Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Bạc đầu người viết - Lê Xuân
Bạc đầu người viết - Lê Xuân

Lâu rồi chẳng muốn làm thơ
Trước trang giấy cứ vẩn vơ... một mình
Câu thơ vốn đã đa tình...
Lòng như suối cạn sao đành... với thơ.

Câu thơ như hững như hờ 
Mà day dứt đến bơ phờ ruột gan
Thơ là rượu của thế gian
Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau.

Cho đời nhớ được một câu
Bạc đầu người viết, chắc đâu đã thành
Thơ như của chín treo cành
Lại là lá đắng chữa lành vết đau...

Ngỡ rồi quẳng bút từ lâu
Giữa lăn lóc, lại bắt đầu là... thơ.

        (Gửi bạn làm thơ, Huy Trụ)

Mỗi nhà thơ trong cuộc hành trình đầy niềm vui và nỗi đau cao cả của mình luôn muốn chiếm lĩnh nàng thơ theo một cách riêng. Đã có biết bao nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước ở nhiều thời đại đưa ra những định nghĩa khác nhau về thơ nhưng xem ra vẫn chưa thể khái quát được tất cả vẻ đẹp về nội dung và hình thức cùng các chức năng vô hình, hữu hình của thơ.
“Thơ ca là một niềm vui cao cả nhất mà loài người tạo ra cho mình” (K.Mác). Nhà thơ Nga Raxun Gazatop cũng đã viết: “Thơ vừa là chỗ nghỉ ngơi vừa là việc đầy lao lực/ Thơ vừa là chỗ dừng chân, vừa là cuộc hành trình”. Thơ hay không hề dễ gì ta cảm nhận được ngay, có khi chỉ bằng linh cảm mà nhận ra. Đọc rồi, đọc nữa, suy ngẫm, liên tưởng ta mới nhận ra ánh sáng, màu sắc, hương thơm man mát bên trong hình tượng thơ. Chẳng thế mà nhà thơ Hoàng Đức Lương đã rất đề cao nàng thơ: Thơ là sắc đẹp ở ngoài sắc, vị ngọt ở ngoài vị, không thể trông bằng mắt thường được, chỉ có khi nhân trông thì mới thấy đẹp, nếm mới thấy ngon... Hay như Sóng Hồng (cố Tổng Bí thư Trường Chinh) viết: Thơ là nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng.
Giữa bao nhiêu day dứt, lăn lóc, đa tình, vẩn vơ, hững hờ với cuộc sống đời thường và với thơ, Huy Trụ cố đi tìm một định nghĩa thơ, thấm đẫm nội lực nhọc nhằn của một “phu chữ”, và đau đáu những lời tâm huyết Gửi bạn làm thơ.
Với 14 câu lục bát nhuần nhụy, nhân vật trữ tình chỉ độc thoại nội tâm, cật vấn lòng mình, cật vấn thơ. Nhà thơ mà lại “chẳng muốn làm thơ” từ lâu, mới nghe ra tưởng vô lý nhưng lại rất có lý. Thơ “đa tình” là thế nhưng khi lòng ta như hững như hờ hoặc như suối cạn thì làm sao có được thơ hay? ở đây có mối quan hệ nhân quả, có mâu thuẫn giằng xé nội tâm của nhân vật trữ tình với thơ. Đó là sự trăn trở khôn nguôi của thi sĩ khi cảm thấy lòng mình nguội lạnh, đành bất lực trước trang viết. Đó là sự thôi thúc từ trong sâu thẳm tâm hồn của nhà thơ muốn có thơ hay: Câu thơ như hững như hờ/ Mà day dứt đến bơ phờ ruột gan. Những dấu hỏi vô hình như cứa vào tâm can những ai nặng lòng với thơ. Giữa những tổn thương thổn thức, day dứt, băn khoăn ấy, Huy Trụ bật ra một định nghĩa thơ vừa mang tính cụ thể vừa mang tính triết luận, qua hình ảnh so sánh mộc mạc mà độc đáo:
Thơ là rượu của thế gian 
Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau...
Cho đời nhớ được một câu 
Bạc đầu người viết, chắc đâu đã thành.

Rượu được chưng cất qua bao nhiêu công đoạn, và từ xưa tới nay cả thế gian này đều cần đến. Và thơ chính là thứ “mỹ tửu” quý hiếm đó. Cả rượu và thơ đều làm say lòng người. Trong cuộc sống có rượu dởm thì cũng có thơ dởm. Thơ dởm là thứ thơ như “nước lọc” ấy có rót tràn ra cũng không thể làm lòng ta say. Định nghĩa về thơ của Huy Trụ chỉ ra đặc trưng của thơ, đồng thời cũng là lời cảnh báo đối với những ai quá dễ dàng với thơ, sản xuất ra thơ sồn sồn yếu kém hay tầm tầm. Để có được một câu thơ hay cho đời đâu phải dễ. Có người viết hàng ngàn câu  thơ nhưng tất cả đều trôi tuột. Có người viết rất ít nhưng đã để lại những câu thơ xanh cùng năm tháng, găm vào ký ức người đọc.
Nhà thơ cũng như người nông dân cày ruộng, gánh mưa vác gió... làm thơ (Ma Trường Nguyên) kéo cày chữ nghĩa, thai nghén để sinh nở ra đứa con tinh thần đẹp và khỏe mạnh sống lâu với đời. Nhà thơ Võ Văn Trực đã đồng cảm, đồng điệu với Huy Trụ trước trang thơ: Bút càng vật vã câu thơ/ Đồng càng xoáy gió cơn mưa mù trời.
Lao động nghệ thuật của nhà thơ là thứ lao động cực nhọc như con ong cần cù hút hàng triệu triệu bông hoa để làm nên chất mật ngọt vàng óng cho đời. Đó là thứ lao động của người đãi cát tìm vàng, hay luyện một thứ quặng hiếm để có sức công phá như bom nguyên tử: Nhà thơ trả chữ với giá cắt cổ/ Như khai thác chất hiếm rađium/ Lấy một gam phải mất hàng năm lao lực/ Lấy một chữ phải tốn hàng tấn quặng ngôn từ (Maiacopski - nhà thơ Nga). Chẳng thế mà Trần Dần gọi các nhà thơ là “phu chữ”. Nhà thơ Nguyễn Diệu trong một lần bất lực với thơ cũng đã phải thốt lên: Thôi đành bán hết mộng mơ/ Lấy tiền làm bữa tiễn thơ về trời.
Huy Trụ sau những trăn trở, nhọc nhằn với thơ, tưởng đã phải quẳng bút rồi, nhưng thơ đã vận vào anh như một “cái nghiệp” nên không dễ gì anh xa được thơ:
Ngỡ rồi quẳng bút từ lâu
Giữa lăn lóc, lại bắt đầu là... thơ 

Đúng như anh đã so sánh: thơ là đa tình, thơ là quả ngọt, thơ là lá đắng, thơ là rượu... như cuộc sống vốn có. Bởi thế, với anh có lẽ mãi mãi thơ là người bạn song hành trong cuộc đời.
Mở đầu bài thơ là sự khép lại của tâm hồn với nỗi buồn trước trang giấy trắng, và kết thúc là sự mở lòng ra cho thơ đi vào gan ruột “giữa lăn lóc lại bắt đầu là... thơ”. Bài thơ có 14 câu mà đã có đến 6 dấu chấm lửng (... như còn bao điều chứa (Trung Quốc) trong tác phẩm “Đàm Long tục” có viết: Thơ như con rồng thần thấy đầu chỉ thấy đuôi, có khi từ trong một đám mây lộ ra một cái vuốt hay một cái vây mà thôi, làm gì có toàn thể... “Thơ là cái nhựa của cuộc sống” (Tố Hữu), là thực là mơ. Chỉ khi nào hồn ta cộng hưởng, rung động cùng nhà thơ thì lúc đó cái hay, cái đẹp của bài thơ mới lóe sáng và bùng cháy. Nhà thơ Huy Trụ với “Gửi bạn làm thơ” đã nói hộ ta bao điều trăn trở, hoài vọng, lý thú về thơ, để mỗi người sáng tác thơ, yêu thơ cần nặng lòng với thơ hơn nữa.
                                                                                                                L.X


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 189
 Hôm nay: 8856
 Tổng số truy cập: 12942858
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa