Nhà thơ Lê Văn Vọng - Sự chân thành làm nên giá trị - Đỗ Ngọc Yên
46 bài thơ và lời giới thiệu của nhà thơ Văn Lê, người bạn chiến đấu cùng chiến trường năm xưa với nhà thơ Lê Văn Vọng được gói gọn trong gần 100 trang sách nhỏ, xinh có tên Nhặt nắng gieo mùa đã đem đến cho tôi một cảm giác bình yên, thanh thản khác lạ. Bởi lẽ đọc kỹ tập thơ tôi thấy toát lên sự chân thành đến ngỡ ngàng, khi vào những năm cuối thập niên hai mươi của thế kỷ XXI này với đầy biến động và bão giông từ cả thiên tai và nhân tai vẫn còn có những nhà thơ bình thản và chân thành đến như Lê Văn Vọng.
Muốn có cái để gieo mùa thì người ta phải biết chắt chiu, chọn từng hạt giống tốt. Đấy vừa là cái tâm, vừa là cái tầm của Lê Văn Vọng. Chỉ cần nhìn vào tên sách Nhặt nắng gieo mùa, người hay nghề chữ nghĩa biết ngay đây là cách đặt tên của một cây bút lão luyện trong làng văn chương.
Cuốn sách là tập hợp các bài thơ viết từ những trải nghiệm của nhà thơ hoặc là mắt thấy tai nghe hay những suy tư về lẽ đời, lòng người. Nhưng theo tôi, mảng thơ viết về những người thân quen của ông thật sự xúc động. Chúng ta hãy lắng nghe nhà thơ thưa chuyện với người cha của mình:
Thưa cha
Hà Nội đêm nay trở gió
Trời âm u, không khí lạnh tràn về
Con bỗng thấy lòng mình đau nhói
Nơi cha nằm tê tái góc cồn quê...
Để rồi bỗng người con thơ dại của cha tự mình lần về ký ức, dẫu rằng nó đã xa ngái nhiều tháng năm, ở cái thời mà dân quê choa (Thanh Hóa), ngày đông về chỉ biết sưởi ấm bằng ổ rơm:
Gió bấc về làm con nhớ ổ rơm
Cha nằm úp thìa cho con đỡ rét
Manh chiếu cũ đêm trường sao mà hẹp
Che được đầu lại hở đằng chân...
(Thưa cha)
Tình cảm của nhà thơ đối với người mẹ đã đi xa cách đây hai mươi năm về trước cũng sâu nặng biết nhường nào:
Mẹ ra đi thế mà đã hai mươi năm
Hai mươi năm con không được nhìn tấm lưng còng của mẹ
Con không được nghe tiếng mẹ ho đêm trường lạnh giá
Hai mươi năm con không được nghe tiếng gậy mẹ chống trên nền nhà
Hai mươi con không được nghe tiếng mẹ thổi lửa mỏng như gió thoảng
Nấu cho con bát cơm độn đầy khoai sắn khi con về.
(Mẹ ơi)
Và đây là lời khuyên của người cha đối với con gái khi đi lấy chồng:
Con hãy nhận mình luôn là người giữ lửa
Trong ngôi nhà những lúc gió lạnh xiên
Đừng so sánh với bạn bè cùng lứa
Bởi mỗi người một số phận riêng.
(Con đi lấy chồng)
Về nơi chôn rau, cắt rốn của mình, nhà thơ có cái nhìn có vẻ như đắng đót hơn, nhưng vẫn rất chân thành. Sự đắng đót ấy của một thời đạn bom và đói nghèo thì làng quê Việt nào chẳng từng trải qua như thế. Nhưng với Lê Văn Vọng đấy là cái làng nằm cạnh sông Yên, mặt hướng ra biển Đông, lưng tựa vào cánh đồng. Vì thế mà dường như làng với ông là đôi bạn tâm giao, tri kỷ:
Tôi có làng, làng cũng có tôi
Hai số phận không rời nhau nửa bước
Tôi đi xa, gói làng trong tâm thức
Bóng đa còm, tỏa kín giấc mơ đêm...
(Làng tôi)
Có thể nói bất cứ nhà thơ nào khi viết về các đấng sinh thành hay những người thân yêu, về quê hương xứ sở của mình cũng đều dành trọn những tình cảm chân thành nhất khi cầm bút. Vì đấy chính là một phần máu thịt trong cuộc đời của người thơ. Họ đã góp một phần đáng kể, thậm chí là có phần quyết định trong suốt hành trình đi tìm cái đẹp của người thơ. Không có họ chắc chắn sẽ không có nhà thơ. Đối với nhưng người này không nhất thiết cần những vần thơ bay bổng, hoa mỹ hay những suy tư trừu tượng, mà trên và trước hết cần sự chân thành được nói ra từ đáy lòng mình. Chính sự chân thành ấy là căn cốt làm nên giá trị của thơ ca viết về mảng đề tài này. và có lẽ viết được về cái làng bé nhỏ của mình như thế này chắc chỉ có Lê Văn Vọng, bởi:
Tôi với làng từng đã bao phen
Uống cạn chén thề lách qua khe cửa hẹp
Của đạn bom, mất mùa bão xát
Của nỗi đau trần thế những mái nghèo...
(Làng tôi)
Những vùng quê, những miền đất hay những người có số phận không may mắn mà nhà thơ từng đặt chân tới hay bắt gặp trên đường từ khi còn là người lính chiến thời kỳ chống Mỹ cứu nước hoặc sau khi hòa bình lập lại ông đều đã ghi lại những cảm xúc của mình một cách chân thành nhất, giàu tính sẻ chia, những mong làm được một điều gì đấy dù rất nhỏ, nhưng cũng đủ đem đến cho cõi lòng người thơ một sự bình yên và thanh thản. Và đây là cuộc sống mưu sinh của những người đồng nát:
Chiểu tất niên - Chiều xum họp gia đình
Sự đầm ấm xua tan gá rét
Cơn gió mùa đông bứt đi chiếc lá cuối cùng
Cái lạnh ngấm vào da thịt...
Tiếng rao cuối chiều khản đặc
Như hụt hơi
Nghẹn ngào, tha thiết
Những tiếng rao lạc trong gió buốt...
Chiều tất niên
Anh đợi chị về trong gian nhà đày gió
bếp đợi chị về để mà đỏ lửa
Những đứa con chờ... áo mới mẹ mua...
(Tiếng rao)
Nhặt nắng gieo mùa nói riêng và thơ Lê Văn Vọng nói chung, ăn đứt nhiều người ở sự bình dị, chân thành đến từng chi tiết, giọng điệu, cấu tứ, cách cảm, cách nghĩ và ngôn ngữ thể hiện. Cả tập thơ, rất ít khi thấy ông dùng những từ đao to, búa lớn, những khái niệm trừu tượng, những triết lý vòng vo. Lê Văn Vọng đã có lý khi chọn mảng đề tài này rất hợp với tạng tính cách của ông. Tuy nhiên, ở một số bài trong tập này cũng không thiếu những suy tư chiêm nghiệm về những điều tưởng như thế này, nhưng lại là thế khác như: Dã tràng, Đánh cờ, Mẹ nghèo tôi gặp, Tiếng chuông chùa... Với mặt bằng thơ hôm nay đầy rẫy những thứ thơ gọi là hậu hiện đại, tân hình thức, hiện thời plus trên các sạp sách báo cũng như trên mạng xã hội, thì Nhặt nắng gieo mùa là tập thơ tôi thích vì có những cách tân nhất định về cảm quan thế giới của nhà thơ cũng như ngôn ngữ thể hiện trên cơ sở thơ Việt truyền thống, rất đáng để đọc. Cả tập viết khá đều tay không có bài nào quá nổi trội, cũng như không có bài nào đuối, chứng tỏ người thơ có ý thức rất rõ về trách nhiệm của mình đối với bạn đọc khi cầm bút cũng như lúc chọn đưa vào tập. Chúc mừng ông.
Đ.N.Y