Giai điệu miền biên cương và hải đảo nhìn từ một cuộc thi thơ - Hoàng Trọng Cường
Vấn đề biên giới quốc gia và biển, đảo tổ quốc bao giờ cũng khơi dậy được tấm lòng của cả dân tộc với niềm trăn trở và kiêu hãnh. Đề tài về biên giới và biển, đảo cũng là đề tài luôn được những người sáng tác VHNT quan tâm. Bởi vậy cuộc thi thơ về đề tài “Biên giới và biển, đảo” do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa và Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh phối hợp tổ chức năm 2017 trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh đã dành được sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của đông đảo những người làm thơ chuyên và không chuyên trong và ngoài tỉnh.
Những kết quả đã đạt được
Đây là một cuộc thi có diện rộng về không gian, không hạn chế về đối tượng nên từ khi phát động cuộc thi; tháng 01 năm 2017 đến tháng 12 năm 2017, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 600 bài thơ của hơn 200 tác giả ở khắp mọi miền đất nước, thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau. Nhiều tác giả gửi dự thi nhiều lần, mỗi lần dự thi nhiều bài như tác giả Nguyễn Hưng Hải ở Phú Thọ, Lê Anh Phong ở thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Ngọc Hưng ở Quảng Ngãi, Nguyễn Hoài Ân ở Bình Định, Phạm Thuận Thành ở Bắc Ninh, Văn Hùng, Bùi Khắc Viên, Nguyễn Thanh Xuyết, Phan Quỳnh, Phong Lan ở Thanh Hóa, v.v... Tác giả là cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở các chiến trường, chiếm tỉ lệ khá đông. Đó là các tác giả: Lê Đình Bằng, Vũ Duy Hòa, Bùi Kim Quy, Ngô Xuân Tiếu, Mai Trọng Cử, Vĩnh Huệ Liên, Trần Cương, Trịnh Minh Châu, Hoàng Quốc Cảnh, Nguyễn Duy Chinh, Nguyễn Trọng Liên, Hà Hồng Kỳ, Phan Duy, Nguyễn Trọng Văn, Ngô Minh Bắc... Đặc biệt là sự tham gia dự thi của các tác giả trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, đó là Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô (Bộ Tư lệnh BĐBP), Văn Hùng (cựu sỹ quan BĐBP Thanh Hóa đã nghỉ hưu) và đội ngũ tác giả là cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng đang công tác trên hai tuyến biên giới tham gia dự thi khá đông, như các tác giả Thịnh Kiên, Lê Văn Long, Phan Doãn Thà, Lê Văn Nhất, Lê Ngọc Đản, Thao Văn Đua, Nguyễn Văn Hảo, Ngô Ngọc Sơn, v.v... Và đặc biệt hơn nữa, còn có cả một người hiện đang sinh sống và công tác nơi biên giới Việt - Lào, đó là cô giáo Nguyễn Thị Cúc, giáo viên trường THCS Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa. Chị Lê Thị Thanh Thủy, bút danh Phong Lan, một người có tình cảm đặc biệt với Bộ đội Biên phòng đã gửi dự thi hơn trăm bài thơ. Tác giả Phong Lan không thuộc biên chế Biên phòng, nhưng hầu như chị dành phần lớn thời gian và tâm sức cho công tác Biên phòng, chị đã tham gia các hoạt động từ thiện, chị đến với cán bộ, chiến sỹ biên phòng và bà con vùng cao, biên giới, từ Lai Châu, Sơn La cho đến Quảng Bình, Đắc Nông, Kiên Giang... Các đồn Biên phòng Đắc Dang, Tuy Đức, Pò Hèn, Tén Tằn, Hà Tiên, Ra Mai... trở thành thân thiết đối với chị, bởi vậy chị đã có tới hơn 600 bài thơ viết về Biên phòng. Những tấm lòng và sự nhiệt tâm tham gia hưởng ứng cuộc thi như vậy đã góp phần làm nên sự thành công của cuộc thi.
Các tác giả dự thi, có những người là nhà thơ đã thành danh, có thành tựu trên văn đàn, có nhiều người lần đầu đến với thơ ca bằng những câu chữ mộc mạc, chân chất nhưng thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước và trách nhiệm công dân. Mặt khác, tác phẩm dự thi rất phong phú về thể loại; về giọng điệu, đa phong cách, đa thanh. Có tác giả chau chuốt câu chữ kỹ càng, cấu tứ chặt chẽ, nhưng cũng có nhiều tác giả bê nguyên xi đời sống thô ráp với chất giọng hồn nhiên, đáng yêu. Lại có những tác giả thấy gì cũng tiếc nên khiến bài thơ luễnh loãng...
Các tác giả là cựu chiến binh đều có một cái nhìn và sự đồng cảm khá sâu sắc và tinh tế với những gian lao của các chiến sỹ nơi biên cương, hải đảo. Các tác giả đang là chiến sỹ Biên phòng lại thật thà thổ lộ công việc, tấm lòng của người trong cuộc.
Điều đó đã làm nên sự hấp dẫn của thơ dự thi lần này.
Ngay sau khi phát động, trên số tháng 12 năm 2016, Ban Biên tập đã cho đăng chùm thơ dự thi đầu tiên. Và cho đến khi kết thúc cuộc thi, Ban Biên tập đã chọn in 112 bài thơ của 71 tác giả.
Vài nét về thơ dự thi
Hầu hết các tác phẩm dự thi đã bám sát chủ đề của cuộc thi “Biên giới và biển, đảo”. Đây là đề tài thu hút khá đông người làm thơ trong thời gian qua. Điều đó khẳng định, thơ ca luôn gắn liền với cuộc sống, là hơi thở của cuốc sống, là tiếng rung ngân của cung đàn đất nước.
Mặc dù chất lượng thơ còn nằm ở nhiều cung bậc khác nhau, tùy thuộc tài năng của mỗi tác giả. Nhưng tựu chung, đều thể hiện được tấm lòng, nỗi trăn trở và khát vọng của con người trước thời cuộc. Không ít bài thơ, câu thơ hay, gây xúc động, để lại ấn tượng trong người đọc. Xin được dẫn ra mấy chủ đề được các tác giả đề cập trong tác phẩm dự thi:
1. Trước hết, đó là tình yêu đất nước, yêu cuộc sống hòa bình, thấm thía những nỗi đau mất mát và sự hy sinh cho độc lập tự do và sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc: Về đi anh/ Trời gần tối rồi/ Đừng để anh em tìm nữa.../ Về đi anh/ Anh em đang đợi... (Về đi anh - Phong Lan), Em đắp mộ gió cho anh/ Cạnh thầy, mộ gió cỏ xanh bời bời/ .../ Những hùng binh đã khát quê/ Gió rần rật thổi nhập về mộ thiêng/ Bao mộ gió, âm vọng riêng/ Của làng biển, giai điệu miền cát bay (Em đắp mộ gió cho anh - Hải Minh).
2. Đó là nỗi gian nan, vất vả của người chiến sỹ biên phòng ngày đêm canh giữ biên cương của Tổ quốc: Trong đêm tuần tra, những chuyến đi xa/ Biển dữ dội và màn đêm dữ dội/ Chỉ một chút thôi là sóng chìm sóng nổi/ Bóng đen nào giăng kín bủa vây (Tình yêu chiến sỹ biên phòng - Lê Văn Long), Đêm mật phục/ Thâu đêm con mắt thức/ Sương giăng lớp lớp/ Cách một tầm tay không nhìn rõ mặt/ Đi nhẹ nhàng từng bước/ Cứ lần theo người trước mà đi/ Con vắt hút căng bụng máu/ Con kiến cắn buốt thịt da... (Đêm mật phục - Nguyễn Thanh Xuyết).
3. Biên giới hòa bình và hữu nghị, đó là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của người chiến sỹ biên phòng. Thơ viết về người lính nơi biên cương khắc họa rõ nét đẹp đó của các anh: Người dân hai bên biên giới/ Uống chung nước một dòng sông/ Cùng nhau đốt nương làm rẫy/ Buồn vui câu chuyện ngày thường/ Mối tình anh em Lào - Việt/ Bao năm gắn bó vững bền/ Bộ đội biên phòng hai nước/ Thân thiết như hai anh em (Bữa cơm chiều biên giới - Hoàng Quốc Cảnh).
4. Đó là sự khẳng định bất biến chủ quyền của Tổ quốc nơi trùng khơi: Đá xa khơi mặn mòi biển/ Đá đất liền ấm tình quê/ Đến đây hợp thành trụ thép/ Lập chủ quyền nước Việt Nam/ Đá trăm miền cùng hội tụ/ Kết thành tên đá Trường Sa/ Chủ quyền ngàn năm ngập nước/ Vươn lên vụt sáng chói lòa.
5. Giữa bốn bề bão tố, cả bão tố của thiên nhiên và bão tố của con người hiểm độc tạo nên, và ở nơi rừng sâu biên giới, vẫn yên bình một khung trời giản dị non nước Việt: Hải âu về đây làm tổ/ Ta trồng thêm gốc phong ba/ Ta gom cánh chim bão tố/ Thả tiếng chuông chùa ngân nga... (Phạm Thuận Thành), Thi thoảng có những chiều hoàng hôn/ Lính đảo chúng tôi quay quần ngồi lặng lẽ/ Không ai nói gì, mắt hướng về đất mẹ/ Nghe biển rì rầm và đón trăng lên (Khoảng lặng - Đỗ Xuân Thu), Những cung đất đan hoa tay, ủ hồn rừng, vía núi/ Thao thiết câu khặp, câu xường của bà, của mẹ/ Những cung đất làm nôi cho tiếng cu cườm vời vợi khoảng ban trưa (Ruộng bậc thang - Thanh Giang).
6. Rồi nỗi chờ chồng của người thiếu phụ vò võ nơi quê nhà, mỏi mòn đến hóa đá: Em chờ anh, chờ suốt một phần đời/ Vẫn chờ anh trong chiều sương phố cũ/ ánh sao rơi lung linh trên đầu mũ/ Rơi xuống vai người... lấp lánh giữa tim nhau (Nỗi niềm người lính biên cương - Nguyễn Thị Mai Trâm), Bà thương ông đỏ quạch ngọn đèn dầu/ Xóm ven biển những đêm trở gió/ Sóng đánh vào vách đá/ Rát bỏng mắt bà ở phía khơi xa (Mắt bà ở phía khơi xa - Thy Lan).
Thông qua thơ dự thi, khát vọng bình yên nơi biên ải, nơi đảo xa và khát vọng về sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc hiển hiện, thúc gọi triệu triệu trái tim người Việt.
Cũng thông qua thơ dự thi, tấm lòng người dân cả nước đối với những người đang lăn lộn nơi rừng sâu biên giới, đang canh gác ngoài đảo xa... trở thành thông điệp, gửi tới các anh, giúp các anh vững tin và vững lòng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó.
Cuộc thi còn có một nhiệm vụ, đó là phát hiện, bồi dưỡng lực lượng sáng tác để bổ sung cho đội ngũ tác giả hội viên của Hội VHNT Thanh Hóa. Điều vui mừng là thông qua cuộc thi, nhiều gương mặt mới của thơ ca xứ Thanh đã xuất hiện, hy vọng họ sẽ đi xa hơn, đó là Nguyễn Thanh Xuyết, Bùi Khắc Viên, Phan Quỳnh, Linh Thảo, Trương Thị Thư, Văn Hùng, Trần Cương, Phong Lan...
Mặc dù đã có rất nhiều cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa tham gia dự thi, nhưng số đó vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với các tác giả ngoài lực lượng Biên phòng. Có nghĩa là còn khá ít thơ của người trong cuộc, thơ viết về mình, nói về mình của chính những chiến sỹ biên phòng, một trạng thái mà không phải ai cũng có được, ai cũng nói được. Những tâm tư, tâm sự, những trải lòng của người lính biên phòng, của những người đang ngày đêm lăn lộn nơi biên cương, canh giữ sự bình yên của bản làng và sự toàn vẹn từng tấc đất biên cương của Tổ quốc hẳn sẽ xúc động, giành được sự đồng cảm của người đọc hơn nhiều.
Một điều nữa, trong thơ dự thi gửi về Ban Biên tập, còn khá nhiều những bài thơ nặng về kể lể hoặc mô tả, diễn tả đơn thuần, dễ dãi. Thiếu sức sống của một bài thơ, thiếu vốn sống của đề tài, càng thiếu sức gợi đối với một đề tài được công chúng quan tâm. Điều đó đặt ra một vấn đề: Vốn sống, trải nghiệm của người làm thơ là rất cần thiết. Thiếu vốn sống, thiếu trải nghiệm sẽ không có thơ. Hy vọng rằng, những yếu tố này sẽ được hoàn hảo hơn ở các cuộc thi lần sau.
Công tác chấm thi
Đây là cuộc thi được phổ biến rộng rãi, và trên thực tế đã có sự tham gia hưởng ứng của đông đảo bạn viết trong cả nước. Vì vậy việc chấm thi cũng được đặt ra với những tiêu chí hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt. Ban Tổ chức đã mời một số nhà thơ có uy tín trong nước và trong tỉnh tham gia Ban Sơ khảo và Chung khảo. Có sự tham gia của những người trong cuộc, là những cán bộ đang và đã từng là bộ đội Biên phòng.
Ban Sơ khảo là các nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm, đại tá, nhà thơ Phạm Thanh Khương (BĐBP), nhà thơ Lâm Bằng (Trưởng ban thơ Hội VHNT Thanh Hóa, cựu chiến sỹ BĐBP); Và Ban Chung khảo là đại tá, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, đại tá, nhà thơ Vương Trọng, và nhà thơ Lê Tuấn Lộc. Ban Sơ khảo và Chung khảo đã làm việc cẩn trọng, khách quan, thống nhất cao và đã chọn ra 10 tác phẩm đạt giải, theo đúng cơ cấu được đặt ra trong thể lệ cuộc thi.
Cuộc thi thơ về đề tài “Biên giới và biển, đảo” do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa và Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh phối hợp tổ chức năm 2017 đã thành công tốt đẹp. Hiệu ứng và sự lan tỏa của cuộc thi đã vượt qua sự mong đợi của những người tổ chức cuộc thi.
Để có được kết quả tốt đẹp này, trước hết phải khẳng định, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Biên phòng Thanh Hóa, Đảng đoàn và Thường trực Hội VHNT Thanh Hóa đã có những chỉ đạo kịp thời và sát sao; Sự năng động của Ban Tổ chức và Ban Biên tập tạp chí Xứ Thanh; Sự công tâm, khách quan của Ban Giám khảo và sự tham gia nhiệt tình của các tác giả trong cả nước, đã gửi bài dự thi, hưởng ứng và cổ vũ cho cuộc thi.
Hy vọng rằng, thông qua cuộc thi thơ về đề tài “Biên giới và biển, đảo” lần này, khát vọng bình yên nơi biên ải, nơi biển đảo, khát vọng về sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc càng hiển hiện, thúc gọi triệu triệu trái tim người Việt.
Và cũng hy vọng rằng, thông qua thơ dự thi, tấm lòng của người dân cả nước đối với người lính quân hàm xanh, vẫn ngày đêm lăn lộn nơi biên cương, biển đảo, trở thành thông điệp gửi tới các anh, góp phần giúp các anh vững tin, vững lòng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ thiêng liêng mà tổ quốc giao phó với tất cả sự đồng cảm, sẻ chia và trân trọng.
H.T.C