Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Dự thi sáng tác văn học trẻ   /   Đi về phía chân trời - Trần Thị Tú Ngọc
Đi về phía chân trời - Trần Thị Tú Ngọc

Phương làm việc tại một cơ quan chuyên trách về văn hóa của tỉnh, phòng có năm người thì bốn người kia là đàn ông. Mỗi buổi làm cô thường đến sớm mười lăm phút, mở cửa, bật đèn, bật điều hòa, lau bàn ghế, rửa cốc chén, pha trà. Cuối buổi lại về muộn mười lăm phút, đổ bã trà, úp cốc chén, xếp bàn ghế, tắt điều hòa, tắt điện, đóng cửa. Khoảng cách giữa hai lần bật và tắt công tắc điện đó là bốn tiếng đồng hồ chìm ngập trong hồ sơ, công văn, báo cáo. Cái nào cũng quan trọng, cũng cấp thiết, cũng có tính chiến lược và cuối cùng cái nào cũng sẽ bị xếp lại trong một ngăn tủ nào đó đến khi chủ nhân chuyển công tác hay về hưu mới được dọn ra. Nếu không có những buổi chiều mưa dữ dội, mất điện đột ngột như chiều nay, có lẽ Phương đã quên bẵng mất mình đang ở đâu, làm gì, bao nhiêu tuổi. Đã rất xa rồi cái thuở mới hai mươi ấy, khi cô vừa ra trường, tràn đầy khát vọng và tin tưởng sẽ làm nên một điều gì đó thật lớn lao và tốt đẹp. Bỗng nhiên cô thấy nhớ Hùng biết bao. Người con trai thành phố, yêu Phương và yêu con đường mình chọn, đã từ chối vị trí công tác do bố mẹ là những quan chức cấp cao của tỉnh dành sẵn cho anh, để mang ba lô gia nhập đội ngũ tri thức trẻ về làm cán bộ một xã biên giới của huyện nghèo nhất tỉnh. Đã bảy năm rồi.
Chuông điện thoại reo. Cha gọi cho Phương. “Cha vừa xem tivi tường thuật lại buổi lễ khánh thành công trình tôn tạo chùa Diên, có con đọc lời phát biểu đấy. Con nói hay quá, cả nghìn người cứ im phắc lắng nghe, thật mở mày mở mặt”. Phương hờ hững: “Thế ạ”. Bài phát biểu đó không phải do Phương soạn, cũng không phải để Phương đọc. Cô chỉ đi cùng giám đốc sở đại diện cho bên văn hóa về dự lễ, đến phút cuối ông có việc đột xuất phải về tỉnh nên cử cô đọc thay. “Làng ta bao giờ mới có được cái chùa to như chùa Diên con nhỉ, con làm đến cán bộ tỉnh rồi, phải cố gắng phấn đấu mà còn giúp làng, giúp xã, con nhé”. Cha nói. Phương chỉ đáp: “Dạ”.  
Nghĩ đến chùa Diên, Phương lại thấy day dứt. Khi dự án này còn nằm trên giấy, Phương là người kiên quyết bảo vệ ý kiến cần phải giữ nguyên cấu trúc cũ của chùa, nhất là tám cây cột dù đã bị hư nát ít nhiều nhưng vẫn còn nguyên những đường nét thể hiện sự độc đáo của kiểu kiến trúc đời Lê mà rất ít chùa chiền miền Trung có được. Nhưng rồi vì nhiều lí do, ý kiến của Phương bị gạt đi. Đến hôm dự lễ khánh thành, cô sững sờ trước ngôi chùa mới nguy nga bề thế, vàng son lộng lẫy nhưng hoàn toàn không còn dấu vết nào của ngôi chùa cổ ngày trước. Trong sâu thẳm tâm hồn, Phương cảm nhận thấy sự mất mát không gì bù đắp được, hậu quả của kiểu trùng tu di tích mà thật ra là đập bỏ đi để xây mới hoàn toàn.
Năm rưỡi. Hết giờ. Phương đóng cửa, chạy xe về phòng trọ. Trời vẫn mưa. Cô ngạc nhiên thấy Hùng đã đứng ngay trước cửa, chiếc xe phân khối lớn dựng ngoài sân, nước ngập đến nửa bánh. “Anh về lúc nào sao không điện cho em?”. “Xong việc trong bản Cói là anh chạy xe về thẳng đây, mấy ngày cùng dân bản sửa trường học, không có sóng điện thoại, nhớ em không chịu được”. Phương cười: “Lại thế nữa, ông phó chủ tịch xã, bận đến mức nào mà râu ria không cạo, mắt mũi bơ phờ thế kia”.
Tám năm trước, hai đứa học đại học ở Hà Nội. Hùng là dân VIP, mẹ sắm cho cả ô tô riêng. Một lần lái xe về giỗ ông nội, xe bất ngờ hỏng máy dọc đường, không gọi được taxi, anh phải vẫy xe khách ngang đường để về cho kịp. Đến lúc lơ xe hỏi tiền mới thật trớ trêu. Người mặc toàn đồ hiệu, ví da xịn có ba thẻ ATM số dư vài chục triệu, nhưng không kiếm đâu ra bảy mươi nghìn để trả tiền xe. Công tử bột, cho bẽ mặt một phen, mọi người cười mai mỉa. Cô gái mắt đen ngồi cùng hàng ghế ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Chắc anh đang vội, tôi cho anh mượn bảy mươi nghìn, sau này nhớ trả tôi”. Cậu công tử cố giữ sĩ diện: “Cảm ơn cô. Cô cho xin địa chỉ, tôi hứa sẽ trả đàng hoàng”. Cô gái bình thản nói: “Tất nhiên. Tôi chẳng thừa tiền để cho anh. Nhưng đến lúc nào tự hai tay anh làm ra được chừng đó tiền thì mang trả tôi. Đừng có mấy đồng lẻ cũng phải về xin bố mẹ. Tôi không quen dùng loại tiền đó”. Lần đầu tiên trong đời có người nói với Hùng như vậy. Cay lắm. Nhưng rồi tỉnh người ra. Ba tháng sau, Hùng mới tự tay kiếm được bảy mươi nghìn để dám quay lại gặp cô gái có đôi mắt đen lạ lùng đó. Đến khi yêu nhau rồi, Hùng vẫn nói: “Anh nợ em một lần mà trả mãi không hết, vì em đã cho anh cuộc đời mới mà suýt nữa anh đánh mất rồi”.
- Anh ăn cơm đi, rồi về qua nhà thăm bố mẹ anh nhé. Phương vừa xới cơm cho Hùng vừa nói. Hôm nay cô đã nấu món cá rô kho khế mà anh rất thích ăn.
- Anh ngồi chơi với em một lát rồi lại ngược về trên đó luôn, đường sắp làm xong rồi, chạy xe chừng hơn một tiếng là về tới nơi. Trên đó đang là mùa sim đấy, Phương ạ, Anh mang về cho em cả túi sim mới hái để em đỡ nhớ nhà.
- Anh vẫn còn giận mẹ anh chuyện không cho chúng mình cưới nhau phải không?
- Không, mẹ có cách nghĩ riêng của mẹ, anh không tranh cãi nữa. Phương à, anh định cuối năm nay khai thác mấy héc ta keo anh trồng hồi mới lên trên đó. Rồi mình về xin phép bố mẹ em làm đám cưới em nhé.
Đám cưới. Có cô gái nào khi yêu lại không mong chờ điều đó, nhất là với Phương, năm nay cô hai chín tuổi rồi. Từ thời sinh viên, cô đã yêu Hùng vì chính bản thân anh, chứ không phải vì địa vị, tiền bạc, danh vọng mà gia đình anh có. Nhưng mẹ Hùng không tin điều đó. Với bà, Phương là cô gái nhà quê đã dùng mọi cách để mồi chài đứa con trai duy nhất của bà, hòng dựa vào đó thay đổi cuộc đời cô ta. Bà kiên quyết không chấp nhận một cô con dâu nhan sắc bình thường, con nhà nông dân, kinh khủng hơn, cô ta đang lôi kéo Hùng chống lại bà, từ chối con đường tiến thân bà đã vạch sẵn để đi làm một công chức xã tầm thường. Bố Hùng lại khác, ông ủng hộ tình yêu và lựa chọn công việc của Hùng. Nhưng vì nhà chỉ có duy nhất một đứa con, ông muốn Hùng dàn xếp mọi việc trong ngoài cho êm thấm. Chính vì vậy Phương cứ phải chờ đợi mãi.
- Cưới nhau rồi anh định sẽ thế nào? Nhiều lúc em nghĩ, hay tại vì em mà con đường của anh bị cản trở.
Hùng vuốt tóc Phương, giá mà có thể nói được em có ý nghĩa như thế nào với anh, cô gái đầu tiên và duy nhất yêu anh không phải vì cái vỏ hào nhoáng bên ngoài như những cuộc tình vô nghĩa khác đi qua đời anh trước khi tình cờ gặp em. Anh khẽ nói:
- Em yên tâm, mình còn trẻ, còn phải đi xa chứ em. Nhưng anh muốn được nhìn nhận bằng chính năng lực của mình, chứ không phải nhờ cậy vào cái bóng của cha anh. Cả anh và em, ta cùng cố gắng em nhé.
Ăn cơm xong, Hùng giúp Phương đóng lại cái giá sách. Anh cười bảo:
- Sách của em sao toàn những quyển nặng quá, coi chừng có ngày rơi vỡ cả sàn nhà. Mà Phương này, anh vẫn đọc mấy bài báo em viết trên tạp chí văn hóa. Rất sâu sắc, tâm huyết nữa. Nhưng sao mấy năm vừa rồi không thấy em chủ trì đề án nào của tỉnh trong lĩnh vực này?
Phương cười buồn:
- Em vẫn đang đợi đến lúc được chọn đây. Mới bảy năm thôi mà.
*
Mới bảy năm đi làm thôi, nhanh quá. Năm đầu tiên công tác, công việc của cô chỉ là viết báo cáo, soạn công văn, pha trà, rót nước. Năm thứ hai được giao viết đề án đầu tiên về các biện pháp bảo tồn Thành cổ Duy An, một tòa thành đất sét được đắp từ thời Minh Mạng, Phương đã về khảo sát rất nhiều lần. Đề án bị loại ở vòng đầu. Công trình được chọn là của anh Vinh, nhưng đến khi đưa ra bảo vệ trước hội đồng khoa học tỉnh, Phương sửng sốt nhận ra rất nhiều đoạn trong đó copy nguyên bản ý tưởng trong đề án của cô. Biết nhưng không làm gì được, vì người duy nhất duyệt cái đề án ở vòng loại là trưởng phòng. Vinh là cháu ruột của giám đốc sở, trưởng phòng biết nên đứng về phía ai. Năm thứ ba Phương tiếp tục được giao một đề án rất khó về làng cổ Thanh Yên, một ngôi làng ba trăm năm tuổi, di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng đang nảy sinh những vấn đề rất gay gắt giữa bảo tồn nguyên trạng và đảm bảo dân sinh cho mấy chục hộ dân. Nhiều vấn đề phức tạp, nhưng rất may thời sinh viên, Phương đã từng được giáo sư Nguyễn Thị Hà Minh, một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này chọn cộng tác trong một đề tài tương tự, cô đã được sang cả Hàn Quốc và Nhật Bản để tìm hiểu. Đề án của Phương sẽ được chọn, với điều kiện sửa lại một số chỗ để đảm bảo lợi ích cho cả bên A và bên B, như trưởng phòng gợi ý. Còn cái làng cổ, có tổn thất đôi chỗ cũng còn hơn không được đầu tư để cho hư nát. Phương từ chối. Một lần nữa bị loại.
Đến năm thứ tư, xảy ra những tranh cãi trong dự án tôn tạo chùa Diên, ý kiến của Phương bị dẹp bỏ, Phương gần như bị sốc. Suốt hai năm sau đó cô chỉ được giao làm công tác văn thư. Nhiều lúc Phương tưởng như mình không thể cố gắng bám trụ hơn được nữa. Nhưng giờ đây lòng Phương đang ngập tràn hi vọng. Hùng đã phác thảo rất rõ ràng về một đám cưới, “Dù anh biết em không đòi hỏi gì, nhưng phải xứng đáng với em và đảm bảo các lễ nghi theo phong tục truyền thống”. Hơn thế nữa, sau khi bài nghiên cứu của cô được đăng trên tạp chí nghiên cứu khoa học của Pháp, thành một sự kiện trong giới chuyên môn, Phương lại được tín nhiệm. Mấy tháng nay, cô đang dành hết tâm huyết để hoàn thành một đề án mới, hy vọng đây là lần đầu tiên đề án được chọn, để biến những điều cô ấp ủ bao lâu nay thành hiện thực.
*
Mẹ điện thoại cho Phương, có việc này mẹ phải nói với con, hôm thứ hai vừa rồi mẹ của Hùng gọi cha con xuống thành phố để bàn chuyện cưới xin của hai đứa. Lúc đầu cha con định không đi, vì đằng nào họ cũng là nhà trai, có việc gì phải xuống nhà gái trước chứ. Nhưng mẹ nghĩ bà ấy là cán bộ lãnh đạo, chồng là chủ tịch tỉnh, dù sao cũng cấp trên của con, sợ người ta phật ý lại ảnh hưởng đến công tác của con sau này nên mẹ bảo cha xuống.
Gặp bà ấy xong về cha con buồn lắm, chỉ lặng lẽ uống rượu thôi. Bà ấy bảo sẽ cho hai đứa cưới nhau, với điều kiện con thuyết phục thằng Hùng về thành phố ngồi vào cái ghế trưởng phòng đang còn trống, để kịp năm sau ông phó giám đốc sở về hưu thì nó sẽ thế chỗ ấy. Cơ hội chỉ có một, nếu cứ lần lữa nữa bố thằng Hùng mà về hưu thì lỡ cả tiền đồ của nó.
Bà ấy còn bảo cha mẹ chuyển vào sống ở Hòa Trung, ở đó có khu du lịch sinh thái và trang trại bà ấy sắp khai trương. Cha sẽ coi như đứng tên cho số tài sản đó, sau này mọi việc tiếp đón khách khứa, ăn hỏi, lại mặt đều được tiến hành ở đấy. Như vậy nếu có ai hỏi, gia đình bên đó cũng không phải muối mặt vì thông gia với gia đình nông dân như nhà ta.
Bà ấy còn bảo sẽ tạo điều kiện nâng đỡ cho con lên được chức phó, trưởng phòng, cho xứng đáng với địa vị của thằng Hùng sau này. Nhưng tất cả những chuyện này tuyệt đối không được để Hùng biết.
Bà ấy còn bảo...
Tai Phương ù đi không nghe thấy gì nữa.
*
Trưởng phòng gọi Phương lên gặp.
- Chúc mừng cô. Đề án của cô đã được duyệt. Chuẩn bị thứ hai tới báo cáo trước hội đồng khoa học tỉnh nhé. Chỉ là hình thức thôi, chứ với năng lực chuyên môn như cô đáng lẽ phải chủ trì cái dự án này từ lâu rồi mới phải.
Thật ra, tôi dã duyệt đề án của Phan Tuấn Anh. Xét vì năng lực chuyên môn, cậu Anh không so với cô được. Nhưng cậu ấy có các mối quan hệ rất tốt với giới tài chính, có cậu ấy đứng ra, chúng ta không phải lo gì về kinh phí, nhưng giờ tình hình lại khác. Bà Lý, phó giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư, vợ đồng chí Chủ tịch tỉnh ta rất quan tâm tới cô, hóa ra cô là người yêu của cậu Hùng cơ dấy. Rồi cô sẽ còn tiến xa, cô Phương ạ.
Trưởng phòng nói tiếp:
- Tất nhiên đề án sẽ còn phải sửa một số chỗ, như tôi đã từng nói với cô trước đây, cô hiểu chứ. Tôi nghĩ là dần dần cô sẽ học hỏi được nhiều điều từ bà Lý và chúng ta sẽ làm việc ăn ý hơn với nhau đấy.
Phương thấy ngột thở quá, cô đẩy cửa bước ra ngoài.
*
Một ngày mưa, Phương sang ủy ban tỉnh. Cô đã nộp đơn xin thôi việc lên thủ trưởng cơ quan và tháng sau sẽ ra Hà Nội. Giáo sư Nguyễn Thị Hà Minh, vốn đánh giá rất cao những ý kiến sâu sắc của Phương trong các bài báo cô đã đăng tải trong và ngoài nước, đã mời cô về cùng công tác thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia do chính giáo sư chủ trì. Trước đây Phương đã cân nhắc rất lâu trước đề nghị này, nhưng giờ cô quyết định sẽ ra đi.
Cô không nói gì với Hùng. Có lẽ sau này anh sẽ hiểu. Cô chỉ định sang ủy ban tỉnh để chào bố anh, mặc dù không hi vọng lắm sẽ gặp được ông. Nhưng chỉ sau khi xưng tên, người thư kí của đồng chí chủ tịch đã tỏ ra rất niềm nở. Mười phút sau, cô được mời vào phòng làm việc của ông.
- Chào Phương, cháu ngồi xuống đi. Cháu vẫn khỏe chứ. Bác cũng đang muốn gặp cháu đây.
- Dạ, thưa bác, có chuyện gì thế ạ?
- Là chuyện chùa Diên đấy, Phương ạ. Công trình vừa mới khánh thành đã phát hiện ra bao nhiêu sai phạm. Từ chuyện lên đề án, duyệt đề án, phân bổ kinh phí, công tác trùng tu trên thực tế, các ông ấy làm ẩu quá. Chẳng khác nào xâm hại di tích, lỗi này cũng là ở bác, đợt đó, bác đang đi điều trị ở thành phố Hồ Chí Minh không nắm rõ được tình hình. Phải kiên quyết xử lý Phương ạ. Bác đã đọc kỹ hồ sơ, đã về khảo sát hiện trường, bác cũng biết những ý kiến của cháu trong vấn đề này. Bác muốn trao đổi thêm với cháu.
- Dạ, cháu xin lỗi bác. Trong dự án tôn tạo chùa Diên, cháu luôn cảm thấy ân hận vì không can đảm đến cùng. Nhưng giờ các cơ quan đã vào cuộc, cháu tin cuối cùng những giá trị văn hóa đích thực sẽ được tôn trọng và gìn giữ. Hôm nay cháu đến đây là để chào bác, cháu đã xin thôi việc bên cơ quan, tháng sau ra Hà Nội công tác rồi bác ạ.
- Cháu nghỉ việc sao Phương, tại sao lại như thế? Có phải công việc không được như ý cháu không. Bác biết tỉnh ta còn nghèo, những năm qua đã rất cố gắng để có chính sách thu hút nhân tài, nhưng có lẽ vẫn chưa có một cơ chế phù hợp để nhân tài phát huy hết khả năng của mình. Thiếu sót đó nhất định sẽ được khắc phục Phương ạ. Hãy cho bác thêm chút thời gian.
Phương nhìn mái tóc bạc trắng của chủ tịch tỉnh, bên dưới mái tóc ấy là một gương mặt cương nghị và điềm tĩnh mà Hùng được thừa kế hầu hết những nét ấy của bố anh. Cô thấy lòng mình ấm lại.
- Dạ, cháu đi cũng vì có nhiều lý do. Nhưng cháu rất hy vọng, sẽ có một ngày được cống hiến chút sức lực của mình cho tỉnh nhà và làm được những điều xứng đáng với tình yêu mà anh Hùng dành cho cháu.
- Thế Hùng có biết chuyện này không?
- Cháu chưa nói gì với anh ấy, có lẽ anh ấy sẽ hiểu bác ạ.
*
Cha Phương đón con gái về nhà, lòng nặng trĩu ưu tư. “Hai chín tuổi rồi, chồng con chưa có, công việc đang ổn định, con còn muốn đi đâu nữa hả Phương”. “Cha cũng biết vì sao con phải đi mà. Dù con có đi đâu, làm gì, con sẽ luôn cố gắng như cha hằng tin tưởng vào con, như con vẫn tin tưởng vào bản thân mình, và nhất định con sẽ không làm cha thất vọng đâu cha ạ”. “Thôi con cứ đi Phương à. Dù cuộc đời có như thế nào, chỉ cần giữ cái tâm cho trong sáng, cho lòng mình thanh thản, con sẽ thấy luôn có con đường mở ra trước mặt. Cha chỉ thấy thương Hùng, con đi rồi nó sẽ ra sao”.
Hai cha con đang ngồi trầm ngâm suy nghĩ thì chợt nghe tiếng xe ngoài cửa ngõ. Hùng đẩy chiếc cổng tre dắt xe máy đi vào, theo sau là ông Diệu, bố anh, ăn mặc giản dị, tay xách túi trầu cau hoa quả.
- Cháu chào hai bác, chào Phương. Thưa hai bác, đây là bố cháu, bố Diệu. Quay sang bố, anh nói: Còn đây là bác Nghĩa, bác Hà, bố mẹ của Phương.
Ông Nghĩa vồn vã:
- Chào ông, mời ông vào nhà. Đường xa quá mà hai bố con lặn lội xuống đây thật quý hóa.
- Hôm nay tôi... tôi xuống đây, trước hết là mong hai ông bà rộng lòng thông cảm vì hai cháu quen nhau đã lâu mà ngặt vì nhiều nỗi nên giờ tôi mới chào hỏi được. Sau nữa là thay mặt gia đình, nhất là bà nhà tôi, cho tôi xin lỗi vì thời gian qua, chúng tôi đã có điều không phải làm ông bà buồn lòng. Lẽ ra hôm nay bà ấy cũng xuống đây, nhưng vì cuộc họp đột xuất, nên xin ông bà dịp khác.
- ấy có chuyện gì đâu chứ, mời ông cứ vào nhà xơi nước đã.
Sau mấy câu khách khí buổi đầu. Ông Diệu và ông Nghị đã quay sang chuyện trò thân mật, nhất là khi phát hiện ra hai ông đều từng có thời chiến đấu ở Campuchia. Nhắc đến tên đất, tên người nào cũng làm sống dậy bao nhiêu chuyện cũ. Bà Hà vội vã xuống bếp làm cơm. Hùng và Phương ra bể nước rửa hoa quả, anh nắm tay Phương khẽ nói: 
- Sao em đi mà không nói gì với anh?
- Em xin lỗi. Nhưng em biết phải nói với anh như thế nào đây. 
- Anh biết em khổ tâm lắm, sau hôm em đến chào bố anh, bố anh đã hỏi mẹ và biết rõ mọi chuyện. Bố anh rất giận vì cách cư xử của mẹ với gia đình em. Cho anh xin lỗi nhé Phương.
- Không sao đâu anh, em đi cũng vì nhiều lí do. Em muốn tự bước đi trên con đường sự nghiệp bằng chính đôi chân của mình, làm công việc mình muốn và đến với người em yêu một cách đàng hoàng.
Hùng mỉm cười vuốt tóc Phương.
- Lần này bố anh xuống đây, định sẽ xin phép gia đình em chọn ngày làm lễ dạm ngõ. Để rồi sau đó, bàn chuyện đám cưới chúng mình em ạ. Chuyện cưới xin đằng nào cũng phải để người lớn đứng ra cho phù hợp với phong tục, phải không nhà nghiên cứu văn hóa?
Phương mỉm cười làm lấp lánh đôi mắt đen thăm thẳm:
- Thật không anh? Mà ai người ta thèm lấy anh chứ.
 - Em đừng có chê anh, lỡ có cô gái nào bắt cóc anh tha hồ mà tiếc nhé. Phương này, tháng sau anh cũng được ra Hà Nội để dự lễ tuyên dương ba mươi gương mặt trẻ toàn quốc tiêu biểu trong phong trào thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới đấy. Em yêu, tất cả những gì anh làm được ngày hôm nay, dù mới chỉ bắt đầu, đều nhờ có em cả. Hãy luôn đi cùng anh trên một con đường, Phương nhé.
*   
Buổi chiều, Hùng chở Phương đến viếng chùa Diên, nơi cô muốn  thắp nén hương trước khi đi ra Hà Nội. Ngôi chùa không còn giữ được những dấu tích xưa. Nhưng trên tòa sen, vẫn còn đó Đức Phật từ bi, gương mặt bình thản nhìn xuống thế gian như thấu hiểu và tha thứ cho tất cả những tham sân si của mọi kiếp người. Phương lắng nghe tiếng chuông chùa trong chiều tĩnh lặng như vọng về lời nhắc nhở của tiền nhân.
            

T.T.T.N


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 308
 Hôm nay: 541
 Tổng số truy cập: 9246452
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa