Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Với nhà thơ Hoàng Cầm - Lê Xuân Kỳ
Với nhà thơ Hoàng Cầm - Lê Xuân Kỳ

Cuối cùng rồi tập thơ "Về Kinh Bắc" với bao chìm nổi cũng đã ra mắt bạn đọc và đã bán hết. Tập thơ nền nã và tầm cỡ như vậy mà lại in có một nghìn bản thì hơi uổng. Anh đã nặng nhọc vất vả "đẩy chiếc xe thơ về Kinh Bắc". Hơn một nửa thế kỷ dò dẫm, hẫng hụt, tưởng chừng phải dừng lại ở "Bên kia sông Đuống" nào ngờ anh cũng đã tìm được đường "Về Kinh Bắc". Trong chiếc xe đẩy (chắc là xe cút kít vừa đi vừa kêu vang trời), anh đã bầy chất ngất văn nghiệp của anh, những gì là vinh, là nhục của người làm thơ, sống bằng thơ, lấy thơ làm cứu cánh.
Tôi đã gặp Hoàng Cầm nhiều lần, nghe anh đọc thơ và kể chuyện. Anh cho tôi số nhà và bảo đến chơi, anh ở trên gác. Vào đến cửa rồi mà cứ cho là mình nhầm nhà. Căn hộ cấp bốn thì làm gì có trên gác với dưới nhà. Đang băn khoăn thì nghe tiếng anh ở nóc nhà vọng xuống. Anh ở gác xép, hai gia đình con trai ở dưới.
Tôi đã đọc một tài liệu địa chí xưa có nhận xét "Người Kinh Bắc xưa vốn hào hoa, phong nhã mà đằm thắm, rộng rãi". Qua Hoàng Cầm tôi thấy nhận xét ấy là phải chăng, có thể chấp nhận được. Anh tài hoa, bóng bẩy và lúc nào cũng có nỗi buồn phảng phất, man mác hiện trên nét mặt và cả ở thi ca. Mái tóc bạc trắng, đôi mắt tinh tường và sâu thẳm như đang chìm vào một khoảng không vô định, đang chiêm nghiệm, đang định bật lên một cái gì đó là của riêng anh. Anh ít cười và cái cười cũng không bật thành tiếng, ấy vậy mà anh là người đa tình và lắm bạn tri âm.
Chiếc xe thơ của anh kẽo kẹt suốt dọc đường thơ nên người ở xã cũng đã nhận ra được hành trình của thi nhân. Một con sông Đuống cũng bình thường như con sông Kỳ Cùng của xứ Lạng, sông Cầu Chày của xứ Thanh, thế mà qua thơ Hoàng Cầm nó trở nên nổi tiếng như là một bức tranh tuyệt đẹp có nhiều mảng màu tương phản, những đường nét họa tiết sống động. Tôi nhớ lần đầu đi máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, lúc máy bay hạ độ cao, tôi thấy hiện ra trước mặt dòng sông đỏ nặng phù sa mà đoán đó là sông Hồng. Rồi một con sông nhỏ hơn với những bãi mía, nương dâu, bất giác ngâm se sẽ: 
Em ơi, buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì....
Sông Đuống trôi đi 
Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ.
Hoàng Cầm có cái vinh dự mà không phải nhà thơ nào cũng có là ở chỗ thơ của mình được người đời đem ra ngâm nga mỗi khi có chuyện vui buồn. Có nhà thơ đã nói được người đời nhớ cho một câu đã là hạnh phúc lắm rồi. ở Hoàng Cầm là cả một bài, hai bài và nếu rộng ra thì có nhiều nữa. Anh đã đem hết lòng dạ để yêu mến quê hương, để viết về quê hương.
Anh dẫn ta về Kinh Bắc, và ta đã lạc vào một thế giới của hội hè, đình đám, sống giữa những liền anh, liền chị. Mà khó dứt áo để ra về, thôi đành giã bạn "đến hẹn lại lên".    
Một chuyện tình không có đoạn kết
Tôi còn nhớ đâu vào khoảng cuối năm 1992, bên quán vỉa hè ở 49 và 51 Trần Hưng Đạo có cái biển quảng cáo rất khôi hài dán trên gốc cây:
Có bán... Kiều Loan... Hoàng Cầm
Ai lại bạo phổi đem Kiều Loan và Hoàng Cầm đi "bán" rao. Mà thời buổi cơm gạo kém này ai lại mua vạ vào làm gì? Mua Kiều Loan thì có thể nhưng Hoàng Cầm thì xin lạy! Sau nhìn thấy có hai chữ "kịch thơ" bị mờ vì tấm biển treo đã lâu ngày. Phải có bán "Kiều Loan, kịch thơ của Hoàng Cầm" mới đúng chứ!
Nhớ lại câu chuyện khôi hài đó, tôi hỏi tác giả vở kịch thơ "Kiều Loan":
- Người ta nói chung quanh kịch thơ Kiều Loan là cả một thiên tình sử không có đoạn kết có đúng không?
- Gần như vậy! Vở diễn cuối năm 1946 ở Hà Nội và ở Việt Bắc năm 1947. Nữ diễn viên xinh đẹp Tuyết Khanh đóng vai chính, vai Kiều Loan. Diễn viên và tác giả kịch bản đã mến nhau, yêu nhau. Kết cục của mối tình là Tuyết Khanh sinh con gái. Một Kiều Loan bé bỏng ra đời ở giữa núi rừng Việt Bắc, cùng chịu chung cái lạnh giá, thiếu thốn với bố mẹ những ngày đầu chống Pháp ở chiến khu. Chúng mình đặt tên con gái là Kiều Loan. Tên của tác phẩm với những ước mơ và hy vọng lãng mạn. Con gái được hơn bốn tháng thì chúng mình chợt nhận ra, Kiều Loan không thể lớn lên trong cảnh luôn luôn di chuyển, với măng rừng, củ mài và muỗi rừng. Tuyết Khanh đã chia tay, bế bé Kiều Loan về Hà Nội trong nước mắt và chia ly...
- Và anh có bao giờ gặp lại Tuyết Khanh và Kiều Loan ở ngoài đời?
- Năm 1954 về Hà Nội mình ra sức tìm kiếm nhưng Tuyết Khanh và Kiều Loan đã đi Nam. Năm 1975 giữa Sài Gòn giải phóng bố con mới gặp nhau. Kiều Loan đã hai mươi tám tuổi, và có hai con. Còn Tuyết Khanh đã đi Mỹ.
Bố con gặp nhau, Kiều Loan khóc, các cháu khóc, nước mắt ngày gặp mặt sau gần ba thập kỷ chia ly và chiến tranh. ít lâu sau Bùi Kiều Loan cũng đi Mỹ và các cháu nay đã học đại học. Kiều Loan đã là bà ngoại.
- Và anh có chắt, là cụ, cụ Hoàng Cầm.
Anh cười một nụ cười rất dè xẻn, nói tiếp:
- Tuyết Khanh đi tu, ăn chay niệm phật giữa lòng nước Mỹ. Bà muốn quên đi tất cả cho lòng thanh thản. Bà đã chọn con đường tu hành từ khi cuộc chia ly làm vụt tắt trong lòng nghệ sỹ những niềm vui trần tục. Bà vĩnh viễn xa rời ánh đèn sân khấu ngay sau khi lần đầu sắm vai diễn viên chính thành công.
- Nghe nói năm 1955 anh lập gia đình?
- Năm ấy hết hy vọng gặp lại Tuyết Khanh, mình đã lập gia đình với Lê Hoàng Yến, và sinh được hai con trai. Bà là người hiền thục, thương yêu chồng con. Tôi đã trao cái gánh nặng cuộc đời ấy cho Hoàng Yến, bà ấy giúp tôi đẩy chiếc xe thồ về Kinh Bắc đi trọn đoạn đường thiên mệnh của nó. Bà qua đời đã mười năm...
- Còn bây giờ?
- Mình là người tự do!
- Hôm ở Sài Gòn em nghe một người bạn kể về anh mà em sợ là đã nghe nhầm.
- Kể thế nào?
- Có một thiếu phụ đi viết luận án về "Kịch thơ Việt Nam" đã đọc các kịch bản của anh từ "Kiều Loan", "Trương Chi" đến "ải Nam Quan" và bỗng nhận ra Hoàng Cầm là "người rất đáng yêu". Nghiên cứu sinh ấy tuyên bố "Sẵn sàng đem cuộc đời mình để phục vụ những năm tháng còn lại của thi sĩ Hoàng Cầm". Lại còn có chuyện người mến mộ anh, yêu anh mở cái "Quán Diêu Bông". Có đúng không?
Anh tủm tỉm cười - Bây giờ thì anh cười thật và thong thả nói: 
- Các cậu nhà báo hay tọc mạch lắm!
Chuyện trò với con trai Hoàng Cầm
ở quê anh Hoàng Cầm còn có con trai và con gái. Tôi đã gặp Bùi Hoàng Kỳ, con trai của nhà thơ "Bên kia sông Đuống", gặp ở thị xã bên dòng sông Thương thơ mộng. Anh đã năm mươi lăm tuổi và cũng rất giống bố, cũng nền nã, xởi lởi. Gặp nhau là thân nhau luôn, uống rượu và nói chuyện về "ông cụ". "Anh con" kém "anh bố" vừa đúng 18 tuổi và cũng uyên thâm cổ kim đông tây.
Những năm chiến tranh phá hoại, Hoàng Kỳ là giáo viên Trung học rồi chuyển về Hà Bắc làm cán bộ nghiên cứu và nay lại chuyển về Hà Nội làm báo. Hoàng Kỳ giải thích về những nét buồn man mác, nỗi sầu vạn cổ trong thơ Hoàng Cầm mà tôi cho là rất có lý.
Anh nói đại thể: Thơ Hoàng Cầm cũng như con người ông, có nỗi buồn cô đơn. Ông quen với những cuộc chia ly hơn là gặp gỡ, gặp gỡ ngắn ngủi rồi xa cách mãi mãi. Tất cả đối với thi sĩ chỉ là những ký ức dĩ vãng và những chuyện tình huyền thoại xen lẫn những mảng đời thường của hôm qua nhiều hơn là hôm nay. Cái vùng quê đa tình Kinh Bắc với những cánh mây trắng lững lờ đã cao thì cao vút mà thấp thì là là trên ngọn cỏ lá cây, như là có thể nắm bắt được ôm vào lòng và hòa tan trong đất trời. Con người trong thơ ông là những người của hoài niệm, của dĩ vãng nhưng là những người đẹp thuần khiết, nhân hậu.
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng.

Và những:
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm!.
Phải chăng Hoàng Cầm đã ghi hộ cho nhiều người về hình ảnh của mẹ mình:
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh, mái đầu bạc phơ.

- Nhà thơ Hoàng Cầm có dành cho con mình cái gì không?
- Chuyện các cụ là bi kịch trong tình yêu đôi lứa. Hai con người không có tình yêu và cứ xa nhau mãi. Mẹ tôi mất năm tôi chín tuổi, tôi ở với ông bà. Có lẽ những dòng này bố dành cho các con:
Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Tối ríu rít chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tường làm tổ ấm
Trong giấc ngây thơ dồn tựa sấm
ú ớ cơn mê 
Thon thót giật mình
Bóng giặc dầy vò

Những nét môi xinh...
Theo Hoàng Kỳ thì như thế cũng đã nhiều rồi. Và tôi thấy anh thật sự thông cảm với bố. Họ là nghệ sĩ cả và có cái nhìn rất nghệ sĩ, rất thực tế.
Sáng nay tôi đến thăm lại Hoàng Cầm thì thấy anh đang ngồi bó gối trên gác xép để viết hồi ký. Anh định viết tám trăm trang, còn lâu mới đến đoạn kết. Anh chép cho tôi bài thơ "Nhớ tuổi bảy mươi": 
Có nét buồn khôi nguyên
Chìm sâu vào đằng đẵng
Có tiếng ca ưu phiền
Chìm sâu vào lẳng lặng
Và dai dẳng em ơi
Là cơn say khát lả
Cứ thon mềm xanh lá
Trong men quê bồi hồi.

Với Kiều Loan
Một hôm Hoàng Cầm gọi điện thoại cho tôi.
- Đến chơi, có khách!
Và tôi đã gặp vị khách đó. Người đã khá nổi tiếng từ thời ấu thơ: Kiều Loan.
ở tuổi 50, Kiều Loan vẫn trẻ trung, lộng lẫy như một thiếu nữ Hà Thành. Cô sang Mỹ định cư và ở cùng mẹ, bà Tuyết Khanh. ở Mỹ, Kiều Loan vẫn làm thơ, diễn kịch. Cô về nước thăm bố, thăm các anh, các chị. ở Mỹ, Kiều Loan cùng một số bạn bè lập gánh hát "Kiều Loan". Đạo diễn là cựu diễn viên Tuyết Khanh. Người mà năm 1946 đã đóng vai Kiều Loan của Hoàng Cầm. Và nay trên đất Mỹ, kịch thơ Kiều Loan được trình diễn. Người đóng vai Kiều Loan là Kiều Loan - con gái của nhà thơ Hoàng Cầm, người đạo diễn chỉ đạo nghệ thuật là nữ nghệ sĩ Tuyết Khanh - vợ của nhà thơ Hoàng Cầm. Đây là một đoạn kịch không chuyên, thỉnh thoảng mới có buổi diễn cho khán giả là Việt Kiều. Những người đã yêu mến tác giả Hoàng Cầm, diễn viên Tuyết Khanh và Kiều Loan. Trong lịch sử kịch trường Việt Nam thật hiếm có những vở diễn đi suốt hai thế kỷ với dàn tác giả, diễn viên như vở Kiều Loan.
ở Mỹ, Kiều Loan gặp Phạm Duy, bạn của Hoàng Cầm. Nhạc sĩ Phạm Duy đã về lại Việt Nam sống những năm cuối đời. Ông về nước cùng một chuyến với giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê và bác sĩ y khoa Dương Cẩm Chương. Những chuyến về nước thăm gia đình, Kiều Loan đến ghé thăm Phạm Duy.
Nay nhìn các nhân vật lịch sử ấy đã vĩnh biệt cõi đời trên đất mẹ Việt Nam ở tuổi 94 và 93.
Hoàng Cầm, thi sĩ "Lá diêu bông" đã nhẹ nhàng, thanh thản vào cõi phật sáng ngày 6-5-2010 tại bệnh viện Hữu Nghị. "Chàng thi sĩ đa tình" yên nghỉ ở tuổi 90. Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật sau hơn 70 năm sống với thơ và chết cùng thơ.
Hoàng Cầm, tên thật Bùi Tằng Việt, sinh ra tại làng Lạc Thổ, nay là xã Song Hồ, huyện Thuần Thành, Bắc Ninh, trong một gia đình nhà nho nghèo sống bằng nghề làm thuốc đông y. Ông làm thơ từ năm lên tám, chín tuổi, bắt đầu được in từ những năm 1936-1937. Bút danh Hoàng Cầm xuất phát từ tên của một vị thuốc quý, nhưng đắng.
Vĩnh biệt anh, nhà thơ của tình yêu, người chiến sĩ Quân đội nhân dân, người đã để lại khúc bi tráng "Bên kia sông Đuống", kịch "Kiều Loan"!
                                                                                       Ngày 26 tháng 11 năm 2017
                                                                                                    L.X.K


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 185
 Hôm nay: 9937
 Tổng số truy cập: 12943939
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa