quê hương như bên lở chơi vơi” (Nỗi nhớ quê hương II). Và “Mỗi khi nghe vọng hò sông Mã/ Tôi khóc mà không nước mắt rơi”. Lại như “Đèn khuya thức đối sầu nghiêng bóng/ Mường tượng chèo khua sóng bến sương”; lại như “Mấy chục năm trời tha hương ấy/ Mắt từng nhòa lệ cả trong mơ”. Rồi lại “Tự ru mình, tự an nhiên/ Chìm sâu vào giấc mộng êm quê nhà”. Tại sao lại như thế? Bởi lẽ, với bà “Nơi đâu neo níu hành trình/ Phải nơi đất mẹ cha sinh quê nhà”. Với bà, “Đi trong thành bại thế tình/ Vẫn nguyên cốt cách, dáng hình quê hương/ Nhớ về Thanh Hóa thân thương/ Lòng tôi ấm giữa giá sương cuộc đời”.
4. Gia đình trong thơ Hà Mai Hạnh căn cốt là “Nghiệp nhà truyền nối từ xanh tóc/ Vẫn sắt son cho đến bạc đầu”. Nghiệp nhà là cái nghiệp nho gia yêu nước - cộng sản cách mạng với truyền thống “Dù cho tay trắng, chân trần/ Nguyên nguồn chính khí dành phần cho con”. Vậy nên đến nay bà vẫn tâm niệm “Quản chi tất bật tuổi già/ Sao cho nghĩa nước - tình nhà vẹn hai”. ấy là phần chung.  Phần riêng, có nhiều thơ về người cha, anh chị em, con cháu nhưng riêng nhất, xoáy sâu nhất vẫn là cho chồng, Nam Mộc - Lê Hữu Kiều, một “thần tượng” của bà từ thuở hoa niên. Bà đã nguyện đi cùng ông từ ấy dù biết ông làm cộng sản hiểm nguy, tù đày, hi sinh bất cứ lúc nào. “Em vẫn bình dị thủy chung như ước định thuở ban đầu/ Nguyện sẽ mãi là người bạn đồng hành dẫu anh trọn đời “quàng áo lá”. Hai người đã có khoảng thời gian chia xa “Anh là lòng du khách/ Em là rau cố hương/ Anh rộn ràng tám hướng/ Em âm thầm một phương”; “Anh là nước xuôi dòng/ Em là đá trông chồng/ Nước xuôi xuôi mãi mãi/ Đá trông sáng chiều trông” (thơ Nam Mộc - Lê Hữu Kiều). Cũng có nhiều ngày bên nhau cùng hoạt động mà ông là người anh, người thầy, người yêu thương “Chung đèn viết đọc những thâu đêm/ Anh cởi áo ngoài khoác ấm êm/ Sương muối trắng rừng mờ nóc lán/ Lạnh lùa qua mái, lách qua phên.../ Nhiều khuya đọc mệt em thiu ngủ/ Anh đắp cho em áo lẫn mền/ Từng dẫn dắt em mỗi bước đi/ Nguyện rèn dũng khí trước gian nguy/ Để cùng chiến đấu chung hàng trận/ Để được dâng công trước quốc kì/ Là bạn, là anh, là thầy dạy/ Cũng là rung cảm buổi đầu tiên/ Tình mang nghĩa nước trong nhau ấy/ Đã sắt son thêm những ước nguyền” (Giá có luân hồi). Có lần bà nói với chồng “Chung đường đi một ước mơ/ Chung trang sách một bài thơ cuộc đời/ Cầm tay mắt đọng chung lời/ Duyên ta mãi đượm tình người mai sau”. Thế nên khi ông mất cho mãi tới bây giờ, với bà vẫn là nỗi đau thương lớn nhất, niềm nhung nhớ khôn nguôi. Khi ông mới mất, bà “vẫn khóc khi một mình dịu lặng/ Thắp nén nhang thơm trên bát hương thờ/ Có bao đêm thức trắng với ngọn đèn mờ”. Sau giỗ đầu, bà ghi cảm nhận “Chưa tưởng đời em sống thiếu anh/ Đèn chung đêm trắng mộng không thành/ Lần trang sách cũ càng da diết/ Thương mối tơ duyên tạc cội cành/ Quạnh quẽ mai chiều vắng bóng anh/ Vào ra nước mắt lại vòng quanh/ Đã chung đau cái đau nhân thế/ Rày để riêng em lẻ phận mình?/ Thờ thẫn nhìn theo mây bộn trời/ Ước gì em hóa giọt mưa rơi/ Được tan thấm hết vào phần mộ/ Vẫn có em trong nắng lửa đời”. Nhìn cây “Vạn niên thanh thuở ông trồng/ Còn xanh rười rượi căn phòng đơn sơ.../ Ngước nhìn ảnh - dáng ông xưa/ Niềm thương nhớ vẫn ngập bờ trào tuôn”. Bà nghĩ “Vạn niên thanh chẳng phải hoa/ Màu xanh dịu suốt đời bà, là ông”. Trở lại quê nhà không có ông đi cùng, bà thấy “Cảnh vẫn thân quen mà thiếu vắng/ Chiều lên nỗi nhớ xuống mênh mông”, và than và ước “Sao chẳng còn anh, hỡi nước mây/ Địa cầu sao chẳng trái vòng quay/ Cho em có được dù giây phút/ Nghiêng tựa vai anh giữa cảnh này”. Năm ấy bà 64 tuổi. Cả nhà tổ chức mừng thọ bà. “Rể, dâu con cháu mặt như hoa” bà thì “Yêu thương mẹ ngước nhìn ảnh bố/ Mắt bố vui cho mắt mẹ nhòa”. Lấy cháu con làm điểm tựa “Thiếu anh, nhờ có lũ cháu con/ Em bớt cô đơn đỡ héo mòn”, nói thế nhưng bà vẫn hằng mơ thấy chồng rồi thảng thốt tỉnh giấc “Anh đâu rồi/ Chớp lạnh cõi đêm”, với tâm trạng “Anh đi mà tám năm rồi/ Vẫn nao nỗi nhớ như hồi còn anh”. Vẫn “Từng đêm mong ngủ có chiêm bao/ Gặp được người thương tự cõi nào/ Tỉnh mộng mắt còn ngân ngấn lệ/ Chếch vòm song, lẻ một vì sao”. Đấy là những năm 70 tuổi. Sang tuổi 80, nỗi nhớ vẫn đong đầy “Sáng chờ, trưa đợi, chiều mong/ Đêm về nỗi nhớ không đong vẫn đầy/ Giữa hè ai thả heo may/ Mà hiu hắt đến hao gầy tâm tư”. Bởi vẫn ước mong “Giá có luân hồi để gặp nhau/ Lệ mừng thành suối rửa thương đau/ Tặng anh hoa hái từ phong nhụy/ Từng đóa nguyên hương thuở mộng đầu”. Cho nên cái tư ảnh Hà Mai Hạnh từ bấy đến giờ như lời con gái là “Từ ngày cha khuất cõi người/ Mẹ như quên nói, quên cười/ Chiếc khăn giặt rồi quên phơi/ Đôi gối giở ra lại cất/ Sáng thờ thẫn ngó mây trời/ Chiều đăm đắm nhìn cỏ đất/ Từng khuya bóng lẻ lặng ngồi/ Nỗi nhớ đong đầy nhật nguyệt”. Còn tôi đọc những vẫn thơ này cho rằng, thơ khóc chồng của nữ sĩ, nhất là hình tượng người sương phụ qua thơ bà được khắc họa sâu lắng, cảm động không kém gì những thi phẩm khóc chồng trong văn chương nước ta xưa nay.
5. Nữ sĩ Hà Mai Hạnh lấy quê hương làm cội nguồn, lấy gia đình làm điểm tựa, song tựu chung bà vẫn là một công dân chuẩn mực dẫu hiện thời xã hội nhiều khi thiếu chuẩn mực. Bà nói với các con “Mẹ khinh bỉ mọi lối mòn/ Quẩn quanh danh lợi... vàng son nhất thời/ Đành ngơ ngác giữa chợ đời/ Miễn không lạc hướng khi trời đêm đen”. Bà vẫn quyết “Tình nhà nghĩa nước trên vai mẹ/ Vẫn nặng thêm khi nắng xế chiều”. 
Những gì trải nghiệm, thanh lọc qua cuộc đời tư tưởng, tình cảm của bà, có thể nói bà đều biến thành thơ dù bà không định thành nhà thơ. Đây cũng là một điểm tựa vì bà chỉ có một suy nghĩ “Tâm hồn ai hướng về thơ/ Cũng lung linh giữa đơn sơ đời thường”; “Lọc trong nguyên mạch nguồn đời/ Chứa trong quan cảm thẳm vời là thơ”. Và “Gian nan chẳng thể lấp vùi/ Thăng hoa là phút chắt đời thành thơ”. 
Cứ thế, nữ sĩ Hà Mai Hạnh an nhiên sống, an nhiên ngâm vịnh, làm thơ cho dù tri âm, thi hữu của bà giờ đây ngày một vắng bóng. Còn bà, 92 tuổi vẫn “Tóc trắng hồn thơ vẫn ánh hồng”.
                                                                         L.Đ.H
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 168
 Hôm nay: 13385
 Tổng số truy cập: 12947387
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa