Đồng vọng với "Chuông chùa đồng vọng" - Nguyễn Vượng
“Lão Đệ”(*) - nhà văn xứ Thanh nổi tiếng với những “Tia cá bể đông”, làng chài Diêm Phố và những chuyến đi bể - thứ đặc sản của làng quê đã làm nên tên tuổi, giải nhất văn chương cho lão. Nhưng mà chưa hẳn vậy - có lẽ còn phải gọi lão là nhà văn Việt Nam xứ Thanh, vì không chừng lão đã vào Hội Nhà văn Việt Nam từ đời tám hoánh. Không hiểu vì lẽ gì, hay do can cớ gì mà bỗng dưng lão cà tưng, cà tàng nhẩy vào lĩnh vực phê bình, giới thiệu văn chương, lại còn rất hứng khởi và nhiệt thành với các nhà văn trẻ. Âu cũng là một việc tốt, để lão bớt dong chơi giữa dòng đời mà quên tiệt mất văn chương. Lão cả gan viết lời bạt cho tập truyện Chuông chùa đồng vọng của nữ nhà văn Ngân Hằng, mà lại viết cứ như đúng rồi - “Giọng điệu trong trẻo, lời viết giản dị nhưng sâu lắng - tình vui làm ta xao xuyến, tình buồn làm ta nhói đau, ấy là cái hay của văn vậy”. Lão đã thế, và vì đã trót chơi với lão để trả nợ văn chương, vậy thì tại sao lại không nhâm nhi, ngẫm nghĩ về lão và đồng vọng với Chuông chùa đồng vọng.
Truyện ngắn Áo tơ hồng in ở đầu tập có vẻ được tác giả quá dấu yêu như để thương nhớ một thời thơ dại. Quả vậy, chuyện ấy thực ra chả có gì to tát và ghê gớm lắm đâu - chuyện trẻ con ấy mà, thế nhưng nếu thẩm cho kỹ và cảm cho sâu thì nghe ra tứ của truyện lại cứ lung linh mà ý của truyện lại hơi là lạ. Chỉ riêng việc bịa ra được cái áo tết bằng dây tơ hồng đã có thể ghé bến Diêu Bông.
Tứ, ý của truyện khen được đã khó, câu, chữ của truyện chê lại càng khó hơn. Dẫu đã biết Cao Hành Kiện - người Trung Quốc, tác giả Núi hồn - Linh Sơn, giải Nô ben năm 2000, đã từng phân hồn - phách mình thành Ta và Mi để đối thoại và diễn họa văn hóa Trung Hoa trong một tiểu thuyết không cốt truyện, nhưng cũng khó có thể nói gì về việc phân đôi Anh và Em trong truyện áo tơ hồng - chuyện của một thời con gái hay nói một cách văn hoa hơn là của “một thời thiếu nữ say mê” khi mà: “Trời nhuộm buồn, xơ xác trên những sợi tơ hồng” - chúng héo dần rồi chuyển sang mầu nâu kệch - Anh đã quên áo tơ hồng, chả có gì cả đâu, lại khi mà “Em vẫn đan nó bằng cả trái tim của một người con gái yêu thầm”.
Gần mà xa, quen mà lạ -Trời ơi cái dây tơ hồng, cái mớ bòng bong, cái nợ đèo bòng - Hồn dân dã sao mà dai dẳng vậy.
Đến tìm ta ngỡ ta lạc lối về
(Nửa đêm nghe tiếng bò trong thành phố - Trần Đăng Khoa)
Và rồi: “Hàng cúc tần ngày càng xum xuê, những sợi tơ hồng cũng leo sang nhà anh nhiều hơn, chúng nhuộm sự ngăn cách bằng chính mầu vàng rộm ấy”.
Quá khứ của một đời người là một mầu vàng hoàng thổ, tuổi thơ ơi, thời thiếu nữ xa xôi ơi - hãy về tết áo tơ hồng cùng tôi.
Văn đấy, người đấy - có phải vậy không hỡi Lão bạn nhà văn mãi mà vẫn chưa chịu già.
Chuông chùa đồng vọng thực ra phải gọi là câu chuyện của những “cánh đồng đồng vọng của những cánh cò, cánh vạc, của đất đai, bờ bãi, của những mùa hoa cải ven sông, của “Rơm rạ ơi ta trở về đây - Bà với mẹ như cánh cò cánh vạc” - Nguyễn Duy; Chuyện của một thời ly tao loạn lạc, binh lửa và chiến tranh, tựa như chuyện nàng Mạnh Khương mang áo rét cho chồng dưới chân vạn lý trường thành, hay nàng Tô Thị chờ chồng hóa đá vọng phu. Cũng đã từng có một thời những cánh đồng đồng vọng hóa vọng phu làng.
Chuông chùa đồng vọng điểm thêm nét xuyết tâm thiền giữa thinh không cho vọng phu làng, làm đẹp thêm tâm thế của những người yêu khát khao hạnh phúc cho nhau kiểu như “Đêm nay trăng sáng dãi trên vườn chè” - Nguyễn Bính. Hạnh phúc phải chăng chính là sự dâng hiến đến tận đáy người, đáy đời.
Vườn chuối đêm trăng của Chuông chùa đồng vọng như thực, như mơ, như cổ tích: “Trăng len nhẹ qua những tầu chuối”; “Mỗi khi trăng lên vườn chuối xanh nõn nà, lại đang mùa nảy lộc nên những lá non cuộn tròn múp míp”; và rồi: “Trăng chênh chếch trên những ngọn cây vàng ruộm”; “Tiếng chuông chùa đồng vọng vào khoảng nhá nhem tối” - chuông thu không giữa sáu triền sông đấy mà; “Không gian hư ảo, mùi khói hương rồi tiếng mõ gõ đều đặn vọng lại”; “Vài bóng người hờ hững đi qua, tất cả đều yên ắng và thần bí đến rợn người”; “O giờ đã thành bà lão thập thõm, lưng còng, tóc trắng - Tiếng O rầu rĩ trong gió thổi thung chùa” - Rồi người ấy cũng trở về, mong nhớ cũng trở về nhưng lại để mà thôi - à ơi là à ơi - vườn chuối đêm trăng thanh của những cánh đồng đồng vọng.
Thế đấy:
Nhạn quá trường không
ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
Nghe nói đây là câu kệ của Hương Hải thiền sư trả lời vua Lê Dụ Tông khi nhà vua hỏi về ý của Phật tổ.
Vâng, cứ thế - Nhạn cứ bay qua trời, ảnh cứ in đáy nước, nhạn không ý lưu dấu, nước không tâm lưu hình. Nhưng nhạn cứ bay thì bóng lại cứ in đáy nước.
Chuông chùa đồng vọng dẫu là khúc ru buồn, nhưng quá đỗi là tình, đồng vọng giữa thinh không.
Chuông chùa lan sáu triền sông
Cánh cò cánh vạc trôi vào hư không
Nguyễn Vượng
Chuông chùa đồng vọng đã cõng ta đến bờ giác ngộ.
Tập truyện còn khá nhiều ưu tư, chiêm, trải, khắc khoải của Ngân Hằng, nhưng hiềm nỗi chỉ là một kiến trúc sư mắc nợ văn chương nên chẳng dám ăn gan hùm để mà lí luận mà phê bình - những đoản khúc trên chỉ đồng vọng với Chuông chùa đồng vọng. Ngõ hầu đem lại một lối cảm, thẩm, bình văn chương riêng mà thôi, nếu có mắc lỗi gì xin được tạ cùng tác giả.
à mà này - “Lão Đệ” - hình như khi đồng vọng với Chuông chùa đồng vọng, ta đã nhận thấy dấu hiệu tương đồng, tương ái của các nhà văn xứ Thanh trong cuộc chuyển giao thế hệ, nếu đúng vậy thì vui thật là vui.
Nào Lão bạn - cụng ly - cùng hòa ca, cùng đồng vọng vì những nét tươi mới của văn chương xứ này.
Thanh Hóa, 1-1-2018
N.V
(*) Nhà văn Nguyễn Văn Đệ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên Ban Chấp hành - Trưởng ban văn xuôi Hội VHNT Thanh Hóa.