Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Người đi để lại muôn vàn nhớ thương - Viên Lan Anh
Người đi để lại muôn vàn nhớ thương - Viên Lan Anh

       “Người Mường thương nhớ Bác Hồ” là bài thơ trong tập “Thơ chọn lọc” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành của nhà thơ Cao Sơn Hải. Đây là tập thơ trong số 10 tập thơ và 8 tập sưu tầm, nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian đã đến với công chúng bạn đọc trong thời gian qua. Trong tiết thu nay, đọc bài thơ “Người Mường thương nhớ Bác Hồ”, chúng ta thấy hàm chứa trong đó là nỗi lòng nhớ thương tha thiết của tác giả và bà con dân bản đối với Bác kính yêu khi Người đi xa. Bài thơ khắc họa giờ phút đau thương của mỗi người dân Việt Nam khi phải vĩnh biệt Người, tưởng thời gian đã làm nguôi ngoai nhưng mỗi khi ký ức ấy ùa về, muôn vàn niềm thương, nỗi nhớ lại khiến mỗi chúng ta trào dâng thổn thức.
       Mở đầu bài thơ, tác giả đi thẳng vào nội dung cần thông tin đến công chúng: 
              Tin Bác mất dồn về trong làng nhỏ
              Bàn tay gầy mế lau mắt đỏ lưng tròng
              Chân run lần xuống bậc thang
              Lọm khọm, mế đi về nhà anh bộ đội. 

       Thơ hay không nhất thiết phải có vần điệu, cách biểu đạt có nhiều mỹ từ, hoặc tô pha thêm những chi tiết cho lộng lẫy mà cốt ở biểu đạt được điều lắng đọng trong tâm khảm nhiều người và chạm đến vỉa tầng sâu thẳm nhất trong xúc cảm bạn đọc. Bốn câu thơ mở đầu của tác giả rất dung dị, nhưng đã làm được điều quan trọng đó. Nếu ai đã được chứng kiến giờ phút đau thương ấy còn nhớ ngày 9 tháng 9 năm 1969 khi cả nước làm lễ truy điệu Bác. Những hình ảnh đau thương của ngày ấy có lẽ được khắc họa  sâu sắc nhất trong những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: 
              Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
              Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...

       Phải chăng con người kiệt xuất ấy, Người con ưu tú nhất của đất mẹ Việt Nam mất đi khiến đất trời động lòng thương xót. Đất Việt Nam địa linh, nhân kiệt, hẳn những cơn mưa kia không thể vô tình. Kể từ hôm Bác mất vào mùng 2 tháng 9, đến trước hôm mùng 9 tháng 9 làm lễ truy điệu Bác ở Quảng trường Ba Đình, trời cứ âm u và mưa tầm tã, nhưng đúng đến sáng ngày 9-9-1969 là ngày truy điệu Bác ở Quảng trường Ba Đình thì trời lại hửng nắng. Bản thân tôi ngày ấy mới sáu tuổi, mấy ngày trước lễ truy điệu Bác, bà nội, bà cô tôi cứ vào ra lau nước mắt. Khi ăn cơm, lúc xuống bếp, cho đến sáng ngày mùng 9 tháng 9 năm 1969, bà đeo vào ngực một cái băng đen bằng lụa, to bằng hai đốt ngón tay, rồi đeo cho tôi một cái. Bà nói đi theo bà. Bà vừa chạy trên đường làng lếch thếch vừa nghẹn ngào: “Nhanh lên con... Bác Hồ của chúng ta... mất rồi”. Tôi hốt hoảng khóc toáng lên: “Bác Hồ trên ảnh mất thật rồi hả bà? Không! Không thể thế được!”. Tiếng khóc của tôi làm bà chạy nhanh hơn nên vấp ngón cái, máu chảy đầm đìa, nhưng chúng tôi vẫn chạy tới đình làng trong cho kịp lễ truy điệu. Máu chân bà tôi rớt dọc đường đi nhưng chúng tôi không dừng lại. Đình làng đông ngàn ngạt người đứng buồn im phăng phắc. Khi đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng đọc điếu văn trong lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa cất lời: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa!”. Thế là tất cả òa khóc... Vì vậy, khi đọc những dòng trong bài thơ “Người Mường thương nhớ Bác Hồ”, chúng ta gặp lại hình ảnh mình trong đó với những cảm xúc không bao giờ vơi cạn: 
              Những người mẹ, người em và người vợ 
              Bần thần, nức nở trên khung cửi dệt vuôn
              ...
              Con hỏi: Vì sao mẹ khóc? 
              - Bác đi rồi! Con hỡi biết không...

       Phương pháp so sánh và phép tu từ luôn là thế mạnh trong thơ Cao Sơn Hải, nhờ đó mà ông đã tạo ra những vần thơ mang đậm dấu ấn cho bạn đọc. Tác giả viết về nỗi đau thương nhớ Bác trong những giờ phút thiêng liêng ấy:
              Đau thương trùm khắp mọi miền
              Đỉnh Pù Luông sáng nay viền khăn trắng
              Sông Mã, sông Đà trưa nay đứng lặng
              Cúc Phương rừng già cũng trĩu nặng cúi đầu
              U buồn đọng trên mỗi nhánh hóp, ngọn lau.

       Rõ là “Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ”. Suốt cuộc đời của Bác là một bản tình ca yêu thương dân tộc và nhân dân, đồng thời là yêu thương những con người “cùng khổ” không kể màu da, sắc tộc. Vì vậy, tình thương người trải đến đâu, nhớ thương người lan đến đó không kể rừng sâu, hay núi thẳm, không kể tiếng lòng thổn thức thương nhớ Bác dưới mỗi mái nhà ở thành phố hay nơi “cửa vóng ở nhà sàn” bởi:
              Công ơn Bác muôn đời còn mãi
              Sẽ xanh tươi bốn mùa hoa trái

              ... 
              Ôi Bác Hồ
              Người là thiên thần vĩ đại
              Kết tinh muôn loài tia ánh hào quang
              Tấm lòng người là trời biển mênh mang
              Người là Mẹ
              Chắt chiu cho con
              Từng trang sách nhỏ.

       Nhân danh tình yêu, sự kính ngưỡng, lòng xót xa thương tiếc mà nhà thơ có quyền tôn vinh vị lãnh tụ dân tộc bằng tất cả ngôn từ đẹp nhất có thể, nhà thơ tôn vinh Bác như một người Mẹ, nhưng thấy như vậy vẫn chưa đủ, nhà thơ còn tôn vinh Bác như muôn ánh hào quang với tấm lòng thương dân, yêu nước như biển rộng mênh mang. Dù vậy, Bác vẫn không quên từng trang sách cho em nhỏ đến trường, hay đêm đông Bác đã thức và đi dém chăn cho từng chiến sỹ. Tình yêu đó, mãi không bao giờ vơi cạn. Nhà thơ đã viết câu kết với tất cả niềm hy vọng, khát khao sự tiếp nối tinh thần, tư tưởng, tấm gương và tình yêu của Người tràn khắp trên quê hương, đất nước: Người đã cho và chỉ đường tất cả/ Hạt gieo rồi, quả ngọt mọng ngày mai.
       “Người Mường thương nhớ Bác Hồ” là bài thơ mang nhiều tâm tư, tình cảm, nỗi lòng nhớ thương Bác vô hạn của nhà thơ Cao Sơn Hải đối với Bác, qua đó cũng phản ánh tấm lòng của “Người Mường thương nhớ Bác Hồ” và tất cả chúng ta, mỗi khi nhớ về sự kiện Bác mất mùa thu năm 1969. Gần sáu mươi năm qua đi, nhưng mỗi lần ngày Quốc khánh đất nước đến gần, mưa thu lại rơi thầm thĩ, bỗng bài thơ “Người Mường thương nhớ Bác Hồ” vang lên đâu đây, dưới bóng cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nẻo, lòng chúng ta không nguôi nhớ thương Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nhà thơ Cao Sơn Hải đã viết được những vần thơ chạm đến nơi sâu thẳm lòng người, mong rằng ông sẽ tiếp tục xuất bản nhiều tác phẩm hay trên đường thơ bền bỉ và lặng thầm.
                                                                                         V.L.A


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 215
 Hôm nay: 7824
 Tổng số truy cập: 12955264
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa