Thơ tình của người cao tuổi (Đọc tập "Thơ tình của" Ban thơ CLB Hàm Rồng - Nhà xuất bản Thanh Hóa - 2018) - Lê Xuân Giang
Nói đến thơ tình nhiều người liên tưởng đến là thơ của thế hệ trẻ, bởi tuổi trẻ và tình yêu thường đi liền với nhau. Nhưng tập “Thơ tình” mà tôi giới thiệu ở đây (do Nhà xuất bản Thanh Hóa phát hành năm 2018) lại là tập “Thơ tình” của những người cao tuổi, là hội viên Câu lạc bộ Hàm Rồng Thanh Hóa.
Thơ tình của những người “xưa nay hiếm” phần lớn là những ký ức đẹp đẽ nhất, tuyệt vời nhất trong cuộc đời ở “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.
Một anh cán bộ văn hóa huyện miền xuôi thời còn trẻ lên miền núi công tác ở trong nhà một cô gái người dân tộc, cũng còn trẻ. Bây giờ cô gái nhớ lại:
Ngày ấy
Mày coi tao như mảnh trăng non
Như búp măng mới nhú trong vườn
Như nước suối ngọt khi mày khát
Như cây cầu tre nối hai bờ thác...
Và:
Bây giờ
Tao không phải là của mày
Nhưng mãi mày là của tao
Hết cả đời mày ở nguyên trong ngực tao.
Lời trong bài thơ “Lời yêu ngày ấy... bây giờ” của tác giả Trần Đàm là minh chứng cho tình yêu đầu đời của mỗi người. Nhưng thông điệp mà bài thơ “Lời yêu ngày ấy... bây giờ” mang đến không chỉ là một kỷ niệm đẹp về tình yêu mà còn là một chân lý. Chân lý ấy là: Tình yêu đích thực không nằm ở cái vỏ bên ngoài của ngôn ngữ mà nó nằm bên trong trái tim của mỗi người.
Vẫn cái mạch ký ức về tình yêu đầu đời của người cao tuổi, tác giả Văn Thiện trong bài “Hoa sữa và em” nhớ về một thời trai trẻ đầy tiếc nuối:
Có một thời mình cứ đợi chờ nhau
Cứ ý tứ để cuối cùng dang dở
Thu đã qua không còn hoa sữa
Cánh cổng trường lặng lẽ khép sau lưng...
Tác giả Lê Đình Vơn trong bài “Mối tình đầu” có cái bâng khuâng khi nhớ lại:
Trao nhau ánh mắt nụ cười
Tình đầu đâu dễ nói lời gửi trao.
Mạnh dạn hơn, trong bài “Trộm yêu” tác giả Đinh Thị Cúc bày tỏ:
Trộm hôn ngày ấy anh trao
Còn vương hương bưởi, hương cau đến giờ...
Tác giả Lê Đăng Sơn trong bài “Nhớ một thuở học trò” thú nhận:
Em sâu lắng sao tôi khờ vậy
Chẳng biết vun đầy giọt nước mắt chiều mưa...
Trong bài “Ai mang bụi đỏ đi rồi” tác giả Lê Mạnh Hợp trong một lần về thăm trường cũ, than thở:
Ai mang bụi đỏ đi rồi
Ta về bến cũ vắng người thuở xưa.
Tác giả Vũ Duy Hòa trong bài “Hoa thiên lý” lại chạnh buồn:
Tôi trở về thiên lý rụng đầy sân
Trong ngõ vắng vẫn giàn hoa ngày cũ.
“Giàn hoa ngày cũ” còn đó nhưng người cũ ở nơi nào là một câu hỏi không ai trả lời. Trong bài “Hoa xoan còn tím” tác giả Nguyễn Đức Thắng thầm trách:
Bây giờ em ở nơi đâu
Để anh đơn chiếc, một màu nhớ thương
Hoa xoan vẫn tím bên đường...
Không chỉ nhớ người cũ, có tác giả cao tuổi còn nhớ vầng trăng xưa. Trong bài “Nhớ trăng” tác giả Lê Thanh Mãi thừa nhận:
Bây giờ tóc đã bạc màu
Trăng xưa nay đã về đâu xa vời...
Tác giả Mai Vượng trong bài “Gửi Sơn Tây” đau đáu tự hỏi:
Xa xăm chốn cũ chưa về lại
Xin gửi lòng mình tới Cổ Đông
Thương lắm một thời mang yếm thủng
Xứ Đoài còn có nhớ ta không?
Trong bài “Ván bài tam cúc xuân xưa” tác giả Hưng Lâm kể lại:
Buồng nhà ấm cúng mưa xuân lạnh
Tam cúc tay tư chẳng tính tiền...
Để rồi “Anh phải vờ thua để dỗ em” nhưng vẫn không qua mắt được “Hai mẹ nhìn nhau thốt cả cười”, để đến bây giờ:
Nửa vòng trái đất, mỗi lần xuân
Lại nhớ ván bài tam cúc xuân.
Dưới tiêu đề bài thơ này tác giả ghi: “Tặng người cũ nay đã 90 xuân, cách biệt nửa vòng trái đất”. Cái thuở ban đầu nó lạ thế, có khi chưa phải là một mối tình, mà sao nó bám đuổi con người thao thiết đến vậy. Có người cho rằng: “Thà yêu rồi chia tay còn hơn không bao giờ biết đến hương vị của tình yêu”.
Nhưng trong tập “Thơ tình” của Ban thơ Câu lạc bộ Hàm Rồng không chỉ nhớ lại những mối tình dang dở đầu đời mà còn có nhiều bài thơ ca ngợi những mối tình chung thủy, gắn bó với nhau đến trọn đời như các bài: “Kỷ niệm một thời” của Nguyễn Chí Đức, “Sóng biển và sóng núi” của Sơn Hải, “Hoa đồng nội” của Cao Xuân Quỳnh, “Tâm sự người trong cuộc” của Nguyễn Thị Hải v.v...
Độc đáo nhất trong tập “Thơ tình” của Ban thơ Câu lạc bộ Hàm Rồng, (Câu lạc bộ của Lão thành cách mạng và cán bộ Trung cao cấp trong tỉnh) có lẽ là bài “Hồi sinh” của tác giả Đặng Văn Minh. Xin nói thêm rằng tác giả Đặng Văn Minh nguyên là Tư lệnh đoàn quân xe đạp thồ của Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên năm xưa, đã hai lần vợ quy tiên và bài thơ này nói về lần hỏi vợ thứ ba. Thế mà:
Anh đến với em mong bắc nhịp cầu
Câu chuyện mở đầu sao mà khó thế.
Thích ngắm em mà chẳng dám nhìn lâu
Miệng anh cười mà chân run bần bật...
Rõ ràng tình yêu không chỉ là thứ tình cảm đẹp nhất, mà còn là thứ tình cảm đặc biệt nhất của con người nên cái sự mở đầu của nó, dẫu đến lần thứ 3, vẫn làm cho người ta hồi hộp, lúng túng. Nhưng qua giây phút ấy rồi vị nguyên Tư lệnh xe đạp thồ... tỏ tình:
Người ta đến gặp em với bài ca cũ kỹ
Những món quà, lời hoa mĩ huênh hoang
Anh đến gặp em đàng hoàng giản dị
Nắm tay em anh tuyên bố rõ ràng...
Chỉ có một con người đã từng chinh chiến trên chiến trường và cả trên tình trường mới có cách hỏi vợ độc đáo đến thế. Bài thơ là dấu ấn về tình yêu của một thế hệ đã đi qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Cái vẻ đẹp của tình yêu nằm ngay trong sự thẳng thắn, thật thà và mạnh mẽ pha một chút ngang tàng của người Thanh Hóa trong cả ngôn từ và tình cảm.
Viết về tình yêu trong thời chống Mỹ, tác giả Lê Xuân Giang trong bài “Em đến thăm anh trên đồi Xê Bốn” nhớ lại:
Ôi một đêm gió lộng bờ sông
Là của năm năm trăm trận đánh
Cái phút ngồi bên nhau yên lặng
Chuẩn bị cho phút ầm ào của trận đánh hôm sau...
Và họ chia tay:
Anh không hôn em khi chúng ta tạm biệt
Tiếng súng bắn thù lưu luyến tiễn em đi.
Một cuộc chia ly mang đậm dấu ấn thời chinh chiến, với tiếng súng và tiếng ầm ào của bom đạn. Đó là tình yêu của một thế hệ, còn được neo giữ trong thơ của người cao tuổi là hội viên Câu lạc bộ Hàm Rồng.
Biết chọn đúng đề tài là tình yêu, được ví như “hạt ngọc” giấu trong tâm hồn mỗi người, nên tập “Thơ tình” của Ban thơ Câu lạc bộ Hàm Rồng đã vượt ra khỏi tình trạng thơ “khẩu hiệu” đang thịnh hành hiện nay ở các Câu lạc bộ thơ.
Xin được trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
L.X.G
Các tin liên quan