LÊ NGỌC MINH
Chiếc áo nghĩa hiệp
Bút ký
Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, năm 2025, khi tỉnh Thanh Hóa đang trọng thị tổ chức kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3,4-4-1965 - 3,4-4-2025), tôi đến thăm cựu chiến binh, nhà văn Lê Xuân Giang, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228 Pháo phòng không - đơn vị từng làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng. Ông Giang, sau ngày giải ngũ đã đảm nhiệm nhiều trọng trách: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa. Hiện nay, nhà văn Lê Xuân Giang đã nghỉ hưu nhưng vẫn say mê nghiệp viết báo, sáng tác văn chương, và là Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Hàm Rồng. Trong bao là chuyện về một thời trận mạc, có câu chuyện chiếc áo nghĩa hiệp của một dân quân làng Nam Ngạn tên là Nguyễn Văn Cơi, “dành” cho viên Trung tá phi công Mỹ, Đen Tơn, Chỉ huy trưởng tàu sân bay Independence thuộc hạm đội 7. Câu chuyện xảy ra ngày 18 tháng 7 năm 1965, cách đây 60 năm.
Tôi quen nhà văn Lê Xuân Giang trong dịp Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa tổ chức tọa đàm “Thơ viết về người lính” nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-1974) tại một hội trường nhà lá ở chợ Vườn Hoa cũ với sự họp mặt các văn nghệ sĩ xứ Thanh, trong đó có nhiều cây bút đang là bộ đội đóng trên địa bàn. Tôi nhớ, hôm đó có một anh bộ đội mặc bộ gabadin mới, áo bỏ trong quần, đeo đôi quân hàm sĩ quan mới toanh. Cách ăn vận này trông anh khỏe mạnh, trẻ trung và thanh niên hơn rất nhiều với cách vận trang phục bằng áo đại cán bốn túi, dành riêng cho sĩ quan. Tôi rất ấn tượng với nụ cười rộng mở của anh trên gương mặt vuông chữ điền. Khi được nghe nhà thơ Mai Ngọc Thanh, Tổng Thư ký Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa giới thiệu anh là Lê Xuân Giang, bộ đội pháo cao xạ đã trụ ở Hàm Rồng ngót chục năm, đã đánh “giặc trời” trên đồi C4 Anh hùng từ những ngày đầu tháng 4 năm 1965 và đang là một cây bút sung sức của bộ đội Hàm Rồng, tôi rất ngưỡng mộ và tự đến làm quen. Biết tôi từng là bộ đội đảo Mê, giờ đang ở bộ phận viết sử và sáng tác văn học của Quân khu 3, anh tươi cười trò chuyện với tôi như tình đồng đội “tứ hải giai huynh đệ”.
Trong lúc chuyện trò, khi tôi nhắc đến mấy câu trong một bài độc tấu, một thể loại rất bộ đội được ưa thích hồi chiến tranh chống Mỹ, về chiến thắng Hàm Rồng: “…. Nào trung tá Đen Tơn/ Nào Chu Đi trung úy/ Cả hai thằng rên rỉ/ Tại Mắc Navara/ Hắn bắt chúng tôi ra/ Hàm Rồng để nộp xác” thì anh Giang kể lại trận đánh ngày 18 tháng 7 năm 1965. Đó là trận lần đầu ta bắn rơi và bắt sống giặc lái loại máy bay tối tân nhất A6A của không quân thuộc hải quân Mỹ. Nó lại càng oanh liệt hơn khi chiến công được lập đúng vào ngày Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Mắc Navara đến thị sát tàu sân bay Indenpent do chính Trung tá Đen Tơn là hạm trưởng. Anh Giang kể tiếp, hôm đó, đã quá ba giờ chiều, bỗng kẻng báo động nổi lên inh ỏi khắp trận địa Hàm Rồng và các vùng thôn làng xung quanh. Trên đồi 134, tổ trinh sát báo có mười một chiếc A4D, hai chiếc F4H và hai chiếc kiểu rất lạ đang bay tốc độ nhanh vào hướng cầu Hàm Rồng. Ít phút sau, một tin được báo gấp đến trận địa, cụ thể hơn: “Mười lăm chiếc cường kích và hai chiếc RB57 đã vào tư thế tấn công!”. Lâu nay bộ đội C4 và bộ đội pháo cao xạ Hàm Rồng thường đợi giặc đến “giáp lá cà” mới đánh, tức là lúc chúng lao xuống ném bom thì bản tướng bị phơi ra rõ nhất trước nòng pháo ta. Bắn là chắc ăn nhất. Và giặc đã vào tầm súng. Đạn của C4, và các đại đội lân cận nổ giòn giã, bọn A4D ném vội bom rồi hoảng loạn bay thục mạng ra biển.
Chợt có hai chiếc máy bay lạ (mà sau này ta mới biết là loại A6A) bất ngờ lao đến, bổ nhào như thiêu thân. Bộ đội chưa kịp hiểu là loại máy bay gì nên điện hỏi đài trinh sát. Bộ đội ở đài trinh sát cũng chưa thể trả lời được ngay. Nhưng là loại gì thì ta vẫn cứ đánh. Pháo từ các trận địa chờ lúc chúng chúi xuống thấp nhất cắt bom mới cấp tập nhả đạn. Một trong hai tên giặc lạ bị nổ tung giữa trời, nó gượng bay được một đoạn thì thấy hai chiếc dù, một đỏ, một trắng bật ra.
Tiếng reo của bộ đội trên các trận địa vang lên át cả tiếng bom đạn đang nổ. Đại đội trưởng Đại đội 4 phải quát lên: “Trận địa trật tự! Tiếp tục bắn chi viện để nhân dân dưới Nam Ngạn, Đông Hải bắt sống giặc lái!”.
Ngay sau đó, thêm hai chiếc RB57 bất ngờ lao vào. Nhưng đạn ta bắn rát quá chúng phải vòng quay đầu chuồn ra xa. Kể từ lúc ấy đến tối mịt hàng đàn máy bay đủ các loại thay nhau bay ở vùng trời Hàm Rồng, Nam Ngạn và vùng hạ lưu sông Mã để tìm kiếm hai tên phi công nhảy dù. Nhưng chúng đâu có biết hai tên phi công nhảy dù đã bị dân quân Nam Ngạn tóm gọn, khi chúng vừa rớt xuống sông Mã lúc bốn giờ chiều rồi. Mà người tóm viên Trung tá phi công Đen Tơn, chỉ huy hàng không mẫu hạm Independent lại là một nông dân 38 tuổi, tên là Nguyễn Văn Cơi.
Sau tọa đàm, tôi rất muốn đến thăm gia đình dân quân Nguyễn Văn Cơi để được nghe kể kỹ hơn về câu chuyện chiếc áo nghĩa hiệp nhưng do công việc phải về đảo cho kịp chuyến thuyền đêm nên mãi đến sau năm 1975 tôi mới có dịp đến làng Nam Ngạn.
Mấy năm sau chiến tranh, con ngõ nhỏ từ trung tâm làng vào nhà ông Cơi đã có nhiều tán cây xanh, bóng mát. Ông Cơi ngày đó đã gần 50 tuổi. Khi nghe đề nghị của tôi, ông liền cho người con trai đầu đi gọi một chị dân quân đến. Đó là chị Thạch. Ông Cơi mời chị Thạch ngồi và nói: “Công cô này to lắm. Chú phải hỏi cô ấy mới chính xác”. Chị Thạch chối ngay và phụng phịu nói: “Bác cứ khiêm tốn. Mời bác giúp anh bộ đội nhà báo đi ạ!”.
Ông Cơi bình thản làm một viên vo thuốc lào, nạp điếu bát, rít rất đẫy đến hai hơi liền rồi mới thong thả kể: “Hôm ấy thật quá bất ngờ. Tôi tuy nằm trong lực lượng dân quân dự bị, nhưng nhiệm vụ chính vẫn là đi sản xuất. Đang cày đất ở đồng làng thì thấy pháo ta đồng loạt nổ cấp tập ở phía trận địa Hàm Rồng và bên Yên Vực. Tôi chưa kịp chạy về trận địa trực chiến của dân quân làng để tham gia chiến đấu thì bỗng thấy máy bay Mỹ bị trúng đạn cháy như bó đóm trên đầu cùng với một tiếng nổ, nghe đến lộng cả óc. Rồi thấy có hai chiếc dù, một đỏ, một trắng bật ra ngay sau đó. Thế là tôi vọt chạy tắt qua cánh đồng đến chỗ chiếc dù đỏ đang rơi xuống. Chân chạy nhưng mắt vẫn dán lên bầu trời, theo dõi chiếc dù đỏ, phía dưới treo lủng liểng một thằng giặc lái. Tôi gặp hai dân quân người làng là Ngô Quốc Tĩnh và cô Thạch. Cả hai cũng đang chạy theo hướng chiếc dù đỏ rơi. Đến bờ đê, nhìn chiếc dù đỏ đã rơi đến gần mặt sông, tôi thấy một vật gì đó màu đen từ người thằng lái rơi tõm xuống nước. Sau khi tóm được nó rồi, thấy nó không có súng, tôi đoán là súng của nó đã bị rơi xuống sông. Cũng là đoán vậy thôi chứ mình có cái tiếng của nó đâu mà khảo cho ra nhẽ. Lúc nó rơi hẳn xuống sông, cách bờ đến năm, sáu chục mét, nhìn nước sông buổi chiều đang đầy và gió Nam quật sóng nổi lên, chúng tôi mới ngớ ra, làm sao để bắt được thằng lái này đây. Tuy hơi cuống nhưng rồi tôi cũng nhìn cô Thạch và chú Tĩnh hét lên: “Thuyền! Hai đứa bay đi tìm thuyền nhanh lên!”. Chỉ một lát, cô Thạch và chú Tĩnh đã đến chỗ hợp tác xã vận tải đường sông ngay cạnh mượn được một chiếc thuyền kéo tới. Cô Thạch và chú Tĩnh chèo, tôi lăm lăm con sào trong tay. Thuyền vừa áp vào phao và đống dù của giặc lái thì bốn chiếc thuyền khác của dân quân xã Đông Hải cũng lao đến vây quanh hiện trường phối hợp cùng nhau tóm cổ tên phi công, lôi cả hắn và phao lên thuyền.
Thằng lái ngồi trên phao run rẩy sợ hãi đến tê dại đi. Khi chúng tôi đưa hắn vào bờ, hắn không thể nào đứng lên được, chân cẳng cứ như chẳng còn tý gân cốt nào cả. Tôi kéo tay hắn, quát to: “Đứng dậy! Lên bờ nhanh không thì ông quật chết bây giờ!”. Tôi nói bằng tiếng ta, hắn chắc chả hiểu gì đâu nhưng có lẽ nhìn thái độ giận dữ của tôi nên hắn vội lóng ngóng quỳ và bái tôi, bái những người xung quanh như tế sao cùng với thứ tiếng Tây líu lô tuôn ra hàng tràng từ cái mồm lập cà lập cập tái nhợt của hắn.
Bà con trong làng đổ xô ra xem đông lắm, đến mấy trăm người. Họ dồn về chỗ chúng tôi một nửa, còn một nửa thì chạy về hướng chiếc dù trắng rơi. Một lũ bốn chiếc phản lực ào đến, pháo từ phía các trận địa cao xạ bắn tới tấp. Tôi phải ra lệnh: “Bà con! Ai không có nhiệm vụ rút ngay về làng theo hào giao thông. Các đồng chí dân quân thu nhanh tang vật khiêng về làng. Đồng chí Tĩnh, đồng chí Thạch cùng tôi áp giải giặc lái nộp cho bộ đội”.
Tên phi công càng lúc càng run sợ hơn và không thể đứng lên được. Thấy bọn giặc trên trời vòng lại, tôi sợ chúng phát tín hiệu cho nhau, hoặc thằng tù binh có máy điện đài trong quần áo liên lạc với đồng bọn nên ra hiệu cho hắn cởi bộ đồ bay. Hắn không còn sức để thực hiện động tác. Chúng tôi bèn xúm lại lột phăng cái áo bay ra bằng được. Thằng lái chỉ còn quần áo lót ướt sũng, hắn tiếp tục run và vẫn không thể nào đứng lên được. Da hắn bợt ra, nổi mụn lên như da gà bị mò đốt. Tôi thương tình cởi cái áo của mình đưa cho hắn mặc. Cuối cùng thì hắn cũng đứng lên và lết đi từng bước khi trên người hắn đã có cái áo nâu cũn cỡn của tôi. Về đến đầu làng thì chúng tôi gặp nhóm giải thằng giặc lái da đen tên là Chu đi chu điếc gì đó vừa đến”.
Ông Cơi lại ngừng, làm tiếp một hơi thuốc lào nữa. Vẫn là cách nhả khói đầy khoái trá. Xong, ông bảo chị Thạch: “Tôi đàn ông, đàn ang nói năng lỗ mỗ không nhớ kỹ hết được mọi thứ, cô Thạch, con gái khéo ăn nói bổ sung cho chú bộ đội nhà báo, để người ta viết thành tích làng mình bắt phi công giặc cho đầy đủ. Chả mấy khi có chú ấy đêm hôm lặn lội từ Hà Nội về đến tận đây”.
Chị Thạch đỏ bừng mặt từ chối: “Ối! Bác kể hay lắm rồi! Mà công lao của bác cháu mình có thấm gì với chiến công của các anh trên đơn vị cao xạ trên núi Hàm Rồng”.
Ông Cơi nói: “Cô Thạch nói thế cũng phải, tí công của anh em mình so với bộ đội Hàm Rồng chẳng khác nào đụn đất cạnh núi Thái Sơn!”. Nói thế rồi ông quay sang tôi, tiếp: “Chuyện chỉ có thế thôi, chú bộ đội nhà báo ạ! Xuống tàu về luôn đây, chắc chưa cơm gì, có mẻ ngô đầu mùa, tôi đã sai cháu nó luộc, chú ăn cùng chúng tôi nhé”.
Tôi chưa kịp nói lời cảm ơn thì bà vợ ông Cơi mang ra một rá đầy ngô luộc. Tôi rất lính tráng cầm bắp ngô, bà Cơi mời, ăn luôn. Rồi tôi hỏi ông Cơi: “Bác nghĩ thế nào mà cởi áo cho giặc lái Đen Tơn mặc?”. “Có nghĩ gì xa xôi đâu chú, thấy hắn vừa sợ và rét sắp chết, mình cởi áo cho hắn mặc thôi. Là giặc nhưng đã trong tay mình rồi, thấy hắn thê thảm cùng cực, nghĩ cũng thương!”.
Có nhiều bà con trong làng đến chơi, trong nhiều câu chuyện làng Nam Ngạn thời đánh giặc, vẫn có người nhắc lại câu chuyện chiếc áo nghĩa hiệp của dân quân Nguyễn Văn Cơi.
Hôm đi thắp nhang tại công trình tưởng niệm 64 Liệt sĩ hi sinh trong lúc đang đắp đê Nam Ngạn ngày 4 tháng 5 âm lịch, năm 1972, tôi và bạn văn Hà Huy Tâm đến thăm gia đình cụ Nguyễn Văn Cơi ở 25A, ngõ Nam Thượng, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa. Cụ Cơi đã mất hồi năm 2001. Tiếp chúng tôi là người con dâu trưởng, bà Đàm Thị Thọ và người cháu đích tôn của cụ tên là Nguyễn Hải Anh. Bà Thọ kể cho chúng tôi nghe, thập niên cuối của thế kỷ XX, cụ Cơi tham gia nhiều công tác xã hội, đã từng chủ trì một cuộc gặp gỡ các cựu chiến binh, dân quân làng Nam Ngạn tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng tham gia. Còn Nguyễn Hải Anh, một nghệ sĩ nhiếp ảnh thì khoe, bức ảnh anh chụp ông nội thăm Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình…
L.N.M