Những trang thơ trĩu nặng nỗi niềm - Phạm Ngọc Chiểu
Nhà thơ Lê Văn Sự, như tôi được biết, ông đến với Văn chương, làm quen với Nàng Thơ từ rất sớm, khi ông là chàng trai vào học trường trung cấp Sư phạm Thanh Hóa, với bài thơ đầu tay Tiếng gà và quả trứng viết văn 1968. Giống như chàng trai trẻ lần đầu đến với tình yêu, những dự định ướm tiếng ngỏ lời ăm ắp trong tim nhưng cứ bồi hồi ém lại, anh giáo sinh trẻ Lê Văn Sự nắn nót chép Tiếng Gà và quả trứng vào sổ tay, mãi năm 1980 mới đưa in để chính thức trình với thiện hạ tình yêu và năng khiếu Thi ca của mình. Để rồi từ đấy, cây bút thơ sinh ra và lớn lên trên đất Vĩnh Lộc - Thanh Hóa, nơi có thành Nhà Hồ và bao danh nhân nổi tiếng, như được Nàng Thơ nhập thần khích lệ, cùng với việc phấn đấu vươn lên trong công tác chuyên môn và học vấn (ông theo học và tốt nghiệp Khoa Toán trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội), ông dành nhiều thời gian cho thơ và liên tục có thơ gửi bạn viết, bạn đọc qua các trang báo và tạp chí của địa phương và Trung ương, sau đó, ông sàng lọc, chọn lựa để xuất bản các tập thơ của riêng mình. Tính ra, từ năm 1992 đến nay, ông đã đưa xuất bản 6 tập thơ riêng, không kể cuốn sách khảo cứu, dịch thuật Thanh Hóa - Vĩnh Lộc huyện chí. Đó là các tập thơ Về một vùng quê - Nxb Thanh Niên, 1992; Dáng mẹ chiều mưa - Nxb Thanh Hóa, 1995; Nỗi niềm - Nxb Lao Động, 1998; Miền thương nhớ - Nxb Thanh Niên, 2004; Mùa xuân cho em - nxb Hội Nhà văn, 2007; Lời ru trên sông - nxb Văn học, 2013. Và, đầu xuân Đinh Dậu - 2017 này, Ông có Lục bát ru tôi, được nxb Hội Nhà văn ấn hành để gửi bạn đọc gần xa. Trong số 7 tập thơ xuất bản, tôi có niềm vui được nhà thơ xứ Thanh tin cậy mời làm bà đỡ hai thi phẩm Lời ru trên sông và Lục bát ru tôi của ông.
Đọc các tập thơ của nhà thơ Lê Văn Sự, nhất là qua Lời ru trên sông và Lục bát ru tôi, ta thấy có ba mảng đề tài nhà thơ xứ Thanh này quan tâm. Đấy là Thơ viết trong các chuyến đi, Thơ viết về các vấn đề thế sự và Thơ viết tặng những người ruột thịt.
Ở mảng thơ thứ nhất, có thể đặt tên thơ du ký, người đọc có dịp cùng nhà thơ Thăm Làng Sen, Thăm quê Nguyễn Khuyến, Thăm Côn Sơn nhớ Nguyễn Trãi, Thăm động Phong Nha, chứng kiến nhà thơ lia bút Viết ở công trường, Viết ở hồ Than Thở, Viết ở đàn Nam Giao (Tên các bài thơ in trong “Lời ru trên sông”). Vài năm gần đây, dù đã quá tuổi lục tuần, bước chân Lê Văn Sự vẫn mải mê khám phá các vùng đất. Ông về thăm Sơn Mỹ để ngắm cảnh và suy ngẫm, về thăm trường cũ, trở lại thăm sông Bưởi một thời thân thuộc, thăm động Hồ Công, hưởng thú câu cá trên hồ Mỹ Xuyên, lên Sa Pa để tận mắt chứng kiến một phiên chợ Tình, vào Huế đứng trước lăng Khải Định, khi trở lại quê thì thăm lại thành Nhà Hồ... Cũng như thời trai trẻ, đến thăm đâu ông cũng đều ghi lại cảm xúc và những nghĩ suy, nhờ thế mà Lục bát ru tôi vẫn có mảng Thơ Du Ký giữ khá nhiều trang chữ và để lại cho người yêu thơ không ít câu thơ, ý thơ khó quên.
Dù cho thành cao, hào sâu
Lập đàn tế với nguyện cầu ngày đêm
Dân không thuận, dẫu thuận Thiên
Thì thành nào cũng ngả nghiêng, suy tàn.
(Thăm thành Nhà Hồ)
Trăng lên, đẹp thế em ơi!
Bến En như tự cõi trời xuống đây
Đảo hoang, thuyền ghé, nắng đầy
Đàn cò trắng chớp cánh bay cuối ngàn...
(Bến En)...
Tuy nhiên, so với mảng Thơ Thế sự và Thơ viết tặng người ruột thịt thì ấn tượng Thơ Du Ký lưu lại trong người đọc có phần khiêm tốn hơn. Thơ Thế sự của nhà thơ xứ Thanh vừa phong phú giọng điệu vừa giầu suy tư, khiến người đọc nghĩ ngợi mãi khi đã đọc xong câu thơ cuối của bài thơ, dù đó là thơ viết về các nhân vật lịch sử lớn như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, hay viết về người mù hát rong, về anh thợ nề, về chị bán xôi sáng; thơ viết về “một thời” hay thơ viết về “đánh mất mình” và mất một tình yêu. Bài thơ Đừng làm như cha gieo vào tâm trí người đọc một dư vang thật xót xa. Với 12 câu thơ chia làm ba khổ, bài thơ kể chuyện một người lính già sau những năm tháng đánh Mỹ oanh liệt trở về, với sốt rét và mảnh bom còn găm trong người, nhắm mắt “đánh mất mình” khi chạy việc cho con vì:
Lo lót đủ nơi, đủ cửa
Chiếc phong bao phải dày đủ độ
Giá trị tính bằng Đô la(!).
Bài thơ là một tiếng thốt kêu đau xót sau 12 câu thơ kể chuyện dồn nén, và tiếng kêu đau bật thốt lên không nằm trong 12 câu thơ mà nằm trong cái “tít” của bài thơ một cách bất ngờ, tạo ấn tượng mạnh cho người đọc, khiến họ phải đọc lại khổ thơ kết bài trong cảm xúc tê tái:
Tất cả vì con, đâu quản “thân già”
Mái đầu bạc nhanh sau những lần chạy việc
Đánh mất mình, điều cha đau nhất
Cựu lính Cụ Hồ thời mở cửa con ơi!...
Có một trường hợp khá lạ và thú vị ở mảng thơ Thế sự lần này của Lê Văn Sự, ấy là bài thơ Hát về cây lúa. Thường thì thơ Thế sự viết thẳng về con người và các vấn để liên quan đến đời sống của họ, trên cơ sở đó, nhà thơ “luận” ra những chuyện éo le, những nỗi đau để người đọc cùng suy ngẫm với tác giả. Nhưng Hát về cây lúa đã không viết theo hướng này, cho dù “tít” bài viết rõ là “hát”. Sau những câu thơ nói về nỗi nhọc nhằn của cha, mẹ, “em” và bao người “bán mặt chăm cây”, thậm chí hy sinh tính mạng vì cây lúa, khiến nhà thơ xúc động, tự thán:
Tôi nay dù bạc mái đầu
Vẫn rưng rưng trước sắc màu thóc phơi
Bất ngờ ông phát hiện ra một sự vô lý mà có thật, mang tầm “Thế sự” xót xa vẫn tồn tại trong đời sống của con người:
Ngàn năm cây lúa tốt tươi
Mà người trồng lúa không nuôi nổi mình!?
Tôi nghĩ Hát về cây lúa là một phát hiện hướng khai thác mới đáng mừng về Thơ thế sự của nhà thơ xứ Thanh.
Là người được đọc khá nhiều thơ của Lê Văn Sự, tôi rất trân trọng và yêu quý mảng thơ ông dành viết về những người ruột thịt. Đó là thơ ông viết về bà, về bố, mẹ, về người chị gái, về vợ con, và cả thơ ông viết cho người con gái nào đó vẫn lưu giữ lâu bền trong tâm tưởng ông. Hay nhất, gây xúc động nhất là thơ ông viết về mẹ và chị gái. Thân phận mồ côi khi mới ba tháng tuổi, cuộc sống nghèo khó của ông gắn với nỗi nhọc nhằn và hết mực yêu thương của mẹ, của bà ngoại, của chị gái, hiện thực đó đã khắc vào bộ nhớ, có sức ám ảnh suốt cuộc đời khiến ông viết hay, viết nhiều về những người thân yêu này.
Viết về mẹ, ông dựng một chân dung:
Thành người góa bụa nuôi con
Mẹ tôi gánh mọi nguồn cơn thay chồng
Chiêm mùa mẹ mót từng bông
Chợ quê mẹ kiếm từng đồng chăm tôi!
(Lục bát ru tôi).
Và ông đặc tả cảnh mẹ ông chạy chợ:
Đường làng bước thấp bước cao
Mẹ đi, dáng mẹ đổ vào tháng năm
...Mua để bán lại hết ngày
Chiều về quang gánh xếp đầy nắng mưa
(Mẹ tôi đi chợ).
Nhớ về bà ngoại, nhà thơ viết:
Trưa hè mát rượi võng đay
Bà ru, bà nựng... tôi say giấc nồng
Câu Kiều ấm cả đêm đông
Thân gầy bà chắn bão giông mưa nguồn!.
Ông đau đáu niềm xót thương người chị gái:
Má lúm đồng tiền
Mái tóc đen huyền tha thướt
Mười tám tuổi lấy chồng
Mười năm sau
Nhận tấm bằng “Tổ quốc ghi công”...
Thương mẹ chồng tuổi già bóng xế
Khóa tuổi xuân năm tháng thờ chồng!...
Sớm xuân nay hương hoa tảo mộ
Mái tóc dài trắng xóa nghĩa trang!
Những dòng thơ này ông viết và in trong Lời ru trên sông văn 2013. Ba năm sau, ông viết thêm về chị gái trong bài Chị tôi và đưa in vào Lục bát ru tôi với những câu thơ ứa nước mắt: Quanh năm áo vá tứ thân/ Bữa no bữa đói, nhọc nhằn đơn côi/... Đông con đông cháu, tưởng vui/ Sao nay chị vẫn lui thui một mình!?
Có một nét mới hé lộ của nhà thơ Lê Văn Sự trong Lục bát ru tôi lần này - đó là chùm bảy bài tứ tuyệt. Ông viết về hoa, về mùa thu, về tình yêu khá ấn tượng. Đây là bài Không đề: Nghiêng vai hong tóc bên thềm/ Tay trần đan sợi tóc mềm, nắng lay/ Mắt đen, đôi má hây hây/ Đường cong ngà ngọc đắm say lòng người!
Gấp tập thơ lại, ngẫm cả ba mảng thơ Du ký, Thế sự và Thơ viết về người ruột thịt, ấn tượng đọng lại trong tâm trí người đọc là: những trang thơ của Lê Văn Sự, dù viết về cái gì, về đối tượng nào, đều ẩn chứa một nỗi niềm trước thân phận con người và những sự đời, khiến ông đau đáu, day dứt. Tôi nghĩ, sự ghi nhận này của người đọc chính là điều mong đợi của nhà thơ, và xin chúc mừng ông!
Hà Nội, Xuân Đinh Dậu, 18,19-2-2017
P.N.C