Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Nắng hát trên vùng đất khát (Ghi chép)
Nắng hát trên vùng đất khát (Ghi chép)

Cuối giờ chiều mà cái nắng hãy còn giòn tan, nhìn xuống mặt nước tưởng như ai đó vừa vô tình chạm vào làm nắng vỡ ra từng mảnh rơi vương vãi, lấp lánh trên mặt các ao tôm quảng canh nằm san sát nhau với bờ bao đắp cao và ni lông lót đáy be lên tận bờ loang nắng. Bóng anh Lĩnh với bóng tôi dài thườn thượt trên mặt bê tông, con đường đê sông Mã hầm hập nóng. Chúng tôi lướt qua những khu ao hai, ba mẫu xăm xắp nước nối nhau cảm giác như dài đến vô tận. Từng hàng guồng nước tạo ô xi trên các ao tôm máy chạy hết công suất tung bọt trắng xóa. Tôi thu vào tầm mắt mình một bức ảnh với đầy đủ sắc vàng của nắng, sắc trắng của bọt nước tung hứng và màu thăm thẳm xanh của nền trời in hình xuống mặt ao. Từ bức ảnh ấy bao thanh âm của sự vượt khó, của hăng say lao động ngân lên hòa cùng tiếng của gió hát, nắng hát trên vùng đất khát.
Con tôm là đầu cơ nghiệp
Tôi về Hoằng Châu, một xã có tiếng về nuôi tôm của huyện Hoằng Hóa, tôi muốn tìm hiểu thêm về con tôm được xem là “đầu cơ nghiệp” của người dân nơi đây. Huyện Hoằng Hóa có 7 xã thuộc vùng bãi ngang ven biển bao gồm Hoằng Phụ, Hoằng Trường, Hoằng Hải, Hoằng Thanh, Hoằng Tiến, Hoằng Châu, Hoằng Yến. Xã bãi ngang ven biển là những xã khó khăn hơn so với các địa phương khác bởi đất đai khó canh tác, thiên tai khắc nghiệt, tỷ lệ hộ nghèo cao. Hầu hết đều là những vùng đất ven biển hoặc sâu trong đất liền nhưng sông rạch cắt chẻ, bao bọc. Đây là điều kiện địa lý tự nhiên trắc trở làm giảm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Tôi hỏi anh Vũ Bá Lĩnh, Bí thư Đảng ủy xã, cái khó khăn nhất của Hoằng Châu là gì? Anh bảo nước. Tôi thắc mắc, xã anh nằm ngay bên cạnh sông Mã, ngay cửa Lạch Trào, nước ngọt, nước lợ, nước mặn đủ cả sao lại thiếu nước? Anh giãi bày, tôm thiếu nước, lúa thiếu nước, tôm chết vì thừa nước, lúa chết vì ngập nước. Hoằng Châu nằm cuối nguồn của con sông Mã, là một trong những xã có diện tích nuôi tôm lớn nhất nhì của huyện, diện tích nuôi tôm nhiều hơn diện tích cấy lúa. Có một thời con tôm đã đưa Hoằng Châu trở thành điểm sáng, điểm xanh của huyện, giúp cho đời sống bà con trở nên giàu có, địa phương tự cân đối được ngân sách, nhưng thời ấy đã xa, rất xa rồi, bây giờ con tôm đang “khát nước”. 
Mùa khô từ tháng mười năm nay đến tháng tư năm sau, nguồn nước ngọt ít, nước biển dâng độ mặn cao, con tôm thiếu nước lợ, không sống được. Đặc tính của con tôm thẻ (loại tôm được nuôi phổ biến ở các xã ven biển Hoằng Hóa) khi thả về ao nuôi quảng canh là sống trong môi trường nước lợ, có độ mặn vừa phải (khoảng 10%). Nguồn nước nuôi tôm của Hoằng Châu chủ yếu lấy trực tiếp từ cửa sông Lạch Trào. Mùa khô, mực nước ngọt thấp, mỗi độ triều lên theo đó độ mặn lên cao, không thể lấy vào ao nuôi. Mùa mưa lũ, từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, lượng nước ngọt từ thượng nguồn đổ về lớn, nước ở Lạch Trào bị ngọt hóa không đủ độ mặn cũng không thể lấy vào ao nuôi. Đối với cây lúa cũng tương tự, chỉ khác nguồn nước ngọt được lấy từ kênh N3 bắt nguồn từ Hoằng Xuân, đi qua hàng chục xã với quãng đường lên đến vài chục cây số, Hoằng Châu cuối nguồn, khi các xã khác lúa đã no nước thì về đến Hoằng Châu chẳng còn được bao nhiêu, chưa tính thời gian để nước về được đến nơi bà con phải chờ hàng tuần trời. Mùa lũ nước từ thượng nguồn đổ về, sông Mã nước dâng, kênh N3 nước dâng không thoát được, Hoằng Châu thành rốn đựng nước, cây lúa ngập nước, con tôm ngập nước, Hoằng Châu ngập nước.
- Giải pháp của các anh là gì? 
- Nuôi tôm trên cát.
Hoằng Châu có mười thôn thì bảy thôn có diện tích nuôi tôm. Với 425ha của 140 hộ tham gia nuôi, trong đó có 6 hộ nuôi theo hướng công nghiệp trên 75ha thuộc khu vực ngoại đê. Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi tôm công nghiệp trên cát thuộc vùng ngoại đê. Lô nhô trên đồi cát nhân tạo là hàng chục ao nuôi được phủ kín bởi lưới đen, lưới xanh, dây căng chồng chéo tạo thành hình chiếc lều giống lều của người Mông Cổ du mục trên các sa mạc tuyết. Sở dĩ gọi là đồi cát nhân tạo vì nền cát cũ ở đây rất thấp, dễ ngập lụt, buộc phải đưa cát từ nơi khác về tôn nền lên cao. Dưới nền phía lối đi là dây điện, ống dẫn khí, ống cấp thoát nước… tất cả đều được kết nối rất khoa học và nằm sâu trong cát, phần trên mặt bê tông chỉ là thành ao cao hơn nửa mét và mái vòm. Mỗi ao chứa cả nghìn mét khối nước với độ sâu gần hai mét tính cả bờ nổi, mỗi ao này có thể nuôi tới hàng vạn con tôm. Thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy trình của Viện Nông nghiệp Việt Nam từ con giống, thức ăn đến lấy nước, xử lý nước đầu vào, đầu ra thành một chuỗi khép kín và được thực hiện hoàn toàn bằng máy móc với công nghệ hiện đại. Để có một khu nuôi tôm theo hướng công nghiệp như thế này thì vốn đầu tư ban đầu là không hề nhỏ. Một vùng cát cháy nắng, tưởng như chỉ có phi lao, vẹt, sú, bần mới sống nổi, vậy mà khi áp dụng khoa học công nghệ vào, những bờ bãi hoang vu đã đem đến cho con người nguồn lợi khổng lồ, một nhịp sống tất bật, hiện đại đang từng ngày thay đổi diện mạo của làng quê nơi cửa bể. Không ít các công trình nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao đang xây dựng, tiếp theo sẽ là hàng chục, hàng trăm ao nuôi được đặt chễm chệ trên vùng cát lồng lộng nắng gió.
*
Cuối những năm 80, người mở ra mô hình và làm đầu tiên ở Hoằng Phụ là ông Cao Quốc Sự, khi đó là Chủ tịch UBND xã. Bản lĩnh vượt rào, cái tâm và cái tầm của người lãnh đạo không cam chịu đứng nhìn hàng trăm héc ta đất quanh năm hai vụ lúa mà dân không đủ gạo ăn, hàng trăm hộ của xã cứ bị cái nghèo đeo bám. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi tất cả diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả của mình sang nuôi tôm quảng canh. Sau hai, ba vụ, thấy ông làm ăn được người dân đã học theo, từ đó nuôi tôm với người dân Hoằng Phụ đã là một cái nghề, cuộc đời họ gắn bó với con tôm, như người dân các vùng khác gắn đời mình với cây lúa.
Chỉ trong ba năm từ 1990 đến 1992 diện tích nuôi tôm đã đạt mốc kỷ lục với 106ha, nghĩa là toàn bộ diện tích ruộng trũng thấp, cấy lúa không hiệu quả được chuyển đổi sang ao nuôi tôm quảng canh. Mỗi héc ta cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nguồn thu không chỉ đến từ con tôm mà đến từ hoa lợi thủy sản khác như cá, rong biển, cua… theo dòng nước vào những khi thay nước thau ao. Con tôm trở thành cứu cánh, thành lí do để người dân ở lại quê hương không tha phương cầu thực làm thuê thời vụ nay đây mai đó. Khi đó họ không còn phải nhặt nhạnh con ngao, con sò chang nắng nơi cửa biển. Con tôm khi ấy đã là đầu cơ nghiệp. Sau 10 năm mô hình nuôi tôm quảng canh làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của một xã nghèo ven biển. 
- Nếu ông Sự có bản lĩnh tiên phong, thì Hùng là cái thằng lì lợm dám sống chết với con tôm. Người khác rơi vào hoàn cảnh của nó chắc đầu hàng, chuyển nghề rồi. Ngã xuống đứng lên bao lần, giờ cơ sở nuôi tôm của nó không chỉ lớn nhất Hoằng Phụ mà lớn nhất cả huyện, cả tỉnh. Bây giờ nó giúp cho cả xã nuôi tôm, nó muốn giữ con tôm ở lại nơi này.
Ơn trời, cuối cùng nhân vật tôi cần tìm đã lộ diện sau câu chuyện rất dài của đồng chí Trương Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã. Tôi nóng lòng muốn gặp người này, một người mà theo lời ông Hiền là “sống chết với con tôm”, “bản lĩnh có thừa”…
- Động lực nào giúp anh đứng dậy sau những vấp ngã trầy da tróc vẩy?
- Khi bị dồn vào đường cùng. Trong tay không còn gì ngoài đam mê và nghị lực, khi đó đam mê sẽ là bè mảng, nghị lực là mái chèo để ta vào bờ.
Một câu nói đầy triết lí của người từng trải, cái bài học đắng đót, đắt đỏ mà Nguyễn Bá Hùng thu lại cho mình sau những nổi nênh, giờ đã là một doanh nhân thành đạt, một “ông trùm” ngành tôm của huyện Hoằng Hóa. Anh hiểu giá trị những giọt mồ hôi và cả nước mắt thấm dài trên bãi cát chang nắng quê hương của chính anh và những người dân quê mình. 
- Tôi đến với cuộc đời bằng hai bàn tay trắng, sau bao bận khôn dại mà thành trắng tay, và chắc chắn đến một ngày nào đó tôi sẽ rời bỏ cuộc đời này ra đi với hai bàn tay trắng, có chăng cái còn lại là người ta sẽ nhắc đến mình mỗi khi nói chuyện con tôm. 
- Sống là cho đi. Có phải đó là lí do mà suốt nhiều năm qua anh mải miết với hành trình thiện nguyện đến với người nghèo của mình? Và giúp cho bao người đủ sức theo đuổi đam mê với con tôm? 
- Mình thấy vui, thấy sung sướng thì mình làm thôi.
Một nụ cười hồn nhiên và mãn nguyện, đôi mắt híp và cánh mũi phổng lên, anh cười vô tư như một đứa trẻ, tôi biết anh bằng lòng với những quăng quật đã qua. Khởi nghiệp bằng chiếc xe cúp tòng tọc, vợ chồng anh dạo khắp vùng Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia mua tôm lẻ ở các ao nuôi đem bán ở khắp các chợ quê, rồi tìm mối đổ buôn ở các chợ đầu mối, nhà hàng cỡ nhỏ. Dần dà khấm khá tậu ô tô tải để gom được nhiều hàng hơn, quyết tâm làm ăn lớn. Mua ô tô rồi nghĩa là ngày nào cũng phải có hàng, mùa nào cũng phải có hàng, nhưng tôm nuôi có lứa, có vụ, đâu phải lúc nào cũng sẵn. Có ô tô rồi địa bàn mua tôm cũng vì thế mà rộng hơn, xa hơn, có khi vào tận Nha Trang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Để có thêm nguồn hàng anh lấn sang kinh doanh cả tôm đông lạnh. Mua tôm sống bán tôm chết lỗ chổng vó. Hàng đông lạnh phập phù, các đầu mối thả hàng khi lấy, khi không, người lấy gối đầu, người lấy chậm trả, vốn ít, tiền hàng găm cả ở các điểm phân phối nhỏ lẻ. Tôm sống lỗ, tôm đông lạnh không thu hồi được vốn, phá sản là điều đã thấy trước mắt, chẳng qua anh cố đi thêm để gỡ gạc, nhưng càng cố càng lỗ nhiều hơn. Công lao vợ chồng bao năm chắt bóp xây được cái nhà hai tầng cùng con xe tải ba tấn rưỡi phải bán sạch để trả nợ. Vợ chồng con cái rơi vào cảnh không nhà, không nghề, đúng nghĩa hai bàn tay trắng. “… con tôm nâng tôi lên và cũng chính con tôm dìm tôi xuống, nhưng lúc đấy tôi vẫn tin cái duyên của tôi với con tôm chưa hết…”. Phải là một người có bản lĩnh, trong hoàn cảnh “thuyền chìm” mà vẫn dám tin như thế, vẫn quyết giữ duyên với con tôm bền gan và có khi là mù quáng đến thế. 
- Hết cách tôi lên gặp ông Hiền làm cán bộ xã, là bạn nối khố với tôi. Ông Hiền đưa tôi sang gặp các anh lãnh đạo, sau khi nghe tôi trình bày nguyện vọng và ý tưởng thì các anh tạo điều kiện cho tôi ra khu ngoại đê. Được tiếp tục gắn bó, kết duyên với con tôm tôi mừng lắm. Làm lại ngay chỗ người khác đã thất bại bỏ đi. Đó là bước ngoặt, là ngã rẽ, là chiếc phao cứu rỗi cuộc đời tôi.
Ông Hiền là người chỉ ra cái nơi để anh Hùng gieo vụ đam mê và tưới tắm nghị lực lần cuối trên mảnh đất quê hương. Nơi mà người Huế từng thất bại với con tôm he phải bỏ của chạy lấy người. Trước mắt anh khi đó là hai ao nuôi mỗi ao rộng một héc ta và căn chòi canh không nổi chục mét vuông xác xơ, hoang tàn vì mưa gió nơi cửa biển. Một lần nữa anh Hùng lại bắt đầu từ hai bàn tay trắng, vẫn một mực níu kéo duyên phận với con tôm. Hai vụ đầu thất bại vì non kinh nghiệm, nợ chồng nợ, rạc người vì nợ, bạc đầu vì nợ, trũng mắt vì nợ, mất ăn mất ngủ vì nợ nhưng quyết không bỏ. “Chặt chuối, đóng bè, vợ chồng con cái ôm nhau ra biển cũng cam… vợ nói với mình như thế. Lúc đấy tôi nghĩ mình không thể không đứng dậy…”. Sau đó là những ngày lang thang khắp các ao nuôi trong vùng, vừa đi vay tiền lấy vốn gây dựng lại, vừa đi học mót kinh nghiệm của người ta. Từ vụ thứ ba kéo dần lại vốn, hai năm sau đấu thầu thêm ao để mở rộng diện tích. Gần năm năm nay anh đã chuyển hẳn sang làm tôm công nghệ cao, không còn nuôi quảng canh như thời kỳ đầu. Thấu hiểu được những nhọc nhằn, vất vả của nghề nuôi tôm, anh đứng ra chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế, giúp các hộ làm ao, cung cấp con giống, thức ăn cho tôm, thuốc phòng chữa bệnh, kiêm luôn thu mua tôm thương phẩm. Như anh nói “cái duyên với con tôm hãy còn dài lắm”.
Trăn trở vùng đất khát
Cuối năm 2002, dự án nuôi tôm công nghiệp được đầu tư. Tham vọng của dự án này là biến Hoằng Phụ từ vựa tôm quảng canh thành vùng nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao theo hướng hiện đại. Tuy nhiên sau 5 năm triển khai, mô hình nuôi tôm công nghiệp đã không mang lại hiệu quả như mong đợi. Với quy mô ao nuôi nhỏ lẻ và sự đầu tư không đồng bộ, vốn đầu tư ban đầu quá lớn, rủi ro cao, nhiều hộ e ngại không dám đầu tư. Từ tham vọng nuôi tôm công nghiệp ban đầu chuyển sang xây dựng mô hình nửa quảng canh nửa công nghiệp để tiết kiệm chi phí.
Những năm 2011, 2012 là những năm mất nhiều. Hệ thống máy bơm cung cấp nước mặn không hoạt động, nguồn nước lợ lấy từ cửa sông ô nhiễm không được xử lí, tôm giống không đảm bảo, hệ thống ao nuôi không được tẩy rửa đúng quy trình… dẫn đến tôm chết hàng loạt. Lúc đấy nhiều hộ sinh ra chán nản, ao nuôi bỏ không. Đó là thời điểm bà con hết kiên nhẫn với mô hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp. Mô hình này chỉ được một, hai năm đầu sau đó thì ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là nguồn nước. Sau 5 năm thì một nửa số hộ quay lại với nuôi quảng canh và đến thời điểm năm 2012 thì 99% số hộ chuyển sang nuôi quảng canh như truyền thống trước đây. Tuy nhiên chỉ là nuôi cầm chừng, nuôi cho khỏi nhớ nghề, nhớ tôm chứ không có mục đích kinh doanh thương mại. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Hoằng Phụ đã làm việc với hợp tác xã nông nghiệp, sau đó làm việc trực tiếp với các hộ nuôi. “Chúng tôi cùng ngồi lại với nhau để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao thất bại? Làm sao để vực dậy tinh thần và nghề nuôi tôm? Nên động viên nhân dân tiếp tục đầu tư để phát triển con tôm hay chuyển hướng? Nếu chuyển hướng thì chuyển sang làm cái gì? Cuối cùng chúng tôi quyết định tiếp tục động viên bà con nuôi tôm nhưng phải thay đổi tư duy sản xuất, không manh mún, nhỏ lẻ, tự phát nữa. Động viên bà con dồn ao, một là hợp tác với nhau làm ăn hai là chuyển quyền sử dụng lại cho người khác để hình thành các ao nuôi trên một héc ta, và tuân thủ kỹ thuật xử lý nước cả đầu ra và đầu vào để hạn chế rủi ro. Đảng ủy xã đã xây dựng Nghị quyết về phục hồi và phát triển con tôm nhưng chưa kịp ban hành thì tập đoàn Flamingo đến đăng ký đầu tư phát triển du lịch, mọi thứ về thay đổi nghề nuôi tôm dừng lại…”, giọng ông Hiền có chút ngậm ngùi sau hai chữ “dừng lại”. Cán bộ, đảng viên và người dân trong toàn xã đều muốn vực dậy “nghề nuôi tôm” nhưng “lực bất tòng tâm” khi câu chuyện cơ chế trớ trêu thay trở thành sợi dây vô hình ghìm chân họ lại. 
Flamingo đến đăng ký đầu tư, điều này đã đưa lại cho người dân Hoằng Phụ bao hồ hởi, bao hy vọng về một sự thay đổi cả về dáng vóc lẫn chất lượng đời sống người dân nơi cửa biển. Nhưng, mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ, bao kế hoạch của xã, của nhân dân trong xã dừng lại cho tập đoàn, 5 năm trôi qua vẫn chỉ là những hứa hẹn. Năm 2020, UBND huyện Hoằng Hóa, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Hoằng Phụ và đại diện tập đoàn Flamingo đã ngồi lại thống nhất kế hoạch triển khai đầu tư. Tuy nhiên, đến nay tập đoàn vẫn chưa có động thái rõ ràng, trong khi nhà đầu tư nuôi tôm, Ủy ban nhân dân xã vẫn đang mắc kẹt bởi cơ chế đầu tư và cơ chế đấu thầu đất đai. Để đầu tư một mô hình nuôi tôm công nghiệp giá trị đầu tư ban đầu lên tới hàng tỷ đồng mà thời hạn thuê đất chỉ hai năm là không khả thi, do đó, việc các nhà đầu tư đi tìm một vùng nuôi ở các xã, huyện khác, tỉnh khác là điều dễ hiểu và Hoằng Phụ đang mất rất nhiều nguồn lợi từ việc này.
Có câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp” hiểu nôm na con trâu là vốn liếng, con trâu là tiềm năng, là lợi thế, là sức vóc, là tương lai của người nông dân. Thì với ngư dân ven biển Hoằng Hóa con tôm “là đầu cơ nghiệp”. Nếu ông Sự là người “khai thiên” thì anh Hùng là người “lập địa” cho con tôm ở Hoằng Phụ. Xuất phát điểm có thể khác nhau nhưng mục đích cuối cùng là để những người dân một đời dãi dầu gắn bó với tôm với đầm, với đìa, với ao, với cả những nắng nỏ, cả những bão giông nơi cửa bể bớt đi nhọc nhằn, nghèo khó.
Ở Hoằng Phụ không chỉ có anh Nguyễn Bá Hùng mà còn có nhiều người khác nuôi tôm theo hướng công nghiệp thành công. Tuy nhiên, người tiên phong và bền vững, gắn bó lâu dài với quê hương thì chỉ có anh Hùng, số còn lại đa phần đi các nơi khác lập nghiệp, đi các huyện khác trong tỉnh như Quảng Xương, Hoằng Hóa… hay đi ra các tỉnh ngoài như Thái Bình, Nha Trang… nhưng số người đi lập nghiệp thành công thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người muốn trở lại quê hương làm ăn, nhiều người từ nơi khác muốn đến đầu tư nuôi tôm công nghệ cao nhưng còn nhiều điều vướng mắc chưa thể giải quyết ngay được. Vì cơ chế về đấu thầu sử dụng đất nhiều bất cập khi địa phương đang phải đứng giữa một bên là chủ trương kêu gọi đầu tư của huyện, một bên là nhu cầu thuê đất, tích tụ đất đai của những người có ý định đầu tư nuôi tôm theo hướng công nghiệp hiện đại “bỏ ra tiền tỷ đầu tư mà cho thời hạn có hai năm thì khác gì đánh bạc..” ông Hiền trải lòng. Rồi ông liệt kê tôi nghe một loạt những Nghị quyết, những Chỉ thị, những Kế hoạch hành động thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, Huyện ủy, Đảng ủy xã về con tôm và đời sống người nuôi tôm. Nhưng vế sau câu chuyện của ông hãy còn nhiều trăn trở “Tỉnh rải thảm, huyện kêu gọi mà về xã lại gây khó khăn cho doanh nghiệp đến địa phương đầu tư là không được. Ngược lại, để nhân dân trong xã mòn mỏi chờ đợi dự án, để chính quyền mãi vướng như gà mắc tóc trong câu chuyện tháo gỡ cơ chế đầu tư thì cũng không ổn. Điều đó sẽ kìm hãm sự phát triển của địa phương, sẽ kìm hãm mong muốn làm giàu của người dân, từ đó vô hình chung làm cho niềm tin vào sự đổi thay cũng vì thế mà vơi dần theo thời gian…”.
Cuối chân trời phía tây, những vệt vàng nghệ còn loang lỗ trên vùng mây xám, tôi được anh Lĩnh cho ngắm trọn một vòng Cồn Trường. Theo dòng chảy miên man giao hòa giữa sông Mã và cửa biển Lạch Trào, bãi nổi Cồn Trường được hình thành tự bao đời như một món quà mà thiên nhiên ban tặng cho dải đất vùng triều. Bao năm qua, vùng đất mênh mông sóng nước ấy vẫn luôn âm thầm gắn bó và đóng góp cho cuộc sống của cư dân nơi đây. Cồn Trường vẫn giữ cho mình nét hoang sơ riêng có của một vùng bãi bồi ít người đặt chân đến. Trong lồng lộng gió chiều tôi miên man nhiều nghĩ ngợi, găm cái nhìn vào con thuyền nhỏ dập dềnh trên sóng nước như chờ người điều khiển để sang bờ nơi rì rào sắc xanh…
            

6-2023
              N.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 176
 Hôm nay: 4804
 Tổng số truy cập: 12825797
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa