Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Tạp chí Xứ Thanh nơi lưu giữ kỷ niệm cầm bút - Từ Nguyên Tĩnh
Tạp chí Xứ Thanh nơi lưu giữ kỷ niệm cầm bút - Từ Nguyên Tĩnh

Tạp chí Xứ Thanh, là nơi gắn bó “đời sáng tác văn học” của tôi. Tôi nói thế không hề sai. Mười năm ở bộ đội, mấy năm đi học, ba năm ở Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, rồi “đầu quân” cho Hội Văn nghệ Thanh Hóa 23 năm (6-1986 đến 11-2009 về hưu). Nhưng cái duyên “văn bút” thì trước đó, từ lúc còn là “pháo thủ trên trận địa Hàm Rồng”. Nói là: Hội Văn nghệ Thanh Hóa và Tạp chí Xứ Thanh là nơi “hình thành nên cốt cách” cầm bút, không hiểu có đúng không?
Tạp chí Xứ Thanh có tên như bây giờ, đã trải qua “nhiều sóng gió” với nhiều lần “đổi tên”; lúc chưa chính thức, gọi tạm là “Hành trình” - ý chừng muốn tỏ rõ, là “Hành trình” cùng những “khách văn chương” trên chặng đường đầy nhọc nhằn và mộng mị này. Có lúc mang tên là “bạn đường” lấy lại cái tên “Bạn đường” của người cộng sản yêu nước xứ Thanh ngày xưa... Thật ra, chủ trương để có một “bản báo” là nơi gặp gỡ và hội tụ những người viết trẻ ở Thanh Hóa, manh nha từ những năm sáu mươi. Năm 1964, lúc giặc Mỹ gây hấn trên biển Đông, cho máy bay bắn phá trên miền Bắc. Biển Lạch Trường (Thanh Hóa) cũng chịu sự oanh tạc của máy bay Mỹ. Hải Quân Việt Nam cùng lực lượng vũ trang của Thanh Hóa, bảo vệ bờ biển đã bắn rơi máy bay Mỹ. Tờ tạp chí “Người bạn văn hóa” ra đời năm đó. Nó là đứa con sinh ra để sau này làm thiên chức chiến sĩ văn nghệ trên mặt trận văn hóa tư tưởng ở xứ Thanh này. Ta đều biết, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hoạt động văn hóa văn nghệ ở các khu: Văn nghệ khu IV, Khu Ba, Khu Việt Bắc, Khu V, Khu VIII, Khu miền Đông - Nam Bộ... kể từ sau 1954 các chi hội văn nghệ không còn ở các khu nữa, mà giải tán về các tỉnh, rồi sau này rục rịch, có chủ trương “thành lập các hội văn nghệ địa phương”. Các tỉnh, thành thời đó có một tờ tin tức của tỉnh, sau thêm một đài truyền thanh, sau này là Đài Phát thanh và Truyền hình. Người viết bài cũng “hiếm như tôm tươi”. Phần nhiều từ giáo viên và một số cán bộ không chuyên trách. Các nhà báo cũng rất “nghiệp dư” lấy từ các ngành khác... Văn nghệ lúc này cũng chỉ “ăn đong” từ  những “Người bạn văn hóa” mà thôi.
Thật ra tờ tạp chí (Người bạn văn hóa) tôi không biết mặt, biết tên. Mãi  năm 1967, lúc đó chúng tôi làm pháo thủ trên trận địa Đại đội 4 gần được 2 năm. Đại đội 4 nằm trên cao điểm 54, cách cầu Hàm Rồng chưa đầy 500 mét, nói là nằm cách cầu chừng ấy, nhưng bị chắn bởi núi Mắt Rồng nên không nhìn thấy cầu, máy bay mà vào bắn phá Hàm Rồng là bổ nhào xuống trận địa, bởi trên trục nằm ngang với cầu. Có nhiều phái đoàn trong và ngoài nước đến thăm trận địa của chúng tôi. Có thể nói Đại đội 4 - Là trận địa gang thép - Là biểu tượng Anh hùng của Hàm Rồng. Có rất nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ đến tham quan, thực tế để sáng tác về chúng tôi. Phần chúng tôi, cũng tự làm ra các sản phẩm báo, cử ra người có “hoa tay” chép lại, vẽ vời trên tờ giấy tò-rô-ki, treo trên vách hầm, lán ở, đọc nhau nghe. Tôi sẽ không kể được hết tất cả những nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch đến đây. Có thể không cần thiết, và có khi cũng chả nhớ nổi. Mà người đã để lại ấn tượng nhất, có tác động đến tôi nhất, góp phần vào in bài thơ đầu tiên của tôi trên tạp chí “Người bạn văn hóa” là nhà thơ Anh Ngọc(*).
Anh Ngọc được đơn vị giới thiệu đến gặp chúng tôi (tôi và Lê Xuân Giang). Anh Ngọc có vóc dáng cao ráo, trắng trẻo nom rất thư sinh. Mà thư sinh thật, anh mới 24 tuổi, tốt nghiệp khoa văn Đại học Tổng hợp văn Hà Nội được ba năm. Anh dạy ở trường Thương Mại TW, nhưng đi sáng tác. Anh đến trận địa chúng tôi để sống với những người lính (từ ngày 20 đến 25-6-1967). Đó là sau này, khi đã là “tác giả” rồi mới kịp hiểu về anh. Lúc đó với tấm lòng khát khao được hiểu biết, muốn gặp thầy để mở lối vào “ngôi đền thơ ca” đầy cao siêu, linh thiêng và bí hiểm, tưởng chừng nó không dành cho người thường. Thú thực, tôi cũng chẳng nhớ, anh đã giảng dạy cho chúng tôi nghe về bếp núc của người viết những cái gì nữa. Chỉ thấy xúc động, cảm kích là được một người tài cao hiểu rộng “đàm đạo” với mình, nói cho mình những điều lỗ mỗ biết được gọi là “sáng tác”. Nhớ nhất là anh đọc và ghi cho mấy bài thơ của Hàn Mặc Tử, Huy Cận và Xuân Quỳnh... Bài thơ “Sóng” của chị Xuân Quỳnh hay lắm, cứ nghẹn mãi trong lòng ngực người lính trẻ lúc đó. Nhưng đọc những bài thơ ấy cũng phải “bí mật”. Vì sợ sự ủy mị làm ảnh hưởng đến sức chiến đấu.
Phải can đảm lắm, tôi mới dám chép hai, hay ba bài thơ của mình gửi cho anh cầm về gửi “tòa soạn”, không tin tưởng lắm, rằng nó sẽ được in trên sách báo. Bài thơ “Anh viết cho em” tôi đã được in trên “Người bạn văn hóa” số 9-1967 thế đấy. Tôi không dám đề tên thật, mà lấy bút danh là “Vân Anh” nên cái tên Tĩnh (Từ Nguyên) mãi sau này (1972) mới chính thức xuất hiện. Tôi dài dòng một tí vì “Người bạn văn hóa” là tiền thân của Văn nghệ Thanh Hóa, khi có chủ trương lập “Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa” năm 1969.
Lại nói, kể từ khi in bài thơ đầu tiên trên “Người bạn văn hóa”, tôi đã đến với Văn nghệ Thanh Hóa chân tình như một người em - chú lính ở Hàm Rồng. ở đấy, tôi có hai người anh, anh Mai Ngọc Thanh và anh Lê Sĩ Oanh đã nhiệt tình chào mời: Mi về đây viết văn với choa! Hội Văn nghệ Thanh Hóa được thành lập tháng 6-1974, tôi và anh Ngọc Khuê (sau này là nhạc sỹ nổi tiếng) có tên trong danh sách “hội viên thơ” sáng lập. Mấy anh ở Hội, chọn tôi làm trị sự ở văn phòng Hội. Bây giờ nghe đến chức danh “trị sự” mới hiểu là làm hành chính, nhưng lúc đó, âm vang có vẻ cám dỗ, gắn bó, gần gụi với bếp núc của sáng tác vậy. Nhưng là người lính Hàm Rồng, tôi làm sao ra quân để về Hội Văn nghệ được.
Cái duyên chưa “về với Hội” để “viết văn” như lời mời của anh Lê Sĩ Oanh. Mãi tháng 6-1986, có chủ trương ra báo nên tôi được điều về làm biên tập văn xuôi. Nhưng thật không may, từ đó đến 1993 vẫn loay hoay “mất đoàn kết” kiện cáo liên miên mà không ra được báo hoặc tạp chí. Cũng xin nhớ cho, lúc đó ra báo, hoặc tạp chí phải rất vất vả, làm xong bài vở sang Ty Văn hóa Thông tin xin “giấy phép tạm thời” (từng số một), không dám nói là người ký giấy đọc duyệt mà không ưng ý thì gạch toẹt, nên làm “tạp chí” rất nhiêu khê. Tạp chí lại nằm chung với cả Hội, biên tập cũng rất cảm tính, rất tùy tiện, thiếu chuyên nghiệp. Năm thì mười họa mới ra được một số, chen được chân vào đó thật là khó khăn như lên trời.
Đến đầu năm 1994, tình hình mới ổn định, tạp chí lúc này mới có giấy phép chính thức, do ông Lê Xuân Giang làm chủ tịch, kiêm Tổng biên tập. 
Thử làm một phép so sánh:
1. Người bạn văn hóa, in được 28 số
 (Bắt đầu có Ban Vận động từ 1969, mãi đến năm 1972 mới ra Tạp chí Văn nghệ Thanh Hóa)
2. Văn nghệ Thanh Hóa: số 1, 2, 3, 4,5  năm 1972, in được 5 số
3. Văn nghệ Thanh Hóa: số 6 và 7 năm 1973, in được 2 số
4. Văn nghệ Thanh Hóa: số 8, 9 và 10 năm 1974, in được 3 số
5. Văn nghệ Thanh Hóa: só 11, 12, 13 năm 1975, in được 3 số
6. Văn nghệ Thanh Hóa: số  14, 15, 16 năm 1976, in được 3 số
7. Văn nghệ Thanh Hóa: số 17, 18, 19 năm 1977, in được 3 số
8. Văn nghệ Thanh Hóa: số 20 và 21 năm 1978, in được 2 số
9. Văn nghệ Thanh Hóa: số 22, 23, 24 năm 1979, in được 3 số
10.    Văn nghệ Thanh Hóa: số 25 và 26 năm 1980, in được 2 số
11.    Văn nghệ Thanh Hóa: số 27, 28, 29, 30, 31, 32  năm 1981 in được 6 số
12.    Văn nghệ Thanh Hóa: số 33 và 34 năm 1982, in được 2 số
13.    Văn nghệ Thanh Hóa: số 35, 36, 37, 38 năm 1983, in được 4 số
14.    Văn nghệ Thanh Hóa: số 39, 40, 41, 42, 43 năm 1984, in được 5 số
15.    Văn nghệ Thanh Hóa: số 44, 45, 46, 47 năm 1985, in được 4 số
16.     Văn nghệ Thanh Hóa: số 48 năm 1986, in được 1 số
17.    Văn nghệ Thanh Hóa: số 49 năm 1989, in được 1 số
(Các năm 1990, 1991, 1992, 1993 hầu như không ra được số nào)
18.    Văn nghệ Thanh Hóa; số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 ,13, 14  (14 số)... in trong 3 năm 1994, 1995 và 1996. 
Như vậy, tạp chí “Người bạn văn hóa” từ năm 1964 đến khi có “Ban Vận động thành lập Hội” chỉ ra được 28 số. Tạp chí “Văn nghệ Thanh Hóa” của “Ban Vận động thành lập Hội” và sau này là tên chính thức của Hội, đến năm 1993, hơn 21 năm in được 49 số, từ năm 1994 bắt đầu có giấy phép đến hết năm 1996 in được 14 số. Để in được một bài thơ, trang văn trên tạp chí lúc này quả là gian khổ, vượt ra khỏi “dốc Xây” để bơi vào biển lớn của văn nghệ cả nước quả là khó khăn muôn trùng với người cầm bút.
Năm 1997, tôi được cử làm Tổng biên tập tạp chí “Văn nghệ Thanh Hóa”, thú thật lúc nhận việc tôi rất lúng túng. Lâu nay “to tiếng” là nói ngoài, không phải làm gì cả, bây giờ vào bếp núc, biết xoay xở ra làm sao. Tạp chí nằm trong Hội. Cái Hội “cồng kềnh” người đông nhưng không chuyên nghiệp. Trước đây vài ba tháng mới ra một số, có tiền thì in, không có tiền thì thôi. Tạp chí không đến được công chúng. Vị thế trong “làng báo”, trong lòng bạn đọc không có. Đó là chưa nói đến chuyện “cửa quyền” in bài cho bạn bè, cánh hẩu... Do Thanh Hóa mất đoàn kết liên miên, mà có thời nhắc đến “xứ Thanh” là ai cũng ngại. Câu ca “Nghệ cậy thần, Thanh cậy thế” dường như vẫn ám ảnh.
Việc quan trọng đầu tiên là tách “tạp chí” ra khỏi Hội. Tạp chí là “một cơ quan báo chí”, là “cơ quan ngôn luận” của Hội nhưng là diễn đàn của những người yêu mến và muốn sáng tác văn học nghệ thuật. Làm sao để tạp chí “bằng anh, bằng em” trên mặt trận báo chí, nhưng không phải là “người làm thông tấn”, không đánh mất “bản sắc của văn nghệ”. Muốn vậy phải có tác phẩm hay, phải có biên tập có cái mũi “thính nhậy” với tác phẩm, phải phát hiện ra thiên bẩm của người viết, động viên khuyến khích họ. Họ chưa đủ sức vươn ra biển lớn (văn nghệ cả nước) mà tập bơi ở ao nhà”... Với cái tên “Văn nghệ Thanh Hóa” thì đúng rồi, nhưng chưa hay, chưa hàm súc, chưa có chiều sâu. Tâm hồn người xứ Thanh sâu nặng lắm, chưa kết nối neo giữ hồn người xa quê và người bám trụ. Cũng tại cái ấn tượng mất đoàn kết mà nói đến “xứ Thanh” có vẻ e dè, cát cứ. Phải xóa bỏ quan niệm đó đi. Lấy lại niềm tự hào của một xứ Thanh thơ mộng “ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng”. Với niềm kiêu hãnh: “Đèo cao thì mặc đèo cao/ Trèo lên đỉnh núi ta cao hơn đèo”, “Hàm Rồng là máu là xương/ Là niềm tin của muôn phương gửi về/ Đứng trên núi Ngọc ta thề/ Đánh tan giặc Mỹ mới về thăm quê...”. Từ năm 1997, tạp chí ra hàng tháng đều đặn; tạp chí chủ động về in ấn, nhuận bút và bắt đầu mở các cuộc thi thơ, truyện ngắn... Năm 1998, tạp chí được tỉnh và Bộ Văn hóa đồng ý cho đổi tên là Xứ Thanh (cũng suy nghĩ lao lung kiểm chứng các tên: Hàm Rồng, Sông Mã, Lam Kinh...), có lẽ cái tên Xứ Thanh, tạo ra sự yên ổn, bề thế chăng?
Nếu tính từ “Người bạn văn hóa” thì tạp chí là một “lão tướng” ngoài năm mươi, nếu tính từ lúc vận động thành lập Hội cũng “ngoại tứ tuần”. Nhưng tính từ năm 1994, lúc có giấy phép chính thức, tạp chí còn rất trẻ: Tuổi 25, 25 năm ấy biết bao nhiêu tình, bao nhiêu biến động cùng quê hương đất nước. Các thế hệ biên tập: Mai Ngọc Thanh, Lê Sĩ Oanh, Lê Hữu Thuấn, Anh Chi, Hoàng Tuấn Phổ, Văn Đắc, Từ Nguyên Tĩnh, Mạnh Lê, Hoàng Trọng Cường, Nguyễn Sơn Hà, Đặng ái, Lê Xuân Giang, Lâm Bằng, Thanh Sơn, Lưu Nga, Thy Lan...
Tạp chí Xứ Thanh vui mừng là nơi chào đón, giới thiệu những tác phẩm của các nhà văn quê Thanh và các nhà văn cả nước, làm phong phú, góp phần vào nền văn nghệ của đất nước. Chúng ta không thể nào quên những cây bút xuất hiện từ khi mới là “Người bạn văn hóa”, qua “Văn nghệ Thanh Hóa” rồi đến “Tạp chí Xứ Thanh”... Đội ngũ đó trùng trùng điệp điệp, góp phần làm nên một thương hiệu “Xứ Thanh” đa dạng, phong phú, đa màu sắc. Đó là các nhà văn: Minh Hiệu, Mai Bình, Hà Khang, Thanh Đàm, Mai Ngọc Thanh, Lê Sĩ Oanh, Nguyễn Ngọc Liễn, Trần Hiệp, Phùng Gia Lộc, Lê Hữu Thuấn, Trần Hiệp, Hoàng Tuấn Phổ, Vương Anh, Bùi Nhị Lê, Lê Xuân Đức, Đỗ Văn Phác, Hà Thị Cẩm Anh, Từ Nguyên Tĩnh, Anh Chi, Đặng ái, Đào Hữu Phương, Lê Thiện Trác, Nguyễn Ngọc Quế, Quế Anh, Anh Tuấn, Hải Minh, Đào Phụng, Đỗ Xuân Thanh, Lã Hoan, Mạnh Lê, Nguyễn Văn Đệ, Vũ Thị Khương, Kiều Vượng, Nguyễn Minh Khiêm, Trịnh Ngọc Dự, Trịnh Minh Châu, Lê Văn Sự, Cẩm Hương, Đinh Ngọc Diệp, Lâm Bằng, Nguyễn Trọng Liên, Lê Đình Bằng, Viên Lan Anh...
Kể từ năm 1997 đến nay, tạp chí không còn “ăn đong” lo bài vở và tiền in ấn nhuận bút từng số một, mà có kế hoạch phát triển dài hạn... đã ra đều đặn mỗi tháng một kỳ. Mở được nhiều chuyên mục, chuyên trang, nhiều cuộc thi, có tiếng vang; nhiều tác giả trưởng thành, qua cuộc thi tên tuổi không bị chìm lấp mà trở thành hội viên sáng giá của hội chuyên ngành Trung ương và địa phương. Tạp chí Xứ Thanh là địa chỉ giao lưu, gửi gắm niềm tin yêu của bạn đọc, viết trong cả nước.
Kể từ lúc về hưu, mỗi khi qua tạp chí vẫn cảm nhận được không khí rộn ràng tổ chức một số tạp chí. Hồi hộp, lo âu, chạy từng bài vở, quảng cáo... lo “bếp núc” cho những đứa con tinh thần của mình ra đời. Không khỏi có lúc buồn rầu bởi sự “khắc nghiệt” của nghề. Nhưng vượt lên tất cả... Hội Văn nghệ, tạp chí Xứ Thanh là ngôi nhà ấm cúng, nuôi dưỡng tâm hồn và khát vọng cầm bút, và là nơi lưu giữ những kỷ niệm của các cây bút xứ Thanh... là “một xứ Thanh” rộng lớn với bao trầm tích, mà ta chưa thể nói hết, viết hết về xứ Thanh.
                                                                               

Tháng 3-2019
                                                                                     T.N.T

(*) Đại tá, nhà thơ Anh Ngọc - tên thật: Nguyễn Đức Ngọc, Sinh năm: 1943, Nơi sinh: Nghi Lộc, Nghệ An; Tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1964. Bút danh: Anh Ngọc, Ly Sơn; Thể loại: Thơ, dịch, truyện ký. Các tác phẩm: “Hương đất màu cờ” (1977), “Ngàn dặm và một bước” (1984), “Sông Mê Công bốn mặt” (1988), “Điệp khúc vô danh” (1993), “Sông núi trên vai” (1995), “Thơ tình rút từ nhật ký” (1993), “Ba cuộc đời một trái bóng” (1986), “Mạnh hơn tuyệt vọng”... Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 2.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 223
 Hôm nay: 9810
 Tổng số truy cập: 12916098
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa