Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Nơi giao cảm giữa đời và thơ (Đọc bài thơ Gửi của Đinh Ngọc Diệp) - Phạm Thị Kim Khánh
Nơi giao cảm giữa đời và thơ (Đọc bài thơ Gửi của Đinh Ngọc Diệp) - Phạm Thị Kim Khánh


Anh mới biết: Tình yêu có thật
Mất em sụp đổ cả đất trời
Cho anh bài thơ tình thứ nhất
Em vô tình nức nở khen hay!

Bài thơ thứ hai chỉ mình anh biết
Như mình anh gặm cô độc một đời
Bỗng một ngày hiện trên facebook
Cô gái lạ vô tình đắm đuối thơ rơi

Anh mới biết: Thơ hay là có thật
Vì thơ hay chỉ hay với một người...!

                         (Gửi)
Tôi thích sự mạch lạc mà vẫn thú vị trong cấu tứ, tình thơ thành thật chân thành, lối kết thơ bất ngờ vì một điều vừa giác ngộ hoặc một trải nghiệm được đúc kết như một châm ngôn của bài “Gửi”.
 Hai câu thơ đầu: Anh mới biết: Tình yêu có thật/ Mất em sụp đổ cả đất trời, lấy tai họa đột ngột của biến cải vũ trụ để diễn tả lòng đau. Nỗi đau không còn là sự hụt hẫng có thể bồi đắp. Để xác nhận một điều: Phải đến khi mất một cái gì, người ta mới tỏ rõ nó đã có, đã quan trọng thế nào... Lập luận tưởng như vô lý (biết là có khi mất đi) nhưng lại bất ngờ thú vị và tạo được hiệu ứng đồng tình, đồng cảm cho người đọc về một tâm lý có thật. Diễn tả niềm đau đớn khi mất người yêu, tình yêu, nhà thơ Dương Hương Ly trong tác phẩm thơ: Bài thơ về Hạnh Phúc đã khóc: Anh mất em như mất nửa cuộc đời/ Như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc... Đúng là không mất mát nào lớn bằng cái chết nhưng cái chết cũng được hiểu theo nghĩa rộng hẹp không giống nhau. Đinh Ngọc Diệp kể câu chuyện nỗi đau “sụp đổ cả đất trời” là đã đến mức “sống mà như chết”.
Đọc trọn vẹn khổ thơ đầu: 
Anh mới biết: Tình yêu có thật
Mất em sụp đổ cả đất trời
Cho anh bài thơ tình thứ nhất
Em vô tình nức nở khen hay!

Bài thơ tình thứ nhất lại là bài thơ về nỗi đau, éo le thay người ấy đi qua nỗi đau của anh một cách hồn nhiên và còn nức nở khen bài thơ đau đớn ấy như một người vô can! Nỗi đau như nhân đôi. Người tri âm thơ anh không phải là kẻ si tình, thậm chí còn là kẻ vô tình, đúng là trớ trêu cho nỗi: Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người (Dại khờ, Xuân Diệu). 
Trong cảnh huống ấy, Bài thơ thứ hai bắt đầu cho một lối rẽ đột ngột: 
Bài thơ thứ hai chỉ mình anh biết
Như mình anh gặm cô độc một đời
Bỗng một ngày hiện trên facebook
Cô gái lạ vô tình đắm đuối thơ rơi

Cái nỗi đau “một mình mình biết, một mình mình hay” được nhà thơ gọi là cuộc gặm nhấm nỗi cô độc một đời. Người yêu người ta một mình cô đơn cũng như người làm thơ vậy. Thơ khát khao tri âm, chờ đợi cũng như người ta khát khao tình yêu. Tưởng thế là  tuyệt vọng, bỗng một ngày người con gái không can dự vào cuộc độc hành cô độc ấy nức nở khen, vô tình đắm đuối bài thơ buồn... 
Mình anh đi qua hai nỗi cô đơn nhưng cũng mình anh nghiệm ra chân lý, buột ra ở  câu kết của bài thơ: Anh mới biết: Thơ hay là có thật/ Vì thơ hay chỉ hay với một người...! Đó vừa là cao trào tình cảm, đồng thời cũng là đích đến của ý tưởng thơ. Rằng: Tình yêu có thật, nỗi đau rất thật, thơ hay cũng rất thật. Thơ hay đi trong nỗi thành thật, có thể đó là sự thành thật về nỗi đau, cũng thế. Thơ hay cũng phụ thuộc vào cảm nhận của trái tim, sự rung động hiếm hoi. Người làm thơ được tri âm là cuộc hạnh ngộ không dễ gặp.
Câu chuyện tình rẽ sang câu chuyện thơ, câu chuyện của trái tim rẽ sang câu chuyện của sáng tạo được Đinh Ngọc Diệp kết nối trong mạch liên kết vừa lo-gic vừa bất ngờ thú vị, đồng thời pha trộn cả vị đắng của nghịch cảnh oái oăm để “đánh đổi” một bài thơ hay. Cũng vẫn là Đinh Ngọc Diệp với lối cấu tứ tưởng ngẫu hứng, giản đơn mà đầy suy ngẫm, dồn nén. 
                                                                     1-5-2016
                                                                      P.T.K.K 
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 262
 Hôm nay: 5096
 Tổng số truy cập: 12967329
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa