Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Hoàng Anh Nhân - một đời gom nhặt văn hóa dân gian Mường - Kiều Thu Huyền
Hoàng Anh Nhân - một đời gom nhặt văn hóa dân gian Mường - Kiều Thu Huyền

Vào sáng ngày 19-5-2017, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực văn học nghệ thuật 2016 sẽ được tổ chức trao giải tại Nhà hát lớn Hà Nội. Trong số 18 tác giả được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, 95 tác giả được trao giải thưởng Nhà nước. Và nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân là một trong ba nhà văn hiện đang sống và làm việc ở xứ Thanh nhận được vinh dự này với tác phẩm: “Cõi người qua tín ngưỡng Mường Trong” và “Văn hóa giao duyên Mường Trong”.
Gặp ông, tôi nghĩ ngay đến hình ảnh con ong cần mẫn một đời đi tìm hoa để tạo mật. Ngoài 83 tuổi, nhà sưu tầm và biên soạn Hoàng Anh Nhân tuy không còn vẻ tinh anh, nhưng sự hăng say của ông thì vẫn thấy rất rõ.
Duyên nợ đầu tiên phải nói đó là sau năm 1960, ông vào làm việc ở Ty Văn hóa. Nhiều người thời đó, biết đến ông qua vài ba vở kịch. Sau chặng đường luân chuyển công tác, từ Thanh Hóa lặn lội vào Sông Bé đi xây dựng văn hóa, rồi vừa trở ra Thanh lại được biệt phái lên Ban Dân tộc phụ trách văn hóa các dân tộc ít người. Ông mỉm cười: Đừng gọi đó là truân chuyên, với tôi, đến tuổi này mới nhận ra đó là sự may mắn.
Cũng nhờ vào duyên may ấy mà đến nay, nhà sưu tầm biên soạn Hoàng Anh Nhân đã có trong tay 47 đầu sách của dân tộc Mường, dân tộc Thái. Ông đưa cho tôi bản thảo “Hồi kí Hoàng Anh Nhân” mà ông đang viết. Ông tâm sự: Chính cuốn hồi kí này là cơ hội để ông nhớ lại tất cả những con người may mắn ông được gặp, những bài vía, bài mo. Hình ảnh Hoàng Anh Nhân với chiếc xe đạp cà tàng, với mấy bộ quần áo lặn lội đi hết bản này đến bản khác đã khiến bạn bè nể phục ông. Ông cười tươi: Cả mái tóc xanh gửi lại cho rừng, nên bây giờ phơ phơ đầu bạc.
Bắt đầu từ năm 1963, sau cuốn “Truyện thơ Mường”, ông và nhà văn Minh Hiệu sưu tầm, bạn đọc và đồng nghiệp biết đến cái tên Hoàng Anh Nhân. Đến năm 1973, ông gặp nhà thơ Vương Anh, và cả hai đã phát hiện ra “Đẻ đất đẻ nước”. Cuốn sách ngay lập tức được các Giáo sư đầu ngành, các cơ quan văn hóa lớn như Viện Văn học, Liên hiệp Văn học Nghệ thuật rồi Hội Văn nghệ dân gian tổ chức hội thảo khoa học. “Thú thực lúc đó tôi không nghĩ được giá trị tác phẩm lớn đến vậy. Sau đó Tỉnh ủy Thanh Hóa giao cho Sở Văn hóa Thanh Hóa tổ chức cuộc hội thảo Khoa học và ông Đặng Thai Mai lúc đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học và Nghệ thuật Việt Nam, các nhà nghiên cứu như Vũ Ngọc Phan, Nông Quốc Chấn rất hưởng ứng.
Sau đó, ông dần dần gắn bó với đồng bào dân tộc, coi người Mường như phần máu thịt của mình. 2 cuốn sách nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân tâm đắc đó chính là “Cõi người qua tín ngưỡng Mường Trong” xuất bản năm 2008 và “Văn hóa giao duyên Mường Trong” xuất bản năm 2011. Đây cũng chính là hai cuốn sách ông đã vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2016. Có thể nhiều độc giả chưa hiểu tại sao ông lại chọn Mường Trong. Nếu như Mường Ngoài tính từ Hòa Bình trở ra thì Mường Trong được tính từ Thanh Hóa trở vào đến Quảng Bình. Với điều kiện thâm nhập, ăn cùng, sống cùng với người Mường Thanh Hóa, nhà sưu tầm Hoàng Anh Nhân cho rằng: Dù rất ngẫu nhiên nhưng cũng có nhiều nguyên cớ để tôi chọn đối tượng sưu tầm chủ yếu là văn hóa dân gian Mường. Trước tiên vì văn hóa Mường rất gần với văn hóa Việt. Tuy vậy, họ có cách phản ánh, sáng tạo rất riêng.
Nhiều người chỉ nghĩ, tìm hiểu văn hóa dân gian là lượm lặt cái đã có sẵn, không bột khó gột nên hồ. Nhưng văn hóa dân gian là một thực thể sống, nảy sinh, tồn tại và phát triển gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng của quần chúng lao động. Chính vì thế ông đã phải lặn lội vất vả để người dân có thể nói hết được về văn hóa, về những giá trị truyền thống của họ. Ông thuyết phục họ bằng cách đi vào thâm nhập thực tế ở các cuộc lễ bái, tang ma, đồng thời học tiếng nói của người Mường để có thể tiếp xúc, trò chuyện thành thục.
Năm 2015, nhà sưu tầm nghiên cứu Hoàng Anh Nhân tiếp tục cho ra mắt cuốn sách “Tuyển tập sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian Thanh Hóa”. Cuốn sách là cả một kho tàng giá trị về văn hóa dân gian ở Thanh Hóa, đồng thời cũng là một sự trao truyền của ông với những người mới bước chân vào địa hạt này. “Tôi muốn giúp anh em đã làm công việc này thì nên tiếp cận theo hướng nào, cần tìm hiểu văn hóa dân gian ra sao”. Cũng vì lẽ đó mà “Tuyển tập sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian Thanh Hóa” đã đạt Giải Sách năm 2015 của Hội xuất bản và giải A của Giải thưởng Lê Thánh Tông, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa năm 2015.
Nếu như với những người khác, một khi có tuổi, lại thêm đã có những thành tích nhất định, họ sẽ dễ thỏa mãn, nhưng với nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân, ông từng ngày miệt mài, gom nhặt từng tí một, tập hợp dành dụm lại rồi sau đó mới ngồi vào bàn viết và viết. Sau tuyển tập ấy, ông tiếp tục cho ra mắt độc giả cuốn “Tín ngưỡng vía Mường Trong”, và cuốn truyện thơ Mường “Nàng ờm chàng Bồng Hương” và “Anh Loong Choóng”.
Có nghe ông kể chuyện tâm sự mới biết kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc ít người nói chung và người Mường nói riêng vô cùng phong phú. Không nhiều người hiểu hết được văn hóa các tộc người, một phần các sách khảo cứu không phổ biến, phần khác chính là các nhà nghiên cứu chưa giới thiệu xuất bản phẩm của mình với bạn đọc. Riêng nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân, ông không quá tiếc khi cho rằng “những giá trị tinh hoa nhất của văn hóa Mường, tôi đã hái được rồi”.
Mỗi tác phẩm của ông, mang một góc nhìn, góp phần tìm hiểu văn hóa Mường, thông qua các biểu hiện văn hóa tín ngưỡng mà ông cho là tiêu biểu của tín ngưỡng Mường Trong. Và theo ông, văn hóa Mường là một yếu tố quan trọng trong sự trưởng thành của mình. “Tôi cảm ơn tất cả những người đã âm thầm đồng hành. Trong đó trước tiên là bà con người Mường Trong cưu mang, nuôi dưỡng, dạy bảo, và những người như ông Hà Văn Ban, ông Ngô Hoài Chung đã lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh tạo điều kiện, nâng bước tôi đi trên con đường học tập và nghiên cứu văn hóa. Đặc biệt, cảm ơn làng Đại An - Hoằng Lương - Hoằng Hóa, nơi tôi sinh ra”. Bỗng tôi nhớ đến những dòng chữ đầu tiên trong cuốn hồi ký đang còn dở dang của ông: “Tôi sinh ở làng Đại An, xã Hoằng Lương, huyện Hoằng Hóa - một làng quê nông nghiệp, tôi lớn lên trong khuôn phép của tổ tiên dạy rằng, bán chị em xa mua láng giềng gần, chị em không bán láng giềng phải mua. Như vậy là gia đình, làng xóm tạo nên cộng đồng làng, cộng đồng làng trở thành sức mạnh, là bóng mát chở che cho cuộc sống của mỗi người. Mọi gia đình trong làng đều dìu nhau vượt qua mọi thử thách, mọi bước thăng trầm của cuộc sống đem nước mắt, mồ hôi, công sức duy trì và phát triển cuộc sống bằng nghĩa xóm tình làng để rồi tối lửa tắt đèn có nhau. Nhờ thế mà làng tôi từng ngày phát triển và đẹp tươi lên trong suốt hơn một nghìn năm lịch sử kể từ thuở ông Bưng Lê Phụng Hiểu, quẩy núi dời sông, mở rộng ruộng đồng tạo nên môi trường thuận lợi cho dân trong vùng làm ăn sinh sống”. Thế là ông đã ở bát thập đắc hi hỉ. Có lẽ vì qua cái tuổi 80 mà mới chỉ ít tháng nay, gặp lại ông, tôi thấy ông già hẳn đi, trí nhớ giảm nghiêm trọng và đặc biệt tai khó nghe. Hóa ra chả phải sống đến tuổi 80 vui lắm, cười tối ngày mà giờ đây ai cũng sợ tuổi già, già thì dễ bị phụ thuộc. Nên ông cố gắng không phụ thuộc bằng cách làm việc mỗi ngày.
Lần nào đến thăm ông, tôi cũng nhìn thấy hình ảnh ông ngồi bên bàn làm việc, trước trang sách, cạnh kề cái đèn màu vàng. Ông không chỉ là con ong cần mẫn cả một đời đi tìm hoa để tạo mật. Ông còn là người thủy chung với công việc của mình. Bởi suy cho cùng chỉ có trang sách, chỉ có công việc thì mọi người mới nhớ đến ông. Ông không phải là một viên chức sáng cắp cặp, chiều về làm vài vại bia, rồi hai xoa ba đập đánh một giấc ngon lành, đến tháng lĩnh lương. Ông là một nhà nghiên cứu. 
Mà đã là người làm nghiên cứu văn hóa thì trăn trở, âu lo cũng là chuyện thường tình thôi. Thế mới có chuyện trên 80 tuổi mà còn in thêm một cuốn hồi ký. Tôi hỏi căn nguyên gì thôi thúc ông viết, ông nói rất ngắn gọn: "Tôi muốn ghi lại những việc mình đã làm, để nói với con cháu mai sau về thế hệ cha ông họ sống và làm việc thế nào". 
Tôi hỏi ông: “Đây có phải nét tính cách của người Thanh Hóa không, quyết liệt đến cùng”. Ông bảo: "Tôi là người Thanh Hóa, từng mạch máu của tôi là cái căn cơ của người xứ Thanh, cái thô ráp của người xứ Thanh và cái rành mạch đến tận cùng, yêu ra yêu, ghét ra ghét".
Ông nhớ lại những ngày đầu tiên đi điền dã, ba cùng với người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mường. Nếu không gặp ông Vương Anh, và đặc biệt không có bố của nhà thơ Vương Anh, có lẽ chẳng biết khi nào “Đẻ đất đẻ nước” mới ra mắt bạn đọc. Đó là sự khởi đầu may mắn, và cũng là chất men kích thích ông theo đuổi văn hóa Mường. Nếu không làm thì mất hết, thì thế hệ sau không hiểu gì. Ông lo có một ngày rồi chẳng phải chỉ người Kinh không hiểu văn hóa tộc người Mường - một trong số những dân tộc lớn. Mà cả chính bản thân người Mường họ cũng lơ ngơ khi mặc bộ quần áo truyền thống, dùng trống hay chiêng, rồi quên hết cả những bài mo dài dằng dặc.
Chẳng thế mà hơn nửa cuộc đời, ông sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian Thanh Hóa, với trên 40 tác phẩm thì có tới hơn 10 đầu sách về tư liệu văn hóa dân gian Mường ở Thanh Hóa. Nhưng rồi ngoài giới nghiên cứu với nhau, liệu có ai biết đến ông. Dẫu biết làm việc cần sự lặng lẽ, nhưng với sự phát triển như vũ bão của đời sống này, sự du nhập của văn hóa internet, sự lãng quên giá trị truyền thống, trò chuyện với ông tôi mới hiểu tại sao ông lại găm những âu lo đó trong lòng. Bởi theo ông: Hiện nay chỉ số ít người quan tâm đến vấn đề này, với hầu hết họ, văn hóa dân gian mất hay còn không thành vấn đề. “Chỉ có những người văn hóa mới băn khoăn, trăn trở, lo lắng cái văn hóa Việt Nam bị xà xẻo, biến tướng”. Đến lúc nào đó lấy gì để mà khẳng định rằng văn hóa các dân tộc của đất nước ta vô cùng phong phú. Câu chuyện Đẻ đất đẻ nước là toàn bộ hệ thống Mo lên trời (bài ca đưa hồn người đã khuất đến cõi vĩnh hằng); khảo sát, tìm hiểu những vấn đề quan yếu nhất của người Mường Trong như: Đời sống tinh thần - vật chất, nghệ thuật ẩm thực, lễ tục lễ hội... Ông còn nhớ như in những ngày đi sưu tập mo, đến gặp những thầy mo, và dự không biết bao đám tang, những buổi cầu mong người bệnh khỏi ốm...
“Những người vừa mới ra đi như ông Kiều Vượng, hay tôi cũng chẳng mấy mà về gặp tổ tiên, còn ông Vương Anh cũng được một số năm nữa thôi nhưng tôi biết ông ấy lành quá, ít nói quá. Ông ấy là hình ảnh tiêu biểu cho tính cách người Mường” - nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân buồn buồn chia sẻ. 
Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, ông hiểu rằng văn hóa Mường hướng dẫn con người sinh sống trên mảnh đất ấy và ngược lại, tính cách người Mường cũng "phả" vào văn hóa. Đặc biệt văn hóa Mường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ người này sang người khác. Thay vì một số dân tộc lấy chữ viết làm phương tiện chính để lưu truyền, giữ gìn và phát triển văn hóa, thì người Mường lại truyền cho nhau cái linh hồn, cái tinh túy ở chính bản thân họ và không gian văn hóa của họ.
Ông nói: “Lớp trẻ cần phải trở lại, hiểu cho được truyền thống văn hóa của người Mường mà trong đó mo là yếu tố quan trọng. Sẽ nhiều người cho rằng đề cao mo là đi ngược với xu hướng phát triển hiện đại. Tôi khẳng định lại, mo không phải là mê tín dị đoan. Mo là đời sống tâm linh mà con người neo đậu, và nếu không có mo, người Mường sẽ chẳng còn là Mường nữa".
Sinh ra và lớn lên ở Hoằng Hóa, nhưng cuộc đời nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân lại gắn bó với mảnh đất của người Mường, ở đâu có dấu chân người Mường, có những bài vía, bài mo, ông đều tìm đến, đến để hiểu, hiểu rồi say tự lúc nào. Cứ như sự ám ảnh, đến mức ông phải lọc cọc chiếc xe đạp cà tàng, mấy bộ quần áo lặn lội bản mường này đến bản mường khác để tìm hiểu về nét tính cách chân thành, thật thà, chất phác của họ. “Cả mái tóc xanh gửi lại cho rừng, nên bây giờ phơ phơ đầu bạc” - ông móm mém cười, vuốt vuốt vài sợi tóc bạc. 
Nếu điểm tên vài người trong cả nước về nghiên cứu văn hóa Mường, tôi chắc chắn sẽ có tên ông. Tên tuổi nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân không chỉ người Thanh Hóa biết đến, mà tên ông vượt qua Dốc Xây, được đồng nghiệp chú ý và ngưỡng mộ. Dù hiểu rằng văn hóa là vựa vàng nhiều người muốn khai thác. Tuy vậy, kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc ít người nói chung và người Mường nói riêng vô cùng phong phú, đã kết nối nhiều người, nhiều thế hệ, tìm hiểu và khai phá. Tuy nhiên, nó sẽ cạn kiệt nếu những thế hệ người dân tộc hôm nay không biết giữ gìn quá khứ và làm đầy nó trong tương lai. Bản thân nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân cũng không ít lần buồn vì còn nhiều bản Mường hay lắm mà ông chưa đến được, nhiều con người ông chưa chạm mặt, dù rằng những giá trị tinh hoa nhất thì mình đã hái được rồi.
Với những công trình nghiên cứu của mình, nhà sưu tầm văn hóa dân gian Hoàng Anh Nhân chính là hình ảnh đẹp của người xứ Thanh trong con mắt đồng nghiệp làm văn hóa. Đúng như ông nói, chẳng biết khi nào ông đi gặp tổ tiên, nên cái cốt cách của con người cuối cùng vẫn là văn hóa. Nếu không có văn hóa, thì mọi giá trị khác chẳng bao giờ có thể được phủ một màu sắc đẹp.
Nghỉ hưu lâu, nhưng công việc của ông chưa khi nào ngơi nghỉ. Hành trình sống và làm việc của ông còn tiếp tục. Ông bỏ qua hết mọi sân si của lẽ đời, lẽ người để âm thầm gom nhặt của nả văn hóa dân tộc. Tên tuổi của ông chính ở những tác phẩm mang thương hiệu Hoàng Anh Nhân.
                      

     K.T.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 205
 Hôm nay: 7558
 Tổng số truy cập: 12913846
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa