Tình yêu đôi lứa (Trong "Gió sang màu mình gọi tên nhau") - Hoàng Thi Anh
Tập thơ “Gió sang mùa mình gọi tên nhau” (Nhà xuất bản Văn học ấn hành) là tập thơ thứ hai của tác giả Sơn Ca, giáo viên huyện miền núi Quan Hóa, hội viên hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa. Tập thơ với gần một trăm bài mang nội dung biểu đạt những trạng thái về một tình yêu trong sáng, đẹp đẽ của lứa đôi và mong muốn tình yêu chân chính sẽ khiến cuộc sống con người với con người sẽ trở nên tốt đẹp hơn, là thứ dung môi nuôi dưỡng những giá trị đạo đức truyền thống không bị mai một trong cơ chế thị trường.
Người cầm bút luôn có trực quan đặc biệt để quan sát những trạng thái, chủ đề cuộc sống rồi thu nạp, sau đó trộn lẫn vào dòng cảm xúc chủ thể để “chiết” ra ngòi bút những vần thơ gan ruột viết cho cuộc đời và cho chính mình. Đó là một cuộc tái sinh tâm hồn vật vã, là những sáng tác không chút dễ dàng. Viết thế nào để họ thích đã khó, làm cho họ nhớ một vài câu lại càng khó vô cùng vì một đời văn có tác giả không để lại gì trong trí nhớ bạn đọc. Với tập thơ “Gió sang mùa mình gọi tên nhau” là những xúc cảm chân thành về tình yêu đôi lứa, được nhìn bằng lăng kính trong trẻo của tuổi trẻ. Tình yêu đó có khi e ấp, lúc đợi chờ mong nhớ trong những khổ thơ của Sơn Ca khiến bạn đọc thấy yêu thích. Hạnh phúc cho chàng trai nào nghe được lời nguyện cầu đó trong cô đơn, vọng nhớ đến anh như trong bài “Tự tình” chị viết:
... Em
Người đàn bà mệt nhoài tìm bạn.
Tìm bóng chim tung cánh giữa đại ngàn
Thèm bến đỗ êm đềm dịu ngọt
Neo bước chân mỏi mệt vô vàn
...
Em đi tìm
Chút hơi ấm tịch liêu
Như cơn gió lướt qua bờ vai mỏng
Anh nơi đâu sao bóng hình xa vắng
Của bốn bề vắng lặng giữa thinh không.
Lời thơ bay bướm, ý tứ rõ ràng, văn phong mạch lạc và lời thơ tha thiết nhường kia chứa đựng trái tim vì yêu mà nhớ mong khắc khoải đến vậy, cho dù “Anh” vẫn vời xa biền biệt, hoặc nếu có hiện diện cũng chưa thấy có “lời đáp từ” cho xứng đáng với “Em”. Sự nghi ngờ rằng anh có xứng với em không? Cho dù có nghi ngại vậy, em vẫn hướng về anh với tất cả lòng nhớ thương, khát khao và mong mỏi. Yêu, nhớ thương, mong chờ, dằn vặt vì sự trống trải của trái tim. Như vậy êm không có tội, dù cho anh lại vô tình. Cái mờ nhạt nơi anh khiến em càng muốn “bóc” cái mong, nhớ ra cho thỏa. Nhưng vì yêu, nhớ, nên em sợ “bóc” ra, gặp phải sự thật:
“Em tưởng giếng sâu, em nối sợi gầu dài, ai ngờ giếng cạn, em tiếc hoài sợi dây” sẽ đẩy em vào sâu hơn trong cõi trống rỗng tâm hồn đến cùng cực. Nỗi lo sợ mơ hồ nhưng có sức mạnh chế ngự tâm hồn Em đó, khiến em đành thả nỗi cô đơn cho gió thổi bay đi vào cõi bất định như trái tim em đang bất định. Thế là gần một trăm bài thơ vẫn mãi ngân lên một lời cầu nguyện mê mãi cho ngôi đền tình yêu. Trong bài “Quên và nhớ” Sơn Ca viết:
Anh cứ quên, còn em thì cứ nhớ
Lời hẹn thề theo năm tháng phôi pha...
Không ai sống được hai cuộc đời. Vì vậy, yêu và trao tặng là một nhu cầu tự thân, là quyền của mỗi cá nhân và cũng là duyên nợ của mỗi người. Cho dù con đường tình yêu đôi khi cứ đi trái chiều quy luật như kiểu “Một người đi với một người/ Một người đi với nụ cười hắt hiu...” và ta thấy trong tập thơ này, tác giả Sơn Ca đã nhờ thơ để biểu đạt khát vọng tâm hồn, nhờ thơ để giải mã trái tim, nhờ thơ để nói hộ tấm lòng mình với người mình yêu với tất cả sự chân thành, dịu dàng và hiền thục nhất. Tôi gọi những lời thơ đó như những lời cầu nguyện cho tình yêu với một âm sắc thầm lặng, tựa tiếng tụng niệm dưới thánh đường của một con chiên kính chúa, hay một đệ tử trung thành tuyệt đối với ngôi đền tình yêu. Mới nghe có vẻ xa lạ và cổ tích trong thời hiện đại này, nhưng may mắn thay. Giữa dòng đời xô bồ, bụi bặm, vẫn còn những trái tim tha thiết với tình yêu và khiến tình yêu nẩy mầm trên những câu thơ hiền lành.
Trong bài “Người đàn bà dại”:
... Người đàn bà dại
Yêu say mê và quên cả lối về
Lạc lối mê,
Quên đi ngày tháng
Quên tuổi xuân chỉ dành tặng riêng người...
Ai sống trong cuộc đời cũng có một thời tuổi trẻ và cảm nhận sắc thái tình yêu, một nội hàm quan trọng trong đời sống con người. Như vậy, “Lời nguyện cầu cho tình yêu” cuối cùng cũng đã nở hoa, kết trái thông qua những thử thách, chờ đợi, hy sinh. Biểu đạt cảm xúc thông qua ngôn ngữ trong tập thơ đã đem đến sự hấp dẫn cho bạn đọc. Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới phong cách và thể loại sáng tác, rất cần sự bứt phá vượt lên chính mình của tác giả, điều đó cũng luôn là vấn đề đặt ra cho mỗi nhà thơ, nhất là những tác giả mới bước vào “canh tác” trên cánh đồng văn chương. Chúc Sơn Ca tiếp tục vươn tới và tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa.
H.T.A