Tôi xin kể hai kỷ niệm, chỉ hai thôi, còn nhiều lắm kỷ niệm trong đời người làm biên tập của một tạp chí văn nghệ địa phương.
Kỷ niệm thứ nhất: Năm 1978, tôi từ phía nam được tỉnh Thanh Hóa xin về và chuyển sang Hội Văn nghệ. Vốn là thầy giáo làm thơ, ngơ ngác trước một công việc mới, nên mọi sự tôi đều im lặng, nhịn nhường. Bạn tôi làm biên tập ở đây thấy tôi về nhìn tôi lạnh lùng khó chịu. Một lần vào phòng làm việc của anh, chỉ có một câu nói xúc phạm gì đấy của bạn mà tôi phát khùng, đứng lên tát vào mặt bạn, rồi bỏ ra. Đêm về không ngủ được. Từ đó chúng tôi cứ câm lặng mà thương nhau.
Kỷ niệm thứ hai: Sau nhiều năm, tôi làm việc với một vị chủ tịch - tổng biên tập tạp chí, người mà chúng tôi đã phải lòng nhau, thân thiết từ những ngày đầu. Đến bây giờ hai đứa vẫn rất yêu nhau. Một lần, anh bảo:
- Ông Đắc ơi, tổ chức một trang về thơ Hữu Loan nhé!
Thật đúng ý tôi. Hữu Loan, người tôi yêu trọng. Thế là tôi lăn ra chọn tìm rất kỹ, viết bài rất công phu, mang lên trình tổng biên tập. Anh ấy cúi đầu lặng lẽ một lúc lâu, rồi nói:
- Thôi, bỏ trang này!
Tôi như bị choang một gậy.
- Mình chuẩn bị kỹ lắm rồi, bỏ công nhiều đấy?
- Tôi biết! Nhưng không được, người ta không cho phép.
Tôi nông nổi quá, không bình tĩnh được, nghi cho anh có ý gì cá nhân, tôi khùng lên, xé toạc cả một tập bản thảo và bỏ ra. Đêm ấy, tôi trằn trọc không ngủ được. Hai chúng tôi câm lặng mà thương nhau.
Làm biên tập của một tạp chí văn nghệ địa phương khó thật, ngỡ đơn giản mà nặng nhọc. Làm biên tập về vấn đề nào cũng có cái khó. Nhưng biên tập về Văn học nghệ thuật thì khó, khó mà không nói ra được, rất ít người thông cảm.
Cái khó thứ nhất: Người biên tập, phải thận trọng, kỹ càng không được phép sơ khoáng qua loa “sai con toán bán con trâu” mà! Sai một dấu chấm phẩy, một lỗi chính tả là có thể mang tội rồi. Bao nhiêu con mắt nhìn vào. Tạp chí là cơ quan ngôn luận của Hội, phải phục vụ xã hội đã đành, lại phải làm công tác hội viên, phong trào... Nhiều nỗi lắm. Tôi nhanh chóng rút ra mấy điều cho mình. Phải đọc để có kiến thức rộng, phải luyện để có nhạy cảm chính trị, phải chú ý tìm ra đáp ứng những yêu cầu của tạp chí về nhiều phía chính trị xã hội, tác giả tác phẩm, hội viên và quần chúng độc giả. Phải rèn luyện đức tính bình tĩnh, nghĩ kĩ mới nói, mới viết.
Cái khó thứ hai: Phải có bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm. Làm biên tập văn nghệ rất dễ có những sai sót, những sơ hở mà mình không lường trước hết được. Khi có vấn đề xảy ra, người biên tập phải bình tĩnh đương đầu, biết cái sai, cái đúng, biết đấu tranh bảo vệ cái đúng cho tạp chí, cho biên tập, cho tác giả. Người biên tập phải là nơi nương tựa chính trị cho tác giả của những tác phẩm mà mình biên tập.
Cái khó thứ ba: Phải học cách cư xử, cách nói đúng chỗ, đúng người, phải nghiêm túc khắt khe với mình để có cái nhìn nhận khách quan, công tâm, ủng hộ cái tốt đẹp, thể tất với cái có thể thể tất mà vô hại, tạo ra một không khí hài hòa, tranh cãi mà vui vẻ, tạo ra hứng khởi cho sáng tác.
Cái khó thứ tư: Người biên tập phải xác định mình làm việc biên tập không bằng quyền lực mà bằng trách nhiệm, hiểu biết và tình cảm. Biết tuân thủ những quy định hành chính cần thiết, không có quyền gì cả ngoài biên tập tìm ra cái đúng, cái hay, cái đẹp, cái mới của tác phẩm. Cố gắng làm kẻ khêu gợi, chia sẻ với tác giả và bạn đọc. Hơn nữa còn phải giữ vai trò gắn kết giữa tác giả - tác phẩm - người đọc.
Không thể cầu toàn, tuyệt đối, tùy trình độ, hoàn cảnh mà tự hoàn thiện, nhưng đã nhận làm người biên tập văn nghệ của một tạp chí địa phương phải từng bước vượt qua bốn cái khó ấy mới tỏ rõ một tay biên tập cự phách. Và, để có thể bước đến làm một cuộc hóa thân vào linh hồn của tạp chí mà mình đảm nhận.
Cái khó thứ năm: Tạp chí Văn nghệ Thanh Hóa mươi lăm năm trở lại đây mới tách ra độc lập, nhiều năm trước kia là một bộ phận không tách rời của Hội. Nhưng dẫu tách hay nhập thì tạp chí vẫn luôn luôn là linh hồn của Hội. Bỏ tạp chí thì Hội chỉ còn trơ ra công việc hành chính. Tạp chí là cầu nối giữa văn nghệ với chính trị - xã hội; giữa người sáng tác với cơ quan tổ chức sáng tác; giữa văn nghệ địa phương với các tỉnh bạn và Trung ương. Hiện nay, chúng tôi thấy có hiện tượng các Hội Văn nghệ đang bị quần chúng hóa. Cái gọi là vườn ươm bị xâm lấn. Việc giữ cho tạp chí văn nghệ làm cầu nối, tạo sự thăng bằng các mối quan hệ trên là sứ mệnh của những người làm biên tập tạp chí. Liều lượng giới thiệu những tinh hoa văn nghệ ngoài tỉnh, trong tỉnh và cả thế giới, thế nào để nó thực sự trở thành sức hấp dẫn cho sáng tác trong tỉnh. Tạp chí giúp cho việc tổ chức tập hợp đội ngũ sáng tác, xây dựng mở rộng đội ngũ sáng tác trẻ, mới, phát hiện bồi dưỡng những tài năng, góp phần tạo ra một nền văn nghệ có bản sắc truyền thống riêng vững mạnh và mới mẻ.
Cái khó thứ năm này không chỉ là cái khó của người biên tập mà còn là của toàn thể những người trực tiếp quản lý cơ quan Hội, của Ban Chấp hành, và của các hội viên. Bên cạnh chúng ta còn có tỉnh ủy, ủy ban và các ngành liên quan. Tạo ra được mối thống nhất ý chí, đồng lòng là chúng ta đã nuôi dưỡng sinh khí, thổi ngọn gió mát lành vào linh hồn văn nghệ.
Nói là làm biên tập viên văn nghệ địa phương khó, khó thật! Nhưng khó mà đã bao nhiêu thế hệ biên tập vượt qua. Khó chỗ nào thì gỡ khó mà đi. Tôi và rất nhiều biên tập đã đi thông suốt. Hình như khó và vượt cái khó để đi là sự tất yếu. Không mệt mỏi, không sợ! Đó là nơi ta học được rất nhiều và ta trưởng thành. Bây giờ nghỉ rồi, thở phào, xin có đôi lời chia sẻ cùng các bạn biên tập của tôi.
15-3-2019
V.Đ