Tôi cứ đi trên con đường chưa nhìn thấy - Nguyễn Minh Khiêm
Tôi làm thơ từ những năm cấp hai, chính xác là từ năm lớp 4. Hồi ấy, trong chương trình Tập làm văn, thầy giáo có cho học sinh tập làm... thơ. Tôi viết một bài lục bát ca ngợi cảnh đẹp của làng. Làng có những gì nổi bật tôi đưa vào tất. Thầy đọc cho cả lớp nghe, khen mãi. Thế là trong tôi manh nha niềm tin, rằng mình làm được thơ. Thừa thắng xông lên, trong đà hưng phấn, tôi viết liên tục gần ba chục bài. Toàn thơ ba chữ, bốn chữ, năm chữ. Tôi đóng một quyển vở bằng giấy rơm bình dân, chép những bài thơ mình làm vào đó. Quyển vở này tôi cất giữ, mãi đến khoảng năm 1994 thì bị mối mọt ăn hết. Lên cấp hai, tôi viết nhiều nhất là năm lớp 7. Nghỉ hè, đi làm thủy lợi đào mương hợp tác xã, tôi làm thơ phản ánh, ngợi ca không khí lao động xã hội chủ nghĩa. Ông chủ nhiệm, chỉ huy công trường thường xuyên đọc thơ của tôi trên chiếc loa cầm tay cho bà con xã viên nghe.
Nhà tôi không có ai làm văn chương. Bố mất năm tôi mới tám tuổi. Mẹ quanh năm mò cua bắt ốc nuôi con. Làng cũng không có ai là nhà văn, nhà thơ hay nhà báo. Trời phú, tôi học rất giỏi. Lớp 1, lớp 2, lớp 3 liên tục được bầu chọn là học sinh Bắc Lý. Phần thưởng cuối năm ngoài giấy khen, bông hồng cài ngực là mấy cuốn sách, trong đó có truyện Bà Túng, Sự tích con khỉ đỏ đít của Tú Mỡ. Tôi đọc một lần là thuộc. Tác giả thơ đầu tiên tôi đọc chính là Tú Mỡ. Sau đó là Gửi vợ miền Nam của Nguyễn Bính, rồi Chinh phụ ngâm qua bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm, rồi thơ Giang Nam, Thanh Hải... Một hôm đến nhà một anh lớp trên, tôi thấy bài thơ Ba mươi năm đời ta có Đảng của Tố Hữu, liền mượn về chép. Đem theo bên mình, vừa kéo te ở bờ hồ, vừa đọc. Mẹ cho đồng nào mua quần áo, tôi lại đi bộ xuống hiệu sách Nhân dân ở Kiểu, cách nhà gần bốn cây số để mua sách. Tôi đọc nhiều lần Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Thủy hử, Đông Chu liệt quốc, các truyện kiếm hiệp của Trung Quốc, truyện tình báo của Liên Xô. Năm học lớp 10, ban giám hiệu nhà trường dành cho tôi hẳn một tiếng đồng hồ để đọc thơ mình trước các thầy cô giáo và học sinh dự đại hội những gương điển hình tiên tiến của nhà trường.
Về sau tôi dần nhận thức được, thơ của mình ngày ấy toàn những thứ tầm phào. Có lẽ, ngoài những thần đồng thơ như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hồng Kiên, Cẩm Thơ... có thơ tuổi thiếu niên trở thành tài sản văn chương để đời, thì hầu hết các nhà thơ đều có một giai đoạn sáng tác đầu đời với những sản phẩm toàn thứ lót ổ như thế. Nghĩ cho cùng, chẳng quả trứng nào nở được nếu không có ổ. Có điều là, quá trình lót ổ của thơ tôi lâu quá, dài quá. Ba năm học trường Sư phạm 10+3 Thanh Hóa, tôi vẫn sáng tác nhiều. Chẳng nói gì về tâm trạng mình, nỗi niềm mình, cái riêng tư lặng im sâu thẳm của mình. Bài nào cũng ồn ào rộn ràng tin tức, sự kiện, bom đạn, chiến thắng. Giai đoạn này tôi viết cả trường ca. Nhưng vẫn là một thứ thơ đáng dùng để lót ổ. Trong trí nhớ bạn bè, thỉnh thoảng tôi vẫn được nghe lại bài này, câu nọ. Bạn thì hết lời khen. Nhưng tôi nghe thì ngượng lắm. Nó đớ lắm.
Ra trường, dạy học ở miền xuôi được hai khóa thì tôi được điều đi dạy bổ túc văn hóa tại Đội thanh niên tình nguyện 42-12 ở Quan Hóa, Thanh Hóa bốn năm (từ 1977 đến 1981). Đây là đơn vị thanh niên tình nguyện làm đường biên giới Việt - Lào. Con đường mang tên Hồi Xuân - Tén Tằn, dài 112 kilômét. Bốn năm ở Đội thanh niên tình nguyện (sau đổi thành Đội thanh niên xung phong tình nguyện). Năm 1979, sau sự kiện biên giới phía Bắc, Đội thanh niên xung phong tình nguyện được biên chế thành Tiểu đoàn tự vệ. Lần đầu tiên tôi được bồng súng đứng gác ở biên giới trong đêm khuya. Đây là thời đoạn tôi đi nhiều, trải nghiệm nhiều. Suốt chiều dài 112 kilômét từ Hồi Xuân lên Tén Tằn, Mường Lát, từ đường 217 ở ngã ba Đồng Tâm lên Na Mèo, từ Nam Động sang Lốc Toong... chỗ nào tôi cũng có mặt. Cuộc sống của 3.900 lính thanh niên xung phong tình nguyện ở rừng già Nam Xuân, Nam Tiến, Hiền Trung, Hiền Kiệt, Pù Nhi, Mường Lát, Chòm Đe, Chòm Bất, Cổng Trời Một, Cổng Trời Hai... hết sức gian khổ, khắc nghiệt. Đói. Rét. Sốt rét. Bọ chó. Ghẻ. Lở. Sụt đất... Rất may, tuy đứng chân ở biên giới nhưng đơn vị có một tủ sách rất nhiều sách quý. Tôi đọc tất cả mọi loại sách từ văn chương đến khoa học, toán học, địa chất, khảo cổ. Giai đoạn này, tôi có một số bài thơ được tập san Người bạn văn hóa của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa in. Giờ nghĩ lại thấy ấu trĩ. Năm 1980, qua đài Tiếng nói Việt Nam, biết được Phạm Tuân lên vũ trụ cùng Viktor Vassilyevich Gorbatko, trước khi bay, đã trồng cây tre Việt Nam ở sân bay vũ trụ Baykonur, tôi làm bài thơ Cây tre Việt Nam trên đường vào vũ trụ. Tôi gửi về Người bạn văn hóa. Khi về xuôi, nhà thơ Văn Đắc bảo: “Bài thơ Cây tre Việt Nam trên đường vào vũ trụ của mày, tao chữa một vài chỗ, gửi cho tạp chí Văn nghệ Quân đội, họ in rồi đấy”. Đấy là năm 1980. Những năm tháng mở đường này đã bổ sung vào balô hành trang văn chương của tôi nhiều vốn liếng giá trị.
Thời gian sáng tác của tôi chẳng giống ai. Nhiều người bảo, hai ba giờ sáng họ thức dậy viết. Đêm họ viết. Ban ngày họ ngủ. Mươi năm trở lại đây, tôi sáng tác như người làm hành chính. Sáng dậy, mọi thủ tục buổi sáng xong, tôi ngồi vào bàn, bật máy, đọc, làm việc. Chiều, mười bốn giờ, bật máy, đọc, làm việc. Đọc nghĩa là bắt đầu sáng tác. Không đọc là không viết được. Đọc để tìm gặp những điểm chạm, những gợi mở. Có hai cách tìm điểm chạm. Một là đọc để tìm điểm chạm. Hai là thả trí tưởng tượng, các tín hiệu tâm hồn của mình vào không gian, thời gian mung lung chờ cái bắt gặp chợt đến. Cách này rất thơ mộng nhưng hiệu suất, tần suất nhận được các điểm chạm, các chốt, các ý thơ, tứ thơ ngẫu hứng rất khó. Đọc hiệu quả hơn.
Tôi phát hiện ra rằng, cái thiếu nhất của mình lúc này không phải là kiến thức, bút pháp, lý luận hay đề tài. Cái thiếu nhất chính là điểm chạm. Điểm chạm giống như cái chốt, cái cò súng. Phía sau cái chốt bật ra là chân trời, trăng, sao, giông bão; phía sau cái cò súng là những tia sét, sấm chớp, đích đến. Những tín hiệu nào bật ra từ điểm chạm phải nhanh chóng nắm bắt ngay, cảm nhận được ngay. Từ một chấm nhỏ biến nó thành một chấm lớn. Cho nó chuyển động. Huy động tất cả mọi sự nhạy bén của tư duy, độ xoáy, độ lướt, mọi biên độ, không cho trượt tạo nó thành một biểu tượng. Từ biểu tượng ấy biến nó thành tác phẩm. Cái chợt đến càng nhiều thì độ bung cảm xúc càng lớn, thăng hoa nghệ thuật càng lớn. Có khi một thời điểm, tôi nắm bắt được rất nhiều điểm chạm. Có bài thơ ra đời ngay tức thì, rất trọn vẹn. Có bài thơ thò đầu thò đuôi thò mình. Có bài thơ chỉ cho thấy cái bóng, cái lấp ló đâu đó chưa nắm bắt được. Nhưng tất cả những cái đó quý vô cùng. Đó là tín hiệu báo trước sẽ có gặt hái, sẽ có hoa quả mùa màng thật sự.
Trong tất cả mọi phát hiện, phát hiện mình là quan trọng nhất. Đó là phát hiện ra năng lực của mình, sở trường của mình, thế mạnh của mình, thời điểm thăng hoa của mình, đỉnh cao giới hạn của mình. Khi phát hiện đúng mình rồi, tôi tận dụng tối đa nhất, huy động tối đa nhất mọi điều kiện để sáng tác. Tôi hiểu rất rõ, hưng phấn, sức sáng tạo, sự thăng hoa, năng lực tập trung tư duy không phải lúc nào cũng ào ạt, không phải lúc nào cũng sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của tác giả. Nó kết thúc bất cứ lúc nào. Sau một trận ốm. Tất cả chấm hết. Sau một thời gian không đọc. Tất cả chấm hết. Sau một thời gian đánh mất phong độ. Tất cả chấm hết. Gọi lại được cảm xúc ban đầu, sức làm việc ban đầu, năng lực tổ chức ngôn ngữ ban đầu, tạo ra đột biến, năng động như ban đầu rất chật vật, rất dài lâu. Có khi phải mất mươi ngày. Có khi dài hơn. Phấn khích quá, sảng khoái quá, bốc quá, cười thoải mái quá thơ viết hay bị nhạt. Thâm trầm quá, u uẩn quá, đa suy quá, dằn vặt quá thơ không có cánh. Tỉa tót quá, cắt gọt quá, mài giũa quá thơ đẹp nhưng ít tỏa hương, ít men say.
Ông bà bảo ăn gì bổ nấy. Với văn chương càng ngẫm, tôi thấy càng đúng. Phải hiểu thật kỹ, thật sâu câu nói này. Nó thấm lắm, tuyệt vời lắm. Muốn làm thơ tứ tuyệt phải đọc thơ tứ tuyệt. Muốn làm thơ lục bát phải đọc nhiều thơ lục bát. Muốn làm thơ đường phải đọc nhiều thơ đường. Muốn đọc thơ mới, thơ hiện đại phải đọc nhiều thơ mới, thơ hiện đại. Muốn làm thơ văn xuôi phải đọc nhiều thơ văn xuôi. Đương nhiên, muốn viết trường ca phải đọc nhiều trường ca. Không có chuyện muốn viết tiểu thuyết lớn lại đọc tứ tuyệt, haiku. Đã gọi là ăn gì bổ nấy cho nên, muốn nhanh chóng trở thành những nhà thơ lớn, tất yếu phải dành thời gian đọc các nhà thơ lớn. Quỹ thời gian đối với tôi không nhiều nên không thể đọc như tuổi học trò. Cứ đọc nhiều, đọc tất cả, đọc mọi thứ rồi tự nhiên cái gì thấm được thì thấm. Tôi đọc cho mục đích, cho nhu cầu, cho ý định bứt phá rõ ràng. Đọc ai, đọc cái gì, đọc như thế nào phải cụ thể.
Tại sao tôi nói phải đọc nhiều? Trước hết, tôi không phải là người được trời ban nhiều năng khiếu, nhiều nhạy cảm. Hầu như mọi thứ có được đều từ lao động cật lực. Lao động khổ sai nhất là đọc. Lao động khổ sai thứ hai là viết. Đọc nhiều là nguyên liệu nhiều, vật liệu nhiều, chất liệu nhiều, hàm lượng quặng thu vào nhiều. Từ đó mới có cái để trí tuệ mình, tri thức mình, xúc cảm mình, tài năng mình đồng hóa, dị hóa, chuyển đổi năng lượng thành cái riêng của tác giả. Đọc ít mà viết ngay dễ sa vào bắt chước, sao chép có kỹ thuật một cách máy móc. Câu chữ sống sít.
Tôi phấn đấu, đôi khi giao chỉ tiêu cho mình, ngày nào cũng phải viết. Năm câu, mười câu, hay dở... đều phải viết. Tôi không tin lắm vào trí nhớ của mình. Nhiều cái đinh ninh mình nhớ, đi mấy bước quên béng. Lục mãi trong đầu không ra. Điểm chạm nào bật ra, câu thơ nào bật ra, chộp lấy, vồ lấy, ghi chép lại giữ lấy, nhốt lấy. Có khi đó là một chiếc lá rụng qua thông thường, có khi đó là một hòn đá thông thường. Nhưng cũng có khi đó là một viên kim cương, một vật liệu mới, một hình hài hoàn toàn mới. Càng đọc càng thấy sự kỳ diệu của đọc. Trong một buổi đọc, có khi tìm ra được một điểm chạm, hai điểm chạm. Có khi điểm chạm tạo nên một phản ứng dây chuyền. Từ một điểm chạm, một chốt bật mở được ngay một tác phẩm mới. Rồi một tác phẩm mới nữa. Có khi nó gợi ra cả một trường ca. Sự liên tưởng, trí tưởng tượng bất ngờ được khai sáng, được bung ra đủ chiều kích. Chính vì thế, tôi đã viết trong cùng một thời điểm nhiều bài tứ tuyệt, nhiều bài lục bát, nhiều bài tự do ở dạng chấm phá, ở dạng hình hài.
Có năm tôi viết đến ba bốn trăm bài thơ, một vài trường ca, mấy bài phê bình cảm thụ văn chương, mấy bài ký là thế. Viết nhiều có cái hay là huy động hết được sự thăng hoa, sự hưng phấn. Nhưng viết nhiều rất dễ rơi vào sự nhạt nhẽo, hời hợt, nông cạn. Nguy hiểm nhất, sợ nhất, khó cảnh giác nhất là sự giống nhau của các bài thơ. Nó giống nhau về cấu tứ, giống nhau cách biểu cảm, giống nhau cách diễn dạt. Đó là kiểu tư duy đồng dạng. Trong sinh học, người ta gọi là nhân bản. Vì bảo thủ, vì mang nặng đẻ đau, vì tự phụ, vì lúc nào cũng tin tưởng tuyệt đối vào mình nên người viết rất khó nhận ra sự nhân bản trong thơ mình. Ai cũng tưởng câu chữ khác, bài khác, nội dung khác là có một tác phẩm khác, có một bài thơ khác. Kỳ thực không phải thế. Dù rất cảnh giác, tôi vẫn nhận ra một số bài thơ của mình mang hơi hướng nhân bản. Nói rõ ra là, sự đột phá, tính độc đáo, mới lạ, khác biệt của nó chưa cao. Nó mới chỉ là sự chuyển dịch, tịnh tiến của tư duy từ đoạn này sang một đoạn khác. Tóm lại, dù hai bài thơ là hai nội dung khác nhau nhưng cùng kiểu tư duy ấy, cùng cung bậc cảm xúc ấy, cùng âm hưởng ấy. Chính vì vậy, quan trọng số một, quan trọng hàng đầu là phải tạo ra được sự khu biệt cho từng tác phẩm. Khu biệt về ngôn ngữ, hình ảnh, lập ý, lập tứ, khu biệt về dáng vóc. Sự khu biệt, nói cụ thể là tính riêng biệt của tác biệt phải được thường trực, xem xét, cảnh giới không phải một bài, chục bài mà giữa hàng trăm bài với nhau, giữa hàng nghìn bài với nhau. Tôi có ý thức rất rõ rằng, phải tạo ra sự khu biệt về ngôn ngữ, bút pháp, chủ đề, phong cách, thi pháp cho từng tập thơ, cho từng trường ca. Nói tóm lại tôi phải làm được một việc, khi người khác đọc tác phẩm của mình, họ luôn thấy mới. Cách nghĩ, cách cảm, cách hấp dẫn của tập Vết thương đá khu biệt hoàn toàn với tập Giải mã, Giải mã khu biệt hoàn toàn với Cụng ly, Cụng ly khu biệt hoàn toàn với Cánh đồng nhiều hứng gió. Không tập nào giống bút pháp tập nào. Trường ca cũng vậy. Ba mươi tháng tư khu biệt với Bầu trời màu hoa gạo; Hồi ức một con đường khu biệt với Ba mươi tháng Tư; Hát nơi cửa sóng, Sau lá bồ đề khu biệt với mọi trường ca trước đó. Nhưng trong thực tế, ý thức của tác giả là ý thức, còn tác phẩm có riêng được không, có khu biệt được không, có sống độc lập được không lại là chuyện khác. Cái này phải nhờ thời gian thẩm định, gạn lọc, lọi bỏ, xác tín. Không ít bài, khi viết, tôi tâm đắc lắm. Qua một thời gian nhìn lại, mình thấy nó xanh xao quá, vàng vọt quá, thiếu sức sống. Bình quân cứ sáng tác một trăm bài, khi chọn làm tập được năm chục bài là tốt lắm. Còn lại phải đưa vào sọt rác. Trong cái sọt rác của mình, tôi nhận thấy có đủ mặt thơ ngắn, thơ dài, trường ca, các chương của trường ca và cả những bài từng được giải thưởng. Cái kho này đôi khi tôi lại tìm thấy nguồn năng lượng tái tạo mới. Rất nhiều cái mới lại được gợi mở, lại được bật ra. Vô khối điểm chạm mới tìm được khi đọc lại cái cũ. Chính vì vậy, tôi bỏ rất nhiều bài nhưng không đốt hẳn. Cứ cho nó tồn kho. Biết đâu đấy, một lúc nào đó nó lại nảy mầm, lại cho một vụ mùa mới.
Tôi không viết bằng bút trên giấy. Tôi viết trực tiếp trên máy tính. Quy trình viết của tôi là: Viết-thêm-chêm-chèn-lèn-lọc. Viết là cung đoạn đầu tiên. Mọi ý tưởng, suy ngẫm dù to lớn đến đâu, nhỏ bé đến đâu đều phải được thành ngôn ngữ viết trên giấy (hoặc vi tính). Không có nó sẽ không có gì tiếp theo. Nó là cái khung nhà, khung xe, khung tàu thuyền. Có hình hài đấy nhưng còn lâu mới hoàn chỉnh. Tôi cứ đọc đi đọc lại rồi thêm. Thêm chỗ này, thêm chỗ kia. Có khi cái viết để thêm mới quá, đẹp quá, nó lại thay thế hẳn, thay thế một trăm phần trăm cái viết ban đầu. Rung lắc cao tần đến khi không còn chữ nào xộc xệch, bay văng ra nữa thì coi như được. Nhiều người bảo đi tìm cảm hứng sáng tác. Tôi chủ động gọi cảm hứng đến. Mấy bạn viết trẻ hỏi tôi “Người sáng tác chuyên nghiệp và người sáng tác nghiệp dư khác nhau chỗ nào?”, tôi bảo “Người sáng tác nghiệp dư là người chờ cảm xúc đến. Người sáng tác chuyên nghiệp là người gọi cảm xúc đến”. Trong một ngày, tôi có thể viết nhiều thể loại như ký, thơ, phê bình văn học. Tôi chẳng làm gì ngoài đọc và viết. Có người khuyên không nên viết nhiều, văn chương chữ nghĩa quý hồ tinh bất quý hồ đa, và nên tập trung đầu tư vào một món thôi, đừng bừa xằng cả ruộng như thế. Tôi nghĩ khác. Victor Hugo sáng tác hàng ngàn bài thơ, hàng ngàn bức tranh, đâu phải mình tiểu thuyết. Rabindranath Tagore cũng có hàng nghìn bài thơ, hàng nghìn bản nhạc, hàng chục cuốn tiểu luận, bao nhiêu tiểu thuyết...
Tôi coi viết là một cuộc khám phá mình. Càng viết, tôi càng thấy có một nguồn năng lượng sâu thẳm nào đó trong tôi tuôn chảy. Tôi có chủ ý rất rõ ràng, mình cố li tâm mình, li tâm người khác. Cố đi một con đường riêng. Cảm thấy vừa tay với cái gì thì viết cái đó, thơ lục bát, thơ tự do, thơ tứ tuyệt, ký, phê bình...
Tôi thường xuyên quan tâm và tham dự các cuộc thi thơ, ký. Mỗi cuộc thi là một cơ hội tốt để mình khám phá mình, trình hiện mình. Lao động sáng tạo trong một áp lực lớn có cái hay, cái lợi riêng của nó. Sự thúc đẩy, ép mình, vắt mình, huy động mình, dồn nén mình... chính là cách kiểm nghiệm năng lực mình, sức bền, sức bật của mình tốt nhất.
Mấy người tham gia các lớp bồi dưỡng viết văn ở Trung ương về hết lời ca ngợi một ngày nghe giảng bằng mình đọc sách cả năm. Tôi chưa qua một lớp đào tạo, bồi dưỡng viết văn nào cả. Quả là một thiệt thòi. Tuy nhiên, tôi thấy mình đang đi đúng hướng. Tôi cứ mải miết đi trên con đường chưa nhìn thấy.
N.M.K