NGUYỄN TRỌNG VĂN Mơ giấc mơ xa (Truyện ngắn)
Mơ giấc mơ xa
NGUYỄN TRỌNG VĂN
Quả đồi rộng, không một nếp nhà. Làng xóm nhìn xa heo hút muốn tới cũng phải vượt mấy quả đồi mới gặp. Những người dân trong làng thoảng lắm mới đảo qua, chủ yếu là họ lên đồi kiếm củi khô hay quẩy từng gánh lá bạch đàn đem về làm gì Thanh Trà cũng không rõ. Cô lại gần mấy người toan tìm cách làm quen nhưng họ giấu mặt trong những chiếc khăn trùm kín mít thành thử cô không biết gọi họ là chị hay là bác.
Chồng cô thì trái lại, anh háo hức như bắt được của. Cánh tay của anh hết chỉ ra xa lại vòng vòng như đang vẽ. Rồi chồng cô sải những bước chân để đo đếm. Thanh Trà biết chồng mình đang phác nhanh cái dự định mà anh bàn suốt đêm không thấy chán. Anh nói say sưa, còn cô nằm im. Cô đâu có nghe. Thanh Trà vốn là người không có tham vọng lớn, nhất là tham vọng về nhà cửa. Với cô được sống trong một căn nhà dù bé nhưng nó là nhà của mình đã là hạnh phúc rồi. Cô không cản những ý định lớn lao của chồng. Cô biết nếu cô có cản cũng không được. Từ ngày quen anh và làm vợ anh đến giờ Thanh Trà luôn phục tùng mọi suy nghĩ do chồng áp đặt. Do vậy chuyện mua bán khu đất đồi diễn ra khá suôn sẻ. Phần vì người bán rất muốn bán, phần vì người mua quá háo hức. Chồng cô sau khi mua xong đã quyết định xây dựng ngay trên chính khu đất đồi này một biệt thự kiểu nhà vườn. Đây là món quà anh dành tặng tuổi hai mươi nhăm của cô.
Biệt thự kiểu nhà vườn mang cái tên “Hương Chanh” nằm trọn trên một quả đồi thoai thoải. Quả đồi này vốn xưa những người dân xã M, chủ nhân đích thực, chỉ trồng thuần một loại bạnh đàn chanh. Cây bạch đàn chanh thân tròn nhẵn cao vút, gió ào qua tỏa hương thơm sức. Nhất là vào buổi tối, từ xa hàng trăm mét cũng cảm nhận được thứ hương dìu dịu như mùi của lá chanh. Ngày đầu tới đồi bạch đàn này Thanh Trà rất thích được bứt lá bạch đàn chanh cho vào túi xách “ngửi nó thấy dễ chịu lắm”. Cô nói vậy thôi, chứ khi vò vò nhẹ rồi đưa chiếc lá nhỏ lên mũi ngửi Thanh Trà chợt như thấy thứ mùi vị thân thương của vườn nhà. Thứ mùi làm lòng cô cứ nao nao, cứ gợi về hình ảnh cái làng quê cô muốn quên mà chẳng tài nào xa được trong trí nhớ. Cô định giữ lại rừng bạch đàn đã hơn mười tuổi nhưng chồng cô, một đạo diễn âm thanh, cương quyết chỉ để lại hàng cây trồng bên lối ngăn cách với khu đồi bên cạnh.
Bầu trời đêm vùng đồi thật phóng khoáng, từng luồng gió thổi se se. Ngước mắt lên cao, vòm trời chi chít những vì sao nhấp nháy. Có lần Thanh Trà nghe nói “mỗi vì sao trên trời ứng với một số phận người dưới mặt đất”. Cô không nghĩ thế nhưng cũng tự tìm cho mình một ngôi sao nào đấy. Giữa muôn vàn các vì sao đang nhấp nháy Thanh Trà cứ ngẩn người vừa bước đi vừa ngước mặt lựa chọn. Cô đã tới sườn đồi bên trái, nơi tiếp giáp với khu đồi bên cạnh.
Thanh Trà bước đi thong thả, cô không sang bên khu đồi kia được. Thực ra cô cũng không có ý định sang đó trong hoàn cảnh như thế này. Thanh Trà bước xuôi dọc hàng rào, chốc chốc cô lại lắc lắc đầu nhẹ để hít hơi thở dài. Vị và mùi hăng hăng của lá bạch đàn chanh luồn sâu vào khí quản cô, nó kích thích lồng ngực cô những dư vị như đang được thoa nhẹ thứ mỹ phẩm hảo hạng của thiên nhiên. Theo bản năng Thanh Trà đưa tay cởi dần những chiếc cúc áo làm lộ ra bầu ngực tròn đầy của một người chưa một lần sinh đẻ.
Tuy đã gần ba mươi nhưng trời phú cho Thanh Trà có một vòng một khá tự hào. Đôi bầu vú căng tròn, mịn màng được mở ra đón nhận làn gió thổi nhẹ chạy dọc hàng bạch đàn từ chân đồi tới. Cô im lặng để luồng gió mơn man đôi bầu vú của mình. Bất chợt Thanh Trà cười, tiếng cười mang vẻ nửa sợ hãi nửa thích thú của lần đầu tiên được bàn tay con trai đặt vào ngực. Bàn tay ấy cứ xoa xoa rồi từ từ bóp mạnh đôi bầu vú. Thanh Trà kêu khe khẽ. Cô ngửa hẳn đầu nhìn lên trời, trên đó có ngàn ngàn vì sao đang nhấp nháy như ngàn ngàn cặp mắt đang nhìn như xoáy vào ngực cô.
Lâu rồi công việc trên sàn diễn Catwalk đã cuốn hút hết thời gian của cô. Thanh Trà dường như đã quên đi những cảm giác da thịt. Cô quay lại nhìn khu biệt thự kiểu nhà vườn của vợ chồng cô. Khu nhà như rộng thêm dưới trăng suông, trông lành lạnh và xa lạ. Từ bên trong khu biệt thự kiểu nhà vườn đang vẳng lại những âm thanh khi trầm khi bổng, cùng những câu hát lúc cao giọng lúc hạ xuống. Những âm thanh ấy phát ra từ chiếc loa nhỏ chồng cô đặt hướng ra ngoài, dấu hiệu báo “phòng thu” đang làm việc.
Ngày đồng ý để chồng mua lại quả đồi này Thanh Trà có nghĩ đâu gia đình cô sẽ đến đây để ở. Nó xa xôi đến hẻo lánh giữa bạt ngàn đồi núi, lại vắng vẻ đến phát buồn. Từ khi dân Hà Nội đổ xô lên Sóc Sơn tìm mua đất đồi, cư dân sở tại lần lượt chuyển đi nơi khác, họ không còn là chủ nhân nữa. Những khu biệt thự kiểu nhà vườn dần dần thay thế những căn nhà lợp mái rạ. Quang cảnh xóm làng hồi nào tuy vẻ đìu hiu nhưng còn vang lên tiếng gà gáy sáng cũng biến mất, chỉ chốc chốc vọng lên tiếng chó lai sủa dữ dằn.
Người hàng xóm bên cạnh khu đồi của vợ chồng Thanh Trà đâu như nghỉ hưu được dăm năm. Con cái đều học hành hay làm việc ở nước ngoài cả. Thành thử bên đó luôn vắng lặng. Cái vắng lặng của người già muốn hoặc muốn thanh nhàn hoặc muốn xa lánh mà tìm nơi kín đáo. Nhà ít người lại tuổi cao nên họ xây dựng nhà không to rộng lắm, chừa lại phần lớn khu đồi cho việc trồng cây. Khu nhà của họ giờ ngập lút trong màu xanh của cây cam, cây bưởi. Đứng bên ngoài nhìn vào không thể nhận biết được ngôi nhà của họ nằm ở đâu. Họ là những người biết nhìn xa, biết căn cơ trên khoản tiền mình có. Đã mấy bận Thanh Trà bàn với chồng xem bữa nào tiện sang chào hàng xóm, cô bảo: “Dù sao họ cũng đến đây trước vợ chồng mình. Vả lại họ lớn tuổi hơn”. Chồng Thanh Trà tuy đồng ý nhưng anh mải việc nên cho đến giờ vợ chồng cô vẫn chưa qua chào hàng xóm.
Đêm nay tiết trời khá thoáng. Không khí núi đồi thấm đẫm thiên nhiên nó gợi cho Thanh Trà nhớ tới ngày thơ bé của mình. Cô sinh ra ở một làng quê nằm giữa đồng bằng Bắc Bộ. Thanh Trà lớn lên chỉ có mẹ mà không có bố. Mẹ cô nổi bật trong đám thôn nữ. Bà vào tuổi mười bảy rừng rực như trái chín. Những tối sáng trăng trai gái đến tuổi cập kê trong làng rủ nhau ngồi hóng gió ngoài đầu làng. Đó là triền đê nơi con sông Châu lượn khúc sát vào bờ tre, từ đây ngồi nhìn thấy rõ ánh trăng soi mình xuống dòng sông. Ánh trăng lãng đãng nhập nhòa trên sóng nước như thứ men tình làm hờ hững vầng ngực thiếu nữ tuổi đương thì. Mẹ Thanh Trà mải ngửa cổ nhìn trăng đến khi nhìn lại chỉ thấy quanh mình mấy chàng thanh niên. Đám con trai trong làng dường như không cưỡng được vẻ gợi tình của cô bạn cùng thôn, họ lao vào bà. Sau đêm ấy đám cỏ mặt đê nhầu nhĩ và cô thôn nữ phút chốc trở thành đàn bà.
Thanh Trà sinh ra từ khí tiết của trăng cùng hương cỏ mật triền đê. Cô lớn lên và mang vẻ đẹp hơi man dại của những người luôn sống trong dằn vặt hay luôn bị hắt hủi. Mẹ con cô sống tách biệt với dân làng trong gian nhà tranh. Năm cô lên mười tuổi, một hôm đi học về muộn, cô được mấy người làng hớt hải tìm về. Mấy người làng vừa chạy vừa kéo tay cô lại bờ sông Châu. Đúng chỗ triền đê đêm trăng năm nào. Mẹ cô nằm đó, toàn thân sũng nước nhưng vẻ đẹp rực rỡ vẫn lồ lộ qua lần áo mỏng dính bệt vào thân. Bà được dân làng vớt lên nhưng đã muộn. Cái chết của thiếu phụ làng quê ẩn chứa bao oan ức. Ngày đó Thanh Trà còn quá nhỏ để hiểu được chuyện là thế nào. Sau này cô mới biết để nuôi cô, mẹ cô đã làm cái việc mà dân làng gọi là “làm đĩ”. Mẹ Thanh Trà những lúc cô đi học vắng nhà bà thì thụp tiếp những người đàn ông trong làng có, ngoài làng có. Họ đến để thỏa mãn thú vui xác thịt với người đàn bà đẹp đến mê dại, không chồng mà có con ấy và trả cho bà những đồng tiền. Mẹ Thanh Trà là người mẹ biết lo cho con nên bà tuyệt nhiên không để lộ điều gì cho cô biết. Bà nhanh chóng xóa mọi dấu vết sau mỗi cuộc truy hoan vội vã trước khi Thanh Trà đi học về. Cái hôm mẹ cô nhảy xuống sông Châu là cái hôm oan nghiệt nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của mẹ. Chiều hôm đó mẹ cô và người đàn ông hay qua lại bị đám anh em, con cháu đằng vợ ông ta xông đến. Họ bắt quả tang hai người đang ăn nằm với nhau. Một trận đòn đánh ghen oan ức cùng những lời lẽ cay độc đã khiến mẹ cô cùng đường hay chính xác hơn là những người đánh ghen chiều đó đuổi theo ép bà phải gieo mình xuống sông Châu. Mẹ cô chết để lại cô trên đời với bao lời đàm tiếu về một người đàn bà hư hỏng. Thanh Trà được gửi vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh H.
*
Thanh Trà rùng mình vội lấy tay kéo vạt áo lại che ngực. Như có nhiều, rất nhiều bàn tay đang mân mê ngực cô. Thanh Trà lắc đầu thật mạnh. Cảm giác hư vô tan biến, xung quanh cô chỉ có tiếng gió vi vút thổi qua những cánh lá bạch đàn chanh, mùi hăng hăng man mát của lá bạch đàn giúp cô tỉnh lại.
Thanh Trà quay vội về nhà nhưng khi tới gần cửa cô lại dừng lại ngập ngừng. Từ trong nhà vẫn vẳng ra những âm thanh nhạt nhẽo, lặp đi lặp lại. Khi quyết định chuyển đến đây để ở vợ chồng cô đã bàn đi tính lại nhiều lần. Cô muốn có một ngôi nhà bình dị chỉ để ở nhưng chồng cô lại muốn phải có một khu nhà không đơn thuần là để ở. Họ bàn đi bàn lại mãi cuối cùng Thanh Trà đồng ý với những dự định lớn lao của chồng. Đổi lại anh đồng ý với cô, gọi khu biệt thự kiểu nhà vườn này là “Hương Chanh”. Từ hồi làm vợ anh đến giờ Thanh Trà luôn nghe lời chồng. Với cô việc có được một gia đình ấm êm là thỏa mãn rồi. Cô chỉ mong ước có vậy cùng một khát khao vẫn chưa thực hiện được, đó là có được những đứa con của mình. Chồng cô bảo: “Con cái từ từ đã. Quan trọng là kiếm tiền”. Và với chồng cô việc kiếm tiền là bậc nhất. Anh lao vào kiếm tiền đến độ mê mải, lao vào bằng mọi cách để kiếm thật nhiều tiền. Có lần Thanh Trà bắt gặp chồng cô ngồi như bất động trên ghế. Bộ phô tơi bằng da thật rộng thùng thình chợt thấy chật chội trong dáng ngồi của chồng cô. Anh ngồi thụp người lại sát thành ghế. Hai cánh tay anh khuỳnh khuỳnh như chực nhảy sổ vào ai. Mái đầu cắt tóc ngắn nhô về phía trước trông càng dữ dằn. Đôi mắt mở to gườm gườm nhìn trân trân vào đống tiền lớn xếp thành từng cọc, từng cọc trên bàn như đang canh chừng sợ gió cuốn bay mất.
Nhưng chồng Thanh Trà là một người chồng luôn quan tâm đến vợ. Từ ngày làm vợ anh đến giờ Thanh Trà chưa một lần phải mó tay vào bếp. Cô được chồng săn sóc một cách kỹ lưỡng. Giờ nào thì ăn. Hôm nay ăn món gì. Giờ nào thì ngủ. Cô ngủ bao giờ dậy đều được anh đặt thành lịch cụ thể. Hễ thấy cô có vẻ nằng nặng cơ thể là anh bắt cô phải tiến hành cân sức khỏe do anh trực tiếp nhìn vào bàn cân. Tức khắc một chế độ ăn uống được giám sát tỉ mỉ. Nếu thấy gương mặt cô chợt xuất hiện đôi ba vết thâm nhỏ là anh vội vàng đưa cô đến mỹ viện uy tín nhất để khắc phục. Cô không phải làm bất cứ việc gì kể cả việc cắm mấy bông hoa vào lọ. Anh luôn nhắc: “Em uống nước cam ép chưa? Em đêm qua ngủ có đẫy giấc không?...”. Đại loại là những câu nhắc nhở khiến cô mới đầu thích thú với sự quan tâm của anh nhưng dần dần cô coi đó như là cực hình đối với mình. Vợ chồng cô không ngủ cùng giường, chồng cô bảo: “Ngủ cùng nhau đôi khi làm em bấn bíu với những cái tầm thường”. Cái tầm thường mà chồng cô nói lại là điều mà bao đêm Thanh Trà tỉnh giấc, cô ôm ghì lấy gối ngủ để xua đi cảm giác thèm muốn dục vọng. Cô khao khát có những đứa con của mình để được hôn lên đôi má đỏ lựng của chúng. Có đêm Thanh Trà tỉnh giấc, cô rón rén bước lại cửa phòng của chồng, bàn tay cô khẽ xoay núm cửa, cánh cửa phòng chồng cô mở ra. Thanh Trà đứng im lặng nhìn khắp phòng, mắt cô dừng lại trên chiếc giường rộng, chồng cô đang ngủ. Tư thế ngủ của anh khiến cô phải phân vân. Anh nằm ngửa, đầu ngoẹo về một bên, chân phải co lên, chân trái duỗi thẳng, hai bàn tay nắm chặt lấy nhau và co lên ngực, mồm há ra, từ chiếc mồm há ra đó phát ra những tiếng kêu khò khò đứt quãng. Thanh Trà tự dưng thấy thương anh quá, cả ngày anh vất vả với công việc đến giấc ngủ cũng vất vả. Cô lẳng lặng quay ra khép cánh cửa lại.
Nằm trên giường trong căn phòng dành riêng cho mình, Thanh Trà cảm thấy mình vô cùng đơn độc giữa bao vật dụng đắt tiền trong nhà. Cô đan hai bàn tay vào nhau đè ấn vào ngực mình cố ghìm cơn nhục dục đang giày vò. Cô như mê đi với những cảm giác lạnh lùng ấy nếu như không có tiếng động mạnh ở phòng bên cạnh. Đó là phòng của Mỹ Hiền, cô con gái riêng của chồng cô, con bé đã bước vào tuổi dậy thì nhưng mắc chứng động kinh nên có đêm chị giúp việc phải chạy lại đỡ nó dậy. Con bé ngủ không đẫy giấc. Khi ngủ nó thường chồm dậy la hét và lăn lộn khắp giường, lăn cả xuống đất. Ban đầu Thanh Trà rất sợ khoảnh khắc chồm dậy của con bé. Tiếng la hét và lăn lộn của nó cứ nhói vào tim cô nỗi đau năm nào. Cũng trong bóng đêm nhập nhòa ánh sáng như vậy cô bé Thanh Trà gào lên thảm thiết bên cái xác lạnh toát của mẹ. Lâu rồi mà cô không thể nào xóa được trong ký ức.
Thanh Trà chợt ứa nước mắt. Cô thấy lạc lõng giữa sự sung túc, đủ đầy song tẻ nhạt này. Cô nhổm dậy ngồi bó gối suy nghĩ, nỗi nhớ làng quê bên sông Châu ùa về đau đớn. Đã lâu rồi cô chưa về quê, thực ra có về cũng làm cô thêm buồn. Hình ảnh mẹ cô nằm bất động, toàn thân sũng nước trên bờ đê trở thành nỗi ám ảnh mỗi khi cô nhớ quê. Thanh Trà như bứt dứt trong người, cô đập tay bình bịch xuống giường. Những chiếc gối lông vũ thơm thơm nước hoa văng xuống nền nhà. Cô đang vùng vằng với chính mình, vùng vằng với chính sự xa hoa của mình, vùng vằng với sự cô đơn của mình, vùng vằng với nỗi khát khao thể xác của mình.
*
Sau khi mẹ chết Thanh Trà sống tiếp quãng thời học sinh ở Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh H. Sức sống mãnh liệt có từ khí tiết của trăng cùng vị ngọt nưng nức của cỏ mật triền đê đã biến cô gái mồ côi thành một thiếu nữ xinh đẹp. Trong đám trẻ con đang được nuôi dưỡng tại trung tâm, Thanh Trà trội hẳn lên cho dù thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Cô phổng phao từng ngày, vẻ thanh tân tưởng như chỉ dành riêng cho cô. Thừa hưởng vầng ngực căng đầy của mẹ, cô thừa hưởng cả sự phóng túng của thiên nhiên. Thanh Trà như đóa hoa dại dâng hương nhụy đang đợi bàn tay đón nhận. Cuộc sống trong Trung tâm bảo trợ xã hội đôi khi trễ nải nên Thanh Trà càng thêm vẻ hoang dại bởi nước da nhẹm nắng, mái tóc luôn bết vào trán cùng những giọt mồ hôi chẳng chịu khô. Cô cứ lộc ngộc giữa đám trẻ con rồi vụt lớn lúc nào không hay. Cho tới một ngày cô nhận thấy con tim thúc giục những ý nghĩ khiến cô đỏ mặt, ngượng ngùng nhìn xuống ngực mình thấy đôi bồng đào cứ trồi lên trồi xuống theo nhịp thở, phơn phớt đỏ cựa quậy, nây nẩy theo mỗi bước đi.
Cho tới một ngày cách đây hơn mười năm, ngày đó chính là bước ngoặt của cuộc đời cô. Hôm ấy Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh H đón tiếp đoàn hoa hậu đến làm “từ thiện”. Những cô hoa hậu tuổi còn rất trẻ, chỉ bằng hoặc hơn Thanh Trà một hai tuổi, rực rỡ trong những bộ trang phục đẹp mà trong giấc mơ cô cũng không mơ thấy. Họ luôn nở nụ cười khi đến gặp từng em mồ côi để trò chuyện và cho quà. Thanh Trà đã lớn nên cô không quan tâm tới quà, cô lặng lẽ ngắm các chị, quan sát từng cử chỉ của những hoa hậu. Cô không dám lại gần mà đứng xa xa ngó nhìn. Tối đó trung tâm tổ chức đêm giao lưu ca nhạc với đoàn hoa hậu. Thanh Trà lẻn sát cánh gà với hy vọng được nhìn các chị hoa hậu rõ hơn, nhất là được thấy các chị thay trang phục. Cái khao khát trẻ con của cô là ước gì mình được mặc những bộ quần áo đó. Ánh mắt cô cứ hau háu nhìn những bộ quần áo đẹp được mắc trên cây sào dựng bên cánh gà. Cô lại gần hơn, chợt ánh mắt cô chạm phải hình dáng một người đàn ông đang mải miết điều khiển bàn âm thanh. Anh trông chừng hơn cô độ hơn chục tuổi nên khá chững chạc. Người đàn ông có mái tóc hớt cua càng làm tăng thêm vẻ từng trải trên khuôn mặt. Anh lắc lư đầu theo tiết tấu của âm nhạc, hai tay như múa trên bàn âm thanh làm Thanh Trà suýt bật cười. Chốc chốc anh lại ngẩng mặt lên nhìn hư vô trong cái lắc đầu điệu nghệ.
Thanh Trà như bị thôi miên bởi bộ dạng của người đàn ông đó. Cô nhìn anh chăm chú đến không rời mắt. Hình như cái nhìn mê mải của người con gái tuổi mới lớn có sức thiêu đốt mãnh liệt, người đàn ông ấy ngẩng đầu lên, anh nhìn thẳng về phía Thanh Trà và nở nụ cười thân thiện. Thanh Trà chết lặng bởi cái nhìn và nụ cười ấy. Cô đứng đó đờ người ra, đôi chân muốn chạy mà không tài nào nhấc nổi. Anh nháy mắt có ý mời cô lại gần. Lần đầu Thanh Trà còn nghi ngại nhưng cái nháy mắt đầy khuyến khích của anh đã kéo Thanh Trà lại gần hơn. Anh ghé sát vào tai cô hỏi nhỏ khi vừa lúc kết thúc một tiết mục biểu diễn: “Em tên gì?”. Thanh Trà đáp nhanh không nghĩ ngợi: “Thanh Trà”. Anh dừng tay, mở to mắt nhìn cô nói thoảng qua: “Có phải mẹ em là một người đàn bà hư hỏng không?”. Thanh Trà hốt hoảng toan bỏ chạy, anh kịp với tay giữ cô lại và nói: “Mẹ em là người đàn bà hư hỏng bởi bà đã ngắt trộm trong vườn đóa thanh trà đẹp nhất dành cho em”. Cô lặng đi, cái tuổi thiếu nữ vừa kịp lớn của cô mách bảo cô đấy là lời khen hay nhất, mách với cô rằng con tim thiếu nữ phải đập nhịp yêu đương. Thanh Trà cứ lâng lâng suốt đêm hôm đó.
Mấy hôm sau, đạo diễn âm thanh Đoàn Hùng, người đàn ông mê hoặc kia, một mình trở lại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh H. Anh nói với các cô chú lãnh đạo trung tâm anh là người anh họ bặt tin cô tình cờ gặp được. Thái độ chân thành và giọng nói quê quê của anh được các cô chú lãnh đạo trung tâm tin cậy. Họ đồng ý để anh thường xuyên đến trung tâm thăm cô. Những cuộc đến thăm ngày một nhiều hơn, mỗi lần đến anh săn sóc cô hệt như một người anh chăm cho cô em gái. Họ chỉ hỏi han nhau về sức khỏe, về học tập và bao giờ cũng chỉ vào ban ngày. Anh chưa bao giờ nói đến chuyện đưa cô đi đâu xa khỏi trung tâm. Nhưng cử chỉ ân cần cùng cái nhìn như có lửa của anh đủ làm cô chờ đợi điều gì đấy. Một bữa anh nói: “Em đẹp lắm. Không thể để sắc đẹp này hoang phí được”. Thanh Trà còn ngây ngô hỏi lại: “Là thế nào anh?”. Anh cười đợi khi cô lơ đễnh đưa tay vòng ngang người cô, anh ghì chặt lấy cô nói trong tiếng thở gấp gáp: “Anh yêu em. Anh sẽ giúp em thấy được mình giá trị như thế nào”.
Lần đầu tiên đi chơi cùng đạo diễn âm thanh Đoàn Hùng cô đã choáng ngợp trước những câu chuyện của anh. Những câu chuyện tràn ngập sắc màu cùng âm thanh và ánh sáng của những đêm trình diễn thời trang. Cô ngập ngừng hỏi:
- Em đến đó được không?
- Em phải có ở đó lâu rồi. Đó là chỗ dành cho em.
- Em ở đó bằng cách nào?
Đạo diễn âm thanh Đoàn Hùng trả lời dứt khoát:
- Bằng sắc đẹp của em.
Thanh Trà sướng ngây ngất, cô để mặc cho Đoàn Hùng hôn như mưa như gió lên trán cô, lên mắt cô, lên má cô. Nụ hôn gắn chặt rất lâu trên đôi môi cô khiến cô nghẹt thở, cô đẩy anh ra.
- Không yêu anh à? - Đoàn Hùng hỏi nghiêm khắc.
Thanh Trà luống cuống vừa thở gấp vừa trả lời:
- Cho em thở tí đã.
Đạo diễn âm thanh Đoàn Hùng khi đến với Thanh Trà đã có một lần lấy vợ. Vợ anh là một cô gái Hà Nội chính gốc, cô quen anh trong một cuộc biểu diễn của trường ngân hàng, khi đó cô đang là sinh viên năm cuối. Đêm biểu diễn sẽ suôn sẻ nếu như không xảy ra tình huống lúc cô đang hát ngoài sân khấu thì âm thanh mất. Cô tức tối mắng anh sa sả lúc chương trình kết thúc. Đoàn Hùng im lặng nghe mắng, anh cúi đầu như một tội đồ. Thái độ nhẫn nhịn ấy khiến cô sinh viên thấy thương thương, cô lúng túng nói lời xin lỗi. Anh cười hồn nhiên như không có gì xảy ra. Thời gian sau họ yêu nhau và trở thành vợ chồng khi cái thai trong bụng cô không giấu được nữa. Cuộc tình không được bao lâu bởi đứa con gái sinh ra mắc chứng bệnh “Down”. Cô gái Hà Nội chính gốc sợ hãi giao đứa con cho anh rồi nhân một chuyến đi thăm người anh đang làm ăn ở bên Nga, cô đã ở lại.
Đoàn Hùng đưa Thanh Trà gia nhập làng trình diễn thời trang không mấy khó khăn bởi cô sinh ra là để cho thiên hạ chiêm ngưỡng. Sắc đẹp trời phú cùng sự ngây ngô của cô lại trở nên ấn tượng trong các cuộc trình diễn thời trang trên đất Hà thành. Tiếng tăm về một “chân dài” hoang dại khiến sàn Catwalk đêm đêm chao đảo. Thanh Trà “đắt sô” kinh khủng. Lịch trình diễn thời trang chen lịch ghi hình, lịch chụp ảnh mẫu chen lịch đóng phim quảng cáo. Cô dường như không có thời gian cho riêng mình. Đoàn Hùng thôi hẳn việc dàn dựng âm thanh cho những buổi biểu diễn chào mừng năm học mới hay những chương trình giao lưu của sinh viên các trường đại học. Anh trở thành người quản lý, người giám sát và kiêm luôn bầu sô cho cô. Cô nhất nhất tuân thủ mọi “quy định” do chính chồng cô đặt ra. Cô đi đứng, ăn nói, tiếp xúc dưới con mắt săm soi của chồng.
*
Thanh Trà đi xuôi về phía chân đồi, những bước chân như có ai đang dìu. Đêm se se, chành chạnh và im ắng lạ. Thanh Trà ngoái đầu nhìn lại ngôi nhà, từ trong đó như đang vẳng ra những âm thanh đơn điệu, nhạt nhẽo, lặp đi lặp lại. Phòng thu “xịn” nhất Hà thành như ao ước của chồng cô dạo này không ngơi việc. Cô tạm nghỉ trình diễn theo yêu cầu của chồng, anh bảo: “Tận hưởng đã. Em nên nghĩ đến chuyện khác”. Cô ướm: “Là những đứa con hả anh?”. Chồng cô lắc đầu, hẳn anh đang lên kế hoạch cho cuộc mưu sinh mới bởi giờ đây họ đã khá nhiều tiền.
Rồi cô lẳng lặng cởi bỏ bộ quần áo ngủ theo mỗi bước đi, chiếc khăn len hờ hững buông chéo người chỉ chực rơi. Cô bước những bước thênh thênh trên đôi chân trần. Đêm nay thiên nhiên mở dạ hội chào đón cô hay chính là cô được hòa vào thiên nhiên một cách không son phấn. Thanh Trà thấy hứng thú với thực tại, cô đưa tay ve vuốt thân thể mình một cách phấn khích. Gió thổi nhè nhẹ qua từng chiếc lá bạch đàn làm tấu lên bản nhạc du dương của đêm. Trên trời một ánh sáng lẹt qua, một vì sao đổi ngôi khiến vòm trời tỉnh đến trong veo.
Thanh Trà đi đến chân đồi. Cô dừng lại bên thân một cây bạch đàn, cây bạch đàn cuối cùng của hàng bạch đàn trên mười năm tuổi này có lẽ là cây lớn nhất. Dưới trăng suông thân cây lồ lộ màu trắng lạnh lẽo. Cô vòng tay ôm lấy thân cây, cảm giác mát lạ lan khắp thân thể khiến cô hơi dúm người lại. Chợt cô chới với khuỵu xuống, lăn mấy vòng xuống hẳn chân đồi. Cô rơi vào chiếc hố dài vừa thân người, chiếc hố được đào để chị giúp việc gom lá bạch đàn rụng tấp vào đấy. Thanh Trà thấy mình được nằm trên một chiếc giường mềm ấm. Từ chiếc giường ấy tỏa lên mùi bạch đàn chanh thơm hăng hắc. Lá bạch đàn khô nhỏ, nhẹ chùm lên ôm mượt lấy thân cô.
Cô mê đi trong mộng mị, cô thấy mình đang trở về tuổi thơ với hình ảnh mẹ cô toàn thân sũng nước nằm bất động trên bờ đê. Cái tuổi thơ nghiệt ngã cứ ùa về nó níu cô chìm dần, chìm dần.
N.T.V