Một buổi trưa đầu tháng sáu oi nóng tôi nhận được cuộc gọi, bên kia đầu dây giọng hồ hởi: “Cô Mai phải không?”. “Vâng ạ, chào Trưởng bản! Trên mình có mưa chưa anh?”. “Mưa rồi, suối Tút có nước rồi! Còn tin vui nữa báo cô biết: Hôm nay bản Suối Tút được đóng điện lưới rồi cô ạ, tôi đang đi kiểm tra các hộ đóng điện đây!”. “Ôi thế đúng tin vui lớn rồi!”. “Vâng, hôm nay ngày tốt, trời mát dịu sau mưa, bản được phủ điện lưới”. “Chúc mừng Trưởng bản và bà con bản ta anh nha, ngày trở lại bản ta sẽ vui lắm rồi!”.
Cuộc gọi của Trưởng bản Tặng Văn Lai từ bản nhỏ người Dao có cái tên Suối Tút làm dịu cả oi bức trưa hè. Vâng, rồi bản Suối Tút sẽ rất vui, tôi hình dung ra cảnh nhà nhà có điện, tiếng hát người Dao, lễ hội người Dao khắp nơi sẽ đến với người dân bản Suối Tút, niềm vui của trẻ thơ, niềm hạnh phúc rạng rỡ trên gương mặt những người vợ, người mẹ xưa nay chỉ biết cặm cụi việc đồi nương, đồng áng hay trên các mũi thêu. Rồi ngày mới sẽ đến với bản người Dao Mường Lát hàng chục đời định cư dưới chân núi Chuối Ngòi hùng vĩ, bên kia mái núi là tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Người Dao bản Suối Tút rồi sẽ càng thêm yêu, gắn bó với đất đai, với cột mốc ngay núi bản mình. Cái bản nhỏ bên con suối nhỏ mà tên suối đã thành tên bản, mới nghe gợi miền xa xăm kia và câu chuyện về gia đình truyền đời trông coi, bảo vệ cột mốc mà chúng tôi vừa có dịp lên thăm sẽ nhân ra khắp vùng biên đất nước.
Câu chuyện qua điện thoại với Trưởng bản Tặng Văn Lai làm rộn lại chuyến đi vào ngày đầy nắng với những cung đường đèo dốc cheo leo; một hành trình gian nan nhưng không kém phần lý thú. Đoàn công tác chúng tôi do Thượng tá Hồ Ngọc Thu, Phó Chủ nhiệm Chính trị - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa dẫn đầu. Trong suốt chuyến đi gần ba trăm cây số ngược miền Tây xứ Thanh, anh thường điểm tên, giới thiệu điểm đặc biệt những nơi xe sắp qua, những câu chuyện sinh động, vừa thú vị vừa xúc động về đời lính biên phòng, về dân bản vùng cao làm chúng tôi quên đi cung đường xa ngái, khó khăn, thỉnh thoảng một trận cười vui lại rộ lên. Chuyến đi này chúng tôi được lên năm đồn biên phòng tuyến biên giới Mường Lát. Chúng tôi sẽ được cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người lính biên phòng, sẽ hiểu hơn về những người lính biên phòng và cuộc sống của người dân nơi biên giới xa xôi, hẻo lánh.
Thượng tá Hồ Ngọc Thu đã có công tác tư tưởng trước với anh em đơn vị rằng đoàn công tác về đồn để thực tế đời sống bộ đội biên phòng, vì vậy không cần thết đãi, cứ cơm thường là được. Tuy vậy khi đến Đồn Biên phòng Quang Chiểu bữa cơm trưa mời khách vẫn được chuẩn bị rất thịnh soạn. Tôi cười bảo: “Thế này lại làm phiền đơn vị rồi”. Thượng tá Lê Đình Phú, Đồn trưởng vui vẻ: “Các anh chị đừng lo, thực phẩm và rau đậu toàn là sản phẩm tăng gia của đơn vị cả, chúng ta cứ thoải mái!”. Sau bữa cơm thân mật, chúng tôi được đơn vị sắp xếp phòng để nghỉ ngơi. Phòng nào cũng khang trang, sạch đẹp, ngăn nắp. Sự chu đáo của những người lính biên phòng khiến chúng tôi có cảm giác như đang ở nhà mình vậy.
Đầu giờ chiều các nhóm của đoàn công tác tỏa về các điểm thực tế. Công việc của nhóm chúng tôi được xác định là vào bản Suối Tút. Người hoa tiêu cũng là người điều khiển xe lượn con đường dốc quanh co đưa chúng tôi từ Đồn Biên phòng Quang Chiểu vào bản Suối Tút là Trung tá Lê Trọng Điệp, Phó Đồn trưởng. Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại về độ lượn và dốc của con đường, Trung tá Điệp trấn an: “Các anh chị yên tâm, con đường đã được bê tông hóa vào tận bản, về chưa lâu nhưng em cũng đã nhớ, thuộc cung đường. Bao nhiêu năm vượt dốc từ Trung Lý, Yên Khương, Tam Chung, Mường Mìn nên tay lái cũng đã quen”. Vừa điều khiển tay lái, chân ga tránh những cú leo lượn gây sốc anh vừa chuyện trò về sự ra đời con đường, chuyện làng bản. Những thông tin ngắn và cần thiết cho tôi, người lần đầu đến với bản Suối Tút xa xôi, cách trung tâm thị trấn Mường Lát hơn 25 kilomet, cách trung tâm xã Quang Chiểu có Đồn Biên phòng Quang Chiểu khoảng 7 kilomet đường chim bay. Anh Điệp còn chia sẻ cho chúng tôi về mối thâm giao giữa cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Quang Chiểu và đồng bào trong bản, đặc điểm cư dân và một số khó khăn, thuận lợi trong công tác phối hợp bảo vệ vùng biên xa xôi này. Vừa lắng nghe những câu chuyện của Trung tá Điệp tôi vừa dõi mắt nhìn qua khung cảnh ngoài cửa kính xe, nắng quái gắt gỏng buổi chiều cuối tháng năm thắp vàng thửa ruộng lúa mùa gặt, vàng chan thêm vàng, vàng nắng hắt trên sườn dãy núi Chuối Ngòi hùng vĩ. Con suối dọc đường đi cạn trơ đá, Trung tá Điệp nói con suối đó là suối Tút, suối đang mùa nước cạn, năm nay cạn sớm hơn mọi năm. Những khi có nước con suối cũng thơ mộng lắm.
Xe dừng ngay đầu bản, chỗ con dốc. Đón chúng tôi là Trưởng bản Tặng Văn Lai. Anh còn trẻ, dáng vẻ lanh lợi, rắn rỏi, nói tiếng Việt khá sõi. Tiếp chúng tôi tại phần bán bình trước khu nhà đang xây sửa chuẩn bị cho du lịch theo mô hình Homestay, anh gọi đứa cháu gái lấy cốc, rót nước tiếp khách. Trong cái nắng nóng hầm hập, tôi vội quan sát tìm một chỗ ngồi khả dĩ tránh được cái nóng từ mái tôn hấp xuống, từ nền đất đồi hắt lên. Cô bé xinh xắn, cháu gái anh Lai đang là học sinh lớp 5 trường xã vừa rót nước vừa thẹn thùng cười. Tôi quan sát chiếc quạt máy nhãn Điện cơ cánh quay lừ đừ hỏi: “Ở đây dùng điện gì vậy anh?”. “Điện nước cô ạ, nước khan nên điện yếu lắm, bản đang chờ đóng điện lưới, theo kế hoạch chắc đầu quý 2 đây. Điện lưới về giúp bản đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới”. Chúng tôi nhìn nhau, cái nhìn cảm thông cho gia đình anh, cho đồng bào bản Suối Tút đang chờ đợi điều kiện tối thiểu mà cũng thiết yếu nhất của cuộc sống. Bản chưa có điện, nắng hạn suối cạn trơ, thiếu nước. Chúng tôi bỗng thấy thương những người Dao lành hiền, cần cù nơi đây. Và chúng tôi khâm phục ở họ tinh thần bảo vệ đường biên, bảo vệ từng tấc đất thiêng của Tổ quốc như một nghĩa vụ cao cả, một tình yêu lớn lao ở cái bản nhỏ này như lời giới thiệu của các anh Chỉ huy Đồn Biên phòng Quang Chiểu. Trong câu chuyện về bản làng, anh Lai cũng bày tỏ niềm yêu thương gắn bó tự hào về bản Dao với 26 hộ dân đoàn kết, chung sức phấn đấu đi lên. Sau những cởi lòng về người dân bản, anh Lai đưa chúng tôi đến một địa chỉ đỏ: Một gia đình đã có bốn thế hệ làm nhiệm vụ bảo vệ cột mốc. Trên đường đi đến gia đình này tôi nói vui với anh Lai: “Thế là gia đình này có sứ mệnh thiêng truyền trong gia phả rồi đấy anh!”. Mọi người tán đồng với cách đánh giá mang tính văn hóa của tôi.
Ngôi nhà Trưởng bản Lai đưa chúng tôi đến nằm trong khối dân cư nhỏ, những căn nhà gỗ, vách lát gỗ chung con đường, chung sân, theo phong cách người Dao. Căn nhà gỗ dài khoảng bốn gian hướng nam, hồi nhà hướng tây có những sạp củi xếp ngăn nắp, phía đông để trống đón gió. Chủ căn nhà là người đàn ông còn trẻ, người nhỏ nhắn, dáng vẻ nhanh nhẹn, gương mặt hiền lành. Anh cười chào mọi người và mời vào nhà. Trong lúc chủ nhà gọi chị vợ lấy nước mời khách, tôi quan sát nhanh không gian trong nhà. Lòng nhà rộng, gần như không bày đồ đạc gì. Ấn tượng đập vào cái nhìn của khách là bức vách gỗ hướng ra cửa chính treo rất nhiều bằng khen, giấy khen được đóng khung, treo ngay ngắn. Như một phản xạ công việc tôi vội giơ máy chụp kéo gần cự li các bằng khen, giấy khen; ngoài những tấm giấy chứng nhận gia đình văn hóa thì phần lớn các bằng khen và giấy khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, huyện, của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh về thành tích xuất sắc bảo vệ cột mốc 286, 287 tại địa phận xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát. Những bằng khen, giấy khen đã ố màu ghi tên ông Tặng Phú Minh, ông Phan Văn Xiết, những tấm còn mới hơn ghi tên ông Phan Văn San.
Anh Phan Văn San chính là chủ căn nhà chúng tôi đến và cũng là nhân vật đang ở giữa bốn thế hệ trong gia đình có nhiều năm bảo vệ cột mốc. Chúng tôi có cơ hội tìm hiểu về cơ duyên gia đình anh với nhiều thế hệ nhận bảo vệ cột mốc suốt nhiều năm qua. Từ thời ông ngoại anh San là cụ Tặng Phú Minh, bộ đội biên phòng đã đi lại rất thân thiết trong bản. Lúc đấy chưa có đường vào bản như bây giờ. Phải vượt qua hàng chục cây số đường rừng, trèo đèo lội suối bộ đội mới vào được bản. Làng người Dao thương mến bộ đội, cụ Minh là người dẫn đường cho bộ đội, cùng phát cây đi lên cột mốc. Được bộ đội nói về ý nghĩa cột mốc, cụ Minh vui vẻ tham gia. Ngày dựng cột mốc cụ cũng đã làm mâm lễ cúng tế thần rừng, thần núi chứng giám địa phận thiêng của Tổ quốc. Từ đó cột mốc trở thành điểm thiêng, gắn bó với người Dao bản Suối Tút. Thần núi, thần đất cũng đã phù hộ cho cột mốc yên ổn. Mỗi lần đi lên cột mốc cụ phải chuẩn bị cơm nắm, nước ống bương, dậy từ mờ sáng cả đi cả về mất một ngày. Mỗi lần lên thăm cột mốc cụ đều đem con phạ sắc, liền cấu, lên đến nơi là phát quang, giật cỏ, làm quang cột mốc như căn nhà của mình. Với chất giọng nhỏ nhẹ, anh San chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã được ông ngoại nói về cột mốc. Đó là ranh giới thiêng liêng, bên này là chủ quyền của đất nước ta có quyền trồng cây gây rừng, giữ nguồn nước cho người làng Dao, cho các dân tộc, cho con suối Tút. Bao nhiêu thế hệ phải đổi xương máu, bao nhiêu cố gắng nỗ lực để duy trì tình hữu nghị, hữu hảo với nước bạn chúng ta mới trồng được cột mốc này”. “Thế ông cụ thọ bao nhiêu tuổi anh?”. “Ông ngoại tôi thọ gần 80 tuổi. Sau khi ông mất nhiệm vụ chăm sóc cột mốc được giao cho bố tôi là Phan Văn Xiết” anh San nói.
Ông Phan Văn Xiết là người Dao thuần hậu. Làng người Dao của ông quây quần bên nhau. Khi cha vợ mất ông được bộ đội biên phòng giao trông giữ cột mốc. Qua những cuộc tiếp xúc với bộ đội, ông hiểu rằng người Dao bám đất, bám núi nơi vùng biên này chính là con mắt, là cánh tay nối dài của bộ đội biên phòng. Gắn bó với cái làng Dao nhỏ bé dưới chân núi này, ông đã chứng kiến từ sau năm 1975 cuộc sống nhiều người Dao trong bản cơm không đủ no, áo không đủ mặc đã di dân sang tận Lào. Không biết chuyến đi xa tìm cuộc sống tốt đẹp hơn của họ thành công ra sao nhưng ông Xiết vẫn vững tâm ở lại, ông động viên vợ con bám đồi núi, đất đai cùng với nhiều hộ dân còn lại vượt khó làm nên cái bản người Dao. Cụ Xiết và những người Dao ở các bản Suối Tút, Con Dao tại xã Quang Chiểu cùng với đồng bào mình ở Pù Quăn, Hạ Sơn (Pù Nhi), anh em dân tộc Dao đoàn kết, một lòng sắt son với bản làng đã góp phần làm vững chắc bức phên dậu miền Tây xứ Thanh. Cụ Xiết còn quyết tâm theo bước người cha vợ của mình, cùng bộ đội phát con đường lên cột mốc, làm thành con đường con cháu sẽ không phải vạch rừng mà đi nữa, có đường cứ đi rồi đường ngày càng rộng.
Trong câu chuyện về người cha mình, anh Phan Văn San đưa chúng tôi xem hai bức ảnh và giải thích: “Đây là ảnh bố tôi cùng chiến sĩ biên phòng lần lên thăm và chăm cột mốc”. Bức ảnh còn rõ nét, trên cột mốc ghi chữ VIỆT NAM, 6-6, 1981, người đàn ông Dao tầm thước vừa phải, nét mặt toát lên sự lanh lợi và một cán bộ biên phòng tay đặt lên cột mốc, một tay đặt lên hông, kiểu tạo dáng của những người đàn ông biết rõ mình đang đứng ở nơi quan trọng. Một bức ảnh khác chụp người đàn ông trong trang phục Dao đang phát tùm lá bên cột mốc, anh San giải thích: “Đây là ảnh bố tôi chụp hai lần khác nhau”. Cả hai bức chụp cột mốc trên có chữ ghi 1981. Nghĩa là khi kể câu chuyện này, gia đình anh, trước nữa là ông ngoại anh đã gắn bó với công việc chăm sóc cột mốc biên cương hàng nửa thế kỷ. Anh nói về công việc này một cách tự nhiên, giản dị như mọi câu chuyện khác nhưng trong mắt anh ánh lên niềm tự hào, như nói với người đối diện về truyền thống bảo vệ biên cương của gia đình đã trở thành điều gì đấy rất quan trọng, và truyền thống đó còn được kế tiếp đến con cháu anh sau này. Anh có hai người con trai là Phan Văn Xay đã xây dựng gia đình riêng, ở kế bên cha mẹ; và Phan Văn Cấu đang học năm cuối trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Các con anh kế tiếp ông cha, cũng thường kỳ cùng cha lên thăm cột mốc, dành tình cảm đặc biệt cho ngọn núi, con sông nơi vùng biên này. Khác với những người sinh sống ở vùng đất khác, gia đình anh và những người dân sống bám vùng biên hiểu hơn ai hết ngoài việc sinh tồn, lo chuyện cơm áo họ còn một nhiệm vụ thiêng liêng đó là thay mặt đồng bào mình trực tiếp gìn giữ từng hòn đá, ngọn cây nơi vùng biên khắc nghiệt mà ẩn tàng nhiều tài nguyên. Trong đó nguồn nước là tài nguyên thiết yếu, giữ lấy biên giới, giữ rừng chính là nguồn sống, bình yên cho đồng bào dưới xuôi, bình yên cho Tổ quốc. Hơn ai hết, họ là nhân chứng, là người từng tham gia gùi đá, gùi từng cân xi măng vượt đèo dốc xây lên cột mốc thiêng liêng, đánh dấu chủ quyền đất nước. Dù nơi núi rừng khắc nghiệt này cuộc sống của những con người lam lũ phải đánh vật với việc thiếu nước sạch, chưa có điện sáng, trường học của con cháu xa xôi, đi lại khó khăn,… nhưng ở họ vẫn kiên quyết bám đất, bám làng, giữ vững vùng biên của Tổ quốc.
Những người dân bản Suối Tút có được ý thức trách nhiệm cao như vậy là kết quả của một quá trình bồi đắp kiên trì của bộ đội biên phòng nhiều thế hệ, của chính quyền các cấp. Trong câu chuyện đón đoàn công tác tại Đồn Biên phòng Quang Chiểu, khi nói về tình hình nội biên, Thượng tá Lê Đình Phú, Đồn trưởng được mệnh danh là anh hùng dân vận đã cho biết: Từ khi thành lập (ngày 7 tháng 5 năm 1959) đến nay, Đồn Biên phòng Quang Chiểu ở vị trí xa nhất trong huyện biên giới Mường Lát, có nhiệm vụ quản lý 45,2 kilomet đường biên giới với 23 cột mốc từ 283 đến 304. Bên kia biên giới là hai tỉnh Hủa Phăn và Xốp Bâu của nước bạn Lào. Hai xã Quang Chiểu và Mường Chanh đồn quản lý cơ bản ổn định, không có xâm canh, di cư, chính quyền và người dân rất đoàn kết với biên phòng. Với đường biên dài và địa bàn biên giới phức tạp nếu không nhờ tai mắt người dân địa phương, cánh tay người dân nối dài cho bộ đội thì làm sao mà ổn được. Anh khẳng định đồng bào ta nói chung, người dân bản Dao ở Suối Tút và bản Con Dao là người Dao thuần hậu, chăm chỉ và đoàn kết, là địa chỉ đỏ về bảo vệ biên giới miền biên viễn này. Giữ mối quan hệ mật thiết với dân là nhiệm vụ và sách lược đúng đắn để lực lượng bảo vệ biên giới thành khối thống nhất, bền vững. Câu khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương/ Đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” là phương châm hành động, luôn nhắc nhở anh em cán bộ, chiến sĩ biên phòng.
Trở lại câu chuyện gia đình người Dao ở bản Suối Tút. Vợ chồng ông Xiết sau khi trụ lại bản đã sinh hạ được 6 người con, anh Phan Văn San là người con trai thứ hai, là đứa con sáng dạ, hiếu nghĩa và siêng năng. Anh San và người vợ hiền lành của mình là chị Tặng Thị Mùi, một cô gái Dao đỏ ở bản Con Dao, sinh được hai trai, một gái. Anh chị cũng đã có bốn cháu nội là trai. Cùng với hai mươi hộ khác trong bản, anh San, chị Mùi đã có hơn mười năm trồng giống cam Lào, mỗi năm vườn cam cho gia đình anh khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng. Thu nhập của gia đình giúp cho con trai anh yên tâm theo học tại trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Năm nay nữa cháu Phan Văn Cấu con trai anh San sẽ tốt nghiệp đại học. Cháu Phan Văn Cấu có dự định sau khi tốt nghiệp sẽ về bản đầu tư vào mô hình du lịch cộng đồng. Rồi con suối, rừng cam, cột mốc sẽ đi vào tua du lịch gần gũi mà thú vị với du khách. Bản Suối Tút đã bắt đầu cho sự ra mắt một bản du lịch cộng đồng từ gia đình Trưởng bản Tặng Văn Lai.
Anh San và Trưởng bản Tặng Văn Lai đưa chúng tôi cùng Trung tá Điệp ra con đường đi lên cột mốc. Trong ánh chiều hắt vàng trên dãy núi Chuối Ngòi, những thửa bậc thang một vụ nắng đã nẻ chân ruộng, bọn trẻ choai trong bản lên sân chơi bóng đá, thấy nhiều khách lạ chúng có vẻ hào hứng, vừa hô hoán chạy theo bóng vừa cười vang dưới bóng núi. Nhìn những bậc ruộng nứt nẻ tôi lo lắng hỏi: “Ruộng mình chỉ một vụ bà con có đủ lúa ăn không anh?”. Anh San thật thà: “Vẫn đủ cô ạ, bản còn một số thu nhập khác từ chăn nuôi, nguồn thu nhập từ người nhà đi làm ăn xa, trồng cam,… Con đường mòn lên cột mốc ngoằn ngoèo tựa sợi dây thừng nối từ chân núi lên đỉnh núi như thách thức bước đi và sự kiên nhẫn của khách xa. Anh San chỉ tay lên phía đỉnh núi nói: “Trông thế nhưng đi cả buổi mới tới nơi đấy, các anh chị muốn đi lên cột mốc phải chuẩn bị cơm nước, giày đi rừng, sẽ đi từ rạng sáng mới kịp”. Vừa vượt dốc trên con đường nhỏ vào chân núi anh San vừa chỉ cho mọi người biết dãy núi Chuối Ngòi hùng vĩ kia chạy vòng quanh quây như bờ giậu tự nhiên vững chãi của hai đất nước anh em Việt - Lào, cũng là nơi đầu nguồn con nước nuôi con suối Tút. Con suối chạy dọc theo bản, quanh năm là nơi tắm rửa của người già, trẻ nhỏ, nước tưới cho những thửa bậc thang, vườn tược. Con suối còn là nguồn cá cho dân bản. Cá đục suối là thứ đặc sản thơm ngon. Mùa mưa có lần con suối Tút cũng làm lũ, làng bản được phen trắng tay khi hoa màu, ruộng vườn, gà lợn bị cuốn trôi trong dòng nước xiết. Trong mùa lũ đó, bộ đội biên phòng đã vượt lũ ứng cứu kịp thời. Những việc làm giúp dân của các anh càng thắt chặt thêm tình nghĩa quân dân. Tuy có lần suối Tút thành mối họa nhưng trong lời kể của Trưởng bản Lai và anh San, suối Tút cũng như một nguồn sống, một nhân vật của bản làng, có lúc giận dữ đấy nhưng có lúc dịu dàng, êm đềm, gắn bó như mạch sống bản. Trong quan sát chúng tôi, suối Tút chảy dọc con đường vào bản, tạo nên vẻ mềm mại bên sườn non, đá núi. Suối Tút góp nước về suối Sim, con suối trong vắt, chạy dọc đường tỉnh lộ 520C qua hai xã Quang Chiểu, Mường Chanh, chảy lên biên giới. Một buổi sáng sớm ở Đồn Biên phòng Quang Chiểu chúng tôi dậy sớm thưởng thức cái yên bình trong lành của miền biên viễn, đi dạo trong khu vườn hoa, vườn rau quả tươi tốt của đơn vị rồi dạo sang bên kia đường ngắm con suối Sim, tôi chú ý biển đề bên suối: “Cấm đánh bắt cá”, tôi ngạc nhiên hỏi, Trung tá Vũ Văn Quyết giải thích: “Dân làng có tục đánh bắt cá chung, bản không đánh bắt lẻ mà chọn một ngày vui hoặc dịp thuận lợi sẽ báo cả bản đánh bắt cá suối. Cá tôm đánh bắt được ai về nhà nấy nhưng những gia đình neo đơn, người già cả vẫn được dân làng dồn cho phần”. Lại nhớ, cách tổ chức sinh hoạt làng bản như vậy, ở quê tôi những năn 70, 80 của thế kỷ trước đã từng có. Nhưng cuộc sống thúc bách làm người ta càng đi xa những tập ăn chạ, đánh cá chung như vậy.
Cùng chúng tôi đi lên con dốc nơi đầu nguồn con suối, Trung tá Điệp nói thêm: “Suối Tút góp nước ra suối Sim, suối Sim góp nước về sông Mã tại cửa khẩu Tén Tằn, nơi dòng sông trở lại đất Việt sau cuộc dạo chơi trên quê hương hoa Chăm Pa, chỗ mai kia các anh chị lên cửa khẩu Tén Tằn sẽ thấy. Không biết do tình cờ hay may mắn, cuộc hành trình của chúng tôi đã đi theo suối Tút, ra suối Sim, gặp suối ở cửa khẩu Tén Tằn vào một ngày nắng vàng, trời không gợn mây, vài người trong đoàn chúng tôi đứng trong nắng, ngước mắt ngắm nhìn dãy núi cao hùng vĩ còn mang vẻ nguyên sinh bên bờ đất nước bạn, dưới chân núi là ngã ba sông Mã nước trong in bóng núi đổ về đất ta thao thiết. Tôi chợt nhớ đến câu thơ “Cửa Tén Tằn sông Mã dồn quý thủy” của một nhà văn xứ Thanh, vang lên như một niềm vui thiêng liêng về sự bắt đầu.
Chúng tôi vừa nói chuyện vừa đi về phía chân núi nơi trên đỉnh kia sẽ có hai cột mốc ghi tên Việt Nam. Bỗng anh San có cuộc gọi đến. Người gọi đến đó là con trai anh, sinh viên Phan Văn Cấu gọi về hẹn ngày mai sẽ về nhà, đưa khách lên thăm cột mốc, chuẩn bị thiết bị trong nhà để đón ngày bản Suối Tút hòa điện lưới. Niềm vui nở bừng trên gương mặt anh San. Anh bảo tôi: “Cô toại nguyện rồi nhé!”. Tôi cũng vui vẻ nói: “Vâng thế là em may mắn, có cháu Cấu về cùng đi núi thăm cột mốc, em yên tâm rồi”. Tôi có ý định gặp và chuyện trò với cháu về dự định của Cấu về một làng du lịch trong tương lai. Phan Văn Cấu sẽ là sự tiếp nối câu chuyện về bản Suối Tút của chúng tôi. Cấu sẽ tiếp tục công việc của cha ông mình và thế hệ Cấu sẽ làm cho con đường lên cột mốc không còn thách thức nhiều với khách lên thăm. Cột mốc từ bản Suối Tút và dãy núi hùng vĩ nơi đây sẽ là điểm đến hấp dẫn để du khách chiêm ngắm và thấm thía cái tình sông núi, tình biên cương trong các tua du lịch tương lai.
Đầu tháng 6-2023
P.T.K.K