“Hàm Rồng chiến thắng” và những con người làm nên lịch sử (Bút ký)
MAI HƯƠNG
“Hàm Rồng chiến thắng” và những con người làm nên lịch sử
Bút ký
Với những người làm phim về lịch sử, nhân chứng là một phần đặc biệt quan trọng của phim. Cách đây 15 năm, nhân kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng, chúng tôi thực hiện phim tài liệu truyền hình “Cây cầu huyền thoại”. Để làm được phim, chúng tôi đã phải mất ít nhất 3 năm trước đó để tìm kiếm, tích lũy tư liệu, và đặc biệt là đi tìm những nhân chứng lịch sử của chiến tranh ở Hàm Rồng.
Những người xây dựng cầu Hàm Rồng
Cuối thế kỷ XIX, để khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã cho xây một cây cầu treo vắt ngang sông Mã. Đến năm 1946, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, chiếc cầu bị phá đi. Đến thời kỳ chống Mỹ, Trung ương Đảng quyết định xây lại cầu Hàm Rồng để đảm bảo mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam. Đội cầu Trần Quốc Bình, đơn vị chủ lực của ngành Giao thông vận tải chuyên xây dựng các cầu lớn lúc bấy giờ, chịu trách nhiệm thi công cầu Hàm Rồng.
Nhờ sự kết nối của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, từng là một pháo thủ của Trung đoàn 228 trực tiếp chiến đấu ở Hàm Rồng, chúng tôi đã gặp được một số công nhân xây cầu Hàm Rồng sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đó là các ông Nguyễn Quốc Bình, Lê Văn Tụng, Đỗ Đức Hậu, Nguyễn Ngọc Thiện… là công nhân Đội cầu Trần Quốc Bình, sau này gọi là Đội cầu 19/5.
Vào thời kỳ ấy, việc xây cầu bắc qua sông Mã là một thách thức lớn đối với ngành cầu đường Việt Nam. Trước đó người Pháp đã thất bại khi xây cầu trụ, phải chuyển sang thi công dạng cầu treo, Đội cầu Trần Quốc Bình đã mất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm phương pháp thi công phù hợp trong điều kiện vật liệu và phương tiện kỹ thuật hạn chế. Nhận thức được tầm quan trọng của cầu Hàm Rồng đối với cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước “Cầu là máu, cầu là xương - Cầu là sức mạnh muôn phương gửi về”, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân của đội cầu đã không quản khó khăn, gian khổ, sáng tạo cách thức thi công cầu trụ đảm bảo chất lượng kỹ thuật và tiến độ. Những kỹ sư, công nhân đã thi đua “tay súng, tay búa” xây dựng nên cây cầu lịch sử.
Trong những ngày tháng gian lao ấy, đội cầu đã nhận được sự đùm bọc, giúp đỡ tận tình của quân dân địa phương. Và chính nhờ sự gắn bó trong lao động và chiến đấu, một tình yêu đẹp đã nảy nở giữa chàng công nhân Đỗ Đức Hậu và cô dân quân làng Yên Vực Đỗ Thị Khoa, họ nên duyên vợ chồng và sinh sống hạnh phúc bên nhau.
Sau gần 4 năm thi công từ 1961 đến 1964, cầu Hàm Rồng chính thức được cắt băng khánh thành vào dịp sinh nhật Bác Hồ 19-5-1964. Sau đó, phần lớn các kỹ sư và công nhân của Đội cầu Trần Quốc Bình được rút về các công trường khác, chỉ để lại một bộ phận nhỏ làm nhiệm vụ sửa chữa, bảo vệ cầu. Đội cầu Trần Quốc Bình cũng đổi tên thành Đội cầu 19/5, còn gọi là Đội cầu Hàm Rồng, thuộc Ban Chỉ huy đường sắt phía Nam.
Tháng 4 năm 1965, sau gần một năm khánh thành, cầu Hàm Rồng trở thành mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ nhằm cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Cứ sau mỗi đợt mưa bom, cây cầu lại chằng chịt những vết thương. Những công nhân Đội cầu 19/5 ngay lập tức có mặt, không kể ngày đêm, đu mình trên thành cầu để chữa lành thương tích cho cây cầu thân yêu. Chính trong những năm tháng ác liệt đó, Đội cầu 19/5 đã vinh dự được phong danh hiệu đơn vị Anh hùng.
Những chiến sĩ không cầm súng ở mặt trận Hàm Rồng
Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ra miền Bắc Việt Nam, mặt trận Hàm Rồng - Thanh Hóa đã ghi vào lịch sử những chiến công lẫy lừng. Góp mặt vào chiến công ấy, ngoài những người trực tiếp cầm súng, còn có cả những chiến sĩ không cầm súng.
Trong lần tìm gặp những người xây cầu Hàm Rồng, đến thăm ông Hậu bà Khoa, đôi uyên ương đã nên duyên nhờ cây cầu lịch sử, chúng tôi được xem những bức ảnh tư liệu ghi lại từng khoảnh khắc sinh động về cuộc sống lao động và chiến đấu của quân dân Hàm Rồng và công nhân Đội cầu Trần Quốc Bình. Nhờ họ mà chúng tôi gặp được nghệ sĩ nhiếp ảnh - Nhà báo Mai Nam, và được khám phá kho tư liệu ảnh vô cùng quý giá, trong đó có rất nhiều bức ảnh chụp tại mặt trận Hàm Rồng. Tiếc rằng cách đây ít năm, nghệ sĩ Mai Nam đã về cõi vĩnh hằng.
Cố nghệ sĩ Mai Nam tên thật là Nguyễn Hữu Thống - Nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật - Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khóa IV. Trong chiến tranh chống Mỹ, Hàm Rồng - Thanh Hóa là địa danh mà ông rất gắn bó sau hàng chục chuyến đi đưa tin về chiến sự nơi này.
Trong số những tác phẩm nhiếp ảnh cố nghệ sĩ Mai Nam chụp ở Hàm Rồng, có bức ảnh cô dân quân Nguyễn Thị Hiền, một trong số 75 dũng sĩ làng Yên Vực có thành tích đặc biệt trong chiến đấu. Bức ảnh cô Hiền với tựa đề “đi trực chiến” chụp năm 1966 cùng hai bức ảnh khác về đề tài chiến tranh đã giúp nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam đạt Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng cao quý nhất dành cho các tác phẩm văn học nghệ thuật. Đây cũng là một trong số 30 bức ảnh về chiến tranh của ông được trưng bày trong một triển lãm quốc tế về ảnh chiến tranh tổ chức tại Pháp cuối năm 2014. Nghệ sĩ Mai Nam chia sẻ, phần thưởng lớn nhất đối với ông không phải là giải thưởng, mà chính là sự yêu quý của những con người đã bước vào ảnh của mình, để làm nên những tác phẩm sống mãi với thời gian.
Một người nổi tiếng nữa từng có mặt tại Hàm Rồng trong những năm tháng chiến tranh mà tôi may mắn được gặp nhiều lần, đó là Nghệ sĩ ưu tú - Đại tá Lê Lâm, Nguyên Phó Giám đốc Xưởng phim Quân đội, đạo diễn phim “Người Hàm Rồng”, bộ phim tài liệu chiến tranh sản xuất năm 1967, đạt giải thưởng Liên hoan phim quốc tế Jorit-Iven tại Cộng hòa Liên bang Đức. Tôi may mắn được gặp ông trong một lần đến thăm người nhà ở khu tập thể Nam Đồng - Hà Nội, ông là hàng xóm thân thiết. Khi biết ông chính là người cuối cùng còn sống của ekip làm phim “Người Hàm Rồng” tính đến thời điểm ấy, tôi vô cùng mừng rỡ vì đã gặp được người cần tìm. Rất tiếc, đến nay ông cũng đã về thiên cổ cùng các đồng đội của mình.
Trong phim “Người Hàm Rồng” có nhiều cảnh được quay ngay dưới mưa bom bão đạn, và có những nhân vật tiêu biểu cho cuộc chiến ở Hàm Rồng như Khu đội trưởng dân quân Nam Ngạn - Hàm Rồng do Nguyễn Thị Hằng chỉ huy trận đánh; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển vác 2 hòm đạn nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể; nhà sư chùa Mật Đa ra trận địa phục vụ chiến đấu; cô dân quân bé nhỏ giải tên lính Mỹ cao lênh khênh đi qua cầu Hàm Rồng… Chúng tôi đã kết nối để đạo diễn Lê Lâm gặp lại những nhân vật trong phim của mình ngay tại cây cầu lịch sử.
Sau này, nghệ sĩ ưu tú - Đại tá Lê Lâm lại đưa chúng tôi đến thăm một người đồng đội của mình là nhà quay phim Nguyễn Mạnh Nhiễu, quê huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, cũng làm việc tại Xưởng phim Quân đội. Ông Nhiễu từng thực hiện nhiều phim chiến sự tại Thanh Hóa, và là người trực tiếp quay bộ phim tài liệu “Tuổi cao chí khí cao”, nói về Trung đội lão dân quân Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa.
Ở mặt trận, những con người ấy có thể không trực tiếp cầm súng. Thế nhưng, với những “vũ khí” đặc trưng của mình là máy ảnh, máy quay, giấy bút… những “chiến sĩ không cầm súng” trong cuộc chiến đấu trên mặt trận Hàm Rồng năm xưa đã đóng góp công lao vô cùng to lớn, để nhân dân cả nước và toàn nhân loại hiểu rõ hơn về những gian khổ, hy sinh của quân dân Hàm Rồng trong chiến tranh khốc liệt. Họ đã lưu lại cho muôn đời sau những tư liệu quý giá, góp phần tạc vào lịch sử một dáng vóc Hàm Rồng sừng sững, hiên ngang.
“O du kích nhỏ” của xứ Thanh
Trong bộ phim “Người Hàm Rồng” có một cảnh quay rất ấn tượng, đó là hình ảnh “o du kích nhỏ” giương cao súng giải tên giặc lái Mỹ cao lênh khênh đi qua cầu Hàm Rồng. Tôi mất rất nhiều thời gian tìm hiểu vẫn chưa biết rõ tung tích “o du kích nhỏ” ấy. Đạo diễn Lê Lâm cho biết: Đoàn làm phim của ông sau nhiều ngày “mai phục” ở trận địa Hàm Rồng mới quay được hình ảnh “để đời” ấy.
Đạo diễn Lê Lâm kể: Chiều hôm ấy, phát hiện có máy bay địch rơi, cả tổ làm phim cấp tốc tìm kiếm, và đã kịp quay được cảnh động cơ máy bay cháy nghi ngút gần Đò Lèn, nhưng tên giặc lái thì chẳng thấy đâu, xẩm tối đành phải trở về nơi trú ẩn. Sáng hôm sau trời còn mờ sương, đồng chí công an gác cầu cấp báo: “Các đồng chí quay phim mang máy quay xuống ngay!”. Ông Lâm cùng anh em vùng dậy khẩn trương mang máy xuống chân cầu. Lúc này, công nhân vẫn hàn ở phía nóc cầu, còn tên giặc lái thì bị áp giải đi phía dưới ánh lửa hàn lập lòe. Anh em vội vàng bấm máy ghi ngay được cảnh phim lịch sử có một không hai này.
Tôi hỏi đạo diễn Lê Lâm có còn nhớ “o du kích nhỏ” giải tên giặc lái Mỹ ấy là ai, ở đâu không, nhưng ông bảo lúc ấy phải tranh thủ quay để “trả” tên giặc lái cho đơn vị bộ đội quản lý nên không kịp hỏi thông tin. Tôi hỏi qua nhiều người gắn bó với Hàm Rồng như o Tuyển, o Hằng, o Cần, o Tuyền, và cả hai nhà văn Lê Xuân Giang, Từ Nguyên Tĩnh nguyên là bộ đội cao xạ của Hàm Rồng, tất cả đều không biết.
Thế rồi cơ duyên đã giúp tôi được gặp o dân quân nhỏ bé, gan dạ ấy. O không ở đâu xa mà sống ngay tại một làng quê nhỏ bên tả ngạn sông Mã.
Một lần truyền hình Thanh Hóa trích hình ảnh tư liệu o dân quân giải tên phi công Mỹ qua cầu từ phim “Người Hàm Rồng” của đạo diễn Lê Lâm để làm chương trình phát sóng. Qua người quen, tôi nghe nói có một phụ nữ đã “nhận ra mình” sau khi xem cảnh quay “O du kích nhỏ giương cao súng - Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu”, tôi lập tức tìm đến nhà bà. Vừa nhìn thấy bà, tôi đã khẳng định 100% đây chính là o dân quân ấy, với dáng vóc nhỏ nhắn, gương mặt hơi tròn, dù bà có già đi, gầy đi nhiều sau hơn 40 năm. Bà tên là Lê Thị Thảo, nguyên Trung đội trưởng Trung đội nữ dân quân xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hóa (nay thuộc phường Long Anh, thành phố Thanh Hóa).
Bà Thảo nhớ lại: Một ngày vào năm 1967, bà được phân công phối hợp tác chiến với bộ đội cao xạ Trung đoàn 228 ở trận địa Đồng Đá - Yên Vực. Trong một đợt tấn công, quân ta bắn rơi một máy bay địch ở gần Đò Lèn. Viên phi công đã nhảy dù xuống đúng trận địa Đồng Đá và bị tóm cổ. Bà cùng đồng đội giấu hắn vào một căn hầm của khẩu đội, chờ đến khuya mới giải về xã (vì nếu giải đi ban ngày, tên giặc có thể bị nhân dân giết chết bởi lòng căm phẫn). Bà Thảo cùng hai anh bộ đội của Trung đoàn 228 giải tên lính về giấu tại một phòng học ở trường cấp II của xã, và canh giữ suốt đêm. Sáng hôm sau, xe của Trung đoàn 228 đến đưa viên phi công đi. Lúc đó, nhân dân trong xã mới phát hiện ra và kéo đến rất đông. Người thì cầm cuốc, thuổng, gậy gộc xông vào định băm bổ tên giặc lái, người thì mắng té tát bà Thảo “nó gây tội ác tày trời sao không giết nó đi”. Mặc dù các anh bộ đội ngăn cản, nhưng có người vẫn kịp thò tay “ngắt” cái mũi lõ của nó một cái cho bõ tức. Bà Thảo theo xe đưa tên giặc lái đến chân cầu phía bờ Bắc, giải hắn qua bờ Nam thì giao lại cho bộ đội và dân quân ở bên đó. Trong lúc giải tên giặc đi, bà thấy có cả máy quay phim đang ghi hình, nhưng không để tâm nhiều vì đang thực thi nhiệm vụ. Tôi hỏi: “Trong phim có cảnh bà lấy ngón tay dúi vào đầu tên phi công, có phải vì căm thù không?”. Bà hồn nhiên kể: “Thực ra, lúc ấy sợ hắn bị vấp tà vẹt đường sắt nên lấy ngón tay dúi cái đầu nghênh nghênh của hắn xuống, ý bảo nhìn đường mà đi kẻo ngã. Bà không ngờ, hành động đó đã được quay vào phim và đi vào lịch sử”.
Chúng tôi đã kết nối để đạo diễn Lê Lâm và o dân quân Lê Thị Thảo gặp nhau trong một chương trình truyền hình trực tiếp của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa vào năm 2010, nhân kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng. Họ rất bất ngờ và phấn khởi trong cuộc gặp đó.
Sau chiến tranh, cũng như rất nhiều nữ dân quân khác, bà Thảo trở về với cuộc sống bình dị thôn quê và không hề biết mình có mặt trong thước phim lịch sử. O dân quân Lê Thị Thảo ở Thanh Hóa, cùng rất nhiều o dân quân, du kích trên khắp đất nước Việt Nam, đã trở thành biểu tượng của sức mạnh chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ. Hình ảnh của họ đã khẳng định chân lý: Một dân tộc nhỏ bé có thể đánh gục một đế quốc to lớn bằng sức mạnh của lòng yêu nước chân chính. Còn với đạo diễn Lê Lâm, ông cùng đồng đội đã để lại cho đời những thước phim có một không hai, và nhờ những hình ảnh “đắt giá” ấy, cả thế giới đã biết đến những con người của Hàm Rồng, tuy vóc dáng nhỏ bé nhưng đã làm nên những điều kỳ vĩ, đẹp như huyền thoại về ý chí quật cường và tình yêu Tổ quốc thiêng liêng.
60 năm đã trôi qua kể từ dấu mốc “Hàm Rồng chiến thắng” làm rung chuyển cả Lầu Năm Góc và làm cả thế giới bàng hoàng kinh ngạc. Trong khoảng thời gian ấy, đã từng có những cuộc hội ngộ bất ngờ giữa những con người làm nên lịch sử trên mặt trận Hàm Rồng. Có cả những cuộc gặp giữa người bên thắng và người bên bại, như viên phi công bị bắn rơi năm nào, cũng trở về gặp lại người nông dân đã cứu ông ta một mạng khi vớt ông từ ao làng lên… Có thể thời gian sẽ không cho chúng ta gặp lại họ nữa, nhưng những câu chuyện về họ đã được ghi vào phim ảnh, tư liệu lịch sử, để các thế hệ mai sau biết kính ngưỡng một thế hệ anh hùng đã chiến đấu để bảo vệ “cây cầu huyền thoại”, biểu tượng về lòng yêu nước, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
M.H