Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Bình luận văn nghệ   /   Cụng ly say cùng Nguyễn Minh Khiêm (Đọc tập thơ “Cụng ly”, Nxb Hội Nhà văn của Nguyễn Minh Khiêm) - Đỗ Xuân Thu
Cụng ly say cùng Nguyễn Minh Khiêm (Đọc tập thơ “Cụng ly”, Nxb Hội Nhà văn của Nguyễn Minh Khiêm) - Đỗ Xuân Thu

Hiếm có tập thơ nào trở thành sách gối đầu giường để thi thoảng lấy ra nhâm nhi đọc, níu giữ tôi lâu như “Cụng ly” của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm. Đây là tập thơ lục bát nhuần nhuyễn, dày dặn (121 bài, 166 trang) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2014. Ngỡ là cũ (kể cả về thời gian ra sách và thể loại thơ lục bát - ấy vậy mà mỗi lần đọc lại cho tôi thêm một lần khám phá nội dung, nghệ thuật, bút pháp, ngôn ngữ, hình ảnh mới. Trên cái nền truyền thống của quốc hồn thơ dân tộc, “Cụng ly” mới mẻ, hiện đại cả về cách nghĩ, cách cảm, cấu tứ, riêng, chung, tâm trạng, nỗi niềm, thời cuộc... Tất cả cứ hiện lên lung linh. Nguyễn Minh Khiêm đã cháy hết mình, cháy tận cùng bằng thể thơ tinh hoa của dân tộc để rồi từ đó, ông làm cho người đọc bị hết cái lạ này đến cái lạ khác cuốn hút, chinh phục. Tâm hồn ông thăng hoa. Thơ ông kết trái, tỏa hương, lọc lõi, tinh túy. 
Thường đọc nhiều thơ lục bát liền một lúc sẽ cảm thấy nhàm chán, mỏi mệt. Với “Cụng ly” thì lại khác. Mỗi bài mỗi kiểu. Mỗi bài bắt gặp một cái lạ. Mỗi bài một cách cuốn hút. Cho đến khi gấp tập thơ lại dư âm, dư vị một giọng thơ ngọt ngào, lắng đọng, ngân nga, say đắm mãi. Tôi đã gạch chân, tô màu, đánh dấu sao, gấp trang... để ghi nhớ những câu thơ tâm đắc, những bài thơ hay. Lần này đánh dấu, lần sau đánh dấu. Lần này gấp trang. Lần sau gấp trang. Chưa có tập thơ nào nói chung, lục bát nói riêng bị tôi đánh dấu, gấp, làm nhàu nhĩ nhiều như tập “Cụng ly” của Nguyễn Minh Khiêm. Đến nỗi tập thơ nhàu nhĩ như sách cũ tự bao giờ. Mỗi lần đọc lại như thêm một lần “cụng ly” cùng tác giả để rồi ngây ngất chìm đắm, vỡ ra, mở ra, trong mỗi tứ thơ, câu thơ. Tôi thả tâm trạng vào đó, thả vốn sống vào đó, thả chiêm nghiệm vào đó nhâm nhi nó và say lúc nào chẳng rõ, say không dứt ra được. 
Chủ đề “Cụng ly” khá đa dạng phong phú nhưng tập trung lại là sự trăn trở, suy tư của nhà thơ về làng quê Việt Nam, về người lính bước ra từ chiến tranh trở về làng xưa, xóm cũ, về những trăn trở của người cầm bút trước thời cuộc. Nguyễn Minh Khiêm viết rất phóng khoáng, mạnh bạo, nói đến tận cùng nỗi đau của người nông dân, của những cựu chiến binh và của giới văn nghệ sĩ. Có những điều với người khác không dám viết, không dám nói, vậy mà ông cứ tưng tửng mà viết, lách ngòi bút mà mổ xẻ, dùng thơ để bóc tách đến tận cùng tối sáng, đến ngõ ngách những chỗ khuất lấp sâu kín nhất của tình người, lòng người, hồn người, khát vọng người. Thơ là con mắt nhìn thấu, soi thấu trên - dưới, trước - sau, vui - buồn, hạnh phúc - đau đớn. Riêng tư, gia đình, làng xóm, xã hội, cuộc đời, thời cuộc hiện lên đầy suy ngẫm trong: Mảnh ruộng cuối cùng, Chạy việc cho con, Đám cưới chuột, Đi qua cổng làng, Ngọn rau, Làng qua thế kỷ... Phải có tâm thế, bản lĩnh, phải có nghệ thuật câu chữ điêu luyện mới viết được như thế. 
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, chiến thắng trở về, người lính đã thấy làng quê mình ra sao, sự biến đổi ra sao, truyền thống ra sao, sự tác động của công nghiệp hóa ra sao. Được? Mất? Rạch ròi làm sao được khi: “Vườn cau, ao cá chẳng còn/ Đường ngang, ngõ dọc chỉ toàn bê tông/ Nắng như táp lửa vào lòng/ Hừng hừng gạch đá một vùng lân tinh”. Thế nên “Lần theo ký ức tôi về/ Giữa làng mà cứ tưởng mê nhầm làng” (Tròng trành). 
Mẹ là biểu tượng của làng, của quê hương. Có đến gần chục bài thơ về mẹ được Nguyễn Minh Khiêm viết dưới các góc nhìn khác nhau. Này đây là Mười móng chân mẹ: “Chẳng còn sức bước ra đồng/ Mười móng chân mẹ cái bong, cái nhàu/ Dở nghệ, dở gạch, dở nâu/ Không nhận ra nổi cái màu tuổi thơ”, “Đi đâu vẫn cứ chân trần/ Mười ngón chân bấm lõm gần, lõm xa”. Những ngón chân ấy “tít mù việc nước, việc nhà”, “Mắt thì nửa chợp trên rừng/ Nửa chợp dưới bể, nửa lưng chừng trời”. Cả một đời mẹ lam lũ, tảo tần “Chẳng hoa văn, chẳng tượng đài/ Dáng rơm dáng rạ mủi ngoài tụng ca/ Con đi mấy chục năm xa/ Mười móng chân mẹ mở ra hồn làng”. 
Nhiều người viết về mẹ, nhưng mẹ của Nguyễn Minh khiêm là một người mẹ chân chất, lam lũ, thuần phác, đôn hậu, không biết mệt nhọc. Mẹ cứ lọm cọm buông việc nọ, mó việc kia, chẳng bao giờ chịu ngồi yên một chỗ chỉ để lo cho chồng, cho con. Đến cuối đời rồi mẹ vẫn thế. “ở nhà áo cũng mồ hôi/ Bàn chân cũng tóe máu tươi vấp sành/ Cơm niêu nược lọ một mình/ Được cây rau tốt cũng dành cho con”. Mẹ cứ chắt chiu, dành dụm quên phần mình lo cho con là vậy. Thế nên, khi con về thăm mẹ trước lúc trở lại cơ quan “Cứ toan chào mẹ rồi đi/ Không sao nói được câu gì thành câu” và “Giật mình nghe lá cau rơi/ Cứ toan chào mẹ... bỗng tôi bàng hoàng” (Nghe lá cau rơi). Ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ tự vang lên. Chuông ở chữ. Khánh ở chữ. Da diết ở chữ. Ruột thắt ở chữ. “Chỉ còn lại cái bã trầu/ Kết thành trầm tích đáy sâu hồn làng” (Câu thơ mẹ viết). Mẹ giản đơn, mà cao cả vĩ đại. Nhà thơ không nói núi mà ta thấy núi, không nói sông mà ta thấy sông, không nói biển mà ta thấy biển. Đọc xong, lòng ta có sóng, lòng ta có muối, lòng ta có gió, lòng ta có nắng. Các bài “Giọt sương khuya”, “Chữ tâm”, “Bong bóng xuống đồng”, “Thắp hương xin mẹ một lời đồng dao”... cũng tràn trề xúc động.
Chiếc điếu cày là một vật dụng bình thường, chẳng lạ lẫm với bất kỳ người dân nào trên đất nước Việt Nam. Nhưng với Nguyễn Minh Khiêm, ông nhìn thấy nó có ma lực. Nó có sức mạnh siêu nhiên, huyền bí. Nó mang đến sức mạnh thần thánh giúp người dân chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng lũ lụt đói nghèo, chiến thắng thù trong giặc ngoài. Nó làm tan bão tố sóng thần, làm tan lô cốt, hầm ngầm, xe tăng đại bác. Người dân Việt Nam và chiếc điếu cày đã viết nên huyền thoại dựng nước và giữ nước. “Đời cha như chiếc điếu cày/ Đi qua trăm tuổi chẳng hay mình già”, “Trước sau thú dữ rập rình/ Rít xong điếu thuốc lại lành như không”, “Tóc làng phờ phạc lo âu/ Cha ngồi với điếu thuốc lào trắng đêm/ Lửa rít vào, khói phà lên/ Thác ghềnh, sấm sét lại êm như thường”. Giữa đạn bom, xe tăng, đại bác bủa vây, vậy mà hình ảnh người cha “Bên hông vẫn chiếc điếu cày/ Vào dinh Độc Lập ngồi say thuốc lào”, để rồi khi về làng “Huân chương hạng thấp hạng cao/ Cha quên trên vách qua bao tháng ngày”. Lạc quan, tự tin, đĩnh đạc, bình tâm, ung dung, tự tại đến thế là cùng. Cha đúng là chỗ dựa cho con trên bước đường đời. 
Viết về cha, Nguyễn Minh Khiêm có những bài lục bát cực hay. Bài “Cha” ông viết thật xúc động. Người cha chân quê, chất phác, thật thà như đếm ấy sao mà đáng yêu đến thế. “Bốn mùa áo lính một màu/ Chưa năm mươi tuổi mà râu đầy cằm”, “Thuốc lào cứ rít liên hồi/ Bảo cho tỉnh ngủ như thời chiến tranh/ Dạy con theo kiểu nhà binh/ Cứ ra mệnh lệnh như mình chỉ huy”, “Trong người không dính một xu/ Cần chi cũng hỏi xin u mấy đồng/ Đốt hương một nắm to đùng/ Mộ nào cũng cắm khắp vùng nghĩa trang/ Con còn đang học dở dang/ Cứ gạ nhập ngũ lên đường tòng quân/ Người ta vui Tết đón xuân/ Cha khóc đồng đội xả thân không về/ Ba lô đạn thủng tứ bề/ Quanh năm làm gối cha kê đầu giường”... Không biết trích dẫn bao nhiêu câu được nữa vì câu nào cũng hay, cũng xúc động rơi nước mắt. 
Còn đây là những bài thơ về làng của ông. Ông yêu làng, tự hào về làng, thương làng, da diết về làng, trăn trở muôn nỗi về làng. Máu cô vào chữ, nước mắt cô vào chữ. Tâm trạng giày vò cô vào chữ: “Báo đài làng đẹp như công/ Hết mùa vẫn cứ tay không vào nhà/ Thóc gạo đội nón bước ra/ Trăm nghìn thứ rễ quỷ ma bò vào”, “Hội mùa ngợp cả bóng bay/ Trâu bò tưởng cũng lên mây rượu mừng/ Lời ca vướng sợi dây thừng/ Trăm năm vẫn thế chưa từng cởi ra (Đi qua cổng làng)...; “Thẫn thờ gói bạc trong tay/ Ruột như xát muối, ớt cay đắng lòng/ Còn một mảnh ruộng cuối cùng/ Bao cửa ép xuống, bao vòng ép lên/ Giấy mời hội họp triền miên/ Cấp dưới giải thích, cấp trên thỉnh cầu...”, để rồi “rào trước, đón sau”, phân tích lý lẽ đủ đường, kể cả viện dẫn “Nào đảng viên của quê ta/ Chưa ai loại bốn, loại ba bao giờ” cho đến khi phải nhận tiền đền bù để “Bao đời gốc rễ nhà nông/ Vần xoay phút chốc bỗng không ruộng cày/ Cầm tiền là để trắng tay/ Cầm tiền là để rồi đây bỏ làng/ Tấc đất vái lạy tấc vàng/ Càng đô thị hóa lại càng chênh chao” (Mảnh ruộng cuối cùng). Hay “Ru nhau tấc đất tấc vàng/ Càng ôm câu hát lại càng trắng tay” (Ngắm khói). “Chia tiền bán đất cho con/ Không chia hết được bồ hòn lòng cha” (Con ong cái kiến gọi tên dân thường)... “Làng qua thế kỷ hai mươi/ Cuốc cày vẫn cứ mồ hôi ngập làng”, “Nô-en về đứng giữa đình/ Quốc ca nhiều lúc một mình vẫn ca/ Hai mươi thế kỷ đi qua/ Giật mình không thể nhận ra nổi làng” (Làng qua thế kỷ), “Cái giàu vẫn ở tầm xa/ Sắn khoai vẫn hát quốc ca trong bồ/ Làng cầm hai tiếng nam mô/ Cất trong rơm rạ làm tờ cẩm nang” (Cuối thu). 
Một loạt các bài về làng nữa như “Lượn phố”, “Phù sa hồn làng”, “Xóm ăn mày”, “Nhặt câu hát cũ”, “Trong lũ”, “Nón mê”, “Ngọn rau”... có quá nhiều câu hay, đoạn hay tôi không thể trích dẫn và bình luận ra ở đây vì khuôn khổ bài viết có hạn. Sống hời hợt, hiểu hời hợt, tri thức hời hợt không viết được thế. Phải đắm đuối với làng, xương thịt với làng, mồ hôi nước mắt với làng, xuyên thấu phận người, tình người, sống rất người mới viết được tận cùng gan ruột thế.
Một mảng đề tài nữa trong “Cụng ly” đó là người lính bước ra từ cuộc chiến. Từ người cha (Cha) đến các đồng đội của ông, bản thân ông và con em của họ nữa. Tất cả những gì là sự thực, là mất mát, hy sinh đều đã được hiện lên dưới ngòi bút nghệ thuật của ông. Nhiều bài đọc nhói lòng, xa xót. 
“Người ta vui tết đón xuân/ Cha khóc đồng đội xả thân không về/ Ba lô trúng đạn tứ bề/ Quanh năm làm gối cha kê đầu giường” (Cha). “Tưởng rằng kết thúc chiến tranh/ Hạnh phúc sống giữa gia đình... như mơ/ Nào hay hơn sóng xô bờ/ Bão không có gió xác xơ cây tàn/ Mình anh thành một binh đoàn/ Lặng im tháo gỡ trăm ngàn nỗi đau”, “Con thì chất độc da cam/ Vợ thì quần quật cả năm không cười” (Người lính). Người chiến sĩ oai hùng năm xưa nay về với đời thường làm đủ nghề để mưu sinh. Đây là anh xe ôm: “Gật gà úp mũ tựa cây/ Khi tê gió bấc, khi cay trời nồm”, “Nghe hai tiếng gọi: Xe ôm!/ Giật mình cứ ngỡ tiếng bom dội về”. Đây là anh thương binh mù: “Bao nhiêu bằng thấp bằng cao/ Bao nhiêu trường lớp thuở nào ghi danh/ Đi qua một cuộc chiến tranh/ Trở về làm cậu học sinh cuối đời”, “Ngón tay cầm súng bóp cò/ Ngón tay giờ lại lần mò thực hư” (Chữ nổi). 
Đọc bài “Chạy việc cho con” mà quặn thắt, xót xa: “Biết là sẽ hết thanh cao/ Hết liêm chính, hết tự hào thẳng ngay/ Hết ý đẹp, hết lời hay/ Sáng trong, mẫu mực khói mây chẳng còn/ Đem tiền chạy việc cho con/ Niềm vui đứt ruột, nỗi buồn nẫu xương”, “Hạ mình vái lạy gần xa/ Càng nhiều lần đếm, mặn mà càng cao/ Tiền đồ theo mức phong bao/ Khi ra lễ tạ, khi vào cảm ơn”, “Trăm lần chạy việc cho con/ Trăm lần tự hỏi có còn mình không”. Trời ơi! Thói đời, thời cuộc! Người chiến đấu giành giật lấy non sông, hy sinh thân mình cho hòa bình, độc lập thế mà giờ đây phải nhẫn nhịn, hạ mình đến thế đó. Chỉ vì tương lai của con mà người cha phải như thế. Đau lắm chứ. Đúng là “Chiến trường mở phía miếng ăn” nên khi “Trao nhà cho bạn mà đau/ Một thời trận mạc qua bao chiến trường/ Đạn còn trong thịt, trong xương/ Không đồng trợ cấp, không thương tật gì”, “Kẻ thù chẳng hiện mặt ra/ Âm thầm chất độc truyền qua mấy đời” để về  “giờ nương náu dưới mồ hôi bạn bè”. Trao nhà cho đồng đội nhiễm chất độc da cam là thế: “Ôm nhau chụp một tấm hình/ Mặc cho nước mắt rơi thành ngày xưa” (Trao nhà cho bạn).
Giọng thơ uất nghẹn khi viết về những nhũng nhiễu, tiêu cực trong xã hội: “Kẻ chuyên móc túi dân lành/ Lại không phải kẻ lưu manh xe tàu/ Cứ hoa mắt bởi đèn màu/ Chỗ nào cũng thấy thi nhau tuýt còi” (Từ rừng ra phố). “Dạo qua cổng chợ quan trường/ Giật mình hang hốc, kinh hoàng bão lay/ Chỉ cần một cái ngoắc tay/ Có khi cả thế gian này chuyển rung/ Chỉ cần vài tiếng trống không/ Bao nhiêu số phận long đong một đời/ Chỉ cần cái nhếch mép cười/ Bao nhiêu tai họa ập rơi xuống đầu” (Lắng trong tiếng mẹ à ơi). “Ngọn đèn vừa ló mặt ra/ Bao nhiêu ngọn gió lấy đà bão giông” (Lượn phố). “Dựng lên bao thánh, bao thần/ Hồ sơ lý lịch vẫn dân Chí Phèo” (Giọt sương khuya). “Mồ hôi tưởng dựng thành trì/ Ai hay sương khói bay đi không lời” (Dột lòng)... “Nghe người ợ cũng khen hay/ Buông xuôi bằng cách giơ tay thẳng đầu” (Ngắm giọt máu mình)... 
Mảng Nguyễn Minh Khiêm viết về giới văn nghệ sĩ cũng khá đậm trong tập thơ này. Những người “Quanh năm hít bụi khen chê/ Vãi nghìn nong chữ thu về một câu/ Xé lòng làm vạn lá dâu/ Rải vào nhân thế khấn cầu tơ vương”, “Rút ruột gan bỏ bùa người/ Người chưa ăn phải, một đời mình mê” (Tái sinh), “Dọc ngang chăng khắp bầu trời/ Cái loài thi sĩ cả đời giăng tơ” (Tơ), “Rót đầy chén lú, ly mê/ Nhắm tan tác nhớ, nhắm tê tái buồn/ Dốc chai còn giọt bồ hòn/ Cạn cho thác đổ mưa tuôn lệch trời” (Phía sau tia nắng), “Khoét mình ra để vi vu” (Sáo trúc), “Đào cho sợi tóc thành sông/ Xối cho con chữ bung trong, bật ngoài” (Rũ thơ), “Lột mình làm lạt trắng đêm/ Cắt ra trăm miếng mà têm thành trầu” (Bán thơ)... Cứ thế, anh rút ruột gan ra mà viết, nói hộ bao nhiêu văn nghệ sĩ cùng giới. Vươn tới cái Đẹp, tìm đến cái Chân, cái Thiện để cuộc đời này thành thơ, thành nhạc, thành những tác phẩm nghệ thuật vút bay lên, xua đi cái ác, cái xấu. Đó là cái nghiệp, là chức năng thiên phú cho văn nghệ sĩ, trong đó có Nguyễn Minh Khiêm. 
121 bài thơ lục bát, mở đầu là “Cụng ly”, kết thúc là “Rót mình ta say”. Tôi đã nhấm nháp, nhâm nhi từng câu, từng chữ, từng bài của anh. Bài nào cũng tuyệt. Nghệ thuật câu từ, đăng đối, lấp lánh ca dao, gần gũi dân dã mà vẫn hiện đại, mới lạ. Không hề có cặp lục bát nào lặp vần, gần vần. Không cố tình bẻ câu, ngắt chữ. Không tù mù, rối rắm câu chữ đánh đố người đọc. Trái lại, ông chắt lọc từ ngữ, chọn lọc từ khá đắt, đặt đúng chỗ, rất đắc địa. Hình ảnh thi tứ cứ hiện lên lấp lánh, ám ảnh người đọc. Đặc biệt, ông mạnh dạn đi tới tận cùng của vấn đề, không ngại động chạm. Bởi thế nên, cả 121 bài thơ cứ gọi nhau xếp hàng tới với người đọc, để rồi lắng đọng ở lại mãi trong tâm hồn độc giả. 
“Bấy giờ ta rót cho nhau/ Bao nhiêu khoảng lặng thẳm sâu cuộc đời”, “Dấu chân nhặt dưới phận người/ Mỗi thằng một mảnh... Xin mời... Cụng ly!” (Cụng ly) để “Thơ như rượu đổ vào bình/ Bất chợt ta lại rót mình ra say”, “Nếu được dâng khắp mọi miền/ Xin không giữ lại bản quyền trái tim” (Rót mình ra say). Vâng, anh “rót mình ra say” và tôi cũng đã say, đang say cùng anh đây. Nỗi say nhân thế, thời cuộc, nỗi say tình yêu cuộc sống, nỗi say lục bát Nguyễn Minh Khiêm. Cần gì phải “hiện đại” với “hậu hiện đại”, cứ lục bát mà thơ như ông đã mĩ mãn rồi. Đúng là đi tới tận cùng của dân tộc sẽ gặp được thời đại của chúng ta. Cảm ơn thi sĩ đã cho tôi một tình yêu như thế.
                              

 Đ.X.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 266
 Hôm nay: 1003
 Tổng số truy cập: 12920600
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa