Đặc sắc tiểu thuyết Đỗ Bích Thúy (Đọc tiểu thuyết "Lặng yên dưới vực sâu", Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017) - Lê Tú Anh
Đỗ Bích Thúy viết khỏe và có nhiều sáng tác gây ấn tượng, nhất là về đề tài miền núi. Các tiểu thuyết Bóng của cây sồi (2005), Cánh chim kiêu hãnh (2013), Chúa đất (2015), Lặng yên dưới vực sâu (2017) tập trung viết về vùng cao Hà Giang - nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Dao... đã thể hiện vốn hiểu biết sâu rộng về mảnh đất và con người nơi đây. Với những sáng tác này, Đỗ Bích Thúy xứng đáng được xem là “một trong những cây bút nữ quan trọng nhất hiện nay ở mảng văn học về đề tài miền núi”(Trần Đăng Khoa). Không chỉ viết bằng một tâm hồn thấm đẫm chất “miền rừng”, Đỗ Bích Thúy còn thể hiện một khả năng tưởng tượng dồi dào, một tư duy đậm chất tiểu thuyết hiện đại và đặc biệt, bằng một cách tổ chức trần thuật hấp dẫn. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi nói về tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu.
Trước hết có thể thấy, Lặng yên dưới vực sâu có cách tổ chức cốt truyện hấp dẫn, nhiều kịch tính. Khác với Bóng của cây sồi(1) miêu tả sự đổi thay đến chóng mặt trong đời sống của đồng bào Dao ở Lao Chải trước cơn lốc của nền kinh tế thị trường, của quá trình đô thị hóa, các biến cố được miêu tả trong Lặng yên dưới vực sâu không lớn, không mang tính xã hội ảnh hưởng đến cuộc sống của cả cộng đồng, mà gắn với số phận của từng con người cụ thể. Nhưng phía sau những câu chuyện tưởng riêng tư, người ta vẫn thấy bầu khí quyển của thời hiện tại bao trùm. Dù vậy, theo tôi, đó không phải là một cách “giải miền núi”. Điều thú vị ở đây là cảm xúc mà nhà văn đưa tới cho độc giả. Theo dõi tiến trình sự kiện, người đọc nhiều khi bị bất ngờ. Có những số phận tưởng đã an bài, có nhiều câu chuyện tưởng đã xong xuôi, nhưng cuối cùng tất cả đều bị đảo lộn, xới tung, đi ra ngoài phán đoán, và đôi khi là mong muốn của độc giả. Chẳng hạn: Xí bỏ đi trong buổi sáng nhà Vừ đến đón dâu, Súa nhìn thấy Phống và Chía đang quấn chặt lấy nhau trong tấm chăn do chính Súa dệt, Phống không phải là con đẻ của ông Dìn, Súa không đến chỗ hẹn để cùng Vừ trốn đi một nơi khác... Với hơn 200 trang sách, Đỗ Bích Thúy đã dẫn dắt người đọc qua nhiều cảm xúc phức tạp: lúc thư thái, khi hồi hộp; lúc nhẹ nhõm, khi trĩu nặng suy tư; rồi lo âu, tiếc nuối, mong mỏi... Tiếc là kết thúc tác phẩm hơi “nhạt”, hơi thiếu cái nhìn lạc quan rất cần thiết trong cuộc sống, khiến cho người đọc có thể, ở một mức độ nào đó, cảm thấy hụt hẫng.
Tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu cũng đem đến nhiều suy ngẫm sâu sắc về thân phận con người. Dù ở một nơi thuộc vùng biên giới phía Bắc có địa hình cao như U Khố Sủ “nhiều nhất chỉ là núi với vực” nhưng con người không gặp quá nhiều khó khăn về mưu sinh. Dường như trong con mắt nhà văn, những gian khổ của cuộc mưu sinh là không đáng kể. Đời sống của đồng bào Mông ở vùng cao Hà Giang qua tiểu thuyết này của Đỗ Bích Thúy hiện ra khá bình lặng, chỉ có sóng gió và giông bão trong nội tâm con người. Bi kịch của các nhân vật chủ yếu xoay quanh chủ đề tình yêu, hôn nhân, gia đình. Trừ cái chết của ông nội Vừ, còn lại, mọi nỗi khổ của các nhân vật trong tác phẩm đều do chính con người đưa tới cho nhau. Súa có một tuổi thơ đau buồn vì mẹ mất sớm, cha lấy vợ khác. Kỷ vật còn lại của mẹ là chiếc gối thêu hoa cúc đỏ, ruột gối là quả bông cây gạo mẹ làm cho Súa khi còn sống. Sau này lớn, có chồng, cuộc sống của Súa là chuỗi ngày chịu đựng khủng khiếp những giày vò về thân xác cùng những tiếc nuối, dằn vặt, đau đớn tâm hồn bên cạnh một người chồng không hề có tình yêu. Phống cướp được Súa từ tay Vừ về làm vợ, niềm hạnh phúc thực sự chỉ có được khi Súa sinh cho Phống đứa con trai, còn lại, cuộc sống vợ chồng với Phống là chuỗi ngày chán nản vì Súa như cái xác không hồn. Phống dù giữ được thân xác Súa ở bên cạnh, nhưng không khi nào có được tình cảm/tình yêu của Súa. Quá nhiều lần thất vọng, hụt hẫng nên khi bị Súa bắt gặp đang ôm ấp cái Chía - em dâu của Phống, Phống không những không sợ hãi mà còn bắt vợ chứng kiến như một sự trả thù trong trạng thái gần như tuyệt vọng: “Tao chán lắm rồi. Sống thế này thì chết còn sướng hơn. Mày muốn thì tao mang trả cho thằng Vừ đấy”(2). Tuy vậy, kết cục “lặng yên dưới vực sâu” của Phống không chỉ xuất phát từ tâm trạng tuyệt vọng vì hôn nhân bế tắc, mà còn vì sự thật về thân phận được sáng tỏ: Phống không phải là con đẻ của ông Dìn. Suy cho cùng, Phống chính là người chịu nhiều bi kịch nhất so với các nhân vật còn lại trong tác phẩm. Vừ đã rơi không biết bao nhiêu là nước mắt vì cha mất do tai nạn giao thông, mẹ để Vừ cho ông bà nội nuôi để đi lấy chồng: “Vừ đã trải qua nhiều năm liền chỉ biết khóc. Nước mắt ở đâu ra mà lắm thế, chảy suốt ngày. Cứ nghĩ đến mẹ lại khóc”(3). Đến tuổi trưởng thành, Vừ bị Phống cướp mất Súa. Tìm mọi cách lấy lại nhưng không được, Vừ đau khổ muốn chết. Vừ cũng không thể có được tình cảm yêu đương với Xí, cho dù Xí là cô gái xinh đẹp, ngoan hiền, chịu khó và rất yêu thương, sẵn sàng xoa dịu những nỗi đau của Vừ. Sau cùng Phống chết, những tưởng Vừ có thể được cùng Súa tái hợp thì mặc cảm không còn xứng đáng ở Súa cứ đẩy hai người rời xa nhau mãi mãi. Chía xinh đẹp nhưng bị câm. Lấy chồng từ lúc thằng Dính - chồng Chía còn là một đứa trẻ điếc, chưa biết làm chồng. Sự gần gũi với gia đình chị dâu đã khiến Chía nảy sinh tình cảm yêu đương với anh họ của chồng. Bị chị dâu bắt gặp, Chía đau đớn, xấu hổ, tìm đến cái chết... Có thể thấy, mỗi nhân vật trong tiểu thuyết có một cảnh ngộ riêng, nhưng nhìn chung, số phận nào cũng chứa đựng nghịch cảnh, tâm hồn nào cũng từng bị tổn thương với ít nhiều nỗi khổ đau, khi bùng phát dữ dội, khi âm ỉ, tiềm tàng. Bởi vậy, miêu tả tâm lý nhân vật cũng là một phương diện thể hiện tài năng của Đỗ Bích Thúy. Từ đó có thể thấy, trong quan niệm về con người của nhà văn, đời sống tinh thần đáng quan tâm hơn những lo toan vật chất và mưu sinh thường nhật. Cách nhìn con người như thế thể hiện một nhận thức sâu sắc về thể loại, cho dù tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy thường được viết với dung lượng không lớn.
Cũng như hầu hết tiểu thuyết còn lại của Đỗ Bích Thúy, Lặng yên dưới vực sâu được trần thuật từ điểm nhìn ngôi thứ ba, tức là điểm nhìn của nhân vật, của người tham dự. Chọn điểm nhìn này, Đỗ Bích Thúy đã chủ động “trao quyền trần thuật” cho tất cả các nhân vật trong tác phẩm. Có thể nói, trong Lặng yên dưới vực sâu, có bao nhiêu nhân vật thì có bấy nhiêu dạng lời trần thuật. Mỗi nhân vật một câu chuyện, một cách kể riêng: có khi là giọng kể đầy nỗi u buồn của Súa, của Vừ; có lúc là giọng kiêu ngạo của Phống; trong giọng trong trẻo của Xí, người ta vẫn thấy nhiều âu lo; có khi là tiếng nói “đồng thanh tương ứng” của cả ông và bà nội Vừ trước những đau khổ của thằng cháu nội; có khi nhà văn bất ngờ chuyển điểm nhìn ngay trong một đoạn, từ Súa sang đám đông, tạo cơ hội cho nhiều tiếng nói khác nhau cùng cất lên: “Súa nhìn những bông tuyết đang chồng lên nhau mỗi lúc một dày trên lối đi, thấy mình chẳng hơn gì tuyết. Trời cho rơi xuống đâu thì đậu đấy. Nắng lên thì sẽ tan ra. Tan ra và biến mất. Súa đã biến mất rồi. Bây giờ hỏi Súa không ai trả lời nữa. Trong nhà ngoài nhà, đều gọi Súa là vợ Phống. Vợ Phống à, mày phải đẻ đi chứ. Hai ba bốn đứa vào. Đẻ nhiều vào không thì chẳng tiêu hết tiền của nhà họ Tráng đâu”(4). Bên cạnh việc tạo nên lời trần thuật khách quan, nhiều giọng, cách trần thuật này còn giúp nhà văn có thể xáo trộn các khoảng thời gian, tạo nên sự lưu chuyển, đan cài giữa quá khứ và hiện tại, đưa đến cảm giác về một cuộc sống đang mở ngỏ.
Trong thành phần của lời trần thuật, cùng với ngôn ngữ đối thoại và lời kể của các nhân vật, còn có ngôn ngữ của người kể chuyện đứng ngoài, không tham dự. Người kể này trong Lặng yên dưới vực sâu luôn thể hiện một khả năng quan sát rất tinh tế và có cách tả cảnh, tả người đặc biệt sinh động, ấn tượng. Nhiều phân cảnh trong tiểu thuyết, chẳng hạn cảnh Vừ và Phống đánh nhau (trang 47), cảnh Phống chở Súa từ nhà bố Súa về nhà mình (trang 55), cảnh Vừ buồn chán vì mất Súa rồi uống rượu say (trang 65)... hiện ra như là những cảnh có thật, đang diễn ra trước mắt. Đây cũng chính là một trong những lý do cơ bản khiến tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy nhanh chóng được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh.
Ngôn ngữ trần thuật cũng góp phần làm cho tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn. Ngoài việc dùng nhiều câu đơn, câu ngắn để tạo một dung lượng vừa phải cho tiểu thuyết, phù hợp với tâm lý của độc giả hiện đại và thể hiện được nét riêng trong tư duy của người miền núi (ngắn gọn, rõ ràng), Đỗ Bích Thúy còn đưa vào lời kể (của người trần thuật tham dự lẫn người trần thuật không tham dự) nhiều cách nói, nhiều so sánh, ví von đặc sắc, thú vị. Chẳng hạn: “Phống nghĩ gì là việc của Phống, không liên quan tới Súa. Súa nghĩ xong rồi, sống cũng xong rồi, không phải nghĩ nữa”(5); “Bụng Vừ mỗi lúc một nóng như nuốt phải nước sôi”(6); “Vừ bây giờ giống cái chai đựng rượu”(7); “Càng lúc Súa càng như cái cây, mọc rễ rất sâu ở nhà Phống”(8)... Những cách nói nghe qua tưởng thật thà, giản dị, mà thực ra là diễn tả rất chính xác về đối tượng và đầy biểu cảm, đánh thức trí tưởng tượng. Có thể thấy, Đỗ Bích Thúy rất am tường ngôn ngữ của người vùng cao. Và phía sau cái lớp vỏ ngôn ngữ ấy, cả tâm hồn, tình cảm, văn hóa, phong tục, nếp sống... của người vùng cao đều thấm đẫm trong ngòi bút của Đỗ Bích Thúy.
Chưa thể nói là đặc sắc, nhưng một nét khác biệt trong tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy so với các ấn phẩm cùng thời cũng cần phải nói đến là tiểu thuyết có dùng tranh vẽ minh họa. Toàn bộ tác phẩm có bốn bức tranh trắng đen nằm ở các trang: 18, 72, 136, 204. Các bức tranh này đều mô phỏng những biến cố trọng đại trong cuộc đời của các nhân vật chính như một cách nhấn mạnh, khắc sâu vào tâm trí người đọc. Nhưng người đọc dù nhớ hay quên thì chắc chắn những bức tranh này cũng làm thay đổi động hình của độc giả trong quá trình đọc. Và dù đây là việc không hoàn toàn mới thì rõ ràng, nó vẫn cho thấy một nỗ lực làm cho tiểu thuyết của nhà văn trở nên thú vị và hấp dẫn hơn với người đọc, nhất là người đọc trong kỷ nguyên số.
Đỗ Bích Thúy sinh ra và lớn lên tại Hà Giang. Bởi vậy, các sáng tác của cô phần lớn viết về cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (Tày, Dao, Mông...) ở vùng cao này. Nhưng qua các tiểu thuyết của cô, trong đó có Lặng yên dưới vực sâu, khái niệm “thiểu số” đã được làm sáng tỏ theo cách hiểu của Kafka và Deleuze(9). Nó “không hề có nghĩa là nhỏ bé hơn, thấp kém hơn”. Trong cái cặp đối lập nhị phân thiểu số, đa số, nếu không dừng lại ở vấn đề chữ viết mà nhìn rộng ra thì nó chỉ nói lên một mối quan hệ mà thiểu số là chỗ đứng khiêm nhường để sáng tác văn chương. Nhưng chính cái vị trí khiêm nhường lại được Đỗ Bích Thúy biến thành lợi thế. Khi mà những sáng tác thuộc về đa số đôi lúc đã rơi vào tình trạng nhàm, lặp hoặc không mới, nó khiến người ta trở nên háo hức hơn với những mới lạ. Mà văn chương nói riêng, nghệ thuật nói chung, suy cho cùng, còn có gì hấp dẫn hơn là sự mới lạ. Sáng tạo không ngừng trên tinh thần nhân bản là thuộc tính cũng là phẩm chất của nghệ thuật muôn đời. Đỗ Bích Thúy đang dồi dào năng lượng để sáng tác nào của cô cũng chứa đựng cái thuộc tính đó của văn chương.
L.T.A